ĐTC Phanxicô Cử Hành Thánh Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót

Hồng Thủy - Vatican News

Lúc 10:30 sáng ngày 11/4/2021, Chúa Nhật thứ II mùa Phục Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ kính lòng Chúa Thương xót tại nhà thờ Chúa Thánh Thần gần Vatican, nơi đã được thánh Gioan Phaolô II chỉ định là nhà thờ kính Lòng Chúa Thương xót ở Roma.

Do đại dịch nên đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh lễ, chỉ có một số ít các Thừa sai Lòng Thương xót, đại diện cho hàng ngàn linh mục đã được Đức Thánh Cha Phanxicô trao sứ vụ đặc biệt trong Năm Thánh lòng Chúa Thương xót.

Như dấu chỉ của lòng Thương xót, trong số khoảng 80 tín hữu tham dự Thánh lễ có một nhóm tù nhân nam nữ của các nhà tù Regina Coeli, Rebibbia và Casal del Marmo của Roma, một vài nữ tu dòng Bệnh viện lòng Thương xót, một đại diện cho các y tá của bệnh viện Chúa Thánh Thần ở Roma, một số người khuyết tật, một gia đình di dân người Argentina, một số người trẻ tị nạn đến từ Syria, Nigeria và Ai Cập.

Trong bài giảng, dựa trên bài Tin mừng thánh Gioan (20, 19-31) thuật lại sự kiện Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ, ban bình an và sai các ông đi thi hành sứ vụ, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu mở rộng lòng với tình yêu thương xót được Chúa Ki-tô ban qua ơn bình an, tha thứ và các vết thương của Người. Được thương xót, các Ki-tô hữu được kêu gọi trở nên thương xót và trở thành chứng nhân của lòng thương xót.

Bắt đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc rằng Chúa Giê-su sống lại hiện ra với các môn đệ nhiều lần. Người kiên nhẫn an ủi trái tim thất vọng của họ. Sau khi sống lại, Chúa thực hiện “việc phục sinh các môn đệ”. Và các môn đệ, được Chúa Giê-su nuôi dưỡng, đã thay đổi đời sống. Trước đây, nhiều lời nói và nhiều gương sáng của Chúa đã không thể biến đổi họ. Bây giờ, vào lễ Phục sinh, điều gì đó mới mẻ đang xảy ra. Và nó xảy ra dưới ánh sáng của lòng thương xót. Với lòng thương xót, Chúa Giêsu nâng họ dậy. Và họ, được thương xót, trở nên thương xót.

Các môn đệ nhận được lòng thương xót qua ba món quà của Chúa.

Ban Bình an

Trước hết, Chúa Giê-su ban cho họ bình an. Đức Thánh Cha giải thích: Những môn đệ đã rất đau khổ. Họ đã ở trong nhà đóng kín cửa vì sợ hãi, vì sợ bị bắt và có cùng kết cục giống như Thầy của họ. Nhưng họ không chỉ nhốt mình trong nhà, họ còn nhốt mình trong sự hối hận. Họ đã bỏ rơi và chối bỏ Chúa Giê-su, họ cảm thấy mình không có khả năng, chẳng ích lợi gì, sai lầm. Chúa Giê-su đến và lặp lại hai lần: “Bình an cho anh em!”. Chúa không ban một thứ bình an giúp loại bỏ những rắc rối bên ngoài, mà là một sự bình an khơi dậy niềm tin trong tâm hồn. Không phải sự bình an bên ngoài, mà là sự bình an trong tâm hồn. Người nói: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”(Ga 20,21). Như thể Chúa muốn nói: "Thầy sai anh em bởi vì Thầy tin tưởng anh em".

Bình an giúp các môn đệ cảm thấy được thương xót

Với bình an Chúa Phục sinh ban, các môn đệ thất vọng đó được làm hòa với chính họ. Sự bình an của Chúa Giê-su khiến họ đi từ hối hận sang sứ vụ. Thật vậy, sự bình an của Chúa Giê-su khơi dậy sứ vụ. Nó không phải là sự yên tĩnh, không phải là sự thoải mái, nhưng là đi ra khỏi chính mình. Sự bình an của Chúa Giê-su giải thoát khỏi những sự đóng kín làm tê liệt, phá vỡ những xiềng xích cầm tù trái tim. Và các môn đệ cảm thấy được thương xót: họ cảm thấy rằng Thiên Chúa không lên án hay sỉ vả họ, nhưng ngược lại, Người tin tưởng họ.

Đức Thánh Cha khẳng định: Vâng, Chúa tin vào chúng ta nhiều hơn chúng ta tin vào chính mình. “Người yêu chúng ta nhiều hơn chúng ta yêu chính chúng ta” (xem S. J.H. NEWMAN, Suy niệm và Lòng Sùng kính, III, 12,2). Đối với Chúa, không có ai sai, không có ai vô dụng, không có ai bị loại trừ. Hôm nay Chúa Giê-su lặp lại một lần nữa: “Bình an cho con, con là người quý giá đối với Ta. Bình an cho con, con quan trọng đối với Ta. Bình an cho con, con có một sứ mệnh. Không ai có thể làm điều đó cho con. Không ai có thể thay thế được con. Và Ta tin con.”

Ban Chúa Thánh Thần

Cách thứ hai Chúa Giê-su tỏ lòng thương xót các môn đệ là ban cho họ Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha nhận định: Chúa ban Chúa Thánh Thần để tha thứ các tội lỗi (xem cc. 22-23). Các môn đệ tội lỗi tội, họ đã bỏ trốn và bỏ rơi Thầy. Và tội lỗi ám ảnh, sự ác đè nặng . Thánh vịnh nói (xem 51,5) tội lỗi của chúng ta luôn ở trước mặt chúng ta. Chúng ta không thể tự mình xóa bỏ nó; chỉ có Thiên Chúa mới xóa bỏ được; chỉ Người, với lòng thương xót của Người, có thể giúp chúng ta thoát khỏi những đau khổ sâu xa nhất của mình.

Xin ơn đón nhận Bí tích giải tội

Giống như những môn đệ đó, chúng ta cần để mình được tha thứ và tâm hồn thưa rằng “Xin Chúa tha thứ”. Sự tha thứ trong Chúa Thánh Thần là món quà Phục sinh để được phục sinh trong tâm hồn. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu xin ơn để đón nhận ơn tha thứ, để đón nhận Bí tích tha thứ tội lỗi, và để hiểu rằng trung tâm của bí tích giải tội không phải là chúng ta với tội lỗi của mình, mà là Thiên Chúa với lòng thương xót của Người. Chúng ta đừng xưng tội để hạ mình nhưng để nâng mình đứng dậy. Tất cả chúng ta rất cần bí tích giải tội. Chúng ta cần nó như những đứa bé, mỗi khi ngã đều cần được người cha đỡ dậy. Chúng ta cũng thường xuyên bị ngã. Và bàn tay của Chúa Cha sẵn sàng giúp chúng ta đứng dậy và giúp chúng ta đi tiếp.

Cha giải tội cần giúp hối nhân cảm nhận lòng thương xót của Chúa

Đức Thánh Cha nói: Bàn tay an toàn và đáng tin cậy này là bí tích giải tội. Đó là bí tích nâng chúng ta đứng dậy, không để chúng ta nằm trên mặt đất, than khóc trên nền đá cứng nơi chúng ta vấp ngã. Đó là bí tích phục sinh, hoàn toàn là lòng thương xót. Và bất cứ ai ban bí tích giải tội phải làm cho hối nhân cảm nhận được sự ngọt ngào của lòng thương xót. Đây là cách thế của các cha giải tội: làm cho hối nhân cảm nhận được sự ngọt ngào của lòng thương xót của Chúa Giê-su, Đấng tha thứ mọi tội lỗi. Thiên Chúa tha thứ tất cả.

Các vết thương: con kênh của lòng Chúa thương xót

Cuối cùng, cùng với sự bình an phục hồi chúng ta và ơn tha thứ nâng chúng ta đứng dậy, Chúa Giê-su ban cho các môn đệ món quà thứ ba của lòng thương xót: Người cho họ xem những vết thương của Người. Nhờ những vết thương đó, chúng ta được chữa lành (x. 1Pr 2,24; Is 53,5). Nhưng làm thế nào một vết thương có thể chữa lành chúng ta?

Đức Thánh Cha trả lời: Bằng lòng thương xót. Trong những vết thương đó, giống như Thánh Tô-ma, chúng ta có thể chạm được bằng tay sự thật rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến tận cùng. Chúa đã biến các vết thương của chúng ta thành những vết thương của chính Người và mang những yếu đuối của chúng ta trên thân thể của Người. Những vết thương là những con kênh mở giữa Người và chúng ta, là những con kênh đổ tràn lòng thương xót của Người lên những đau khổ của chúng ta. Những vết thương là những con đường mà Thiên Chúa đã mở rộng cho chúng ta để chúng ta bước vào tình yêu dịu dàng của Người và thực sự “chạm và cảm nhận được” Người là ai. Chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ lòng thương xót của Người nữa.

Chúa mang lấy những yếu đuối của chúng ta

Đức Thánh Cha giải thích thêm: Bằng cách thờ lạy và hôn kính các vết thương của Chúa, chúng ta nhận ra rằng tất cả những yếu đuối của chúng ta đều được tình yêu dịu dàng của Người đón nhận. Điều này xảy ra trong mọi Thánh lễ, nơi Chúa Giêsu dâng hiến cho chúng ta Thân thể bị thương và phục sinh của Người: Chúng ta chạm vào Chúa và Người chạm vào cuộc đời chúng ta. Người làm cho trời cao bước xuống với chúng ta. Những vết thương chiếu sáng của Người xua tan bóng tối mà chúng ta mang trong lòng mình. Và chúng ta, giống như thánh Tô-ma, khám phá ra Thiên Chúa, chúng ta khám phá ra Người thân mật và gần gũi, và xúc động tuyên xưng: "Lạy Chúa và là Chúa của con!" (Ga 20,28) Và mọi sự đều bắt nguồn từ đây, từ ơn nhận được lòng Chúa thương xót. Đây là điểm khởi đầu của cuộc hành trình Ki-tô hữu. Nhưng nếu chúng ta dựa vào khả năng của mình, vào hiệu quả của các công trình và dự án của chúng ta, chúng ta sẽ không tiến xa được. Chỉ khi chúng ta đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể trao tặng một điều gì đó mới mẻ cho thế giới.

Được thương xót, chúng ta hãy xót thương

Và đây là điều các môn đệ đã làm: được thương xót, họ trở nên thương xót. Đức Thánh Cha giải thích: Chúng ta thấy điều này trong bài đọc thứ nhất. Sách Công vụ Tông đồ kể lại rằng “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (4,32). Nó không phải là chủ nghĩa cộng sản, nhưng là Kitô giáo thuần túy. Và càng ngạc nhiên hơn nếu chúng ta nghĩ rằng chính những môn đệ ấy trước đó ít lâu đã cãi nhau về phần thưởng và công trạng, xem ai là người lớn nhất trong số họ (x. Mc 10,37; Lc 22,24). Bây giờ họ chia sẻ mọi thứ, họ “một lòng một dạ” (Cv 4,32). Làm thế nào họ thay đổi được như vậy? Bây giờ họ nhìn thấy nơi người khác cùng một lòng thương xót đã biến đổi cuộc đời họ. Họ nhận ra rằng họ chia sẻ sứ mệnh, ơn tha thứ và Thân Mình của Chúa Giê-su và vì vậy chia sẻ của cải trên mặt đất này dường như là điều tự nhiên. Sách Công vụ Tông đồ nói tiếp rằng "trong cộng đoàn không ai phải thiếu thốn" (câu 34). Nỗi sợ hãi của họ đã tan biến khi chạm vào vết thương của Chúa, giờ đây họ không ngại chữa lành vết thương cho người thiếu thốn. Bởi vì ở đó họ nhìn thấy Chúa Giê-su. Bởi vì Chúa Giê-su ở đó, trong những vết thương của những người khốn cùng.

Chúa đã chạm vào cuộc đời chúng ta chưa

Đức Thánh Cha giúp các tín hữu xét xem Chúa đã chạm vào cuộc đời chúng ta chưa. Ngài nói: Hãy kiểm tra xem bạn có cúi xuống băng bó vết thương của người khác hay không. Hôm nay là ngày chúng ta tự hỏi: “Đã bao lần tôi nhận được sự bình an của Thiên Chúa, đã bao lần nhận được sự tha thứ và lòng thương xót của Người, tôi có thương xót người kháckhông ? Đã bao lần tôi được nuôi dưỡng bằng Mình Chúa Giêsu, tôi có làm gì để nuôi người nghèo không?”.

Đừng sống đức tin một chiều, chỉ đón nhận mà không biết trao ban

Và Đức Thánh Cha kêu gọi: Chúng ta đừng thờ ơ. Chúng ta đừng sống đức tin một chiều, một đức tin đón nhận nhưng không trao ban, đức tin đón nhận quà tặng nhưng không làm cho mình trở thành một món quà. Được thương xót, chúng ta hãy trở nên thương xót. Bởi vì nếu chúng ta chỉ yêu chính mình, đức tin sẽ trở nên khô héo, cằn cỗi. Nếu không có tha nhân, tình yêu sẽ không hiện thực. Nếu không có những công việc của lòng thương xót, tình yêu sẽ chết (x. Ga 2,17). Thưa anh chị em, chúng ta hãy để cho mình được sống lại nhờ ơn bình an, sự tha thứ và những vết thương của Chúa Giêsu nhân từ. Và chúng ta xin ơn để trở thành chứng nhân của lòng thương xót. Chỉ bằng cách này, đức tin của chúng ta mới sống động và cuộc sống của chúng ta sẽ được hiệp nhất. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, đó là Tin Mừng của lòng thương xót.

Sau Thánh lễ, vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã cùng các tín hữu hiện diện tại nhà thờ Chúa Thánh Thần đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Từ khóa » Thánh Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa