Động Vật ăn Thịt Có Vai Trò Sống Còn đối Với Rừng - VnExpress

s

Không có động vật ăn thịt, rừng cũng không còn là rừng nữa.

Nhóm nghiên cứu do John Terborgh, Đại học Duke (Mỹ), chỉ đạo, đã thực hiện một cuộc điều tra về tương quan lực lượng giữa động vật ăn cỏ và cây rừng trên một vài hòn đảo ở hồ Lago Guri, Venezuela. Chiếc hồ thủy điện này rộng 4.300 km2, được tạo ra năm 1986. Tại đây, các nhà khoa học đã kiểm chứng hai giả thuyết đối lập về cấu trúc của hệ sinh thái: Giả thuyết đáy - đỉnh và giả thuyết đỉnh - đáy.

Giả thuyết đáy - đỉnh: Thực vật (bậc dinh dưỡng thấp nhất trong hệ sinh thái) sẽ quyết định số lượng động vật ăn cỏ (ở bậc cao hơn). Đến lượt mình, các loài ăn cỏ sẽ chi phối đến quần thể động vật ăn thịt (bậc trên cùng) mà hệ sinh thái có thể nuôi dưỡng được.

Ngược lại, trong giả thuyết đỉnh - đáy, động vật ăn thịt có vai trò trung tâm. Chúng giữ số loài ăn cỏ ở trong mức giới hạn. Các loài ăn cỏ sau đó lại tác động tới tính đa dạng loài của thực vật.

Terborgh và đồng nghiệp phát hiện thấy sự vắng mặt của động vật ăn thịt đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái trên các hòn đảo này. Tại 6 hòn đảo nhỏ nhất trong hồ, khi nước dâng lên, động vật ăn thịt như báo đốm, rắn và chim cắt biến mất, động vật ăn cỏ như khỉ rú, giông mào và kiến ăn lá đã tăng lên từ 10 đến 100 lần so với trên đất liền, trong khi mật độ cây non lại chỉ bằng một nửa.

Nghiên cứu này là một minh chứng rõ ràng, cho thấy sự biến đổi của động vật ở đỉnh của hệ sinh thái có thể điều chỉnh toàn bộ hệ thống. Theo đó, động vật ăn thịt đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học. Một số lượng quá lớn động vật ăn cỏ có thể làm suy giảm sự phong phú về thành phần loài trong rừng, trong khi lại tạo ra tình trạng "dư thừa" các loài thực vật mà động vật không ăn được.

Quá trình này đang xảy ra ở Bắc Mỹ và Malaysia. Tại Bắc Mỹ, quần thể hươu đang ngày càng phình ra, còn ở Malaysia thì lợn dại chạy rông khắp các cánh rừng.

B.H. (theo NewScientist)

Từ khóa » Bộ ăn Thịt Có Vai Trò Gì