Đột Nhập “lãnh địa” Cần Sa- Kỳ 1: Gian Nan đường Lên đỉnh Mây Tàu

Nơi đây là một thung lũng rộng hơn 20.000m2 chuyên canh tác cần sa. Ai là chủ nhân của vườn cần sa bí hiểm này?

Đi đến quê hương Đất Đỏ của chị Võ Thị Sáu vào một ngày đầu tháng 4-2010, chúng tôi hỏi thăm đường về núi Mây Tàu. Một người dân nơi đây vội vàng nói: “Còn xa lắm, cứ chạy dài dài đi, hỏi xã Hòa Hiệp, đi hết xã đó mới tới”.

Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ 1: Gian nan đường lên đỉnh Mây Tàu ảnh 1

Do không quen đường, chúng tôi tìm được đến xã Hòa Hiệp thì trời đã quá trưa. Nắng gắt, không khí hanh nồng trùm lên cả xã nghèo này. Từ UBND xã nhìn về hướng chân trời, đỉnh núi Mây Tàu trông như một hòn non bộ đỏ lửa. Theo thông tin chúng tôi nắm được, vườn cần sa nằm ngay trên đỉnh núi, muốn “thưởng lãm” chỉ có một cách leo núi.

Để vào đến chân núi, chúng tôi phải đón xe ôm băng gần 20km đường rừng. “Các chú vào rừng làm gì vậy?”, người đàn ông chạy xe ôm hỏi. “Đi lấy lan rừng”, chúng tôi trả lời. “Vào đó cẩn thận, nghe đâu trên đó có trồng cần sa, bọn trồng cần sa là không vừa đâu, loạng quạng lạc vào khu của nó, nó cho phát súng săn là xong phim”. Chúng tôi nhìn nhau thoáng rùng mình. Dưới cái nắng như đổ lửa, chúng tôi vượt qua khoảng 10 con dốc, 5 ghềnh đá (suối cạn), chân núi Mây Tàu hiện ra trước mắt.

Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ 1: Gian nan đường lên đỉnh Mây Tàu ảnh 2

Quãng đường chông gai đã bị bỏ lại sau lưng

Từng dãy đá xám ngắt chào đón khách lạ dưới cái nóng hầm hập. Mọi thứ xung quanh khô quắt lại, chỉ có mồ hôi là vã ra như tắm, áo quần ướt sũng như vừa dưới sông mò lên. “Chúng tôi chỉ chở tới đây thôi, còn khoảng 2km nữa tới chân núi, các anh tự đi nhé”, ông xe thồ nói. Chúng tôi đành phải cuốc bộ để tiếp tục hành trình. Những bước chân nặng nề lê trên đất đá nóng rát như đi trên than hồng qua từng rẫy mì hướng tới chân núi.

Ngước nhìn lên, đỉnh núi đã bị đá che khuất. Sườn núi Mây Tàu bị khai phá nham nhở lộ ra từng mảng rẫy trắng đen lẫn lộn. Cây rừng bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Rừng đang bị tàn phá nặng nề. Đường lên đỉnh mờ mịt, càng ớn lạnh khi sức lực con người đã bị nắng nóng vắt kiệt. Vốc một ngụm nước suối vả lên mặt, chúng tôi bắt tay nhau: “Không hái được cần sa nhất định không về”. Là đỉnh núi cao nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (704 m), núi Mây Tàu mùa này tắm mình trong cái nóng khan đến ngợp người. Gió núi nơi đây cũng lạ thường, oi bức hầm hập và khô rát như gió lào thường thấy ở các tỉnh miền Trung.

Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ 1: Gian nan đường lên đỉnh Mây Tàu ảnh 3

Trên đỉnh Mây Tàu

Không mang theo hành trang, trừ chiếc máy chụp ảnh kỹ thuật số, chúng tôi từng bước chinh phục ngọn núi được coi là nóc nhà của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau nửa giờ lọ mọ dưới chân núi, chúng tôi mới tìm được đường lên. Mỗi người lượm một cây mì làm gậy, mạnh ai nấy đi, len rừng từng bước bò lên núi. Đường lên là một lối mòn quanh co trườn quanh sườn núi, nhiều đoạn kẹp giữa hai vách đá dốc thẳng đứng. Hì hục leo rồi tuột, tuột rồi leo, mồ hôi tứa ra ướt sũng như tắm, len lỏi vào vòm miệng, mí mắt cảm giác mặn chát, cay xè. Khát nước thì chu miệng xuống suối uống, mệt leo lên bờ đá nằm...

Ba giờ sau, đỉnh núi dần hiện ra trước mắt. Theo thông tin ban đầu chúng tôi nắm được, vườn cần sa nằm gần hai cái chòi gỗ dưới mép đỉnh núi. Lúc này quãng đường chông gai đã bị bỏ lại sau lưng, phía trước hiện ra lối mòn khá dễ đi. Cuốc bộ lòng vòng theo đường mòn chừng 1km nữa, chúng tôi thở phào bước chân lên đỉnh núi.

Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ 1: Gian nan đường lên đỉnh Mây Tàu ảnh 4

Hai căn chòi bên cạnh vườn cần sa trên đỉnh Mây Tàu

Bước chân tới đỉnh cũng là lúc hai phóng viên mệt lả. Rừng nơi đây yên ắng đến rợn người. Ngay tiếng chim kêu cũng hiếm đến lạ. Rừng trên đỉnh Mây Tàu cũng bị bàn tay thô bạo của một số đối tượng tàn phá đến thảm thương. Rừng không còn cây cổ thụ mà chỉ toàn gỗ tạp mới lớn. Theo nhiều người bản địa, ngày xưa đây là khu rừng nổi tiếng nhiều gốc mai đẹp, nay cùng với nạn phá rừng thì những gốc mai lâu năm cũng bị người ta bứng hết. Nhiều mảng núi bị bào sạch bong, còn trơ từng khối đá khổng lồ nham nhở màu đen trắng, phơi mình giữa thảm xanh ít ỏi. Núi đá nuốt chửng chúng tôi giữa không gian hỗn tạp của rừng. Giữa muôn trùng hỗn độn, tìm được một vườn cần sa quả là nan giải. Manh mối duy nhất là hai chòi gỗ nằm gần nhau. Trời lúc này đã ngả nắng, nếu không tìm được vườn cần sa trước 15 giờ chiều thì sẽ vô cùng gian nan khi xuống núi.

Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ 1: Gian nan đường lên đỉnh Mây Tàu ảnh 5

Rất dễ lạc đường khi vào rừng sâu

Vẫn theo lối suy luận mò, chòi ở trong rừng thường làm gần suối để tiện lợi sinh hoạt, chúng tôi lại tìm manh mối từ những con suối. Nắng vẫn trùm lên cả khu rừng, thời tiết khô hanh khiến ai nấy đều mệt lả. Chúng tôi vạch rừng tìm hai căn chòi gỗ trong thấp thỏm. Nỗi lo thú rừng tấn công xen lẫn nỗi sợ lục lâm thảo khấu bắn tỉa. Trời không phụ lòng người, một giờ sau, chúng tôi phát hiện ra chòi gỗ ở đầu nguồn một ngọn suối. Hai chòi gỗ nằm dưới một rặng cây si, quần áo phơi rải rác xung quanh chòi. Vậy là chòi có người ở, có thể đây là lán trại của những kẻ trồng cần sa?

Đột nhập “lãnh địa” cần sa- Kỳ 1: Gian nan đường lên đỉnh Mây Tàu ảnh 6

Cần sa giống vừa nẩy mầm

Chúng tôi quyết định vào chòi xin nước uống để tìm hiểu nhưng cả hai chòi đều không có người. Bất chấp nguy hiểm, chúng tôi đánh bạo tự lò dò tìm cần sa quanh chòi. Sau một hồi quần quanh và mở rộng ra trong bán kính khoảng 500m, chúng tôi phát hiện nhiều gốc cần sa đã bị nhổ vứt rải rác hai bên bờ suối, trong lùm cây. Dù đã được khai thác, nhưng một số cây vẫn còn dính vài lá. Từ manh mối này, chúng tôi lùng sục dọc hai bên bờ suối, phát hiện nhiều luống cần sa trồng dọc bên suối. Cây cần sa con được trồng trong từng hố cách nhau khoảng 30cm, mỗi cây có từ ba đến bốn lá cao khoảng 12cm. Đất trong hố vẫn còn ẩm ướt, chứng tỏ cây vừa mới được tưới lúc sáng. Tim chúng tôi đập thình thịch, niềm vui xen lẫn nỗi sợ khi ở trong “lãnh địa” cần sa.

Cây cần sa còn gọi là cây gai dầu, đại ma. Tên khoa học là Cannabis sativa L, có nguồn gốc từ miền núi Hymalaya. Nó có thể cao tới trên 5 thước tây, toàn cây phủ một lớp lông mịn như tơ và cây đực thường gầy mảnh hơn cây cái. Hạt cần sa hình trứng có nhiều dầu; lá mọc cách, có cuống và lá phụ. Cây trưởng thành trong vòng từ ba tới sáu tháng sau khi hạt nẩy mầm. Cần sa mọc ở nơi cao độ và khí hậu nóng cho nhiều nhựa hơn và có tác dụng mạnh hơn.

Theo từ điển bách khoa Britannica, cần sa gây cảm giác say say, mê sảng rất lạ kỳ, đôi khi khiến người tiêu thụ vui nhộn cười đùa, nhảy múa lung tung. Vì có tác dụng đó nên cần sa được xem như một dạng ma túy và bị các chính quyền cũng như lãnh đạo tôn giáo nghiêm cấm, hạn chế tiêu thụ, trồng trọt. Ở góc độ y học, cần sa là một dược liệu dùng để chế tạo nhiều loại thuốc chữa bệnh hữu hiệu.

(Còn tiếp)

Theo Hồng Cường- Lê Bình (CATP)

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Núi Me Tàu