Động Thái Và Thực Trạng Kinh Tế – Xã Hội 2001 – 2005
Có thể bạn quan tâm
- TỔNG QUAN TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI 2001 – 2005
1.1. Phương hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2001 – 2005
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng họp tại thủ đô Hà Nội từ ngày 19 tháng 4 năm 2001 đến ngày 22 tháng 4 năm 2001 đã thảo luận và nhất trí thông qua các văn kiện quan trọng, trong đó có Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2001-2005 với mục tiêu tổng quát là: Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mở rộng kinh tế đối ngoại. Tạo chuyển biến mạnh về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát huy nhân tố con người. Tạo nhiều việc làm; cơ bản xoá đói; giảm số hộ nghèo; đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tiếp tục tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; hình thành một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.
Mục tiêu tổng quát nêu trên được cụ thể hoá thành định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm cao hơn 5 năm trước và có bước chuẩn bị cho 5 năm tiếp theo.
- Phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế Nhà nước có vai trò chủ đạo; củng cố kinh tế tập thể; hình thành một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tăng nhanh hàm lượng công nghệ trong sản phẩm.
- Tăng nhanh vốn đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng cơ cấu kinh tế có hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh. Hoàn chỉnh một bước cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng. Đầu tư thích đáng cho các vùng kinh tế trọng điểm; hỗ trợ đầu tư nhiều hơn cho các vùng còn nhiều khó khăn.
- Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Củng cố thị trường đã có và mở rộng thêm thị trường mới. Tạo điều kiện thuận lợi để tăng nhanh xuất khẩu, thu hút vốn, công nghệ từ bên ngoài. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, thực hiện các cam kết song phương và đa phương.
- Tiếp tục đổi mới và lành mạnh hoá hệ thống tài chính – tiền tệ, tăng tiềm lực và khả năng tài chính quốc gia, thực hành triệt để tiết kiệm; tăng tỷ lệ chi ngân sách dành cho đầu tư phát triển; duy trì ổn định các cân đối vĩ mô; phát triển thị trường vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
- Tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý; triển khai thực hiện chương trình phổ cập trung học cơ sở; ứng dụng nhanh các công nghệ tiên tiến, hiện đại; từng bước phát triển kinh tế tri thức.
- Giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc: Tạo nhiều việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn; cải cách cơ bản chế độ tiền lương; cơ bản xoá đói, giảm nhanh hộ nghèo; chăm sóc tốt người có công; an ninh xã hội; chống tệ nạn xã hội; phát triển mạnh văn hoá, thông tin, y tế và thể dục thể thao; nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
- Đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, đổi mới và nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước. Đẩy lùi tình trạng quan liêu, tham nhũng. Thực hiện tốt dân chủ, nhất là dân chủ ở xã, phường và các đơn vị cơ sở.
- Thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng và an ninh; bảo đảm trật tự kỷ cương trong các hoạt động kinh tế-xã hội.
Trên cơ sở phương hướng, mục tiêu tổng quát và các nhiệm vụ chủ yếu, Đại hội cũng đã đưa ra một số chỉ tiêu định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong 5 năm 2001-2005 là:
- Đưa tổng sản phẩm trong nước năm 2005 gấp 2 lần so với năm 1995. Nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước bình quân hàng năm thời kỳ 5 năm 2001-2005 là 7,5%, trong đó nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,3%; công nghiệp và xây dựng tăng 10,8%; dịch vụ tăng 6,2%.
- Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,8%/năm; giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 13%/năm; giá trị dịch vụ tăng 7,5%/năm.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 16%/năm.
- Đến năm 2005 tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng sản phẩm trong nước chiếm 20-21%; tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 38-39%; tỷ trọng các ngành dịch vụ chiếm 41-42%.
- Tỷ lệ học sinh trung học cơ sở đi học trong độ tuổi đạt 80% và tỷ lệ học sinh phổ thông trung học đi học trong độ tuổi đạt 45% vào năm 2005. Tiếp tục củng cố và duy trì mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học. Thực hiện chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
- Giảm tỷ lệ sinh bình quân hàng năm 0,5‰; tốc độ tăng dân số vào năm 2005 khoảng 1,2%. Nâng tuổi thọ bình quân lên đạt 70 tuổi vào năm 2005.
- Tạo việc làm, giải quyết thêm việc làm cho khoảng 7,5 triệu lao động, bình quân 1,5 triệu lao động/năm; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 30% vào năm 2005.
- Cơ bản xoá hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10% vào năm 2005. Đáp ứng 40% nhu cầu thuốc chữa bệnh sản xuất trong nước. Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 22-25% vào năm 2005. Cấp nước sạch cho 60% dân số nông thôn.
1.2. Tình hình kinh tế – xã hội 5 năm 2001 – 2005
Việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2001-2005 với phương hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng vì đây không những là kế hoạch tiếp tục thực hiện Chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã được đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ VIII, mà còn là kế hoạch 5 năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2001-2010.
Khi triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm này, thuận lợi cơ bản là sau 15 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, thế và lực của nước ta cũng như kinh nghiệm tổ chức, quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đều đã tăng lên đáng kể. Những thuận lợi này tạo nên sức mạnh tổng hợp về vật chất và tinh thần để tiếp tục sự nghiệp đổi mới nói chung và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2001-2005 nói riêng. Tuy nhiên, khó khăn cũng không phải là ít. Trong khi nền kinh tế còn nhiều mặt yếu kém, thì giá cả của nhiều loại vật tư nguyên vật liệu đầu vào quan trọng như xăng dầu, sắt thép, phân bón, chất dẻo liên tục tăng; thiên tai (hạn hán, bão lũ) và dịch bệnh (dịch SARS, dịch cúm gia cầm) lại xảy ra trên diện rộng. Thêm vào đó, môi trường kinh tế thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp do tác động tiêu cực của thảm hoạ môi trường; mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc và khủng bố quốc tế.
Những thuận lợi cùng với khó khăn nêu trên đã làm cho tình hình kinh tế – xã hội 5 năm 2001-2005 của nước ta vừa diễn biến theo chiều hướng tích cực với nhiều thành tựu mới, vừa bộc lộ rõ những mặt hạn chế và bất cập. Trên cơ sở số liệu đã thu thập và tổng hợp được, Tổng cục Thống kê khái quát động thái và thực trạng kinh tế – xã hội 2001-2005 của nước ta bằng một số chỉ tiêu định lượng.
1.2.1. Những thành tựu mới
- Kinh tế tăng trưởng với tốc độ tương đối cao, vượt qua thời kỳ suy giảm về tốc độ tăng trưởng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ trong khu vực xảy ra cuối năm 1997 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Tổng sản phẩm trong nước trong những năm 1992-1997 thường đạt mức tăng trưởng hàng năm 8-9% đã đột ngột giảm xuống chỉ còn tăng 5,8% vào năm 1998 và tăng 4,8% vào năm 1999. Nhưng từ năm 2000 đến nay, nền kinh tế nước ta đã lấy lại được đà tăng trưởng với tốc độ tăng năm sau luôn luôn cao hơn năm trước (Năm 2000 tăng 6,79%; năm 2001 tăng 6,89%; năm 2002 tăng 7,08%; năm 2003 tăng 7,34%; năm 2004 tăng 7,79% và năm 2005 ước tính tăng 8,43%). Tính ra trong 5 năm 2001-2005, bình quân mỗi năm tổng sản phẩm trong nước tăng 7,51%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2005 gấp 1,44 lần năm 2000.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước bình quân mỗi năm trong 5 năm 2001-2005 đạt 7,51% không những cao hơn hẳn tốc độ tăng bình quân 6,95% mỗi năm trong kế hoạch 5 năm 1996-2000 mà còn đứng vào hàng các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực và thế giới (Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới và ESCAP thì tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước bình quân mỗi năm trong những năm 2000-2004 của Trung Quốc là 8,5%; Hàn Quốc 5,5%; Thái Lan và Ma-lai-xi-a 5,0%; In-đô-nê-xi-a 4,6%; Phi-li-pin 4,5%; Xin-ga-po 4,1%).
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước 5 năm 2001-2005
%
2001 | 2002 | 2003 | 2004 | Ước tính 2005 | BQ mỗi năm 2001-2005 | |
Tổng số | 6,89 | 7,08 | 7,34 | 7,79 | 8,43 | 7,51 |
– Nông lâm nghiệp và thuỷ sản | 2,98 | 4,17 | 3,62 | 4,36 | 4,04 | 3,83 |
– Công nghiệp và xây dựng | 10,39 | 9,48 | 10,48 | 10,22 | 10,65 | 10,24 |
– Dịch vụ | 6,10 | 6,54 | 6,45 | 7,26 | 8,48 | 6,96 |
Sở dĩ tổng sản phẩm trong nước đạt được tốc độ tăng trưởng như trên là do hầu hết các ngành, các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế đều có mức tăng trưởng khá cao. Ước tính năm 2005 so với năm 2000, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 30% với tốc độ tăng bình quân mỗi năm 5,42%, trong đó nông nghiệp tăng 4,11%/năm, lâm nghiệp tăng 1,37%/năm, thuỷ sản tăng 12,12%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp gấp 2,1 lần, bình quân mỗi năm tăng 16,02%, trong đó công nghiệp Nhà nước gấp 1,73 lần, bình quân mỗi năm tăng 11,53%; công nghiệp ngoài Nhà nước gấp 2,69 lần, bình quân mỗi năm tăng 21,91%; công nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài gấp 2,17 lần, bình quân mỗi năm tăng 16,8%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế gấp 1,96 lần; tổng mức lưu chuyển hàng hoá ngoại thương gấp 2,3 lần, bình quân mỗi năm tăng 18,18%, trong đó xuất khẩu gấp 2,24 lần, bình quân mỗi năm tăng 17,5% nhập khẩu gấp gần 2,36 lần, bình quân mỗi năm tăng 18,58%.
Tốc độ tăng của một số ngành và một số lĩnh vực kinh tế 2001-2005
Năm 2005 so với năm 2000 (Lần) | Tốc độ tăng bình quân mỗi năm trong 5 năm 2001-2005 (%) | |
– Tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh 1994 | 1,44 | 7,51 |
– Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản theo giá so sánh 1994 | 1,32 | 5,42 |
– Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 | 2,10 | 16,02 |
– Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ theo giá thực tế | 1,96 | 14,41 |
– Tổng mức lưu chuyển hàng hoá ngoại thương theo giá thực tế | 2,30 | 18,18 |
Trong 5 năm 2001-2005, kinh tế nước ta không những tăng trưởng tương đối cao mà cơ cấu kinh tế còn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nếu phân chia nền kinh tế thành 3 khu vực: (1) Nông lâm nghiệp và thuỷ sản; (2) Công nghiệp và xây dựng; (3) Dịch vụ, thì tỷ trọng giá trị tăng thêm theo giá thực tế chiếm trong tổng sản phẩm trong nước của khu vực công nghiệp và xây dựng đã tăng từ 36,73% năm 2000 lên 38,13% năm 2001; 38,49% năm 2002; 39,47% năm 2003; 40,21% năm 2004 và năm 2005 ước tính chiếm 41,04%. Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tuy đạt tốc độ tăng bình quân hàng năm 5,42% về giá trị sản xuất và 3,83% về giá trị tăng thêm, nhưng tỷ trọng trong tổng sản phẩm trong nước đã giảm từ 24,53% năm 2000 xuống 23,24% năm 2001; 23,03% năm 2003; 21,81% năm 2004 và ước tính năm 2005 chỉ còn 20,89%. Khu vực dịch vụ vẫn duy trì được tỷ trọng chiếm trên dưới 38% tổng sản phẩm trong nước. Tỷ trọng của ba khu vực qua các năm như trên đã thể hiện rất rõ nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Yêu cầu có tính nguyên tắc này đã được bảo đảm trong suốt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế những năm vừa qua. Mặc dù trong những năm 2001-2005, số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã giảm đáng kể do tổ chức, sắp xếp lại và thực hiện cổ phần hoá, nhưng tỷ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước trong tổng sản phẩm trong nước vẫn duy trì ở mức trên 38% (Năm 2001 chiếm 38,40%, năm 2002 chiếm 38,38%; 2003 chiếm 39,08%; 2004 chiếm 39,10%; năm 2005 ước tính chiếm 38,42%). Kinh tế ngoài Nhà nước được khuyến khích phát triển nên thường xuyên tạo ra 46-47% tổng sản phẩm trong nước. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giữ vị trí quan trọng. Năm 2000 khu vực này tạo ra 13,28% tổng sản phẩm trong nước và đến năm 2005 đã tạo ra 15,89%.
Cơ cấu tổng sản phẩm trong nước năm 2001-2005
theo giá thực tế phân theo thành phần kinh tế
%
2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 | |
Tổng số | 100,00 | 100,00 | 100,00 | 100,00 | 100,00 |
Kinh tế Nhà nước | 38,40 | 38,38 | 39,08 | 39,10 | 38,42 |
Kinh tế ngoài Nhà nước | 47,84 | 47,86 | 46,45 | 45,77 | 45,69 |
Kinh tế tập thể | 8,06 | 7,99 | 7,49 | 7,09 | 6,83 |
Kinh tế tư nhân | 7,94 | 8,30 | 8,23 | 8,49 | 8,91 |
Kinh tế cá thể | 31,84 | 31,57 | 30,73 | 30,19 | 29,95 |
Kinh tế có vốn ĐTNN | 13,76 | 13,76 | 14,47 | 15,13 | 15,89 |
- Huy động vốn đầu tư đạt kết quả cao, tạo nguồn lực tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội
Đầu tư phát triển là một trong những yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề xã hội vì hoạt động này trực tiếp làm tăng tài sản cố định, tài sản lưu động, tài sản trí tuệ và số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao mức sống dân cư và mặt bằng dân trí; bảo vệ môi trường sinh thái và đưa các chương trình phát triển kinh tế – xã hội khác vào cuộc sống.
Do nhận thức được vai trò quan trọng của đầu tư phát triển như vậy nên trong những năm vừa qua đã có nhiều chính sách và giải pháp khơi dậy nguồn nội lực và tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để huy động vốn cho đầu tư phát triển. Nhờ vậy, tổng số vốn đầu tư phát triển 5 năm 2001-2005 theo giá thực tế đã đạt trên 1200 nghìn tỷ đồng, gấp trên 2 lần tổng số vốn đầu tư phát triển huy động được trong kế hoạch 5 năm 1996-2000. Tính ra, vốn đầu tư phát triển bình quân mỗi năm trong 5 năm 2001-2005 đạt trên 240 nghìn tỷ đồng, bằng 201,6% mức bình quân mỗi năm trong kế hoạch 5 năm 1996-2000.
Tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trong nước đã tăng từ 35,42% năm 2001 lên 37,16% năm 2002; 37,76% năm 2003; 38,45% năm 2004 và ước tính năm 2005 là 38,67%. Tỷ lệ đầu tư của nước ta hiện nay chỉ thấp hơn Trung Quốc, còn cao hơn hầu hết các nước trong khu vực (Tỷ lệ đầu tư so với tổng sản phẩm trong nước năm 2004 của Trung Quốc là 45,7%; Hàn Quốc 29,3%; Thái Lan 37,8%; Ma-lai-xi-a 22,5%; Phi-li-pin 19,6%; In-đô-nê-xi-a 19,5%; Xin-ga-po 15,3%.
Tỷ lệ vốn đầu tư so với
tổng sản phẩm trong nước 2001 – 2005
Tỷ đồng
Vốn đầu tư theo giá thực tế | Tổng sản phẩm trong nước theo giá thực tế | Tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trong nước (%) | |
Tổng số 5 năm 2001 – 2005 | 1 200 217 | 3 183 665 | 37,70 |
2001 | 170 496 | 481 295 | 35,42 |
2002 | 199 105 | 535 762 | 37,16 |
2003 | 231 616 | 613 443 | 37,76 |
So bộ 2004 | 275 000 | 715 307 | 38,45 |
Ước tính 2005 | 324 000 | 837 858 | 38,67 |
Trong tổng số vốn đầu tư 5 năm 2001-2005 thì vốn đầu tư trong nước chiếm tới 84%, cao hơn hẳn tỷ lệ 78,6% của những năm 1996-2000. Sở dĩ có được kết quả này một mặt do Nhà nước tăng cường đầu tư, nhưng mặt khác còn do các chính sách khuyến khích kinh tế ngoài Nhà nước phát triển, trong đó có Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá IX) về kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân đã góp phần rất quan trọng. Trong 5 năm 2001-2005 đã có gần 14 vạn doanh nghiệp dân doanh đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký lên tới 294 nghìn tỷ đồng. Nhờ vậy số vốn của khu vực này chiếm trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã tăng từ 22,6% năm 2001 lên 26,2% năm 2002; 29,7% năm 2003; 30,9% năm 2004 và ước tính năm 2005 là 32,4%.
Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp huy động các nguồn vốn trong nước, việc thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài tiếp tục được chú trọng, nhất là thu hút vốn FDI và vốn ODA. Trong 5 năm 2001-2005 đã cấp giấy phép cho 3745 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài với số vốn đăng ký 19,9 tỷ USD. Đến nay trên lãnh thổ nước ta đã có các nhà đầu tư của trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 100 công ty đa quốc gia. Số vốn ODA do các nhà tài trợ cam kết dành cho nước ta trong 5 năm 2001-2005 cũng lên tới trên 15 tỷ USD, đưa tổng số vốn ODA cam kết trong 13 Hội nghị quốc tế về ODA dành cho Việt Nam từ năm 1993 đến nay lên trên 32 tỷ USD. Số vốn ODA cam kết này đã được hiện thực hoá bằng nhiều hiệp định cụ thể với tổng trị giá 24 tỷ USD và thực tế đã giải ngân được 16 tỷ USD, trong đó 5 năm 2001-2005 giải ngân được 8 tỷ USD.
Nhờ đẩy mạnh đầu tư nên năng lực của hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều tăng lên đáng kể. Tính chung trong 5 năm 2001-2005, công suất điện tăng 4863MW, trong đó thủy điện 720MW, nhiệt điện than tăng 800MW, nhiệt điện khí tăng 3343MW; công suất khai thác than tăng 15,4 triệu tấn; công suất khai thác dầu thô tăng 2,2 triệu tấn; công suất khai thác khí đốt tăng 5,1 tỷ m3; công suất cán thép tăng 2390 nghìn tấn; công suất sản xuất xi măng tăng 10,1 triệu tấn; công suất sản xuất phân hoá học tăng 760 nghìn tấn; năng lực tưới của các công trình thuỷ lợi tăng 595 nghìn ha và năng lực tiêu tăng 235 nghìn ha; công suất cung cấp nước sạch tăng 1,8 triệu m3; các khách sạn tăng 26,5 nghìn phòng.
Ngành giao thông vận tải đã làm mới, nâng cấp và cải tạo được 4575 km quốc lộ và trên 65 nghìn km đường giao thông nông thôn; năng lực thông qua cảng biển tăng 23,4 triệu tấn; năng lực thông qua cảng sông tăng 17,2 triệu tấn và năng lực thông qua của các sân bay tăng 8 triệu lượt hành khách. Ngành bưu điện tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và đổi mới công nghệ nên. Mạng viễn thông phát triển nhanh. Đến cuối năm 2005 cả nước đã có trên 15,8 triệu thuê bao điện thoại, trong đó 8,7 triệu thuê bao di động và 7,1 triệu thuê bao cố định, nâng số máy điện thoại cố định bình quân 100 dân từ 4,2 máy năm 2000 lên 19,1 máy năm 2005.
Một phần vốn đầu tư đã dành cho chương trình phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ tại các xã đặc biệt khó khăn. Tính chung từ năm 1999 đến hết năm 2005 chương trình đã được đầu tư trên 8850 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến hết năm 2004 đã có 97% số xã đặc biệt khó khăn có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số xã có trạm y tế; 70% số xã có điểm bưu điện văn hoá; 90% số xã có trạm truyền thanh; 65% số xã có công trình nước sạch và 50% số hộ được sử dụng nước sạch.
Ngoài những công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với những năng lực tăng thêm nêu trên, trong những năm 2001-2005 còn khởi công hàng trăm công trình nhóm A và hàng nghìn công trình nhóm B và nhóm C, trong đó có những công trình quan trọng như cầu Bãi Cháy, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Cần Thơ, đường Hồ Chí Minh, nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy thủy điện Sơn La… Trong số này, nhiều công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong những năm tới, chắc chắn sẽ phát huy tác dụng tích cực đối với việc thực hiện kết hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2006-2010 và những năm tiếp theo.
- Đời sống các tầng lớp dân cư tiếp tục được cải thiện; sự nghiệp văn hoá giáo dục, chăm sóc sức khoẻ dân cư và một số lĩnh vực khác có những tiến bộ đáng kể.
Do kinh tế tăng trưởng với tốc độ tương đối khá và việc điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 180 nghìn đồng cuối năm 2000 lên 210 nghìn đồng đầu năm 2001; 240 nghìn đồng năm 2002; 290 nghìn đồng đầu năm 2003 và 350 nghìn đồng năm 2005 cùng với việc triển khai nhiều chương trình tạo việc làm, phát triển nông nghiệp và nông thôn, xoá đói giảm nghèo nên đời sống các tầng lớp dân cư ở cả thành thị và nông thôn nhìn chung tiếp tục được cải thiện.
Kết quả các cuộc điều tra mức sống hộ gia đình do Tổng cục Thống kê tiến hành những năm vừa qua cho thấy thu nhập bình quân một người một tháng theo giá thực tế đã tăng từ 295 nghìn đồng/người/tháng năm 1999 lên 356,1 nghìn đồng/người/tháng năm 2001-2002 và 484,4 nghìn đồng/người/tháng năm 2003-2004. Tính ra, thu nhập bình quân một người một tháng theo giá thực tế năm 2003-2004 đã tăng 64,2% so với năm 1999. Thu nhập tăng đã tạo điều kiện tăng tiêu dùng cho đời sống và tăng tích luỹ. Chi tiêu cho đời sống bình quân một người một tháng đã tăng từ 221,1 nghìn đồng năm 1999 lên 269,1 nghìn đồng năm 2001-2002 và 359,7 nghìn đồng năm 2003-2004.
Đáng chú ý là thu nhập cũng như chi tiêu đều tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn, ở tất cả 8 vùng sinh thái và tất cả 5 nhóm thu nhập. Thu nhập bình quân một người một tháng năm 2003-2004 của nhóm thu nhập thấp nhất đạt 141,8 nghìn đồng, tăng 3,1% so với mức bình quân 2001-2002; nhóm thu nhập dưới trung bình đạt 240,7 nghìn đồng, tăng 35%; nhóm thu nhập trung bình đạt 347 nghìn đồng, tăng 38,2%; nhóm thu nhập khá đạt 514,2 nghìn đồng, tăng 38,8%; nhóm thu nhập cao nhất đạt 1182,3 nghìn đồng, tăng 35,4%.
Thu nhập và chi tiêu bình quân một người một tháng theo giá thực tế phân theo thành thị, nông thôn
Nghìn đồng
Chung | Chia ra | ||
Thành thị | Nông thôn | ||
| |||
Thu nhập bình quân | |||
1999 | 295,0 | 516,7 | 225,0 |
2001-2002 | 356,1 | 622,1 | 275,1 |
2003-2004 | 484,4 | 815,4 | 378,1 |
Chi tiêu cho đời sống bình quân | |||
1999 | 221,1 | 373,4 | 175,0 |
2001-2002 | 269,1 | 460,8 | 211,1 |
2003-2004 | 359,7 | 595,4 | 283,5 |
Những hộ có thu nhập tương đối cao ngoài chi tiêu cho đời sống hàng ngày còn có tích luỹ xây dựng nhà ở, mua sắm đồ dùng lâu bền, sử dụng điện, nước máy và chi các khoản khác, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo kết quả các cuộc điều tra mức sống hộ gia đình nêu trên thì tỷ lệ hộ có nhà kiên cố đã tăng từ 17,2% năm 2001-2002 lên 20,8% năm 2003-2004; tỷ lệ hộ có nhà bán kiên cố vào 2 thời điểm tương ứng là 58,3% và 58,8%; tỷ lệ nhà tạm giảm từ 26% năm 1997-1998 xuống còn 24,6% năm 2001-2002 và 20,4% năm 2003-2004. Diện tích nhà ở bình quân một nhân khẩu tăng từ 9,7 m2 năm 1997-1998 tăng lên 12,5 m2 năm 2001-2002 và 13,5 m2 năm 2003-2004. Tỷ lệ hộ có xe máy tăng từ 24% năm 1997-1998 lên 32,3% năm 2001-2002 và 44,2% năm 2003-2004; tỷ lệ hộ có ti vi tăng từ 57,6% lên 67,1% và 77,1%; tỷ lệ hộ dùng điện tăng từ 76,8% lên 86,5% và 93,4%.
Tỷ lệ hộ có một số đồ dùng lâu bền năm 2001-2002 và 2003-2004
%
2001-2002 | 2003-2004 | |
Tỷ lệ hộ có đồ dùng lâu bền | 96,86 | 98,49 |
Ô tô | 0,05 | 0,09 |
Xe máy | 32,33 | 44,22 |
Điện thoại | 10,68 | 27,27 |
Ti vi | 67,10 | 77,10 |
Máy vi tính | 2,44 | 5,01 |
Máy điều hoà nhiệt độ | 1,13 | 1,98 |
Máy giặt, sấy quần áo | 3,79 | 6,21 |
Trên cơ sở kết quả thu nhập bình quân một người một tháng thu thập được trong các cuộc điều tra mức sống dân cư, Tổng cục Thống kê đã tính được tỷ lệ hộ nghèo lương thực, thực phẩm tại 3 thời điểm 1999; 2001-2002 và 2003-2004. Tỷ lệ này đã giảm từ 13,3% năm 1999 xuống còn 9,9% năm 2001-2002 và 6,9% năm 2003-2004, trong đó tỷ lệ nghèo của khu vực thành thị giảm từ 4,6% xuống 3,9% và 3,3%; của khu vực nông thôn giảm từ 16% xuống 11,9% và 8,1%.
Cũng dựa trên kết quả của cuộc điều tra nêu trên nhưng tính theo chi tiêu cho đời sống bình quân một người một tháng của các hộ gia đình thì tính ra được tỷ lệ nghèo chung của nước ta (bao gồm cả nghèo lương thực, thực phẩm và nghèo phi lương thực thực phẩm) và tỷ lệ này cũng giảm từ 37,4% năm 1997-1998 xuống còn 28,9% năm 2001-2002.
Trong cuộc điều tra mức sống dân cư năm 2003-2004, Tổng cục Thống kê đã lấy ý kiến tự đánh giá của các hộ về mức sống năm 2003-2004 so với mức năm 1999 và kết quả cho thấy có tới 84% số hộ cho rằng đời sống đã được nâng lên; 11,2% cho rằng đời sống vẫn như cũ và chỉ có 4,8% cho rằng đời sống bị giảm sút. Trong các Báo cáo những năm gần đây, UNDP cũng đã xếp Việt Nam vào danh sách những quốc gia dẫn đầu các nước đang phát triển về thành tích giảm nghèo và tiêu biểu cho nhóm các nước đang phát triển đã đạt được sự hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển các chính sách xã hội vì con người. Báo cáo Phát triển Con người năm 2005 của tổ chức này đã xếp Việt Nam ở vị trí 108/177 nước được xếp hạng, tăng 4 bậc so với bảng xếp hạng năm 2004.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo có những mặt tiến bộ. Đến cuối năm 2005 đã cơ bản hoàn thành chương trình kiên cố hoá trường học, lớp học. Tỷ lệ trẻ em từ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo năm 2005 đạt 58,9%, vượt mục tiêu đề ra là đạt 58%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học tăng từ 92,7% năm học 2000-2001 lên 93,9% năm học 2004-2005, trung học cơ sở tăng từ 71,2% lên 77,7% và trung học phổ thông tăng từ 33,6% lên 40%. Đến nay tất cả 64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó 24 địa phương đạt tiêu chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và 26 địa phương đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và nhất là dạy nghề được củng cố và có bước phát triển nhất định. Năm học 2004-2005 cả nước có 230 trường đại học và cao đẳng; 285 trường trung học chuyên nghiệp; 236 trường dạy nghề và 1,5 nghìn cơ sở dạy nghề. So với năm 2000, số trường dạy nghề tăng 70% với quy mô đào tạo tăng 40%. Trong Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu năm 2005, UNESCO đánh giá về tiến độ thực hiện mục tiêu “Giáo dục cho tất cả đến năm 2015” do Liên Hợp quốc đề ra, Chỉ số giáo dục cho tất cả của nước ta được xếp vị trí 64/127, đứng trên một số nước trong khu vực như In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, Ấn Độ…
Công tác y tế và chăm lo sức khoẻ cộng đồng không ngừng mở rộng mạng lưới phục vụ. Đến hết năm 2004 cả nước đã có 97,6% số xã, phường và thị trấn có trạm y tế. Số bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập năm 2004 tăng 27,8% so với năm 2000, bình quân 1 vạn dân 6,1 bác sĩ, tăng 1,1 bác sĩ so với mức bình quân năm 2000. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi theo cân nặng đã giảm từ 33,1% năm 2000 xuống 26,6% năm 2004 và 25,2% năm 2005. Đáng chú ý là năm 2003 nước ta đã khống chế được dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS), được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch bệnh này. Những năm 2004-2005 cũng đã khống chế được sự lây lan của dịch cúm gia cầm H5N1. Hoạt động của ngành Y tế những năm vừa qua đã góp phần đưa tuổi thọ bình quân của dân số nước ta tăng từ 67,8 tuổi trong năm 2000 lên 69,0 tuổi năm 2002; 70,5 tuổi năm 2003 và 71,5 tuổi năm 2005.
Các hoạt động văn hoá thông tin triển khai tương đối rộng khắp, nhất là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Đến cuối năm 2004 cả nước đã có 38% số thôn, ấp, bản, tổ dân phố và cụm dân cư được công nhận là thôn, ấp, bản, tổ dân phố, cụm dân cư văn hoá và đến cuối năm 2005 đã có 12,5 triệu gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Việc bảo tồn, tôn vinh văn hoá truyền thống, nhất là văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc ít người được chú trọng đặc biệt. Trong những năm vừa qua đã giới thiệu và được thế giới công nhận thêm Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản Văn hoá Thế giới.
Công tác xuất bản, phát thanh truyền hình, hoạt động thể dục thể thao cũng có những kết quả tích cực. Năm 2005 đã xuất bản 17,1 nghìn cuốn sách với 240,2 triệu bản, tăng 79,8% về số đầu sách và tăng 35,2% về số bản in so với năm 2000. Việc phủ sóng phát thanh và truyền hình tiếp tục được triển khai đến vùng sâu, vùng xa nên đã có 95% số hộ gia đình trên phạm vi cả nước được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và 90% số hộ được xem các chương trình của Truyền hình Trung ương. Tỷ lệ dân số luyện tập thể dục thể thao tăng từ 16,4% năm 2002 lên 17,6% năm 2003 và 18,7% năm 2004. Thể thao thành tích cao tiếp tục xác lập được vị thế trên đấu trường quốc tế và khu vực. SEA Games 22 (2003) giành được 343 huy chương, gấp trên 5 lần SEA Games 20 (1999) và tại SEA Games 23 (2005) giành vị trí thứ 3 toàn đoàn với 228 huy chương các loại.
1.2.2. Hạn chế và bất cập
Bên cạnh những thành tựu đạt được nêu trên, diễn biến và thực trạng kinh tế – xã hội 5 năm 2001-2005 cho thấy nền kinh tế nước ta đang tồn tại nhiều hạn chế và yếu kém, thể hiện trên một số điểm chủ yếu sau:
- Nền kinh tế vẫn trong tình trạng kém phát triển, sức cạnh tranh thấp và chứa đựng nhiều mặt mất cân đối.
Những năm 2001-2005 vừa qua nền kinh tế nước ta tăng trưởng bình quân mỗi năm 7,51% là một thành công, nhưng do xuất phát điểm thấp nên quy mô của nền kinh tế còn nhỏ bé, giá trị tăng thêm của 1% tăng lên không cao và do vậy đến nay nước ta vẫn chưa ra khỏi danh sách các nước đang phát triển có thu nhập thấp. Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới năm 2003 về thu nhập, các quốc gia và vùng lãnh thổ được chia thành 4 nhóm: (1) Thu nhập thấp, bao gồm các nước và vùng lãnh thổ có tổng sản phẩm trong nước bình quân từ 765 USD/người/năm trở xuống; (2) Thu nhập trung bình thấp 766-3035 USD/người/năm; (3) Thu nhập bình quân cao 3036-9385 USD/người/năm; (4) Thu nhập cao từ 9386 USD người/năm trở lên, trong khi đó bình quân đầu người của nước ta năm 2005 chỉ đạt 638 USD, tuy tăng 58,7% so với năm 2000 nhưng mới bằng 83,4% cận trên của nhóm thu nhập thấp.
Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người tính bằng đô la Mỹ theo tỷ giá hối đoái năm 2004 của nước ta chỉ bằng 53,2% của Phi-li-pin; 46,4% của In-đô-nê-xi-a; 43,6% của Trung Quốc; 21,8% của Thái Lan và bằng 12% của Ma-lai-xi-a. Nếu tính theo sức mua tương đương thì cũng có tình trạng thấp thua tương tự. Chính do tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người thấp nên mặc dù chỉ số tuổi thọ trung bình và chỉ số giáo dục tương đối cao nhưng chỉ số HDI vẫn rất thấp (Trong báo cáo Phát triển Con người năm 2005 của UNDP về các thành tố cấu thành chỉ số HDI thì chỉ số tuổi thọ trung bình của nước ta đạt 0,76; chỉ số giáo dục đạt 0,82, nhưng chỉ số tổng sản phẩm trong nước chỉ đạt 0,54% nên chỉ số HDI bị kéo xuống mức 0,704).
Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người của Việt Nam so với một số nước trong khu vực
Năm 2004 tính theo tỷ giá hối đoái | Năm 2003 tính theo sức mua tương đương | |||
Mức đạt được (USD) | Việt Nam so với các nước (%) | Mức đạt được (USD) | Việt Nam so với các nước (%) | |
Việt Nam | 554 | – | 2490 | – |
Phi-li-pin | 1 042 | 53,2 | 4321 | 57,6 |
In-đô-nê-xi-a | 1 193 | 46,4 | 3361 | 74,1 |
Thái Lan | 2 535 | 21,8 | 7595 | 32,8 |
Ma-lai-xi-a | 4 625 | 12,0 | 9512 | 26,2 |
Trung Quốc | 1 272 | 43,6 | 5003 | 49,8 |
Trong những năm vừa qua, nhờ đẩy mạnh xuất khẩu nên kim ngạch xuất khẩu hàng hoá so với tổng sản phẩm trong nước đã đạt tỷ lệ khá cao. Tỷ lệ này năm 2004 là 65,7% với mức bình quân đầu người 323,1 USD, tăng 73,2% so với mức bình quân đầu người năm 2000. Tuy nhiên mức bình quân này cũng chỉ bằng 70,8% kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người của Trung Quốc; 67,3% của Phi-li-pin; 21,4% của Thái Lan; 7,7% của Xin-ga-po; 6,5% của Ma-lai-xi-a và 2,4% của Bru-nây.
Một hạn chế lớn khác của nền kinh tế nước ta là đang chứa đựng nhiều mặt mất cân đối. Quan hệ tích luỹ, tiêu dùng ít được cải thiện. Tích luỹ trong tổng sản phẩm trong nước chiếm tỷ trọng thấp và gần như không tăng qua các năm (Năm 2001 chiếm 31,2%; 2002 chiếm 33,2%; 2003 chiếm 35,4%; 2004 chiếm 35,5%). Trong quan hệ thương mại, nhập siêu tuy vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng ở mức tương đối cao. Tính chung 5 năm 2001-2005, kim ngạch nhập siêu khoảng 19,3 tỷ USD, bằng 17,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù thu ngân sách hàng năm không ngừng tăng lên, ước tính năm 2005 gấp trên 2,3 lần năm 2000, nhưng ngân sách vẫn trong tình trạng bội chi. Đáng chú ý là, trong tổng thu ngân sách hàng năm có khoảng 45% tổng thu bị phụ thuộc vào các yếu tố không ổn định, đó là thu từ dầu thô và thu thuế xuất nhập khẩu. Cán cân thanh toán quốc tế có chuyển biến tích cực, dự trữ ngoại tệ năm 2004 gấp 2 lần năm 2000, nhưng mới tương ứng với 10 tuần nhập khẩu hàng hoá, trong khi chỉ tiêu này của nhiều nước đã đạt 40-60 tuần.
Do tiềm lực còn hạn hẹp nên sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta thấp thua nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới trong khi thời điểm thực hiện tất cả các cam kết tự do thương mại trong khuôn khổ AFTA và WTO đang cận kề. Theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố những năm gần đây thì Chỉ số cạnh tranh tăng trưởng (GCI) của nền kinh tế nước ta từ vị trí thứ 60/101 năm 2003 đã lùi xuống vị trí 79/104 năm 2004 và 81/117 năm 2005; Chỉ số cạnh tranh doanh nghiệp (BCI) cũng tụt từ vị trí 50/102 năm 2003 xuống 79/104 năm 2004 và 80/116 năm 2005.
Thứ hạng Chỉ số cạnh tranh của một số nền kinh tếtrong khu vực do WEF tính toán và công bố
Cạnh tranh tăng trưởng | Cạnh tranh doanh nghiệp | |||||
2003 | 2004 | 2005 | 2003 | 2004 | 2005 | |
Việt Nam | 60 | 77 | 81 | 50 | 79 | 80 |
Xin-ga-po | 6 | 7 | 6 | 8 | 10 | 5 |
Ma-lai-xi-a | 29 | 31 | 24 | 26 | 23 | 23 |
Thái Lan | 32 | 34 | 36 | 31 | 37 | 37 |
Trung Quốc | 44 | 46 | 49 | 60 | 44 | 57 |
In-đô-nê-xi-a | 72 | 69 | 74 | 46 | 47 | 59 |
Phi-li-pin | 66 | 76 | 77 | 64 | 70 | 69 |
Tổng số nền kinh tế được xếp hạng | 101 | 104 | 117 | 95 | 104 | 116 |
Một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho chỉ số cạnh tranh của nền kinh tế nước ta thấp và vị trí xếp hạng liên tục bị sụt giảm là do chỉ số ứng dụng công nghệ thấp. Trong Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu năm 2005 của WEF nêu ở trên thì chỉ số này của nước ta đứng ở vị trí 92/117. Năm 2004, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đã đưa ra Bảng xếp hạng các chỉ số công nghệ. Trong Bảng xếp hạng này, thứ bậc của nước ta thua kém rất xa so với Thái Lan: (1) Chỉ số công nghệ Thái Lan đứng thứ 43, trong khi Việt Nam ở vị trí 92; (2) Chỉ số đổi mới công nghệ Thái Lan 37, Việt Nam 79; (3) Chỉ số chuyển giao công nghệ Thái Lan 4, Việt Nam 66; (4) Chỉ số thông tin và viễn thông Thái Lan 55, Việt Nam 86. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao trong công nghiệp của nước ta hiện nay mới chiếm khoảng 20%, trong khi của Phi-li-pin là 29%; Thái Lan 31%; Ma-lai-xi-a 51%, Xin-ga-po 73%.
Từ năm 2000, Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) đã đưa ra Bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng điện tử của 65 quốc gia. Chỉ số này được xác định thông qua gần 100 chỉ tiêu, bao gồm các chỉ tiêu định lượng như số lượng các máy chủ, số lượng các website, số lượng điện thoại đang được sử dụng và các chỉ tiêu định tính như khả năng sử dụng thuần thục các công nghệ này của người dân, tính minh bạch của hệ thống pháp lý và hoạt động kinh doanh các công nghệ này, mức độ khuyến khích sử dụng công nghệ kỹ thuật số của Chính phủ… Chỉ số sẵn sàng điện tử của nước ta trong Bảng xếp hạng năm 2004 của EIU là 60/64 và năm 2005 là 61/65, chỉ đứng trên Ka-dắc-xtan, An-giê-ri, Pa-kit-xtan, A-déc-bai-dan và cũng thấp thua nhiều so với một số nước trong khu vực (Chỉ số này năm 2004 và 2005 của Xin-ga-po là 7 và 11; Ma-lai-xi-a là 33 và 35; Thái Lan là 43 và 44; Phi-li-pin là 49 và 51; In-đô-nê-xi-a là 59 và 60; Trung Quốc là 52 và 54).
Thứ hạng Chỉ số sẵn sàng điện tử của một số nước trong khu vực do EIU tính toán và công bố
2004 | 2005 | ||
Việt Nam | 60 | 61 | |
Xin-ga-po | 7 | 11 | |
Ma-lai-xi-a | 33 | 35 | |
Thái Lan | 43 | 44 | |
Phi-li-pin | 49 | 51 | |
In-đô-nê-xi-a | 59 | 60 | |
Trung Quốc | 52 | 54 | |
Tổng số nước được xếp hạng | 64 | 65 |
Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn; nhiều vấn đề xã hội bức xúc chậm được khắc phục.
Trong những năm vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo của nước ta đã giảm đáng kể, nhưng đến nay vẫn còn tương đối cao. Một bộ phận dân cư, nhất là bộ phận dân cư sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ít người đời sống vẫn rất khó khăn.
Một thực tế đáng quan tâm khác là tuy thu nhập trong những năm vừa qua của tất cả các nhóm dân cư đều tăng với tốc độ khá, nhưng xét về lượng tăng tuyệt đối thì lại có sự chênh lệch đáng kể. Thu nhập bình quân một người một tháng của nhóm thu nhập cao nhất năm 2003-2004 tăng 309,4 nghìn đồng, nhưng của nhóm thu nhập thấp nhất chỉ tăng có 34,1 nghìn đồng, bằng 11,0% mức tăng của nhóm thu nhập cao nhất. Với mức tăng 34,1 nghìn đồng/người/tháng trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng tương đối cao trong những năm vừa qua thì thu nhập thực tế của nhóm thu nhập thấp được cải thiện không nhiều. Nếu quan sát mức độ chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao nhất so với nhóm thu nhập thấp nhất thì khoảng cách chênh lệch ngày càng có xu hướng doãng ra, từ 7,6 lần năm 1999 tăng lên 8,1 lần năm 2001-2002 và 8,3 lần năm 2003-2004.
Thu nhập bình quân một người một tháng và khoảng cách chênh lệch giàu nghèo
Thu nhập bình quân một người một tháng theo giá thực tế (Nghìn đồng) | Chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao nhất so với nhóm thu nhập thấp nhất (Lần) | ||
Nhóm thu nhập cao nhất | Nhóm thu nhập thấp nhất | ||
1995 | 519,6 | 74,3 | 7,0 |
1996 | 574,7 | 78,6 | 7,3 |
1999 | 741,6 | 97,0 | 7,6 |
2001-2002 | 872,9 | 107,7 | 8,1 |
2003-2004 | 1 182,3 | 141,8 | 8,3 |
Một vấn đề bức xúc khác chậm được giải quyết đang gây áp lực lớn đối với việc giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế và xã hội có liên quan, đó là tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm. Theo kết quả điều tra lao động và việc làm những năm vừa qua thì tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị tuy có giảm nhưng rất chậm và đến nay vẫn ở mức 5-6% (Năm 2000: 6,42%; 2001: 6,28%; 2002: 6,01%; 2003: 5,78%; 2004: 5,60% và 2005: 5,31%). Tỷ lệ thời gian lao động chưa được sử dụng của lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn cũng thường ở mức trên dưới 20% (Năm 2000: 25,84%; 2001: 25,74%; 2002: 24,58%; 2003: 22,35%; 2004: 20,90% và 2005: 19,35%). Một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị và tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn vẫn còn ở mức cao là do phần lớn số người trong độ tuổi lao động cần việc làm nhưng lại chưa qua đào tạo nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2005 mới đạt 24,8%, không những thấp xa so với yêu cầu của thực tiễn, mà còn thấp hơn cả mục tiêu do Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra là đến năm 2005 tỷ lệ này phải đạt 30%.
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm 2001 – 2005
%
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị | Tỷ lệ thời gian lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn chưa được sử dụng | |
2001 | 6,28 | 25,74 |
2002 | 6,01 | 24,58 |
2003 | 5,78 | 22,35 |
2004 | 5,60 | 20,90 |
2005 | 5,31 | 19,35 |
Một số tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma tuý, mại dâm chưa được chặn đứng. Đây cũng chính là một trong những môi trường lây lan HIV/AIDS. Đến nay tất cả 64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có người nhiễm HIV/AIDS. Đến cuối năm 2005 trên địa bàn cả nước đã phát hiện được 10,4 vạn trường hợp nhiễm HIV, trong đó trên 1,7 vạn bệnh nhân AIDS. Số người chết do AIDS đến cuối năm 2005 đã lên tới 1 vạn người. Trong 5 năm 2001-2005, bình quân mỗi năm số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện tăng 25,2%; số bệnh nhân AIDS tăng 27,5% và số người chết do AIDS tăng 29,4%. Tính ra, số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trong 5 năm 2001-2005 đã gấp gần 2,1 lần số được phát hiện trong 10 năm trước đó; số bệnh nhân AIDS gấp 2,4 lần và số người chết do AIDS gấp trên 2,6 lần.
Tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị và tai nạn giao thông tiếp tục xảy ra nghiêm trọng. Trong 5 năm 2001-2005 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 106,7 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết trên 59,5 nghìn người và làm bị thương trên 108,7 nghìn người. Bình quân mỗi năm trong 5 năm 2001-2005 xảy ra 21,3 nghìn vụ tai nạn, làm chết 11,9 nghìn người và làm bị thương 21,7 nghìn người; bình quân mỗi ngày trong 5 năm đã xảy ra 58 vụ tai nạn, làm chết 33 người và làm bị thương 60 người.
Tai nạn giao thông 2001 – 2005
Số vụ (Vụ) | Số người chết (Người) | Số người bị thương (Người) | |
Tổng số 5 năm 2001-2005 | 106 691 | 59 546 | 108 743 |
2001 | 25 831 | 10 866 | 29 449 |
2002 | 27 993 | 13 186 | 31 265 |
2003 | 20 774 | 11 864 | 20 704 |
2004 | 17 663 | 12 230 | 15 417 |
2005 | 14 430 | 11 400 | 11 908 |
Bình quân 1 ngày | 58 | 33 | 60 |
Khái quát lại, tình hình kinh tế-xã hội nước ta trong 5 năm 2001-2005 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực. Nền kinh tế có thêm nhiều thành tựu mới và tương đối toàn diện. Hầu hết các ngành, các lĩnh vực then chốt đều thu được những kết quả vượt trội so với kế hoạch 5 năm 1996-2000, với nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội vượt và đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong Đại hội Đảng lần thứ IX. Đáng chú ý là, nền kinh tế đạt được tốc độ tăng năm sau luôn luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm 7,51%; cơ sở hạ tầng và dịch vụ được tăng cường; đời sống các tầng lớp dân cư tiếp tục được cải thiện; sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực xã hội khác cũng có những mặt tiến bộ.
Tuy nhiên hạn chế và bất cập cũng không phải là ít. Nền kinh tế vẫn chưa ra khỏi tình trạng kém phát triển và còn nhiều mặt mất cân đối; đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn; nhiều vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết; tình trạng vi phạm kỷ cương phép nước và quan liêu, tham nhũng chưa có chiều hướng giảm, đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Những hạn chế và bất cập này nếu không có biện pháp xử lý và khắc phục có hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2006-2010 và các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội những năm tiếp theo.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu trong kế hoạch 5 năm 2001 – 2005
%
Kế hoạch | Thực hiện | |
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước bình quân mỗi năm | 7,5 | 7,51 |
2. Tỷ trọng các khu vực kinh tế trong GDP đến năm 2005 | ||
Nông lâm nghiệp và thuỷ sản | 20-21 | 20,89 |
Công nghiệp và xây dựng | 38-39 | 41,04 |
Dịch vụ | 41-42 | 38,07 |
3. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản bình quân mỗi năm | 4,8 | 5,42 |
4. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân mỗi năm | 13,0 | 16,0 |
5. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân mỗi năm | 14-16 | 17,5 |
6. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2005 | <10 | 6, 9([*]) |
7. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đến năm 2005 | 22-25 | 25,2 |
8. Tỷ lệ tăng dân số vào năm 2005 | 1,2 | 1,33 |
9. Tỷ lệ lao động qua đào tạo vào năm 2005 | 30,0 | 24,8 |
10. Tuổi thọ bình quân năm 2005 | 70 | 71,5 |
11. Tỷ lệ dân cư khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch vào năm 2005 | 60,0 | 62,0 |
([*]) Năm 2004
Từ khóa » Thu Nhập Bình Quân đầu Người Việt Nam Năm 2001 Là
-
Thu Nhập Bình Quân đầu Người Của Việt Nam Năm Nay Là 405 USD
-
Kinh Tế – Xã Hội Việt Nam 3 Năm 2001-2003 - Tổng Cục Thống Kê
-
Thực Hiện Thắng Lợi Chiến Lược Kinh Tế - Xã Hội 2001 - 2010
-
Thu Nhập Bình Quân đầu Người Của VN Tăng 36% | Báo Dân Trí
-
Phấn đấu Năm 2025, GDP Bình Quân đầu Người đạt Khoảng 4.700 ...
-
Giật Mình Với Thu Nhập Của Người Việt Nam So Với Khu Vực
-
Chất Lượng Tăng Trưởng Kinh Tế Của Việt Nam Hiện Nay
-
Việt Nam - World Bank Data
-
Tổng Quan Về Việt Nam - World Bank
-
Mười Chỉ Tiêu Kinh Tế - Xã Hội được Thực Hiện Trong 5 Năm (2001
-
Tổng Quan Tình Hình KT-XH Việt Nam 2001-2003
-
1. Tăng Trưởng Kinh Tế
-
Kinh Tế Việt Nam – Wikipedia Tiếng Việt