Đợt Cấp Copd Là Gì, Triệu Chứng Và Cách điều Trị Ra Sao
Có thể bạn quan tâm
COPD là gì? Bệnh COPD và đợt cấp COPD khác nhau như thế nào? Theo các chuyên gia, các đợt cấp copd hay đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng bệnh diễn tiến nặng đột ngột, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng phổi, nếu không được điều trị tích cực có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Đặng Thành Đô – Khoa Nội Hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới WHO, năm 2016 thế giới có 251 triệu ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Căn bệnh này khiến 3,2 triệu người chết mỗi năm, chiếm khoảng 5% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam, các ca COPD chiếm tỷ lệ 7,1% ở nam và 1,9% ở nữ từ 40 tuổi trở lên. Mặc dù y học đã có nhiều nỗ lực cập nhật chẩn đoán cũng như điều trị nhưng tỷ lệ mắc và tử vong của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vẫn tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam.(1)
Đợt cấp COPD là gì?
Đợt cấp COPD (tên tiếng Anh – COPD Exacerbation) là tình trạng các triệu chứng hô hấp biến đổi cấp tính từ giai đoạn ổn định của bệnh, trở nên xấu đột ngột, ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng phổi, đòi hỏi có sự thay đổi ở phác đồ điều trị thông thường. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp bệnh nhân có đợt cấp không được phát hiện kịp thời làm chậm trễ trong quá trình điều trị dẫn đến tiên lượng bệnh nặng.
Ai có nguy cơ mắc đợt cấp COPD?
Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đều có nguy cơ bị đợt cấp, các dấu hiệu cảnh báo phổ biến cho đợt bùng phát bệnh là thở khò khè, ho nặng hơn hoặc khó thở, thở nông hoặc nhanh, nhịp tim hoặc nhiệt độ tăng lên và thay đổi màu sắc của đờm.
Những người bị COPD có thể có một hoặc hai đợt cấp mỗi năm và những đợt cấp này có xu hướng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Yếu tố nguy cơ và khởi phát dẫn đến đợt cấp COPD:
- Hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc.
- Sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi.
- Người lớn tuổi (>40 tuổi), chức năng phổi càng suy giảm cũng là một trong các yếu tố nguy cơ.
Các triệu chứng đợt cấp COPD
Phổi có nhiệm vụ trao đổi Oxy và Carbon Dioxide (CO2) để thực hiện chu trình sống của cơ thể, với người bị COPD sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc trao đổi chất này vì phổi không hoạt động tốt. Điều này có thể là tác nhân dẫn đến sự tích tụ Carbon Dioxide và giảm lượng oxy. Nếu khí CO2 tích tụ trong cơ thể quá mức hoặc mức độ Oxy trở nên quá thấp điều này có thể dẫn đến tử vong.(2)
Dấu hiệu rõ ràng của một cơn đợt cấp COPD sắp xảy ra là khó thở. Người bệnh cảm thấy bị bóp nghẹn lồng ngực, lượng không khí tiếp nhận không đủ. Điều này xảy ra ngay cả khi người bệnh có hoạt độ có hoạt động thể chất nhẹ hoặc ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
Một số triệu chứng khác nên chú ý:
- Khó thở: Người bệnh khi vào đợt cấp COPD thường không thể thở một cách thoải mái, cảm giác không đủ không khí để thở, cơn khó thở có xu hướng tăng dần. Nếu tình trạng này kéo dài và trở nên nặng hơn, hoặc người bệnh cảm thấy khó thở ngay cả khi đang ngủ nghỉ ngơi, nên dùng thuốc hỗ trợ và nhanh chóng tìm đến bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời. Có thể nói đây cũng là một trong những triệu chứng đợt cấp COPD thường gặp.
- Thở rít: Đối với người bệnh bị phổi tắc nghẽn mạn tính, tiếng thở rít thường xuất hiện ở kỳ thở ra. m thanh này được tạo ra do sự tắc nghẽn đường thở do tích tụ các chất tiết, đờm mủ.
- Tiếng thở khò khè: Hiện tượng thở khò khè ở người bệnh COPD cũng được tạo ra do đường hô hấp bị tắc nghẽn một phần bởi chất nhầy, mủ.
- Đau ngực: Trong đợt cấp COPD, người bệnh sẽ cảm thấy phải gắng sức hơn để thở, dẫn tới cảm giác đau tức, nặng ngực. Trong đợt kịch phát, hơi thở của người bệnh có thể trở nên không đều, phần ngực di chuyển lên xuống nhanh chậm bất thường.
- Ho: Đối với bệnh nhân tắc phổi nghẽn mạn tính, ho nhiều và nặng hơn bình thường có thể là một triệu chứng đợt cấp COPD. Lúc này, người bệnh có thể ho khan, hoặc ho có đờm vàng, xanh.
- Da hoặc móng tay đổi màu: Trong đợt kịch phát COPD, người bệnh sẽ có thể có những thay đổi đáng chú ý về màu sắc của da như: xuất hiện một màu xanh tím xung quanh môi, sắc mặt nhợt nhạt; và móng tay cũng sẽ chuyển sang màu xanh lam, tím. Đây là dấu hiệu suy hô hấp.
- Khó ngủ và chán ăn: Khi các biểu hiện của một đợt cấp COPD tăng lên, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, không muốn ăn uống kèm theo tình trạng mất ngủ.
- Đau đầu vào buổi sáng: Đây cũng được xem là dấu hiệu đáng lưu ý của một đợt cấp COPD. Ở những người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nồng độ oxy trong máu (SpO2) thấp và lượng carbon dioxide tích tụ dư thừa trong máu là nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu vào buổi sớm.
- Sốt: Đây cũng được xem là một dấu hiệu của việc nhiễm trùng và bắt đầu một đợt cấp COPD mới sắp xảy ra.
- Lo lắng, kích thích: Vào những đợt cấp copd, người bệnh sẽ cảm thấy không nhận đủ oxy. Điều này không chỉ gây khó thở mà còn mang đến cảm giác lo lắng, hoảng loạn.
- Không đủ sức nói: Người trải qua cơn suy hô hấp nặng có thể không đủ sức nói chuyện. Thay vào đó, người bệnh phải dùng cử chỉ để diễn tả điều mình muốn truyền đạt.
Nguyên nhân đợt cấp COPD
Nguyên nhân trực tiếp và thường gặp nhất chiếm đến hơn 80% trong đợt cấp là nhiễm trùng (COPD bội nhiễm), các đợt nhiễm trùng này có thể do virus hoặc vi khuẩn.(3)
- Virus thường gặp: Rhinovirus, Influenza, Parainfluenza, Respiratory Syncytial Virus (Virus hợp bào RSV), Human Metapneumomia Virus, Picornaviruses, Coronavirus (Covid 19), Adenovirus,…
- Vi khuẩn thường gặp: Haemophilus Influenzae, Moraxella Catarrhalis, Staphylococcus Aureus, Streptococcus Pneumoniae,…
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác gây nên đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể liên quan đến:
- Yếu tố nội khoa: các bệnh nhân tắc mạch phổi, tràn khí màng phổi, mệt cơ hô hấp, bỏ thuốc điều trị, dùng thuốc không đúng phác đồ, bệnh nhân sử dụng thuốc an thần, chẹn beta giao cảm, thuốc gây mê, loạn nhịp tim và mắc các rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng các phủ tạng khác,..
- Yếu tố ngoại khoa: Gãy xương, chấn thương lồng ngực, sau phẫu thuật bụng và ngực.
- ⅓ trường hợp không rõ nguyên nhân.
Chẩn đoán COPD
Theo tiêu chuẩn Anthonisen,(4) đợt cấp xảy ra ở các bệnh nhân đã được chẩn đoán COPD và đột nhiên xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Khó thở tăng
- Khạc đờm tăng
- Thay đổi màu sắc của đờm
- Có hoặc không có các triệu chứng toàn thân khác (sốt, đau ngực, rối loạn ý thức…)
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu tăng nặng của đợt cấp COPD để chẩn đoán và điều trị. Một số dấu hiệu lâm sàng:
- Hô hấp: khó thở lúc nghỉ ngơi, tím, SPO2 < 88%, co kéo cơ hô hấp phụ, chuyển động ngực bụng nghịch thường, nhịp thở >25 lần/phút.
- Tim mạch: tim đập hơn 100 lần/phút, nhịp tim bị rối loạn, xanh tím, phù 2 chi dưới.
- Kích thích, rối loạn ý thức.
- Khí máu: PaO2 < 55mmHg, PaCO2 > 45 mmHg.
Người bệnh có tiền sử điều trị oxy dài hạn tại nhà, có các bệnh kèm theo: tim mạch, nghiện rượu, tổn thương hệ thần kinh…
Mức độ đợt cấp COPD
1. Phân loại mức độ nặng của đợt cấp COPD theo Anthonisen
- Đợt cấp COPD nhẹ: Có 1 trong 3 triệu chứng nặng là khó thở, số lượng đờm, màu đục/vàng và các triệu chứng đi kèm khác như: ho, tiếng rít, sốt không lý do. Trong 5 ngày trước đó có xảy ra hiện tượng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Nhịp thở, nhịp tim tăng > 20% so với ban đầu.
- Đợt cấp COPD trung bình: có 2 trong 3 triệu chứng nặng sau: khó thở, số lượng đờm, màu đục/vàng hơn. Lúc này, người bệnh nên sử dụng kháng sinh nếu màu sắc của đờm không tốt.
- Đợt cấp COPD nặng: có cả 3 triệu chứng nặng sau: khó thở, số lượng đờm, màu đục/vàng hơn. Bệnh nhân được khuyến nghị dùng kháng sinh.
2. Phân loại mức độ nặng của đợt cấp COPD theo ATS/ ERS sửa đổi
- Đợt cấp COPD nhẹ: Cảm thấy khó thở khi đi nhanh, leo cầu thang; nhịp thở bình thường; không xảy ra hiện tượng co kéo cơ hô hấp và hõm ức; có 1 trong 4 triệu chứng sau: đờm mủ, sốt, tím và/hoặc phù mới xuất hiện hoặc nặng lên. Kiểm soát bằng việc tăng liều các thuốc điều trị hàng ngày.
- Đợt cấp COPD trung bình: Khó thở khi đi chậm ở trong phòng; nhịp thở 20-25 lần/phút; thường có hiện tượng co kéo cơ hô hấp và hõm ức; có 2 trong 4 triệu chứng sau: đờm mủ, sốt, tím và/hoặc phù mới xuất hiện hoặc nặng lên. Người bệnh cần được điều trị bằng corticoid toàn thân hoặc thuốc kháng sinh.
- Đợt cấp COPD nặng và rất nặng: Khó thở ngay cả khi đang nghỉ ngơi; khó thở dữ dội, thở ngáp; nói chậm từng từ hoặc không nói được; tri giác: ngủ gà, lẫn lộn, hôn mê; nhịp thở 25-30 lần/phút hoặc chậm, thậm chí ngừng thở; chuyển động ngực – bụng nghịch thường; xuất hiện co kéo cơ hô hấp và hõm ức; có 3 hoặc cả 4 triệu chứng sau: đờm mủ, sốt, tím và/hoặc phù mới xuất hiện hoặc nặng lên. Người bệnh lúc này cần sớm nhập viện hoặc khám cấp cứu để được can thiệp kịp thời.
3. Phân loại mức độ nặng của đợt cấp COPD theo GOLD 2017
- Đợt cấp COPD nhẹ: Người bệnh chỉ cần dùng thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn (SABDs).
- Đợt cấp COPD trung bình: Người bệnh điều trị với SABDs + kháng sinh và/hoặc corticosteroid đường uống.
- Đợt cấp COPD nặng: Bệnh nhân đợt cấp nặng có thể có suy hô hấp cấp. Do đó, người bệnh cần phải nhập viện hoặc đến khám cấp cứu để được can thiệp kịp thời.
Biến chứng của COPD đợt cấp
Với những bệnh nhân xuất hiện đợt cấp thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng tăng các bệnh về viêm đường hô hấp, giảm chất lượng cuộc sống, tăng chi phí điều trị, tăng tốc độ sụt giảm của chức năng hô hấp và khiến bệnh tiến triển xấu, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nhân có càng nhiều đợt cấp càng có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Bên cạnh đó tỷ lệ sống của bệnh nhân sau đợt cấp giảm dần theo thời gian, nghiên cứu đa trung tâm tổng hợp 25 trung tâm trên thế giới, nghiên cứu cho thấy trên 1000 bệnh nhân đã trải qua đợt cấp COPD, thì sau 2 năm tỷ lệ sống của bệnh nhân giảm còn 50,7%. Bên cạnh đó tiên lượng về chức năng hô hấp giảm, bẫy khí tăng lên, đặc biệt với trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện, vi khuẩn đa kháng tăng lên.
Ngoài ra, người bệnh sau khi trải qua đợt cấp COPD còn có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm sau:
- Tràn khí màng phổi: Sự tắc nghẽn đường dẫn khí trong một khoảng thời gian dài là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khí hít vào phế nang không thở ra được, tạo ra sự tích tụ gây giãn phế nang, dẫn tới khí phế thũng. Sau đó, những phế nang này sẽ dần trở nên lớn hơn và vỡ vào khoang màng phổi gây ra biến chứng tràn khí màng phổi vô cùng nguy hiểm.
- Tăng áp lực động mạch phổi: Biến chứng này xảy ra do sự biến đổi cấu trúc mạch máu trong phổi, làm tăng áp lực mạch phổi.
- Suy tim: Đây được xem là một trong những biến chứng đợt cấp COPD nguy hiểm nhất mà người bệnh cần lưu ý. Theo đó, biến chứng này xảy ra là do áp lực động mạch phổi tăng, kèm theo tình trạng thiếu oxy kéo dài gây suy tim phải. Lâu dần, suy tim phải kết hợp với tình trạng thiếu oxy mạn tính sẽ dẫn đến suy tim trái, suy tim toàn bộ.
- Ngoài ra, đợt cấp COPD còn để lại những biến chứng nguy hiểm khác như: Ung thư phổi, loãng xương, trào ngược dạ dày thực quản, biến chứng thần kinh hoặc suy dinh dưỡng.
Phương pháp điều trị đợt cấp COPD
ThS.BSNT Đặng Thành Đô – Cố vấn chuyên môn Khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết: “COPD là bệnh mạn tính và hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để, tuy nhiên việc thăm khám và điều trị sớm có thể giúp cải thiện và kiểm soát các triệu chứng của bệnh, giúp người bệnh có thể sống cuộc sống thoải mái như người bình thường”.
Với bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính phác đồ điều trị được kết hợp giữa thuốc và các bài tập trị liệu như tập thở, tập ho khạc đờm nhằm phục hồi chức năng hô hấp. Bên cạnh đó, việc bỏ thuốc lá và tránh xa nguồn khói thuốc thụ động cũng rất quan trọng trong việc điều trị và hạn chế tình trạng bệnh tăng nặng.
Điều trị tại nhà được áp dụng trong phần lớn trường hợp mắc COPD, tuy nhiên người bệnh cần theo đúng phác đồ, không được bỏ thuốc, hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ và đến thăm khám định kỳ hàng tháng. Nếu có dấu hiệu tăng nặng như khó thở, ho nhiều bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên ngành hô hấp để được điều trị kịp thời.(5)
1. Điều trị bằng thuốc
-
Thuốc giãn phế quản
Thuốc giãn phế quản được xem là nền tảng trong việc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Theo đó, người bệnh nên dùng kết hợp cả các loại thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài và tác dụng ngắn. Tùy vào tình trạng bệnh cụ thể, mà bác sĩ sẽ tư vấn liều lượng và đường dùng của các thuốc giãn phế quản thích hợp.
-
Kháng sinh
Thông thường, kháng sinh được khuyến cáo sử dụng cho đợt cấp ở mức độ trung bình, khi bệnh nhân có đờm mủ. Đây được xem là một trong những dấu hiệu của đợt cấp COPD sắp tới. Người bệnh sẽ được điều trị bằng kháng sinh trong vòng từ 10 – 14 ngày. Đối với điều trị dự phòng kháng sinh lâu dài chỉ được khuyến cáo đối với những người bệnh có cấu trúc phổi bị thay đổi như giãn phế quản. Ở trường hợp, người bệnh có nhiều đợt cấp, sẽ được khuyến cáo sử dụng kháng sinh nhóm macrolide kéo dài nhằm làm giảm tần số đợt cấp COPD. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới những tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, phải được sự chỉ định của bác sĩ.
-
Corticosteroid
Corticosteroid thường được sử dụng cho tất cả các trường hợp. Một số loại corticosteroid có thể kể đến như: Prednisolon, Methylprednisolone.
-
Thuốc kháng cholinergic
Thuốc kháng cholinergic thường được cung cấp đồng thời hoặc xen kẽ với các thuốc kích thích beta, có tác dụng giãn phế quản. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, mà bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng thuốc kháng cholinergic phù hợp.
-
Thuốc cường beta 2 adrenergic
Thuốc cường beta 2 adrenergic được xem là nền tảng của điều trị thuốc trong các đợt cấp COPD. Thuốc có tác dụng giãn phế quản và được sử dụng theo hình thức khí dung, xịt, uống hoặc truyền tĩnh mạch. Loại được sử dụng rộng rãi nhất hiện tại là salbutamol.
2. Điều trị không dùng thuốc
-
Bổ sung oxy
Trong các đợt cấp copd, hầu hết các bệnh nhân đều cần được bổ sung oxy. Mặc dù việc sử dụng oxy có nguy cơ làm trầm trọng thêm sự tăng CO2, nhưng vẫn được khuyến cáo. Theo đó, oxy sẽ được sử dụng với liều thấp, thường dưới 3 lít/phút. Trong suốt quá trình bổ sung oxy, người bệnh sẽ được theo dõi một cách kỹ lưỡng. Khi điều trị bằng oxy, nếu bệnh nhân có tình trạng xấu đi như bị toan nặng, suy giảm ý thức phải cần được hỗ trợ thông khí.
-
Thở máy ở bệnh nhân COPD
-
Chỉ định thở máy không xâm nhập
-
Thông khí không xâm nhập là một thay thế cho thông khí cơ học đầy đủ. Phương pháp điều trị này có tác dụng làm giảm tỷ lệ đặt nội khí quản, giảm thời gian nằm viện, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân bị đợt cấp COPD cấp độ nặng. Bệnh nhân bị khó thở nhiều, co kéo cơ hô hấp phụ, xét nghiệm khí máu động mạch có CO2 tăng cao có thể có chỉ định thở máy không xâm nhập.
-
-
Chỉ định thở máy xâm nhập
-
Đặt nội khí quản và thở máy xâm nhập được chỉ định khi bệnh nhân COPD bị suy hô hấp tiến triển, các giá trị của khí máu và trạng thái tinh thần xấu đi. Trong quá trình phục hồi chức năng hô hấp, những người bệnh thở máy trong một thời gian dài, có thể được cai máy thở và trở lại mức độ chức năng trước đây.
Cách phòng tránh đợt cấp COPD
Các đợt cấp tính không thể ngăn chặn hoàn toàn, nhưng bạn có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần số của các đợt cấp trong mùa đông bằng những cách sau:
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể gây kích ứng phổi như bụi, than, dầu đốt…
- Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người, đặc biệt trong mùa lạnh để ngăn ngừa nhiễm cúm hoặc các bệnh về đường hô hấp.
- Uống nhiều nước để thông đường thở và làm chất dịch nhầy không trở nên quá đặc, cản trở hô hấp.
- Tiêm phòng cúm hàng năm để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, một số vắc xin khác như phế cầu cũng được khuyến cáo có hiệu quả tốt với người mắc COPD. Tình trạng mắc bệnh cúm và viêm phổi là yếu tố dễ khởi phát đợt cấp của COPD.
- Duy trì các phác đồ điều trị COPD và tái khám định kỳ thường xuyên với các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe của bạn đang ở mức tốt
- Rèn luyện và tập cho bản thân các thói quen tốt, chẳng hạn như ngủ đủ giấc vào ban đêm và ăn uống lành mạnh.
- Bỏ thuốc lá hoặc tránh khói thuốc thụ động.
- Rửa tay thường xuyên và sử dụng nước rửa tay để ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng.
- Thực hiện chế độ ăn ít chất béo, đa dạng, nghỉ ngơi nhiều và tập thể dục nhẹ nhàng khi có thể.
Thực hiện đầy đủ các giải pháp đã nêu, có thể khống chế số lượng và mức độ nặng của các đợt cấp COPD, hạn chế tình trạng nhập viện.
Cách chăm sóc người bệnh
Bệnh nhân mắc COPD có thể sống cuộc sống thoải mái nếu điều trị đúng theo chỉ dẫn, có lối sống khoa học kết hợp ăn uống và tập luyện hợp lý. Một số bài tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe cho người bị phổi tắc nghẽn mãn tính như đi bộ thể dục đều đặn hàng ngày, tập các bài tập nâng cao thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp. Không chỉ người bệnh, những bài tập thở còn mang lại rất nhiều lợi ích cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, thay đổi lối sống tích cực là một trong những cách giảm bớt triệu chứng của các bệnh nói chung và của COPD nói riêng.
Không chỉ COPD mà các bệnh khác cũng vậy, việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/1 lần và tập thể dục với cường độ vừa phải và đều đặn là biện pháp tốt để phòng ngừa bệnh tật cũng như nâng cao sức khỏe.
Khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh là địa chỉ tin cậy trong việc thăm khám, chăm sóc và điều trị các bệnh hô hấp thường gặp như: COPD, viêm phế quản, viêm phổi do các loại vi khuẩn, virus, nấm; hen phế quản, ung thư phổi, tràn dịch màng phổi, giãn phế quản, bệnh phổi kẽ, xơ phổi, bụi phổi, hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, các biểu hiện phổi trong các bệnh hệ thống…
Một số thắc mắc về bệnh COPD
1. COPD có khỏi không?
Là một bệnh mạn tính, COPD hiện không thể chữa khỏi hoàn toàn, bệnh chỉ có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa diễn tiến nguy hiểm, đặc biệt trong các đợt cấp giúp người bệnh đỡ ho khạc đờm, khó thở và hết sốt… Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần tuân thủ quy trình điều trị trong khoảng thời gian dài, duy trì thuốc hít, xịt đều đặn để giảm tần suất của các đợt cấp. Khi thấy có dấu hiệu bất thường, các triệu chứng kéo dài dai dẳng, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do COPD gây ra.
2. COPD có nên tiêm vắc xin covid không?
Kể từ khi đại dịch covid-19 bùng phát đến nay, có rất nhiều bệnh nhân thắc mắc COPD có nên tiêm vắc xin covid không? Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế ban hành ngày 15/7/2021, nhóm người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có tiền sử bệnh nền, bệnh mạn tính đã được điều trị ổn định… thì phải được tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện. Như vậy, bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính thường thuộc nhóm người cao tuổi, có một hoặc nhiều bệnh nền, nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong cao khi mắc COVID-19. Do đó, người mắc bệnh COPD rất cần được tiêm phòng vaccine phòng COVID-19.
Tuy nhiên, trước và sau khi tiêm cần lưu ý những điều sau:
- Người bệnh COPD khi tiêm phải ở giai đoạn ổn định (ngoài đợt cấp). Sau khi tiêm, người bệnh cần tiếp tục duy trì điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính để kiểm soát tốt các triệu chứng COPD.
- Trước khi tiêm, người bệnh COPD cần được nhân viên y tế khám sàng lọc kỹ lưỡng, hỏi han về tiền sử dị ứng, đo nhiệt độ, mạch, huyết áp, khám hô hấp. Bệnh nhân COPD có nhịp thở dưới 25 lần/phút, SpO2 > 94% mới được phép tiêm COVID-19.
- Ở lại điểm tiêm để theo dõi trong 30 phút. Khi về nhà, người bệnh cần chú ý theo dõi tình trạng khó thở, dị ứng sau tiêm. Nếu có bất kỳ dấu hiệu khó thở, thở rít, nổi ban dát sẩn ngoài da… phải báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp kịp thời.
- Sau khi tiêm, người bệnh vẫn sử dụng các thuốc kiểm soát COPD theo hướng dẫn. Nên dùng các dạng phun, hít và hạn chế dùng dạng uống.
Để được tư vấn và đặt lịch khám, tầm soát và điều trị các bệnh lý hô hấp trong đó có bệnh COPD tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách có thể liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://tamanhhospital.vn
Trên đây là toàn bộ các thông tin hữu dụng, được tổng hợp từ rất nhiều nguồn thông tin chính thống, nghiên cứu khoa học rõ ràng về đợt cấp COPD. Hãy cùng BVĐK Tâm Anh chung tay bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng!
Từ khóa » Chẩn đoán Mức độ Nặng đợt Cấp Copd
-
[PDF] HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ ĐỢT CẤP COPD
-
Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính (COPD) - Rối Loạn Chức Năng Hô Hấp
-
ĐỢT CẤP COPD (Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính)
-
Hướng Dẫn Chẩn đoán Và điều Trị Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính
-
CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ ĐỢT CẤP BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN ...
-
TIẾP CẬN VÀ XỬ TRÍ COPD ĐỢT CẤP THƯỜNG XUYÊN
-
️ Xử Trí Cấp Cứu đợt Cấp COPD - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Đợt Cấp Copd Nặng Nhập Viện - SlideShare
-
[PDF] ĐỢT CẤP COPD CHẨN ĐOÁN- XỬ TRÍ VÀ DỰ PHÒNG
-
Đợt Cấp COPD: Tiếp Cận điều Trị Kháng Sinh Thích Hợp Ban đầu Và ...
-
Xử Trí Và điều Trị Đợt Cấp Bệnh Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính (COPD)
-
Hướng Dẫn điều Trị COPD Theo GOLD 2022
-
Đánh Giá Mức độ Nặng Của COPD Bằng FEV1 - Vinmec
-
Đợt Cấp COPD: Làm Sao để Phòng Ngừa Và điều Trị Hiệu Quả?