Du Học Thạc Sĩ Châu Âu, Bắt đầu Từ đâu?... - Megastudy

Quá trình xin du học cơ bản sẽ qua những bước như sau:

  1. Tìm kiếm thông tin trường, ngành học
  2. Chuẩn bị hồ sơ, nộp và chờ kết quả
  3. Nộp visa và chứng minh tài chính nếu có
  4. Lên đường, sang trang.

(Bước 1) Tìm kiếm thông tin trường và ngành học

Sau khi các bạn đã xác định rõ mục tiêu (mình muốn gì) và khả năng (mình có gì) rồi thì hãy phác hoạ cơ bản nước mà các bạn muốn đi. Tìm hiểu thử xem nước đó có đáp ứng được cơ bản những điều bạn cần không. Ví dụ: nếu bạn muốn tìm kiếm cơ hội định cư thì xem luôn những chính sách cho phép định cư của nước đó yêu cầu gì, có khả thi cao ko. Hay nếu muốn tìm cơ hội xin việc làm thêm và lâu dài thì xem luôn nước đó tỷ lệ thất nghiệp có cao ko, hỏi thăm những người đã đi xem có dễ xin việc ko.

“Có những loại trường đại học nào ở Châu Âu?”

- Trường đại học nghiên cứu (University) và đại học ứng dụng (University of Applied Sciences). Đại học nghiên cứu nghiên về hướng hàn lâm, nghiên cứu còn đại học khoa học ứng dụng sẽ thực tiễn ứng dụng hơn. Tuy nhiên, các đại học nghiên cứu thường được xếp hạng cao hơn so với các đại học ứng dụng do có nhiều những công trình nghiên cứu khoa học (1 trong những tiêu chí đánh giá xếp hạng trường).

- Trường đại học công lập (Public or State University) và đại học tư thục (Private University). Đại học công lập thường được chính phủ hỗ trợ nhiều và thậm chí là tài trợ toàn bộ học phí luôn. Còn đại học tư thục thì phải đóng tiền học nhiều hơn. Chất lượng so sánh giữa 2 loại trường thì phải xem xét tùy theo từng trường.

“Học bằng ngôn ngữ gì ở Châu Âu?”

Có thể lựa chọn bằng tiếng Anh hoặc tiếng nước đó. Tuỳ bạn. Nếu bạn là người thích học nhiều ngoại ngữ thì lựa chọn Châu Âu là đúng đắn bởi bạn sẽ có cơ hội được sở hữu theo một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, chẳng hạn như tiếng Tây Ban Nha, Đức, Na Uy...

“Du học nước nào ở Châu Âu?”

- Pháp, Hà Lan: là những nước có nền giáo dục tốt (nhiều trường nằm trong top world ranking) nhưng học phí cũng khá cao so với các nước Châu Âu khác. Tuy nhiên so với Anh, Úc, Mỹ thì chi phí học tập tại các nước là là hoàn toàn hợp lý. Tạ Pháp và Hà Lan, bạn có cơ hội làm thêm trong quá trình học và chính phủ cũng cho phép du học sinh ở lại để tích lũy kinh nghiệm. Pháp và Hà Lan là 2 nền kinh tế lớn của thế giới nên có nhiều trụ sở công ty đặt tại đấy. Hà Lan trước giờ cũng khá có tiếng trong đào tạo marketing và truyền thông, Amsterdam có nhiều công ty đặt headquarters tại thủ đô này.

- Thuỵ Điển, Đan Mạch: Học phí cũng cao tương tự như Pháp và Hà Lan.

- Tây Ban Nha, Áo, Czech, Luxembourg: các nước này đều giống nhau ở chỗ là học phí rất thấp do có tài trợ của chính phủ (cho các trường công lập). Áo thì tầm khoảng 700-800Euro/ 1 năm còn Tây Ban Nha, Luxembourg và Czech thì cao hơn, tầm 4,000-5,000Euro/ 1 năm. Nhưng chương trình thạc sĩ của Tây Ban Nha chỉ có 1 năm và chi phí sinh hoạt ở Tây Ban Nha cũng thấp. Do đó, học thạc sĩ ở Tây Ban Nha là 1 option tốt, đặc biệt là ngành học về du lịch khách sạn. Tây Ban Nha là nước có số lượng khách du lịch nhiều thứ 2 thế giới và tiếng Tây Ban Nha cũng là tiếng phổ biến thứ 2 thế giới nên học ở Tây Ban Nha được nhiều cái lợi. Các trường của Tây Ban Nha được xếp loại rất tốt trên bảng xếp hạng trường trên thế giới, nằm trong top 1%. Chỉ có điều, Tây Ban Nha đang có tỷ lệ thất nghiệp khá cao nên xin việc khó và định cư cũng khó. Về Luxembourg thì đây là đất nước giàu nhất nhì Châu Âu đấy nhé các bạn. Áo thì dễ thương thôi rồi, êm đềm, hiền hoà và giàu có. Còn Czech thì cảnh đẹp mê ly.

- Phần Lan: Hơi buồn và lạnh nữa. Hiện tại Phần Lan có tỷ lệ thất nghiệp cũng khá cao trong khối Châu Âu. Và đã bắt đầu thu học phí (bay bay trên mây). So với việc trả học phí 10,000-15,000Euro/năm thì Pháp và Hà Lan vẫn là lựa chọn tốt hơn.

- Đức, Na Uy: Hai quốc gia này vào diện dễ thương nhất nhì Châu Âu: MIỄN HỌC PHÍ HOÀN TOÀN CHO TRƯỜNG CÔNG LẬP.

+ Đức: là quốc gia hiện tại đang thăng hoa về kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp thấp, lại có rất nhiều công ty Đức nổi tiếng thế giới ăn đang nên làm ra. Đức đang có những chính sách rất ưu đãi cho sinh viên quốc tế là sau khi tốt nghiệp có thể ở lại Đức 1 thời gian để tìm việc làm. Đức chỉ phù hợp với 1 số ngành nổi bật như kỹ thuật, ý tế. Tuy nhiên, muốn đi Đức học cao học các bạn buộc phải thi APS, là cuộc phỏng vấn ngắn tầm 30 phút thẩm định lại bằng tốt nghiệp đại học Việt Nam của các bạn có giá trị thật ko. Trong cuộc phỏng vấn này các bạn sẽ được hỏi lại kiến thức các môn học đại học nằm trong bảng điểm của các bạn, hỏi ngẫu nhiên bất kỳ môn nào. Các trường ở Đức cũng có ranking rất cao. Những trường top thì đòi hỏi bảng điểm đại học của các bạn rất tốt kèm theo điểm GMAT tương đối (trên 600, dành cho các ngành về kinh tế kinh doanh). Còn những trường thấp hơn thì ko yêu cầu GMAT và đầu vào cũng dễ hơn. Số lượng trường đại học ở Đức nhiều, mức độ khó dễ đầu vào tỷ lệ thuận với mức độ nổi tiếng xếp hạng của trường.

+ Na Uy: Nổi tiếng giàu có. Ngoài ra, Na Uy nói riêng và Bắc Âu nói chung còn nổi tiếng ở chính sách an cư xã hội, phải nói là tuyệt vời nhất nhì thế giới. GDP per capita (GDP đầu người) và mức lương tối thiểu của Na Uy rất rất cao, cao hơn nhiều so với cả Anh, Pháp, Mỹ, Đức...Xin việc ở Na Uy không khó cũng không dễ. Tỷ lệ thất nghiệp ở Na Uy khá thấp nhưng ở đâu cũng vậy, muốn xin được việc còn phải có cái duyên may mắn và phải biết ngoại ngữ ở nước họ nữa. Na Uy nổi tiếng về dầu mỏ, nông nghiệp và đánh bắt hải sản. Bạn nào mà học kỹ sư hoá dầu ở Na Uy thì đây là lựa chọn sáng suốt nhé. Các trường công ở Na Uy được chính phủ miễn học phí hoàn toàn, các trường công thường có tên là University of + tên thành phố. Ví dụ University of Stavanger, University of Bergen, hay University of Oslo. Các trường tư nhân ở Na Uy có học phí cao. Có 1 trường đại học chuyên đào tạo về kinh doanh cũng khá nổi tiếng là BI Norwegian Business School nhưng là trường tư nên học phí rất cao. NHƯNG LƯU Ý LÀ CHI PHÍ SINH HOẠT CỦA NA UY RẤT ĐẮT ĐỎ, CÒN CAO HƠN CẢ ĐỨC VÀ CÁC NƯỚC CHÂU ÂU KHÁC NỮA.

Nghe là miễn học phí của Na Uy và Đức nhưng cũng ko phải dễ xin. Bạn hình dung là nếu bạn biết thông tin miễn học phí thì nhiều bạn du học sinh ở nhiều nước khác cũng sẽ giống như bạn và nộp đơn, tỷ lệ canh tranh cao. Nhưng mà cũng ko nên mất tự tin nhé, tất cả nằm ở profile và bộ hồ sơ của bạn thế nào.

“Tìm kiếm thông tin về quốc gia, trường, ngành học, học bổng ở đâu?”

Mỗi nước thông thường sẽ có các trang tổng hợp thông tin về tất cả các trường chính thức của nước họ:

Hà Lan: https://www.studyinholland.nl/

Na Uy: http://www.studyinnorway.no/

Đức: https://www.daad.de/de/

Phần Lan: www.studyinfo.fi hoặc www.studyinfinland.fi

Áo: http://www.studyinaustria.at

Thuỵ Điển: www.studyinsweden.se

Đan Mạch: www.studyindenmark.dk

Khi vào các trang này, bạn tìm search khoá học (courses/ programmes/ studies) xong filter theo ngành học + bậc đào tạo (master/...) + học phí (free or up to...) + ngôn ngữ học (English/...)

Các bạn cũng nên thường xuyên đi các hội thảo du học do các trung tâm tư vấn hoặc đại sứ quán tổ chức để biết thêm càng nhiều thông tin càng tốt.

Sau khi tìm thấy ngành học phù hợp, các bạn click vào xem thêm thông tin chi tiết về ngành này trên website của trường để biết đầy đủ thông tin bao gồm các điều kiện yêu cầu nộp đơn, hạn nộp, chương trình học... Nhớ lưu ý thời hạn nộp để chuẩn bị hồ sơ cho kịp, ko bị bỏ lỡ cơ hội.

Các bạn có thể vào để tìm hiểu thêm về xếp hạng trường tại 2 trang uy tín là: www.timehighereducation.com hoặc www.topuniversities.com

Các bạn có thể tìm hiểu thêm tình hình kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp, mức sống của quốc gia đó tại http://www.tradingeconomics.com

Đối với Na Uy và Đức hầu như ko thấy trường tài trợ học bổng chi phí sinh hoạt (hoặc là có nhưng rất hiếm).

(Bước 2) Nộp hồ sơ

Hồ sơ cơ bản đầy đủ nhất sẽ bao gồm:

- Bằng tốt nghiệp đại học + bảng điểm: Thông thường các trường ở Châu Âu sẽ yêu cầu kết quả tốt nghiệp đại học của bạn từ loại khá giỏi trở lên. Đồng thời, đạt được 1 số tín môn học yêu cầu nhất định. Ví dụ các bạn học ngành kinh tế hoặc quản trị kinh doanh sẽ yêu cầu đủ 1 số lượng tín chỉ nhất định cho các môn nền tảng cơ bản như Kinh tế vĩ mô, vi mô, thống kê, kinh tế lượng, etc. Tất nhiên, điểm càng cao thì càng tốt. Và tuỳ trường sẽ có yêu cầu mức độ điểm GPA cao thấp khác nhau.

- Bằng IELTS: Điểm cơ bản nhất là 6.5. Một số trường top cao hơn sẽ yêu cầu là trên 7.0, hoặc trường thấp hơn sẽ yêu cầu là 6.0. Tuy nhiên, vẫn nên đạt mức 7.0 trở lên. IELTS chỉ là điều kiện cần có chứ ko phải là yếu tố để xếp loại hồ sơ của bạn.

- Personal statement (Motivation letter): Cái này là quan trọng nhất. Và bạn cũng nên dành thời gian nhiều cho nó để chuẩn bị chu đáo nhất có thể. Có rất nhiều topic chia sẻ kinh nghiệm viết personal statement mà bạn có thể tham khảo thêm (google). Có nhiều cách viết khác nhau nhưng cơ bản nhất là bạn cần hiểu sâu sắc bản thân mình, đồng thời có 1 kế hoạch cụ thể cho việc học và định hướng nghề nghiệp của mình trước khi bắt đầu viết. Bạn có thể phác thảo outline trước, mỗi khi nghĩ ra 1 ý nào hay hãy note vào hoặc bạn cũng có thể nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, lắng nghe góp ý để chỉnh sửa lại. Nhớ kiểm tra lỗi ngữ pháp và chính tả, nếu có quen các bạn người nước ngoài hãy nhờ họ đọc qua để kiểm tra các lỗi này.

- CV: Có thể làm theo template của European luôn vì cái template này vừa gọn gàng, đẹp lại chuyên nghiệp. Bạn có thể search trên mạng down về. Về cơ bản, CV cần làm nổi bật: kinh nghiệm làm việc, các giải thưởng (cả academic và non-academic), hoạt động xã hội, training, publicities hoặc dự án nghiên cứu bạn thực hiện, và các seminars/ confererences bạn đã tham gia.

- Reference letters: Tuỳ trường mà họ có yêu cầu cần có reference letters của thầy cô hay từ sếp cấp trên của bạn cũng được.

- Passport

- GMAT hoặc GRE: Hầu hết các trường ở Châu Âu đều không yêu cầu. Trừ 1 số trường thuộc hàng top, thì điểm GMAT họ yêu cầu cũng chỉ trung bình là 600. GMAT chỉ dành cho các bạn học khối ngành kinh tế/ quản trị kinh doanh.

- Thesis proposal/ đề cương nghiên cứu: Cái này không bắt buộc. Nhưng nếu làm được thì tốt, gây ấn tượng với giáo sư, nhà trường vì nó thể hiện được định hướng học tập của bạn. Thesis proposal cũng ko cần quá dài, chỉ khoảng 2-3 trang là ok. Cũng ko cần quá chi tiết, chỉ cần khái quát định hướng nghiên cứu của mình. Quan trọng cần là thể hiện được vì sao mình ra được định hướng nghiên cứu này, từ những quan sát, tham khảo, nghiên cứu nào của mình mà có được định hướng đó. Lưu ý là thesis proposal cần rất chặt chẽ với personal statement.

Danh sách trên đây là hồ sơ đầy đủ nhất. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng yêu cầu tất cả các giấy tờ này. Tuỳ thuộc vào từng trường sẽ có những yêu cầu khác nhau.

Ví dụ 1 số trường sẽ quan tâm nhiều đến academic rewards của bạn sẽ quan tâm nhiều đến bảng điểm, GMAT/ GRE mà không quan tâm nhiều đến CV, reference letters thể hiện kinh nghiệm làm việc, hoạt động xã hội của bạn.

Ngược lại, 1 số trường lại không quá chú trọng đến kết quả học thuật của bạn mà đề cao personal values, kinh nghiệm làm việc, hoạt động xã hội, các trải nghiệm/ học kỳ quốc tế của bạn.

Nói chung mỗi trường sẽ có tiêu chí khác nhau như dù gì đi nữa thì cái quan trọng nhất chính là personal statement. Nó thể hiện giá trị con người của bạn - điều gì đã tạo nên bạn của hôm nay; tiềm năng, tầm nhìn của bạn trong tương lai thông qua cách bạn định hướng học tập và sự nghiệp.

Học giỏi không phải là tất cả. Bảng điểm cao không phải là tất cả. Có những bạn điểm GPA và GMAT cao chót vót nhưng vẫn không đỗ, ngược lại có những bạn điểm chỉ sàn sàn nhưng nổi bật với các giải thưởng, học bổng, hoạt động xã hội, thể hiện được tiềm tăng tố chất lãnh đạo thì lại được chọn.

Khi nộp hồ sơ, bạn cần đọc thật kỹ các yêu cầu của trường về cách chứng thực giấy tờ. Đối với văn bảng tiếng Việt thì phải dịch ra tiếng Anh và công chứng đầy đủ thì giấy tờ mới có giá trị.

Riêng đối với Đức, trước khi nộp hồ sơ cho nhà trường bạn cần phải phỏng vấn APS với đại sứ/ lãnh sự quán Đức. Phỏng vấn APS không khó cũng không dễ. Ngắn gọn tầm khoảng 30 phút. Mục đích là để phía Đức kiểm tra lại xem bạn có học đại học thật sự không. Họ sẽ hỏi những kiến thức bất kỳ từ các môn trong bảng điểm của bạn, đặc biệt chú trọng đến các môn nền tảng quan trọng của ngành học chính của bạn. 1 năm có 2 đợt nộp đơn du học Đức là mùa xuân và mùa thu. Lịch thi APS để kịp nộp cho 2 học kỳ này các bạn lên search trên trang đại sứ quán Đức hoặc Daad Việt Nam. Nếu bạn pass phỏng vấn này thì sẽ được cấp cho tờ chứng nhận APS, từ đó bạn mới nộp đơn cho trường được. Các bạn lên google search các trang forum có những topic chia sẻ kinh nghiêm thi APS cực chi tiết.

(Bước 3) Nộp Visa

Nói đơn giản ngắn gọn (do đã quá dài rồi) là nộp visa bạn nên tự nộp, do tất cả giấy tờ bên đại sứ Quán hoặc lãnh sự quán đều yêu cầu đích thân người xin đến nộp. Nên dịch vụ chẳng làm gì cho bạn nhiều ngoại trừ đọc hiểu các thông tin đã có đầy đủ trên website đại sứ quán rồi hướng dẫn lại cho các bạn cả.

Lời khuyên là các bạn chỉ nên xem thông tin từ các nguồn chính thống như website của đại sứ quán/ chính phủ nước của bạn sắp đi. Đọc kỹ, trên trang này họ đều ghi hướng dẫn mình rất chi tiết. Nếu chưa rõ gì cứ gọi trực tiếp lên số ĐT họ để cho mình liên hệ. Đặt lịch hẹn cũng không có gì khó, bạn cứ xem theo hướng dẫn trên website đại sứ quán.

Một số nước sẽ yêu cầu thêm giấy tờ chứng thực lãnh sự có dấu của sở ngoại vụ. Cái này bạn cứ bình tĩnh, lên google search xem hướng dẫn là ra.

Một số quan điểm về du học:

- Người đi du học là tài giỏi và sẽ thành công, còn những ai không đi du học thì thua kém hơn? Không đúng. Có những người không đi du học vẫn thăng tiến nhanh. Thành công hay không nằm ở chính bạn, còn du học chỉ tạo thêm cho bạn nhiều cơ hội hơn nếu bạn biết nắm bắt tốt mà thôi.

- Đừng đi theo số đông, đi theo cái phù hợp nhất với mình. Cái người ta muốn chưa chắc là cái mình muốn. Cái người ta có chưa chắc mình có. Nên quan trọng nhất là cần hiểu rõ các giá trị nội tại của mình, kết hợp với việc tìm kiếm thông tin bên ngoài và từ đó đưa ra những sự lựa chọn phù hợp cá nhân mình nhất.

- Không có sự lựa chọn nào là hoàn hảo, chỉ tương đối phù hợp nhất. Mọi quyết định dù sáng suốt vẫn có rủi ro. Không có gì là chắc chắn hoàn toàn. Vì chúng ta thường dựa vào những dữ liệu hiện tại mà phỏng đoán để ra một quyết định cho tương lai. Tương lai lại chứa rất nhiều biến cố bất ngờ. Giả dụ nhưng bạn lên lộ trình là đi du học rồi sẽ tìm được việc làm thêm, rồi ra trường sẽ tìm được 1 công việc ổn định rồi sẽ xin ở lại. Nhưng ai biết được ngày mai thế nào, biết đâu nước người ta đùng 1 cái suy thoái kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao cao khiến bạn ko tìm được việc làm thì sao. Hãy lường trước và chấp nhận rủi ro.

- Nộp hồ sơ du học sau đại học, nếu bạn tự tin vào khả năng mình thì có thể tự mình thực hiện. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhờ đế sự giúp đỡ của các trung tâm tư vấn du học. Bạn sẽ được tư vấn thông tin và họ sẽ làm các công việc giấy tờ cho bạn như công chứng dịch thuật, hướng dẫn cụ thể về việc chuẩn bị hồ sơ như viết motivation letter, thi IELTS, GMAT hay nộp đơn visa như thế nào. Ngoài ra, một số trung tâm du học có hợp tác với một số trường đại học, họ có thể giúp bạn apply học bổng mà bạn mong muốn.

- Chi phí lớn nhất của du học chính là chi phí cơ hội bạn đánh đổi trong suốt 2 năm bạn chấp nhận bỏ việc để đi học. Đó có thể là cơ hội lẽ ra nếu bạn tiếp tục công việc của mình bạn có thể sẽ tăng tiến lên những vị trí lãnh đạo cao hơn. Nên cân nhắc kỹ.

- Đúng thời điểm và có cơ duyên là rất quan trọng. Có khi thấy thích 1 chương trình học nhưng lại hết hạn nộp. Hay nhờ không đỗ một trường nào đó mà lại có được cơ hội khác còn tốt hơn. Bình tĩnh.

Tạm kết,

Bạn có thể tin hay không những thông tin chia sẻ trên đây, tất cả tuỳ bạn.

Megastudy chia sẻ những kinh nghiệm trên với hi vọng có thể giúp được chút nào đó cho các bạn đang mang ước mơ lớn. Biết đâu sau này các bạn lại có thể giúp được gì cho đất nước mình.

Chúc các bạn đầy tự tin, quyết tâm và dũng cảm chinh phục con đường dài còn lắm chông gai phía trước. Hi vọng các bạn sẽ có sự lựa chọn đúng đắn cho cuộc đời của chính bản thân mình.

Nguồn: Sưu tầm

Từ khóa » Học Thạc Sĩ Bắt đầu Từ đâu