Đông Trùng Hạ Thảo: Có Thực Sự Là Vàng? - YouMed

Nội dung bài viết

  • Đông trùng hạ thảo là gì?
  • Tác dụng của Đông trùng hạ thảo
  • Đông trùng hạ thảo giá bao nhiêu?
  • Liều dùng và cách dùng
  • Những đối tượng sử dụng đông trùng hạ thảo
  • Các loại Đông trùng hạ thảo tại Việt Nam
  • Thành phần hóa học
  • Tác dụng phụ có thể xảy ra
  • Ưu và nhược điểm

Đông trùng hạ thảo được mệnh danh là “Himalayan gold”, vàng của Himalaya. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết tác dụng của loại thảo dược quý hiếm này. Vậy Đông trùng hạ thảo là gì? Công dụng thế nào và cách dùng ra sao? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Y học cổ truyền Dư Thị Cẩm Quỳnh khám phá ngay trong bài viết sau nhé.

Đông trùng hạ thảo là gì?

Đông trùng hạ thảo là một giống nấm mọc kí sinh trên một loài sâu non. Loài dược liệu này được cho là có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Sở dĩ có tên gọi “đông trùng hạ thảo” là vì vào mùa đông, một số sâu non thuộc chi Hepialus bị nhiễm nấm ký sinh Cordyceps sinensis. Sau đó, loại nấm này sẽ hút chất dinh dưỡng từ bên trong cơ thể ấu trùng và lớn lên theo dạng sợi.

Sau 1 thời gian – thường là mùa hè, sợi nấm phát triển mạnh nhờ sử dụng dưỡng chất trong xác trùng, nấm thoát ra khỏi xác sâu và vươn lên mặt đất, phát triển thành Đông trùng hạ thảo.

đông trùng hạ thảo
Nấm đông trùng hạ thảo ngoài tự nhiên

Đông trùng hạ thảo được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền Trung Quốc. Ngày nay trên thị trường có rất nhiều thực phẩm chức nắng được chiết xuất từ Đông trùng hạ thảo. Có 400 loài Đông trùng hạ thảo, hầu hết có nguồn gốc từ Bhutan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nepal, Thái Lan và Việt Nam. Loài dược liệu được biết đến nhiều nhất có tên khoa học là Cordyceps sinensis, họ: Ophiocordycipitaceae. Nấm có thân dài bằng ngón tay và thường có màu nâu hoặc nâu hơi nâu.1

Đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis
Đông trùng hạ thảo (Cordyceps sinensis)

Tác dụng của Đông trùng hạ thảo

Tác dụng dược lý ghi nhận đối với Đông trùng hạ thảo Trung Quốc.

Theo Y học cổ truyền1

  • Đông trùng hạ thảo Trung Quốc là một loại thuốc được ghi nhận trong Bản thảo cương mục thập di (năm 1765).
  • Đông trùng hạ thảo Trung Quốc có vị ngọt, tính ôn, quy vào kinh phế và thận.
  • Có tác dụng ích phế, thận, bổ tinh tủy, cầm máu, hóa đờm, chữa hư lao sinh ho, ho ra máu, liệt dương, lưng gối đau mỏi, di tinh.

Theo Y học hiện đại2 3

  • Đối với tim

Thử nghiệm trên động vật cho thấy, loại dược liệu này làm nhịp tim thỏ chậm lại nhưng tăng rõ rệt lượng máu bơm trong một nhịp của tim.

Kết quả trên phù hợp với kinh nghiệm cổ truyền của nhân dân nói rằng Đông trùng hạ thảo chữa khỏi bệnh đau tim.

  • Đối với huyết áp

Đông trùng hạ thảo được cho là có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa mạnh. Cả hai đều có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị tăng huyết áp. Nhiều lợi ích trong số này là do một hợp chất được gọi là cordycepin, có thành phần phân tử tương tự như adenosine. Giống như adenosine, cordycepin dường như có thể làm giãn mạch máu, cải thiện tuần hoàn và giảm huyết áp.

  • Đối với khí quản

Thử nghiệm trên động vật cho thấy Đông trùng hạ thảo làm dãn khí quãn, nếu dùng phối hợp thì làm tăng hiệu quả của thuốc dãn khí quản.

Kết quả thí nghiệm phù hợp với công dụng theo Y học cổ truyền chữa ho, tiêu đờm, bảo vệ phổi.

  • Đối với ruột và tử cung

Đông trùng hạ thảo có tác dụng ức chế rõ rệt.

  • Ung thư

Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy Đông trùng hạ thảo có thể bảo vệ chống lại một số loại ung thư.

Theo một nghiên cứu năm 2008 được công bố trên Tạp chí Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, chiết xuất từ ​​loại dược liệu này có thể kích hoạt quá trình apoptosis (chết tế bào) ở các tế bào ung thư vú trong các nghiên cứu trong ống nghiệm.4

Kết quả tương tự cũng được thấy với các tế bào ung thư ruột kết. Chất cordycepins trong nấm Đông trùng hạ thảo cũng có vẻ là chất độc đối với các tế bào ung thư máu.

Một số công dụng khác đang được nghiên cứu trên động vật

  • Chống tăng sinh khối u – di căn khối u: ung thư vú, bàng quang, phổi, đại tràng.
  • Giảm mệt mỏi, chống lão hóa.
  • Chống nấm.
  • Điều hòa miễn dịch, chống viêm.
  • Tăng cường chuyển hóa năng lượng và lưu lượng máu ở gan.
  • Bảo vệ thận.
  • Tăng lưu lượng máu mạch vành ở tim, chống rối loạn nhịp tim, chống kết tập tiểu cầu, chống huyết khối.3

Xem thêm: 5 bí quyết ngăn ngừa lão hóa da từ bác sĩ

Đông trùng hạ thảo giá bao nhiêu?

Đông trùng hạ thảo tươi: 1.400.000 VNĐ – 1.500.000 VNĐ/100 g.

Đông trùng hạ thảo sấy: 850.000 VNĐ – 900.000 VNĐ/10 g.

(Giá chỉ mang tính chất tham khảo và có thể thay đổi theo thời điểm).

Ngoài Đông trùng hạ thảo tươi và sấy, bạn cũng có thể mua ở dạng viên nang, viên nén hoặc bột. Chế phẩm Đông trùng hạ thảo có thể được pha trộn thành sinh tố hoặc pha thành trà.

Liều dùng và cách dùng

Liều lượng sử dụng

  • Độc tính rất thấp.
  • Liều dùng ngày uống 6 – 12 g dùng với hình thức ngâm rượu uống.
  • Có thể hầm vịt cùng 15 con Đông trùng hạ thảo Trung Quốc, dùng cho người ốm mới khỏi, suy nhược, ăn uống kém.
  • Bài thuốc cho người suy nhược, già yếu, viêm phế quản mạn tính: Đông trùng hạ thảo Trung Quốc 10 g, khoản đông hoa 6 g, tang bạch bì 8 g, cam thảo 3 g, tiểu hồi hương 2 g, nước lọc 600 ml. Sắc còn 200 ml. Chia 3 lần uống trong ngày.

Cách sử dụng đông trùng hạ thảo

1. Cách sử dụng đông trùng hạ thảo khô

Đông trùng hạ thảo được bán và sử dụng rộng rãi trên thị trường là loại đông trùng hạ thảo khô. Bên cạnh những cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bạn cũng có thể thử cách ngâm đông trùng hạ thảo với mật ong.

Xem thêm: Cách pha trà đông trùng hạ thảo

2. Cách sử dụng đông trùng hạ thảo tươi

Một số siêu thị bán đông trùng hạ thảo tươi, tuy nhiên, loại tươi thực chất chỉ được dùng để nấu ăn như các loại rau, nấm thông thường. Đông trùng hạ thảo tươi không có nhiều công dụng như loại khô.

3. Cách sử dụng đông trùng hạ thảo dạng nước

Ở dạng nước, đông trùng hạ thảo có liều lượng sử dụng phụ thuộc và hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Những đối tượng sử dụng đông trùng hạ thảo

Ai dùng được đông trùng hạ thảo?

Mọi người đều có thể sử dụng.

Khuyến khích dùng đông trùng hạ thảo để bồi bổ cho người suy nhược mạn tính hoặc hỗ trợ cải thiện tuần hoàn mạch máu, bệnh lý về phổi – ho có đờm.

Ai không nên dùng đông trùng hạ thảo?

Những người dị ứng với nấm, nhộng ong bướm. Phụ nữ có thai cơ địa dễ mẫn cảm hơn người bình thường nên thận trọng để tránh dị ứng.

Các loại Đông trùng hạ thảo tại Việt Nam

Loại 1: Có nguồn gốc du nhập từ Trung Quốc.

Loại 2: Có nguồn gốc Việt Nam.

Tên khoa học, danh pháp quốc tế

Đông trùng hạ thảo Trung Quốc

  • Còn có tên khác là Trùng thảo, Hạ thảo đông trùng.
  • Tên khoa học Cordyceps sinensis (Berk) Sacc.
  • Thuộc bộ Nang khuẩn Ascomycetes họ Nhục tòa khuẩn Hypocreaceae.

Đông trùng hạ thảo Việt Nam

  • Tên khoa học Brihaspa atrostigmella.
  • Thuộc họ Sâu cánh bướm Lepidopterae.

Sống trên thân cây chít (một loại lau). Tên khoa học của cây chít là Thysannoloena maxima O.Kuntze họ Lúa Poaceae.

Mô tả

Đông trùng hạ thảo Trung Quốc

Đông trùng hạ thảo Trung Quốc (Cordyceps) là một giống nấm mọc kí sinh trên sâu non của một loại sâu thuộc họ Sâu cánh bướm. Nấm và sâu hợp sinh với nhau. Vào mùa đông, con sâu non nằm dưới đất, nấm phát triển vào toàn thân con sâu để hút chất trong con sâu làm cho con sâu chết. Đến mùa hạ, nấm sinh cơ chất (stroma) mọc lên khỏi mặt đất, nhưng gốc vẫn dính liền vào đầu sâu, đào lấy cả cả xác sâu và nấm mà dùng.

Vị thuốc như vậy gồm phần sâu non 2.5 – 3 cm, đường kính 3 – 5 mm, màu vàng nâu hay xám nâu. Từ đầu con sâu mọc ra một thân nấm hình trụ, đăc biệt có khi 2 hay 3 con sâu. Thân nấm thường dài 3 – 6 cm, có thể dài tới 11 cm. Phía dưới thân nấm có đường kính 1.5 – 4 mm, phía trên phình to ra, cuối cùng lại thon gọn, cả phần này dài 10 – 45 mm, đường kính 2.5 – 6 mm.

Nếu còn non thì đặc, nếu già thì thân rỗng. Dùng kính hiển vi, ta sẽ thấy phần phình to này có vỏ sần sùi, có những hạt nhỏ là tử nang xác và dài 0.5 – 3.5 mm.

Tử nang xác hình trứng hay hơi tròn, dài 380 – 550 micromet. Đường kính 140 – 240 micromet. Trong tử nang xác có chứa các nang hình sợi có cuống ngắn dài 240 – 485 micromet, đường kính 12 – 15 micromet. Trong nang có nhiều nang bào tử có nhiều vách riêng biệt dài 17 – 47 micromet, dường kính 5 – 6 micromet.

Mô tả đông trùng hạ thảo Trung Quốc
Mô tả Đông trùng hạ thảo Trung Quốc

Đông trùng hạ thảo Việt Nam

Cây chít cao như cây bông lau, tháng 3 – 4 có bông vọt lên. Thường vào tháng 11 – 12 vào rừng thấy những cây chít nào cụt, không có búp thường là có sâu ẩn bên trong thân. Cắt ngang thân từ chỗ cành đến ngọn dài 50 – 60 cm.

Đem về xé đôi thân thấy con sâu ở bên trong. Thực ra đó mới chỉ là nhộng của con sâu. Sâu này đẻ trứng ở vỏ cây, nhộng nở ra chui vào và sống trong thân cây qua mùa đông.

Nhộng màu vàng trắng, dài khoảng 35 mm.

sâu chít
Hình ảnh nhộng từ cây chít

Phân bố, chế biến

Đông trùng hạ thảo Trung Quốc

Tại Trung Quốc, loại dược liệu này thường gặp ở rừng ẩm ướt các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Tây Khang, Tây Tạng, Nepal, dãy Himalaya nhiều nhất ở Tứ Xuyên và Tây Khang.

Qua sự phân bố ở Trung Quốc, chúng ta chú ý phát hiện tại một số ẩm ướt ở các tỉnh biên giới.

Vị thuốc bao gồm cả nấm và sâu, hái vào mùa tháng 6 – 7. Rửa sạch, phơi khô, phun rượu vào rồi phơi khô hẳn. Bó thành từng bó 10 – 15 con.

Đông trùng hạ thảo Việt Nam

Hàng năm tại Thất Khê, Lạng Sơn hay Hòa Bình. Nhân dân ta thu hoạch và bán loại dược liệu này.

Thả nhộng vào nước muối để rửa sạch. Sau đó rang hoặc sấy khô. Tẩm mật ong rồi lại sấy khô. Cuối cùng ngâm sâu này vào rượu sẽ thấy các chất béo nổi lên như mỡ nước luộc gà.

Xem thêm: Cách ngâm rượu đông trùng hạ thảo

Thành phần hóa học

Đông trùng hạ thảo Trung Quốc

Trong Đông trùng hạ thảo Trung Quốc người ta đã thấy được chừng 7% axit amin đặc biệt là axit cocdixepic 3-4-5 tetraoxyhexahydrobenzoic, có cấu tạo giống axit quinic.

Trong đó chứa 25 – 32% protein, axit amin gồm: axit glutamic, prolin, histidin, valin và oxyvalin, arginin và alanin.

Ngoài ra còn chứa 8.4% chất béo trong đó axit béo no 13% và axit béo không no chiếm 82.2% (axit linolic 31.69%, axit linilenic 68.31%).

Đông trùng hạ thảo Việt Nam

Chưa có đầy đủ nghiên cứu.

Tác dụng phụ có thể xảy ra

  • Đông trùng hạ thảo được coi là an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn. Một số người dùng có thể gặp các tác dụng phụ nhẹ; bao gồm đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy hoặc khô miệng. Các triệu chứng thường hết sau khi ngừng điều trị. Những người khác đã báo cáo rằng vị kim loại kéo dài sau khi sử dụng sản phẩm Đông trùng hạ thảo, có thể mất nhiều thời gian hơn để giải quyết.
  • Mặc dù tính an toàn tương đối của nó, hoạt động của thuốc thảo dược vẫn chưa được hiểu rõ và có thể gây ra vấn đề ở một số người dùng nhất định. Nếu bạn bị dị ứng với nấm mốc hoặc men, bạn sẽ có thể bị dị ứng với loại dược liệu này và nên tránh xa chúng.

Ưu và nhược điểm

Ưu điểm  Nhược điểm
Có nhiều công dụng tốt: Bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng, hỗ trợ điều trị ung thư Giá thành cao, dễ bị làm giả
Dược liệu được sử dụng từ lâu đời nên ít tác dụng phụ Không được sử dụng cho trẻ em dưới 13 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú

Đông trùng hạ thảo là loại thuốc quý hiếm, đắt tiền, nhiều tác dụng đang còn tiếp tục nghiên cứu. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Video chia sẻ chi tiết về Đông trùng hạ thảo:

Biên tập bởi: Thạc sĩ, Dược sĩ Phan Tiểu Long

Từ khóa » Cỏ đông Trùng Hạ Thảo Là Gì