Du Lịch Bắc Trung Bộ Khôi Phục Mạnh Mẽ - Đảng Cộng Sản Việt Nam

Thanh Hóa đón 6,8 triệu lượt khách du lịch trong 6 tháng đầu năm. (Ảnh: Đào Nguyên)

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Thanh Hóa nổi lên như một “điểm sáng” về sự phục hồi của lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, các kỳ nghỉ lễ, lượng khách đến với những khu, điểm du lịch Thanh Hóa luôn xếp trong nhóm đầu của cả nước. Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, tổng lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm đạt trên 6,8 triệu lượt, bằng 68,2% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 44.550 lượt khách, tăng gấp 2,18 lần so với cùng kỳ năm 2021; tổng thu du lịch ước đạt 11.557 tỷ đồng, tăng gấp 2,61 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và đạt 64,5% kế hoạch năm 2022.

Điểm nhấn đáng kể trong phục hồi du lịch của Thanh Hóa đó là du lịch đã có sự phát triển toàn diện, với nhiều loại hình phong phú. Cùng với các khu du lịch biển, ngay sau khi du lịch mở cửa trở lại, nhiều điểm đến văn hóa lịch sử, sinh thái và du lịch cộng đồng của Thanh Hóa đã thu hút rất đông du khách. Tiêu biểu có thể kể đến các địa điểm như: Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), Khu Du lịch suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc),... Bên cạnh lượng khách truyền thống từ các tỉnh phía Bắc, du lịch Thanh Hóa đã dần khẳng định sức thu hút đối với khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên có đường bay kết nối đến Thanh Hóa. Chị Nguyễn Trần Bé Như ở thành phố Cần Thơ chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Thanh Hóa nhưng tôi khá hài lòng với cách làm du lịch ở đây. Môi trường trong lành, người dân thận thiện; giá cả các dịch vụ được niêm yết công khai; gần như không có hiện tượng chặt chém… Nhất định tôi sẽ đưa gia đình quay lại để khám phá mảnh đất này nhiều hơn”.

Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đón nhiều lượt khách đến tham quan. (Ảnh: Phùng Hương)

Tương tự tại tỉnh Nghệ An, lĩnh vực du lịch 6 tháng đầu năm nay cũng có sự chuyển mình rõ nét thông qua những con số đầy ấn tượng. Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã đón và phục vụ hơn 4 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, khách lưu trú khoảng 2,53 triệu lượt; khách quốc tế khoảng 9.300 lượt. Tổng thu từ khách du lịch khoảng đạt 6.700 tỉ đồng. Trong đó, lượng khách lớn nhất tập trung ở thị xã Cửa Lò (hơn 1,26 triệu lượt khách) và Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (gần 41 nghìn đoàn khách với tổng số gần 705 nghìn lượt khách). Tiếp đến là các huyện Con Cuông, Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Thanh Chương cũng đón lượng khách khá lớn.

Thanh Hóa và Nghệ An chỉ là những ví dụ cụ thể chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ trong 6 tháng đầu năm 2022. Tại các địa phương khác ở Bắc Trung Bộ như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế,... lĩnh vực du lịch đã có sự tăng trưởng mạnh về cả số lượng du khách và tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch.

Nhận định về sự phục hồi của du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ, các chuyên gia cho rằng, cùng với những điểm đến hấp dẫn, sự nhiệt tình, hiếu khách, du lịch Bắc Trung Bộ hội tụ nhiều lợi thế để trở thành “điểm sáng” trong phát triển du lịch hậu COVID-19. Bên cạnh du lịch biển, các tỉnh Bắc Trung Bộ còn có đầy đủ các sản phẩm du lịch nổi bật như: văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch đường sông, khám phá trải nghiệm... Cùng với vị trí địa lý thuận lợi về cung đường kết nối với các thị trường khách du lịch lớn ở miền Bắc, miền Nam, các địa phương đã đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, phát triển dịch vụ chất lượng cao... Do đó, ngày càng có nhiều du khách tìm đến với du lịch Bắc trung Bộ.

Mặt khác, sự phục hồi của du lịch Bắc Trung Bộ còn là kết quả có được từ việc đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Các tỉnh Bắc Trung Bộ là những địa phương đi đầu trong tổ chức các điễn đàn liên kết phát triển du lịch, hội nghị xúc tiến đầu tư, kết nối “chuỗi” du lịch vùng, miền… cũng như chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm du lịch đặc trưng, du lịch “xanh”... và các loại hình du lịch mới như: camping (cắm trại), farm stay (du lịch nông trại)... phù hợp với thị hiếu, xu hướng thị trường trong tình hình mới. Nhờ đó, đã tạo tiền đề để hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn diễn ra sôi động. Trong 6 tháng qua, tại nhiều tỉnh Bắc Trung Bộ, một số khách sạn lớn đạt công suất cao, thường xuyên ở mức 80 - 100%. Hoạt động lữ hành cũng ghi nhận nhiều khởi sắc, đa số các công ty lữ hành đều kín tour trong tháng 7 và đầu tháng 8, một số đơn vị đã đẩy mạnh khai thác tour nước ngoài.

Đến nay có thể khẳng định, đại dịch COVID-19 trong nước đã được kiểm soát; ngành du lịch Bắc Trung Bộ có thêm điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện chiến lược phục hồi với trọng tâm là đẩy mạnh du lịch nội địa. Trong đó, chú trọng thực hiện các giải pháp thúc đẩy quá trình kết nối phát triển các điểm đến, tiếp cận thị trường khách truyền thống và thị trường khách mới; phát triển sản phẩm du lịch, quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và thị hiếu hiện nay; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, đa dạng; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch… Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp: tuyên truyền, quảng bá; tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động xúc tiến, sự kiện du lịch lớn trong và ngoài khu vực Bắc Trung Bộ; tăng cường liên kết với các vùng trọng điểm du lịch trong cả nước; tổ chức khảo sát, xây dựng các tour du lịch mới; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm về du lịch... Qua đó, góp phần tạo động lực mới để du lịch Bắc Trung Bộ tiếp tục phục hồi và phát triển bền vững./.

Từ khóa » đặc Trưng Của Vùng Du Lịch Bắc Trung Bộ