Đông Nam Á Trở Thành “bãi Rác” Của Các Nước Giàu

Các nước giàu xuất khẩu hàng triệu tấn rác nhựa đến Đông Nam Á, nơi các hệ thống tái chế đang quá tải, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng, theo một cuộc điều tra chung được công bố mới đây của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) và Liên minh toàn cầu về các biện pháp thay thế lò đốt rác (GAIA).

Đầu năm 2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa để tái chế, khiến hoạt động buôn bán rác thải nhựa toàn cầu rơi vào hỗn loạn. Các nhà điều tra của Greenpeace và GAIA đã thu thập dữ liệu từ 21 nước nhập và xuất khẩu rác nhựa hàng đầu thế giới trước và sau lệnh cấm của Trung Quốc.

Họ phát hiện thấy rằng hơn một nửa lượng rác nhựa, khoảng hơn ba triệu tấn mỗi năm, vốn trước đây xuất khẩu vào Trung Quốc thì nay chuyển hướng đến Đông Nam Á.

Bãi rác thải nhựa khổng lồ ở làng Jenjarom, cách thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) 50km. (Ảnh: New Straits Times)

Thái Lan, Malaysia và Việt Nam là những nước nơi các núi rác thải nhựa ngày mỗi chất cao khi các nước giàu đẩy mạnh xuất khẩu rác nhựa vào Đông Nam Á.

“Các nước này không có đủ năng lực để xử lý một lượng rác thải khổng lồ nhập khẩu từ nước ngoài vì vậy, tình trạng ô nhiễm đang xảy ra ở môi trường địa phương của họ”, nhà vận động cấp cao Kate Lin của chi nhánh Greenpeace tại Đông Á, nói.

Những núi rác nhựa khổng lồ khoảng 19.000 tấn đang bị vứt bỏ giữa một đồn điền trồng dầu cọ ở làng Jenjarom, cách thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) 50km. Các tấm nhãn trên các chai nhựa, bao bì nhựa, thùng carton ở đây cho thấy nguồn gốc của chúng phần lớn đến từ các nền kinh tế giàu ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Pua Lay Peng, một nhà vận động bảo vệ môi trường ở Jenjarom, cho biết người dân địa phương đang gánh các hậu quả.

“Họ cứ xả những rác nhựa không thể tái chế rồi đốt chúng ở đằng sau nhà máy xử lý rác thải trái phép. Vì vậy, hơi khói độc hại thực sự gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho người dân của chúng tôi”, Pua Lay Peng than phiền.

Kate Lin cho biết các nước giàu đang “xuất khẩu” các vấn đề rác thải của họ. Bà nói: “Họ có các cơ sở thu gom rác hiện đại nhưng họ thực sự đang tống phân nửa lượng rác thu gom sang các nước khác. Trước khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác nhựa, họ chỉ xuất khẩu chúng sang Trung Quốc nhưng giờ đây họ tìm những địa điểm mới để chuyển rác thải đến”.

Một số nước Đông Nam Á bắt đầu hạn chế nhập khẩu rác thải nhựa, khiến chúng bị đẩy sang các thị trường ít quản lý gắt gao hơn như Indonesia và Ấn Độ.

Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường Philippines biểu tình yêu cầu Canada nhận lại hàng ngàn tấn rác thải xuất khẩu trái phép sang Philippines. (Ảnh: CNN Philippines)

Tại một hội nghị của Liên hợp quốc diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 29/4 đên 10/5, các quan chức đến từ hơn 180 nước thành viên của Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu huỷ chúng, đã thảo luận đề xuất buộc các nước xuất khẩu rác thải nhựa phải nhận được sự cho phép của các nước tiếp nhận rác thải nhựa trước khi xuất khẩu chúng, một quy chế đang được áp dụng cho rác thải độc hại.

Pua Lay Peng cho rằng đối với những người dân đang chịu đựng các hậu quả của rác thải nhựa, những sự thay đổi đó là chưa đủ. “Chúng ta đang tự giết chúng ta khi sử dụng quá nhiều sản phẩm nhựa. Chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào các sản phẩm nhựa. Các nước khác hãy quản lý và xử lý rác thải của họ, đừng xả chúng vào nước chúng tôi”.

Greenpeace cho biết giải pháp cuối cùng không phải là cải thiện năng lực xử lý rác thải mà là phải cắt giảm mạnh sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa trên thế giới.

Hôm 4/5, Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada cho biết sẽ “hồi hương” hàng ngàn tấn rác thải của Canada đang phân hủy ở các cảng của Philippines. Công ty Chronic Plastics (Canada) đã vận chuyển hơn 103 container chứa rác thải với trọng lượng 2.450 tấn đến Manila (Philippines) trong nhiều đợt từ năm 2013 đến 2014.

Công ty này khai báo đây là các container rác nhựa tái chế nhưng sau đó, các thanh tra hải quan Philppines phát hiện chúng chứa rác thải điện tử và sinh hoạt bao gồm tã người lớn và rác nhà bếp. Một số container rác thải này cho đến nay vẫn còn nằm tại cảng Manila.

Hôm 23/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đe dọa “tuyên chiến” với Canada nếu nước này không tiếp nhận lại rác thải đã xuất khẩu trái phép sang Philippines kể từ năm 2013.

Ông cảnh báo sẽ đích thân lái tàu chở số rác thải này đến Canada và tống chúng xuống các bãi biển xinh đẹp của nước này. Thậm chí, ông còn đe dọa mang số rác thải này đến đổ trước đại sứ quán Canada ở Philippines. Ông nói Philippines không phải là bãi rác của các nước khác.

Sau đó, người phát ngôn tổng thống Philippines cảnh báo Philppines sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Canada nếu nước này không sớm nhận lại rác thải.

Lê Linh

(TBKTSG /Theo VOA, CNN Philippines)

TweetTin mới hơn:
  • Quỹ Rockefeller giúp Cần Thơ chống chịu biến đổi khí hậu
  • Biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại 1.000 tỉ đô la trong 5 năm tới
  • Làm sao tiêu hủy pin điện mặt trời?
  • Phát triển năng lượng bền vững khu vực sông Mê Kông
  • Ô nhiễm không khí Hà Nội, TP.HCM có thể tàn phá mọi bộ phận cơ thể
Tin cũ hơn:
  • TPHCM: Xe máy chiếm 37% tổng phát thải bụi
  • Điện mặt trời có thể “sống chung” với nông nghiệp
  • Đầu tư hiệu quả cho hệ thống điện mặt trời hộ gia đình
  • Điện mặt trời áp mái: Tương lai phát triển năng lượng tái tạo
  • 22 trên 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ
>

Từ khóa » Bãi Rác Nước Ngoài