Dông Sét - Những điều Cảnh Báo

Việt Nam nằm ở một trong 3 khu vực tập trung nhiều dông sét của thế giới nên trung bình hàng năm, tỉnh ít thì có vài chục ngày, tỉnh nhiều thì có đến 100 ngày có dông. Giờ dông trung bình khoảng 2500 giờ/ năm. Mùa dông ở Việt Nam bắt đầu sớm, kết thúc muộn. Dông sét hoạt động mạnh từ tháng 3 đến tháng 10, tập trung chủ yếu vào các tháng 5, 6, 7, 8 và tháng 9. Các cơn dông đầu mùa hay sau những ngày nắng nóng thường rất nguy hiểm. Năm nay, ngay từ đầu mùa hè, đã có nhiều người chết vì sét đánh. Ngoài thiệt hại về người, thì thiệt hại về tài sản do dông sét cũng không nhỏ.

Việt Nam nằm trong khu vực tập trung nhiều dông sét của thế giới

Chiều ngày 02/5, tại Vĩnh Long, một tia sét bất ngờ đánh thẳng xuống sân vận động Vĩnh Long đã gây thương tích nặng cho cầu thủ Phạm Dư Thiên Chương, và một cầu thủ khác bị thương nặng. Một số cầu thủ khác bị choáng, ù tai, tê chân...

Ngày 31/5, tại xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, bà Huỳnh Thị Tài đi làm đồng về gần đến nhà thì bị sét đánh chết tại chỗ. Chồng bà Tài - ông Nguyễn Du- bị trọng thương.

Ngày 2/6, em Nguyễn Thị Ánh Thùy (sinh năm 1990, trú xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) cũng bị sét đánh chết khi đang trên đường đi làm đồng về.

Ngày 05/6, ông Nguyễn Đình Huệ, trú tại phường An Phú, Tam Kỳ, bị sét đánh chết khi đang kéo xe chở phân ra đồng. Vợ ông- bà Võ Thị Bích- đi cùng ông khi đó, bị thương nặng.

Khoảng 15 giờ chiều ngày 09/5, một cơn mưa dông kèm sấm lớn đã đánh xuống khu vực thôn Khánh An (xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) làm chết chị Huỳnh Thị Hồng (38 tuổi) đang chăn bò trên đồng. Ngoài ra, loạt sét nói trên cũng gây hư hỏng, cháy hàng chục ti vi, điện thoại của người dân trong xã. Trước đó, vào chiều ngày 07/5, Trạm radar thời tiết Tam Kỳ thuộc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Nam cũng bị sét đánh vào đường dây, biến áp, làm mất điện hoàn toàn.

Sáng 19/3, tuyến cáp treo từ chùa Giải Oan đến Hoa Yên thuộc khu di tích Yên Tử (thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) bất ngờ bị sét đánh, gây chập điện nên phải tạm dừng hoạt động.

Chiều ngày 04/6, giông lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ ở TP Huế, một cú sét đã đánh sập phần cổ lâu phía trên cửa An Hòa, phía Bắc của kinh thành Huế.

...Và nhiều thiệt hại khác không thể thống kê hết.

Những cách thức gây thương tích của sét

Sét có thể gây thương tích bằng những cách thức sau: Sét đánh thẳng vào vị trí nạn nhân từ trên đám mây xuống; Khi nạn nhân đứng cạnh vật bị sét đánh. Sét có thể phóng qua khoảng cách không khí giữa người và vật. Trong trường hợp này gọi là sét đánh tạt ngang; Sét đánh khi nạn nhân tiếp xúc với vật bị sét đánh; Điện áp bước - Khi người tiếp xúc với mặt đất ở một vài điểm. Sét lan truyền trên mặt đất; Sét lan truyền qua đường dây cáp tới các vật như điện thoại, tivi (vô tuyến), ổ cắm; Theo thống kê thì sét đánh thẳng là nguy hiểm nhất, cứ 10 người bị sét đánh thẳng thì 8 người chết. Sét đánh tiếp xúc hay tạt ngang cũng rất nguy hiểm. Khi sét đánh xuống cây, thì 1 tia sét có thể giết chết ngay vài người xung quanh. Thường thì điện áp bước chỉ gây những hiệu ứng tạm thời và ít khi để lại hậu quả sau này. Trong thực tế, sét lan truyền xuất hiện khi nạn nhân nói chuyện điện thoại, cầm vào các dây cáp, dây ăng-ten dẫn từ ngoài vào.

Các biện pháp phòng tránh

Mỗi người cần có kế hoạch phòng chống sét vào mùa mưa bão. Nghe dự báo thời tiết khi có ý định ra ngoài, lên kế hoạch làm việc để đề phòng. Khi làm ở khu vực nào đó, để ý trước các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn. Phải tính được thời gian từ chỗ làm việc đến nơi an toàn, vì cơn dông thường kéo đến rất nhanh. Khi đang ở nơi không an toàn, cần để ý đến các dấu hiệu của dông như mây đen, khí lạnh và gió.

Thực hiện quy tắc nhìn - nghe: Khi sét xảy ra, thoạt tiên ta thấy tia chớp lóe lên và sau đó là tiếng sấm. Nếu bạn tính khoảng thời gian từ lúc nhìn thấy tia chớp lóe lên đến lúc nghe thấy tiếng sấm thì có thể xác định được khoảng cách với nơi sét xảy ra, bằng việc chia số giây cho 3. Ví dụ đếm được 3 giây thì khoảng cách sét là 3/3 = 1 km. Nếu như khoảng thời gian bạn đếm được nhỏ hơn 30 giây, thì bạn đã nằm trong tầm ngắm của tia sét rồi và phải cẩn thận. Nếu thời gian này nhỏ hơn 20 giây thì phải di chuyển đến nơi an toàn hơn. Sét có thể đánh cách xa nơi có mưa tới 15 - 20 km. Khi có sét, nên áp dụng các biện pháp phòng tránh sét sau đây:

Không làm việc trên cao (điều 93- QTKTATĐ); ngừng mọi công tác đang làm trong trạm ngoài trời và trên các cầu dao vào của đường dây nổi đấu vào trạm xây (điều 119- QTKTATĐ); không được kiểm tra các trạm ngoài trời (điều 123- QTKTATĐ), người phụ trách phải dẫn đội công tác ra xa đường dây (điều 175- QTKTATĐ)...

Nếu đang đi trên đường: Cố gắng tìm nơi trú ẩn (vào trong nhà hoặc ngồi trong xe hơi đóng kín cửa xe lại vì bánh xe bằng cao su là vật cách điện, khung xe kín là một lồng chống sét Faraday). Tìm chỗ khô ráo, thấp để trú. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, nhón chân, không được nằm xuống đất. Không đứng thành nhóm người gần nhau. Nếu cảm thấy tóc bị dựng lên, thì có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Trong trường hợp này, lập tức cúi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất. Phần tiếp xúc của người với mặt đất càng ít càng tốt. Tuyệt đối không đứng gần những vật có chiều cao như: cây cao trơ trọi, cột thu lôi, cột ăng-ten, cột điện, cột cờ, tháp đài truyền hình, truyền thanh; không đi đứng gần bờ biển, bờ hồ, bờ sông, bờ suối, kinh mương và nơi đất ẩm ướt; không đứng gần hoặc chạm vào vật dẫn điện như: dây điện, dây ăng-ten truyền hình, ống nước, ống khói, hàng rào kẽm gai, thép; không tụ tập nhau ngoài trời mưa; không gọi và nghe điện thoại, kể cả điện thoại di động… vì đây là đối tượng “ưa thích” của sét. Nếu ở giữa nơi trống trải, không có chỗ trú ẩn thì phải ngồi xuống, chụm hai chân sát nhau để tránh điện áp bước (không được nằm). Tránh xa các vật bằng kim loại như xe máy, xe đạp, xe hơi, cuốc, xẻng, dao... vì chúng là vật nhiễm điện nên là đối tượng của sét. Tránh xa sông suối, hồ bơi vì nước là môi trường dẫn điện tốt. Không được tập trung đông người vào cùng một chỗ vì sẽ tạo thành khối dẫn điện tương hỗ lớn, sẽ là đối tượng của phóng điện sét. Tốt nhất nên ngồi trên vật cách điện như gỗ, cao su, nhựa, ni lông...

Nếu đang ở trong nhà: Đừng sử dụng điện thoại hoặc bất kỳ thiết bị điện nào vì sét có thể đi theo đường dây bên ngoài để vào thiết bị và gây giật. Rút tất cả các chấu điện ra khỏi ổ cắm, gỡ ăng-ten ra khỏi tivi và nối vào cọc thép chôn sâu trong đất. Nếu để đầu nối lơ lửng thì khi sét đánh vào ăng-ten, toàn bộ năng lượng sét sẽ tạo thành tia lửa điện rất mạnh phóng vào các vật xung quanh gây cháy nổ. Không dùng vòi sen tắm, lau chùi trong nhà; không nằm trên nền nhà, tắt máy lạnh, tránh xa các cửa sổ vì khung cửa bằng kim loại có thể bị nhiễm điện, kính cửa sổ có thể bị vỡ do áp suất của tiếng sấm ở gần.

Phương pháp sơ cấp cứu

Người bị sét đánh thường chết ngay tức khắc, nhưng cũng có trường hợp nhẹ, có thể thoát chết. Biểu hiện lâm sàng của người bị sét đánh giống như bị điện giật. Người bị sét đánh cần được cấp cứu ngay tức khắc. Tìm những nơi bị gãy xương, không di dời nạn nhân nếu nghi ngờ bị gãy cột sống và tìm cách nhanh nhất để nhân viên y tế đến. Khi nạn nhân tỉnh lại, cần đưa ngay đến bệnh viện để tiếp tục theo dõi.

Nếu nạn nhân bị ngất (ngừng thở, tim ngừng đập) phải thực hiện cứu chữa bằng phương pháp hà hơi thổi ngạt kết hợp xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Phải thực hiện tốt phương châm “Nhanh chóng, tại chỗ, kiên trì, liên tục, đúng phương pháp”. Sau đây là hà hơi thổi ngạt kết hợp xoa bóp tim ngoài lồng ngực (thường gọi là phương pháp C.P.R):

Để nạn nhân nằm ngửa, nới rộng quần, áo, thắt lưng, moi rớt rãi trong mồm nạn nhân ra, đặt đầu nạn nhân hơi ngửa ra phía sau. Người cứu đứng (hoặc quỳ) bên cạnh nạn nhân, đặt chéo 2 bàn tay lên ngực trái (vị trí của tim) rồi dùng cả sức mạnh thân người ấn nhanh, mạnh, làm lồng ngực nạn nhân bị nén xuống (3- 4) cm. Sau khoảng 1/3 giây thì buông tay ra để lồng ngực nạn nhân trở lại bình thường. Làm như vậy khoảng 60 lần/phút.

Đồng thời với động tác ép tim, phải có người thứ hai để hà hơi. Tốt nhất nếu có miếng gạc hoặc khăn mùi soa đặt lên mồm nạn nhân, người cứu ngồi bên cạnh đầu, lấy một tay bịt mũi nạn nhân, một tay giữ cho mồm nạn nhân há ra (nếu thấy lưỡi bị tụt vào thì kéo ra), hít thật mạnh để lấy nhiều không khí vào phổi rồi ghé sát mồm vào mồm nạn nhân mà thổi cho lồng ngực phồng lên (hoặc bịt mồm để thổi vào mũi khi không thổi vào mồm được). Hà hơi cho nạn nhân từ (14- 16) lần/1 phút. Điều quan trọng là phải kết hợp 2 động tác nhịp nhàng với nhau, nếu không động tác này sẽ phản lại động tác kia. Cách phối hợp đó là: cứ thổi ngạt 1 lần thì làm động tác xoa bóp (ép) tim 4 nhịp (phù hợp với mỗi nhịp thở khoảng 4 giây và mỗi nhịp đập của tim là 1 giây). Làm liên tục cho đến khi nạn nhân tự thở được hoặc có ý kiến của y, bác sỹ mới thôi.

Nếu chỉ có một người cứu thì có thể làm như sau: Lần lượt thay đổi các động tác, cứ (2- 3) lần thổi ngạt thì lại chuyển sang (4- 6) lần ấn vào lồng ngực.

Chỉ được phép cho là nạn nhân đã chết rồi khi thấy bị vỡ sọ, bị cháy toàn thân. Ngoài ra phải coi như nạn nhân chưa chết.

Tạ Ngọc Tuấn

Từ khóa » Dông Sét ở Việt Nam