Dự án đường Cao Tốc Vân Phong - Nha Trang: Sẵn Sàng để Phối ...

Những địa phương có dự án đường cao tốc Vân Phong - Nha Trang đi qua đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Những địa phương có dự án đường cao tốc Vân Phong - Nha Trang đi qua đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Dự kiến có 4 nút giao liên thông

Theo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải), dự án đường cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng chiều dài khoảng 83km, đi qua 4 huyện, thị xã: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Diên Khánh. Dự án bắt đầu tại Km 285+000, điểm nút giao phía nam hầm Cổ Mã (xã Vạn Thọ, Vạn Ninh), tuyến đi vào khu vực Vạn Ninh có địa hình thuận lợi, khá bằng phẳng thuộc các xã: Vạn Bình, Vạn Phú, Vạn Lương, Vạn Hưng. Sau đó, tuyến đi vào địa phận Ninh Hòa, giao cắt với Tỉnh lộ 7 (xã Ninh An), đi qua các xã: Ninh Trung, Ninh Thân, Ninh Xuân, Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Tân; tuyến đi qua địa phận Khánh Vĩnh cắt qua Tỉnh lộ 8 (xã Khánh Bình), sau đó vào địa phận huyện Diên Khánh qua các xã: Diên Xuân, Diên Đồng, cắt qua Tỉnh lộ 2, Quốc lộ 27C và kết thúc tại Km368+000 kết nối với dự án đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (xã Diên Thọ, Diên Khánh).

Đường cao tốc Vân Phong - Nha Trang sẽ kết nối với đường dẫn vào hầm Cổ Mã.

Đường cao tốc Vân Phong - Nha Trang sẽ kết nối với đường dẫn vào hầm Cổ Mã.

Dự kiến, dự án có 4 nút giao liên thông, bao gồm: Nút giao đầu tuyến hầm Cổ Mã (kết nối Khu Kinh tế Bắc Vân Phong); nút giao đường Nguyễn Huệ (kết nối huyện Vạn Ninh); nút giao Quốc lộ 26 (kết nối thị xã Ninh Hòa); nút giao cuối tuyến Quốc lộ 27C (kết nối với TP. Nha Trang). Ông Nguyễn Thái Hà - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho biết, đơn vị tư vấn đang thực hiện việc lập thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án với các hạng mục: khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn, thẩm định nghiên cứu khả thi, phê duyệt báo cáo tác động môi trường… Dự kiến, các công việc này sẽ hoàn thành chậm nhất trong tháng 6-2022. Ban Quản lý dự án 7 đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan của địa phương phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, xác định thống nhất về vị trí, tĩnh không các cầu, tĩnh không đường, đường dân sinh cắt ngang qua cao tốc, đường gom… để có cơ sở làm văn bản thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải.

Sớm hoàn thiện hồ sơ giải phóng mặt bằng

Theo Nghị quyết 18, ngày 11-2-2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, cho phép UBND tỉnh triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến bồi thường, giải tỏa, hỗ trợ, tái định cư… trong giai đoạn chuẩn bị dự án để bảo đảm hoàn thành bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20-11-2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023. Theo đó, Ban Quản lý dự án kiến nghị các địa phương giao nhiệm vụ cho tổ chức dịch vụ công về đất đai hoặc thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện giải phóng mặt bằng; tiếp nhận hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng cho ban bàn giao theo từng giai đoạn và chủ động thực hiện giải phóng mặt bằng; tổ chức rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện bảo đảm đủ cơ sở, căn cứ giải tỏa…

Dự án đường cao tốc Vân Phong - Nha Trang có ý nghĩa quan trọng, là công trình trọng điểm quốc gia nên các địa phương đều rất quyết tâm, sẵn sàng phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để triển khai. Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, để thực hiện đúng tiến độ giải phóng mặt bằng, thị xã đã quy hoạch 4 khu tái định cư gần nơi ở của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án để tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ tái định cư. Khu vực này nằm trên địa bàn xã Ninh Xuân, có diện tích từ 5 đến 6ha.

Mới đây, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi khảo sát hướng tuyến, các khu vực dự kiến bố trí tái định cư cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Sau khi khảo sát, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương liên quan xem xét, chỉnh sửa các quy hoạch trùng với vị trí các khu tái định cư theo hướng ưu tiên bố trí quỹ đất phục vụ cho tuyến đường bộ cao tốc. Đối với các khu vực có tuyến cao tốc đi qua, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan khẩn trương làm việc với đơn vị khai thác mỏ đá đẩy nhanh tiến độ khai thác, sớm bàn giao mặt bằng để thi công đường cao tốc… Đối với đơn vị tư vấn, ban quản lý dự án cần sớm hoàn thiện hồ sơ giải phóng mặt bằng để địa phương có căn cứ thực hiện thu hồi đất, trong đó đặc biệt rà soát các số liệu về hộ dân bị ảnh hưởng, diện tích thu hồi đất, tái định cư. Đơn vị tư vấn nghiên cứu các đường ranh song hành, đường gom cao tốc hợp lý, hệ thống thoát nước, cống ngang phải tính toán kỹ. Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát các mỏ đất đá đang khai thác, đánh giá lại thời gian khai thác, trữ lượng để tính toán giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Các địa phương thành lập ngay các ban đền bù giải tỏa, sau khi có cọc mốc giải phóng mặt bằng khẩn trương xác minh nguồn gốc đất. Các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật phối hợp với địa phương, tư vấn để lên phương án di dời…

Dự án đường cao tốc Vân Phong - Nha Trang có quy mô đầu tư phân kỳ 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Ngoài hạng mục đường cao tốc, công trình gồm 4 nút giao liên thông, 6 nút giao trực thông; 13 cầu vượt sông, suối; 11 cầu vượt nút giao. Tổng mức đầu tư gần 13.000 tỷ đồng.

Theo khảo sát, tổng diện tích giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án khoảng 646,1ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp khoảng 353ha, đất lâm nghiệp khoảng 175ha, đất thổ cư khoảng 30,5ha. Dự kiến nhu cầu tái định cư tại Vạn Ninh hơn 505 nhà, Ninh Hòa 148 nhà, Khánh Vĩnh 43 nhà và Diên Khánh 103 nhà; có 2 vị trí cần sử dụng đất quốc phòng tại Ninh Hòa và Diên Khánh.

THÀNH NAM

Từ khóa » Dự án Vân Phong Nha Trang