Dự án Cao Tốc Cam Lộ - La Sơn: Sáu Gói Thầu Sẽ Về đích Vào Cuối ...

Từ khi khởi công đến 26/5/2022, sản lượng thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn đạt 4.931,67 tỷ đồng, tương ứng 86,66% giá trị xây lắp. Ảnh: TV
Từ khi khởi công đến 26/5/2022, sản lượng thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn đạt 4.931,67 tỷ đồng, tương ứng 86,66% giá trị xây lắp. Ảnh: TV

Gói thầu XL3 Xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km26+500 - Km37+300 (bao gồm các cầu: Nhùng, Khe Mương, Khe Mỹ Chánh, Mỹ Chánh, cầu vượt HL57, cầu vượt QL15D, cầu Số 1) có giá trúng thầu 667,729 tỷ đồng, Liên danh Tổng công ty 319 - Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 là nhà thầu thực hiện. Đây là gói thầu có giá trị trúng thầu lớn thứ hai trong số 11 gói thầu xây lắp của Dự án và cũng là một trong 6 gói thầu dự kiến hoàn thành trước ngày 30/6/2022.

Để đảm bảo tiến độ Gói thầu XL3, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phải điều chuyển khối lượng của đơn vị thầu phụ, gồm 560 m của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên và đường đầu cầu của Công ty TNHH Vinh Khải cho nhà thầu chính là Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68.

Ngoài ra, theo nhiều nguồn tin, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cắt chuyển 0,93 km thuộc Gói thầu XL5 và một số đường dẫn thuộc các gói thầu XL 5, XL7 từ nhà thầu phụ cho nhà thầu chính thi công.

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn là một trong những dự án thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ hoàn thành trong năm 2022. Chiều dài tuyến 98,3 km (tỉnh Quảng Trị 37,3 km; tỉnh Thừa Thiên Huế 61 km). Dự án khởi công ngày 16/9/2019, được chia làm 11 gói thầu xây lắp, 3 gói thuộc tỉnh Quảng Trị, 9 gói thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước đó, Ban đã nhắc nhở nhiều nhà thầu phụ, yêu cầu các nhà thầu chính tăng cường thi công khi thầu phụ không đáp ứng tiến độ. Một số nhà thầu cũng bị đưa vào diện cảnh báo.

Lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, trong phạm vi thẩm quyền của mình, chủ đầu tư tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác giải ngân, thanh toán để hoạt động thi công, xây lắp không bị gián đoạn trong giai đoạn nước rút này. Ngoài việc sâu sát trong điều hành công trường, Ban đã có những cuộc làm việc ba bên với nhà thầu, đơn vị cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, qua đó cam kết vốn sẽ được giải ngân kịp thời nhất để các nhà thầu yên tâm bám sát kế hoạch tiến độ.

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đến nay cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, trong phạm vi đã GPMB còn một số điểm vướng mắc cục bộ, “xôi đỗ” gây khó khăn cho công tác thi công và một số phát sinh GPMB do điều chỉnh xử lý kỹ thuật.

Giá trị sản lượng thực hiện từ khi khởi công đến 26/5/2022 đạt 4.931,67 tỷ đồng, tương ứng 86,66% giá trị xây lắp, chậm khoảng 1,45% so với kế hoạch chủ yếu do thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến thi công bê tông nhựa. Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc BQLDA đường Hồ Chí Minh chia sẻ, dự kiến ban đầu, khoảng cuối tháng 1/2022 trên địa bàn Quảng Trị và Thừa Thiên Huế sẽ kết thúc mùa mưa, nhà thầu có thể triển khai thi công các hạng mục như đắp nền K95, K98 và thảm bê tông nhựa mặt đường…, nhưng thực tế phải đến ngày 9/3/2022 thời tiết mới cơ bản hết mưa. Tuy nhiên, sau đó vẫn xen lẫn một vài ngày mưa, đặc biệt thời gian từ 29/3/2022 đến 6/4/2022 có đợt mưa lũ lớn, trong tuần mưa từ 4 - 5 ngày, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công.

Theo Ban QLDA, đối với phần sản lượng bị chậm so với kế hoạch, các nhà thầu tăng cường huy động thiết bị, nhân lực, làm tăng ca để bù khối lượng. Dự kiến các gói thầu đáp ứng tiến độ hoàn thành đã đăng ký. Cụ thể, 6 gói thầu (XL1, XL2, XL3, XL4, XL10 và XL11) hoàn thành vào 30/6/2022. 3 gói thầu (XL5, XL6, XL9) hoàn thành vào 30/8/2022; 2 gói thầu (XL7, XL8) hoàn thành vào 30/9/2022.

Từ khóa » Tiến độ Thi Công Cao Tốc Cam Lộ - La Sơn