Đọt Rau Dớn Và Các Công Dụng “kỳ Diệu” Làm Nên Bài Thuốc Hay

Rau dớn được biết đến là một loại đặc sản phổ biến ở vùng rừng núi, bên cạnh người ta còn ấn tượng bởi những tác dụng dược lý mà nó mang lại. Ngoài việc chế biến các món ăn ngon phục vụ ẩm thực, rau đóng vai trò như một vị thuốc có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, ngăn ngừa bệnh lý và rất tốt cho phụ nữ mang thai.

Rau dớn

Cây Rau Dớn với nhiều công dụng trị bệnh
Cây Rau Dớn với nhiều công dụng trị bệnh

Tên tiếng Việt: Dớn rừng, Dớn nhọn, Phjăc cút (Tày), Lay nhái (Dao)

Tên khoa học: Cyclosorus acuminatus (Houtt). Nakai

Họ: Dớn (Thelypteridaceae)

Công dụng: Đắp lên vết thương, cầm máu, hàn vết thương. Chữa bỏng.

Mô tả

Cây có thân rễ ngắn, mọc bò, sống dai, cao 0,5 – 1 m. lá mọc so le, kép lông chim 2 lần, hình ngọn giáo, phiến dài 35 – 45 cm, rộng 20 – 25 cm gồm nhiều lá chét không cuống, gốc tròn, đầu nhọn, mọc rất sít nhau, mép khía răng tròn, mặt lá có lông; lá non cuộn lại hình thoa; cuống lá đài 25 – 35 cm, hơi có 4 cạnh, có vảy ở gốc, có lông suốt chiều dài. Ô túi bào tử nhỏ, hình tròn, xếp đều đặn trên gân phụ ở mặt sau lá; áo túi dai, không rụng; bào tử hình bầu dục, màu vàng sáng, có mào hẹp. Mùa sinh sản, tháng 5-8.

Bộ phận dùng

Toàn cây

Thành phần hóa học :

Rau dớn chứa 86% nước , 4% protid, 8% hydrat carbon, chủ yếu là celulose. ( The Wealth of India voL III. 1952,88), các hợp chất  acid phenolic, acid protocatechic, và acid phenolic và acid syringic (CA.11,1993,113341f).

Thu hái và chế biến

Tránh nhầm lẫn rau dớn và cây dương xỉ
Tránh nhầm lẫn rau dớn và cây dương xỉ

Thu hái

  • Vào đầu mùa mưa hằng năm là lúc rau dớn mọc lá non tươi tốt nhất, đây cũng là thời điểm thích hợp để thu hái rau dớn.
  • Một số nơi rau dớn sẽ mọc nhiều vào khoảng tháng 9, tháng 10.
  • Nơi khác thì rau dớn mọc vào tháng 4

Chế biến

  • Dùng lá rau tươi để sắt hoặc giã dập để làm thuốc
  • Phơi khô rau dớn để nấu lấy nước
  • Chế biến thành các món ăn để trị bệnh

Tính vị

Rau Dớn là loại rau có tính mát

Tác dụng dược lý

  • Rau dớn phơi khô nấu nước uống giúp giải nhiệt, lợi tiểu, chống táo bón hiệu quả. Bên cạnh còn có công dụng chữa các bệnh lý thường gặp như cảm, ho, viêm họng
  • Rau dớn đóng vai trò như thuốc giảm đau, giúp đẩy lùi các cơn đau âm ỉ do bệnh lý viêm đại tràng, giúp dễ ngủ và ngủ sâu hơn.
  • Việc ăn nhiều rau dớn cũng giúp máu dễ lưu thông, đồng thời còn giúp nhuận trường và làm giảm đau lưng, lá non giã nhuyễn có thể chữa mụn nhọt, ghẻ lở,…
  • Thân rễ rau còn có tác dụng hạ sốt, điều trị bệnh hen suyễn, đau bụng, kiết lỵ, tiêu chảy

Ngoài ra còn được sử dụng nhiều trong ẩm thực. Lá non có thể dùng để luộc, nấu canh, xào thịt hoặc dùng để ăn sống.

Một số bài thuốc từ cây rau dớn

Về mặt Y học, rau dớn được chế biến làm thuốc như sau:

  • Lấy 50g lá rau non giã nhỏ, đắp lên vết thương có tác dụng cầm máu, kháng khuẩn và hàn vết thương
  • Lấy thân rễ cắt bỏ hết rễ con, rửa sạch, cắt nhỏ, sắc với 200ml nước, đến khi còn lại 50ml nước rau dớn. Dùng nước này chia làm 2 lần uống trong ngày, kéo dài 1 tuần điều trị để chữa bệnh sốt rét
  • Lấy lá non rau dớn giã nhuyễn để chữa ghẻ, nhọt, nhiễm trùng da cho trẻ sơ sinh
  • Bên cạnh, người ta còn lấy rau dớn đem phơi khô để nấu nước uống giải nhiệt, giải độc vào mùa nắng nóng.

Món ăn ngon từ rau dớn

Món nộm bò với rau dớn cực ngon
Món nộm bò với rau dớn cực ngon

1. Rau Dớn luộc:

Rau hái về còn tươi xanh mà luộc lên chấm với mắm cái thì không gì đậm đà và thú vị bằng.Trước khi luộc, nên ngâm rau với nước muối pha loãng để tiệt trứng côn trùng bám vào lá. Không nên luộc quá chín, rau sẽ bị nhũn, mất đi hương vị của nó. Do vậy khi nước vừa sôi lên, nhanh tay cho rau vào đảo đều rồi vớt ra ngay để ráo, lúc này rau sẽ có một màu xanh rất bắt mắt.

2. Rau dớn trộn tôm thịt:

Dùng tôm sông và thịt heo ba chỉ xắt hạt lựu ướp với hành tím băm nhỏ, nước mắm, bột ngọt, tiêu trộn đều lên khoảng vài phút. Sau đó phi hành lên thật thơm rồi cho tôm thịt vào xào chín. Khi thịt tôm đã chín và thấm đều gia vị, cho rau vào chảo đảo đều. Rau trước khi trộn cũng cần luộc sơ qua. Trước lúc mang lên bàn ăn, để món rau rừng hấp dẫn và thơm ngon hơn, rắc lên trên bề mặt ít đậu phộng rang.

3. Chế biến món dớn xào:

Rau tươi rửa sạch, trụng sơ qua nước sôi và vớt ra để ráo. Khử dầu phộng thứ thiệt với tỏi giã giập, khi mùi thơm bốc khói là cho số rau dớn này vào đảo đều năm phút và bắc xuống. Nêm đường, bột ngọt, tương ớt, hạt tiêu, nước chanh tươi, đậu phụng rang giã giập… và gắp ra đĩa. Với món dớn xào tỏi hay xào chung với thịt bò, thịt lợn… thì đừng quên rắc thêm ít hạt mắc khẻn, thứ hạt tiêu thơm lựng mang hương vị đặc trưng của núi rừng. Mùi thơm hăng hắc của hạt tiêu bám vào từng ngọn rau xanh biếc, giòn giòn còn vương chút nhớt đọng lại nơi đầu lưỡi như tôn thêm vị thơm ngon nguyên sơ và đậm đà, khác hẳn những loại rau công nghiệp nơi phố thị nhạt hoét.

4. Nộm rau dớn:

Nộm dớn là món ăn đặc trưng của người Thái ở Lai Châu nói riêng và đồng bào Tây Bắc nói chung. Cây rau được người Thái gọi là “pắc cút”, loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, thân to, tán lá rộng, mặt lá có màu xanh nhẵn. Loại cây này chỉ mọc ở bờ suối, khe suối, nơi có độ ẩm cao.

Xin lưu ý:

  • Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
  • Không tự ý áp dụng mà chưa tìm hiểu kỹ về bài thuốc cũng như nguyên nhân gây bệnh.
  • Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Đừng quên ghé thăm Medplus hàng ngày để cập nhật những tin tức mới nhất về sức khỏe bạn nhé!

Nguồn tham khảo:

Tra cứu dược liệu Việt Nam

Từ khóa » Tác Dụng Cây Rau Dớn