Du Lịch Chợ Nổi Cái Răng Cần Thơ | Cách Đi Và Những LƯU Ý Cần ...
Có thể bạn quan tâm
Du lịch chợ nổi Cái Răng thì cần biết điều gì? Hãy cùng tìm hiểu những hướng dẫn và review chi tiết nhất về chuyến du lịch chợ nổi Cái Răng nhé. Đầu tiên là cách đặt tàu để đi, thời gian đi, các hoạt động nên trải nghiệm. Và những thông tin hữu ích về thuyết minh, lịch sử cũng như khách sạn gần đó. Cùng Miền Tây Có Gì tìm hiểu tất tần tật từ A-Z nhé!
Mục Lục
Cách đặt tàu ở chợ nổi Cái Răng
Sau đây là cách đặt tàu đi chợ nổi Cái Răng từ bến Ninh Kiều và chợ An Bình. Ngoài ra còn kèm theo bảng giá chi tiết và cách liên hệ đặt tàu. Hãy cùng giải đáp cho câu hỏi đi chợ nổi Cái Răng như thế nào.
Đi từ bến Ninh Kiều Du lịch chợ nổi Cái Răng
Nếu đi từ bến Ninh Kiều bạn sẽ mất khoảng thời gian 30- 40 phút di chuyển bằng tàu với đoạn đường sông khoảng 10km. Còn nếu đi ghe nhỏ bạn có thể mất khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ.
Khi đi từ bến Ninh Kiều, đoạn đường sẽ dài hơn nhưng bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác đi ghe thuyền trên một trong những con kênh đào đẹp nhất châu Á. Ngoài ra, với đoạn đường dài, bạn có thể nghe thuyết minh rõ hơn về chợ nổi Cái Răng và những điều đặc biệt ở đây. Ngoài ra, bến Ninh Kiều cũng khá gần trung tâm thành phố Cần Thơ. Nó sẽ tiện lợi hơn cho những ai ở khách sạn gần trung tâm để vui chơi.
Miền Tây Có Gì đã thử dạo 1 vòng bến Ninh Kiều như 1 khách du lịch. Và thật sự rất nhiều người chủ tàu hoặc nhân viên mời chào đặt tàu:
Tuy vậy, nếu bạn không muốn mất quá nhiều thời gian di chuyển đường sông, bạn có thể đến chợ An Bình để đi chợ nổi Cái Răng. Sau đây là cách liên hệ và bảng giá thuê tàu ghe đi chợ nổi Cái Răng từ bến Ninh Kiều.
Liên hệ đặt tàu và mua vé di chợ nổi Cái Răng của công ty du lịch Cần Thơ: 0911 838 409. Bạn sẽ tập trung tại bến Ninh Kiều để di chuyển đến chợ nổi Cái Răng bằng thuyền.
Tour ghép đoàn chợ nổi Cái Răng:
- Tour chợ nổi Cái Răng: 70.000đ – 100.000đ.
- Tour chợ nổi Cái Răng – lò hủ tiếu – miệt vườn Cần Thơ: 220.000đ/người (Có tặng phần ăn sáng).
Đi du lịch chợ nổi Cái Răng từ chợ An Bình
Chợ An Bình chỉ cách chợ nổi Cái Răng khoảng 100m. Từ đó bạn có thể gửi xe và đi tàu ngay tại bến ra chợ nổi Cái Răng. Nó có thể tiện hơn cho những ai không thích di chuyển mất thời gian quá nhiều cho đường thủy. Ngoài ra, bạn có thể tiết kiệm 1 ít tiền thuê tàu nữa. Sau đây là bảng giá thuê tàu ghe đi chợ nổi Cái Răng từ chợ An Bình.
Bảng giá đi chợ nổi ghép đoàn tại chợ An Bình là 50.000đ/người. Riêng thuê tàu đi riêng thì giá từ 150.000đ – 200.000đ/tàu.
Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ ở đâu
Chợ nổi Cái Răng nằm cách bến Ninh Kiều khoảng 10km. Từ đó bạn di chuyển qua 3 cây cầu là cầu Quang Trung, cầu Hưng Lợi và cuối cùng là cầu Cái Răng. Vừa qua cây cầu Cái Răng khoảng 200m là chợ An Bình và chợ nổi Cái Răng. Đứng trên cầu Cái Răng bạn cũng có thể nhìn thấy bao quát 1 phần chợ nổi Cái Răng từ xa. Để tìm hiểu rõ hơn câu hỏi chợ nổi Cái Răng ở đâu. Bạn có thể tham khảo Google Maps về địa chỉ chợ nổi Cái Răng.
Bản đồ:
Đi du lịch chợ nổi Cái Răng mấy giờ là đẹp
Vào khoảng 4-5 giờ sáng những thương lái ở chợ nổi Cái Răng đã bắt đầu họp chợ. Tuy vậy thời điểm đó họ thường chỉ bán với những khách mua sỉ để đưa nông sản vào chợ ở đất liền bán. Ngoài ra, bình thường ánh sáng đẹp nhất vào khoảng 6-7h. Vì vậy bạn nên xuất phát từ bến Ninh Kiều vào khoảng 5h30 hoặc 6h00 là thời điểm đẹp nhất để đến chợ nổi Cái Răng.
Khi ấy, ánh bình minh bắt đầu ló dạng tuyệt đẹp ở bến Ninh Kiều. Đến chợ nổi nắng cũng không quá gắt và hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu chụp hình của du khách. Thời điểm đó những thương lái cũng bớt bận rộn hơn để giao lưu và trò chuyện cùng bạn.
Tuy vậy chợ vẫn còn hoạt động đến 9,10h sáng. Đặc biệt dành cho những khách du lịch tham quan chuyến cuối cùng để nhìn ngắm và khám phá không khí tại chợ nổi Cái Răng.
Hãy chắc chắn rằng bạn đọc qua bài hướng dẫn du lịch Cần Thơ A-Z: Kinh nghiệm du lịch Cần Thơ.
Khám phá Chợ nổi Cái RăngNhững thứ bạn nên trải nghiệm khi du lịch chợ nổi Cái Răng
Chợ nổi Cái Răng là chợ sỉ có hàng trăm năm lịch sử trên dòng sông Hậu. Nó là một đại diện chân thật cho nền văn hóa đời sống sông nước ở miền Tây. Hãy cùng tìm hiểu những điều thú vị mà chúng ta có thể trải nghiệm khi du lịch đến chợ nổi Cái Răng.
Ăn bún riêu trên ghe khi du lịch chợ nổi Cái Răng
Ăn bún riêu thì có gì đặc biệt và khác lạ nhĩ? Chắc chắn rằng nó đặc biệt vì đầu bếp danh tiếng người Mỹ – Gordon Ramsay sau khi thưởng thức đã thốt lên rằng nó vô cùng độc đáo. Ông còn đưa nó vào phần thi The Master Chef ở Mỹ. Vậy điều gì làm nên tô bún riêu đặc sản chợ nổi Cái Răng ngon như thế?
Trước hết là vị nước dùng hầm xương cực ngon hòa quyền cùng tay nghề hàng chục năm của những người bán trên ghe. Một món ăn trên sông nước phục vụ những người lái tàu, khách du lịch từ lâu đời. Tạo dựng nên một thương hiệu, kinh nghiệm để chiều lòng nhiều thực khách.
Khi ăn trên ghe, bạn phải lựa chọn một nơi để tô bún cẩn thận. Một cơn sóng nhỏ trên sông làm đung đưa ghe có thể làm lật cả tô bún. Cầm tô bún thăng bằng và ăn từ tốn cũng thật không dễ. Cảm nhận sông nước chợ nổi Cái Răng qua ẩm thực đặc trưng là thứ đặc biệt nhất.
Giá bún riêu tại chợ nổi Cái Răng khoảng 30.000đ – 40.000đ/tô. Cùng 1 tô bún mình đã thử ăn với 2 mức giá khác nhau. Có lẽ ở đây họ tính tiền tùy theo thời tiết hay đoàn khách đông hay ít.
Uống cafe kho chỉ có tại chợ nổi Cái Răng
Cafe kho? Nghe lạ tai vô cùng bạn nhĩ? Theo Miền Tây Có Gì tìm hiểu thì đây là thức uống đặc biệt và chỉ có duy nhất tại chợ nổi Cái Răng mà thôi. Xuất phát từ việc khách du lịch đến dùng cafe ngay tại chỗ và đi. Hay những dụng cụ thiếu thốn ở sông nước. Người bán cafe ở chợ nổi Cái Răng đã tìm 1 cách đặc trưng để giữ hương vị cafe vừa ngon vừa nóng để phục vụ khách bằng cách “kho” cafe.
Cafe được giữ trong một cái niêu đất. Ở bên dưới niêu luôn được giữ lửa để làm nóng cafe. Vị của cafe sẽ được giữ nóng và làm nên hương vị thơm lừng. Đặc biệt gần như mọi ghe cafe ở chợ nổi Cái Răng đều bán theo kiểu này.
Giá cafe kho chợ nổi Cái Răng là 10.000đ/ly.
Trả giá và lựa trái cây trên ghe thuyền khi du lịch chợ nổi Cái Răng
Trả giá và lựa chọn những loại trái cây tươi ngon từ những ghe hàng của người dân. Một điều thú vị là ở đây bao thử, bạn có thể thử ăn những loại trái cây trước khi mua. Dĩ nhiên hãy thử có chừng mực nhé! Thêm vào đó trả giá cũng cần vừa phải để tránh bị chửi mở hàng khó khăn vào buổi sáng. Nhưng cũng đừng ngại trả giá một ít, chắc chắn bạn sẽ được khuyến mãi hay giảm giá đấy!
Những trái cây ở ghe bán tại chợ nổi Cái Răng sẽ có loại tươi nhưng cũng có loại không quá ngon. Có 1 phần những loại trái cây khác được nhập từ đất liền vào, không phải tất cả đều từ ghe bán sỉ. Chất lượng trái cây cũng vì thế khá hên xui. Bạn cần lựa chọn thật tốt trước khi mua.
Lời khuyên là nếu mua ăn liền ngay khi tham quan thì khá ok. Nếu bạn muốn mua nhiều về làm quà tặng thì nên đến những vựa, chợ trên đất liền thì sẽ ổn hơn.
Chụp hình check in với những khung cảnh tàu thuyền tấp nập
Khung cảnh ghe thuyền tấp nập của chợ nổi Cái Răng vào buổi sáng luôn rất tuyệt vời. Từ những khung cảnh tung hứng trái cây qua lại giữa các tàu thuyền, đến những cảnh ghe thuyền di chuyển nông sản vào đất liền. Tất cả sự nhộn nhịp của những ghe thuyền là 1 background chụp hình tuyệt vời dành cho khách du lịch.
Hãy cùng tham khảo những hình ảnh chợ nổi Cái Răng tuyệt vời từ Instagram của một số người nhé! Chắc chắn bạn sẽ thích ngay đấy!
Ăn khóm trên nóc tàu của người dân
Khóm trở thành loại trái cây bán quanh năm dành cho khách du lịch tại chợ nổi Cái Răng. Những chiếc ghe lớn ở đầu chợ nổi Cần Thơ bán những trái khóm tươi ngon nhất và gọt sẳn cho khách du lịch. Rải lên một ít muối làm tại nhà với công thức đặc biệt. Bạn chắc chắn sẽ chảy nước miếng khi nhìn thấy nó.
Đặc biệt khi bước lên nóc tàu của người dân đợi gọt khóm. Bạn có thể ngắm nhìn khung cảnh chợ nổi Cái Răng từ trên cao. Chụp ảnh với góc nhìn toàn diện hơn với chợ nổi Cái Răng.
Kinh nghiệm du lịch Chợ Nổi Cần Thơ
Sau đây là một số kinh nghiệm đi chợ nổi Cái Răng của riêng Miền Tây Có Gì sau hàng chục lần đi dưới tư cách khách du lịch và dẫn bạn bè cùng đi.
Trái cây ở chợ nổi Cái Răng không hẳn là tươi nhất
Trái cây ở đây khi bán ở ghe nhỏ khá đa dạng nhưng không phải luôn là tươi nhất. Đa phần họ phải nhập từ đất liền vào để bán cho khách du lịch. Hoàn toàn không phải như ghe nhỏ là nguồn hàng từ các vườn lớn. Vì vậy đôi khi bạn chỉ nên mua 1 ít trái cây ở đó ăn trên đường đi. Còn nếu muốn mua về nhà tặng bạn bè hay người thân thì nên đến vựa trái cây hay chợ ở trên đất liền.
Đi tham quan du lịch chợ nổi Cái Răng cuối tuần là sai lầm
Đây là theo ý kiến từ những lần mình đi đều dính phải, không phải là khẳng định 100% là như thế. Vì mỗi lần mình đi vào cuối tuần dẫn bạn bè theo, người đưa đò ở chợ nổi đều khá gấp gáp. Họ dẫn 1 vòng chợ nổi thật nhanh cho có, sau đó là chạy về.
Theo mình biết lý do là ở việc vì cuối tuần người cầu không đủ cung. Họ sẽ tranh thủ đi sớm về sớm để kịp đi thêm chuyến thứ 2, thứ 3. Từ đó doanh thu tăng thêm rất nhiều. Vì vậy đôi khi chúng ta bị hụt hẩng vì những dịch vụ tệ hại ở đây vào cuối tuần. Cho nên khi tham quan chợ nổi Cái Răng hãy deal trước cùng chủ tàu hoặc bạn nên đặt tour hướng dẫn viên đi cùng sẽ ok hơn rất nhiều.
Bún trên ghe giá khá mắc
Đôi khi giá bún riêu ở trên ghe mắc hơn ở trên bờ khá nhiều. Bình thường một tô bún mình mua chỉ khoảng 20.000đ – 30.000đ/tô. Riêng ở chợ nổi giá sẽ giao động từ 30.000đ – 40.000đ/tô. Giá mắc là do đây là điểm du lịch, người bán bún phải chi trả tiền ăn cho cả lái tàu và hdv.
Du lịch chợ nổi Cái Răng ngày Tết khá tẻ nhạt
Ngày Tết mọi người ở chợ nổi Cái Răng đa phần đều đưa thuyền về quê ăn Tết. Rất hiếm ai ở lại tại chợ nổi Cái Răng. Vì vậy khi tham quan ngày Tết sẽ rất vắng vẻ tàu thuyền. Đôi khi bạn sẽ chỉ có thể giao lưu du lịch cùng khách du lịch khác.
Khách du lịch nói gì về chợ nổi Cái Răng
Hãy cùng tìm hiểu về những đánh giá của khách du lịch chợ nổi Cái Răng nói về nó trên mạng xã hội ra sao nhé!
Bạn Linh Lê đánh giá 3/5: “Đến với Cần Thơ trung tâm vùng non nước ai cũng muốn đến chợ nổi Cái Răng- đến cả người sống ở đây mấy chục năm cũng chưa từng đi ( Dì của tôi ) * Đầu tiên : Tất nhiên là tìm nhà thuyền để mua vé/ đặt chuyến đi cho phù hợp. Riêng tôi thì đi vào sáng sớm khi đó thì sẽ trao đổi hàng hoá của các thuyền thì sẽ nhiều hơn như các bạn đi chợ đầu mối ở Hà Nội vậy.
Lưu Ý: để tránh bị dắt mũi của phe vé bạn nên cẩn thận ( vào 1 quán cf ở bến Ninh Kiều hỏi bâng cua đã nhé nhưng nếu họ nói để họ giới thiệu thì cứ từ từ ^^) * Tiếp theo : Bạn nên ăn nhẹ gì nhé ( nếu bạn k say sóng) Vì khi ăn ở trên bè thuyền ở chợ nổi đắt phết =.=! Còn theo tôi bạn nên đi sáng sớm thì mát mẻ hơn, tâm trạng cũng thích hơn là để đến 8-9h sáng. Khi đi bằng cano lúc về họ sẽ đưa mình đến cửa hàng lưu niệm thì mua gì tuỳ bạn nhưng nếu đi chơi thì thích cứ nhích vì tìm hồ ăn vặt lưu niệm thì khó đến nơi sản xuất luôn lắm :v Và bản thân mình thấy chợ nổi này không còn như trước nữa nên cảm giác đi cũng bình thường vì chợ không tấp nập thì chán lắm. Chúc các bạn di chơi vui vẻ và an toàn :D”
Bạn Huy Trần đánh giá 5/5: ” Bữa sáng khá thú vị trên sông. Chợ đông nhất lúc 5:30. Có một cây sào tại mũi thuyền treo đồ gì là thuyền bán đồ đó. Khu vực định vị trên bản đồ là bến tàu, bạn tới đó rồi đi thuyền 15p, qua 3 cầu là tới chợ nổi – gần cầu Cái Răng và chợ Cái Răng trên bờ. Sau khi đi chợ, bạn được tham quan cơ sở làm hủ tiếu và được trải nghiệm trực tiếp cách làm hủ tiếu. Điểm đến cuối cùng là miệt vườn. Vé 20k/ng. Thăm thú rất nhiều loại trái cây và ăn trái cây nghe dân ca Nam Bộ.”
Nhưng truyền thuyết thú vị về tên gọi chợ nổi Cái Răng
Hãy cùng điểm qua những nguồn gốc về cái tên gọi chợ nổi Cái Răng nhé! Từ những nguồn gốc từ sách sử xưa đến những truyền thuyết thú vị và ly kỳ.
Nguồn gốc từ chữ của người Khmer
Karan là một vật dụng thông dụng lúc bấy giờ ở nhà của mỗi người dân, đặc biệt là những người thương lái hay dân nghèo lên đênh sông nước. Công dụng của cái Karan ấy tương tự như một ấm đun siêu tốc hiện nay vậy. Trong cuốn sách Tư Vị Tiếng Nói Miền Nam của tác giả Vương Hồng Sển có ghi lại:
“Cà ràng hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi. Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn, và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi: “Krôk kran: rạch Cái Răng, nay cứ lấy điển này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và “karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm “karan” biến ra “Cái Răng” rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn.“
Vương Hồng Sển
Vì sự tiện lợi và thông dụng của chiếc karan như 1 bếp di động cỡ nhỏ. Nên khắp các tỉnh thành miền Tây bấy giờ nơi đâu cũng thấy dụng cụ này trong nhà. Đặc biệt, chợ nổi phồng hoa nhất Cần Thơ bấy giờ người ta thấy rất nhiều ghe thuyền buôn bán loại Karan này. Từ đó, người ta cũng bắt đầu dần gọi chợ nổi này với cái tên là Cà Ràng (Karan) như phiên âm của người Khmer. Tuy vậy, sau này vì thói quen đọc ở miền Tây, dần dần biến tấu nó dễ đọc hơn là Cái Răng. Từ đó cái tên gọi chợ nổi Cái Răng dần hình thành.
Nguồn gốc tên gọi từ con cá sấu mê hát bội
Truyền thuyết kể lại rằng ngày xưa ở chợ nổi Cần Thơ có một con cá sấu to lớn hung tợn. Nhưng điều đặc biệt là mỗi khi có gánh hát bội về hát trên sông, con cá sấu lại nổi lên nghe hát bội. Mỗi lần nghe hát bội con cá sấu đều tỏ ra hứng chí và không làm hại ai khác. Từ đó người dân cũng quen dần với khung cảnh cá sấu nổi lên mê hát bội.
Một ngày kia có đám cưới của chàng trai và cô thôn nữ ở làng. Đám cưới được tổ chức sôi nổi và nổi lên những bài hát bội cho nhau nghe. Lúc ấy như thói quen con cá sấu nổi lên nghe hát bội. Tuy vậy khi ấy con cá sấu bất ngờ dùng đuôi quật ngã các ghe thuyền và cướp mất cô dâu đi. Chú rể lúc ấy đau đớn, uất nghẹn.
Sau đó chàng trai trở về nhà dùng hết tài sản còn lại thuê 1 đám hát bội nổi tiếng nhất về hát. Sau đó chàng trai tập hợp các lực điền, tráng sĩ ở làng quyết tâm bẫy rập và giết con cá sấu hung tợn. Mọi người tập họp lại đắp đê ngăn sông để chặn lối trốn thoát con cá sấu.
Khi xem xong gánh hát bội, cá sấu mệt mỏi quay trở về hang ổ. Tuy vậy nó không biết rằng những bẫy rập đang chuẩn bị chờ đón nó. Cá sấu bị chặn lại ở con đập, hàng nghìn chông giáo nhọn hoắc đâm xuyên vào thân thể nó. Tiếng hò hét khắp nơi vang lên. Mọi người giết chết con cá sấu, chàng trai vì căm hận nó đã lóc xương xẻ thịt, phanh thây cá sấu ra. Sau đó bỏ từng phần cơ thể con cá sấu xuống sông.
Từng bộ phận cá sấu trôi đến đâu người ta lại gọi tên giống với bộ phận cơ thể của nó. Phần đầu thì gọi là Đầu Sấu, phần da thì gọi là Cái Da. Đặc biệt phần răng rơi vào khu vực chợ nổi nên gọi là Cái Răng. Tên gọi Chợ nổi Cái Răng từ đó được hình thành.
Thuyết minh về chợ nổi Cái Răng
Chợ nổi Cái Răng là chợ bán sỉ sông nước lớn nhất miền Tây hiện nay. Hơn 100 năm hình thành và phát triển. Nó đã gắn liền với bao đời sống của nhiều người con miền Tây. Hãy cùng tìm hiểu một đặc trưng thể hiện rõ nét văn hóa sông nước miền Tây này.
Lịch sử chợ nổi
Chợ nổi Cái Răng hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20. Chợ nằm trên trục đường thủy sông Hậu nối Cần Thơ đến các tỉnh thành miền Tây khác ở kênh Xáng Xà No. Đặc biệt Cần Thơ với cái danh tiếng Tây Đô (Ví von như thủ phủ của miền Tây) nên đã tập hợp nhiều thương lái từ các tỉnh lân cận sang như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An,…
Chiều dọc con sông họp chợ lên đến hơn 1km, chiều ngang trung bình khoảng 120-150m. Trung bình thời đỉnh cao lên đến hàng nghìn ghe thuyền họp chợ mỗi ngày. Ngày nay số lượng dần ít hơn với khoảng 100-200 ghe thuyền họp chợ. Tuy vậy số lượng tàu phục vụ du lịch lên đến hàng nghìn ghe thuyền di chuyển tới lui chợ nổi mỗi ngày.
Ai cũng biết rằng vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long với những kênh ngòi, sông rạch chằng chịt. Đặc biệt trước đây các phương tiện cơ giới dường như khá hiếm. Đường thủy trở thành con đường giao thương chính giữa các tỉnh thành. Chợ nổi dần trở thành nơi buôn bán, họp chợ đông đúc hàng ngày. Nó hình thành một nét văn hóa sông nước tại miền Tây.
Khi ấy ghe của những người Khmer thì bán Cà Ràng. Người Hoa từ Bạc Liêu xuôi xuống thì bán tạp hóa đủ thứ loại đồ dùng. Người Sài Gòn xuống đây thì bán các loại gốm sứ, những món đồ lạ từ người Tây. Người Cà Mau, Rạch Giá thì chuyên bán các loại hàng thủy hải sản tươi ngon. Các ghe chở chiếu, lá lợp nhà thì từ các miền nổi tiếng như Hậu Giang. Hay các ghe Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre thì đủ các loại trái cây thơm ngon. Chợ nổi Cái Răng bán đủ các loại mặt hàng và đông đúc vô cùng.
Ngày 10/3/2016 Bộ Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch công nhận chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Năm 2019 trang ảnh uy tín Getty Images đã đưa Cần Thơ (nơi có con kênh từ Bến Ninh Kiều đến Chợ Nổi Cái Răng – Floating Market Vietnam) vào danh sách 15 con kênh đào đẹp nhất thế giới. Bên cạnh những con kênh đào nổi tiếng trên thế giới khác như Venice, Amsterdam, Brimingham,…
Cây bẹo ở Chợ nổi Cái Răng
Người ta hay nói đùa rằng chợ nổi Cái Răng là nơi sử dụng hình thức marketing chào hàng đầu tiên ở Việt Nam. Ngày trước, với hàng nghìn ghe buôn bán, người mua hàng thật khó khăn để tìm ghe nào bán sản phẩm mình cần. Vì thế người dân ở chợ nổi đã nảy ra sáng kiến là làm cây bẹo.
Họ chuẩn bị 1 cây sào cao, sau đó buộc sản phẩm mình bán lên cây sào đó. Người ta gọi đó là cây bẹo. Chẳng hạn người bán khoai lang họ sẽ treo củ khoai lên trên cây bẹo, người bán bắp sẽ treo bắp lên trên.
Đặc biệt, dần dần hình thành một đặc sắc riêng chợ nổi là 4 “treo”:
- Treo gì bán đó: Như đã giải thích ở trên, người dân treo những loại nông sản hay hàng hóa mình bán lên cây bẹo để mời gọi người mua.
- Treo mà không bán: Đó là chỉ những cây sào treo quần áo của người dân. Đời sống chợ nổi đôi khi mất vài ngày sống trên ghe. Họ ăn uống, giặt giũ ngay tại ghe. Từ đó xuất hiện những loại quần áo treo tại đây.
- Không treo mà bán: Đó là chỉ những hàng quán di động như cafe, đồ ăn hay món nhậu dành cho người sống trên ghe. Họ sử dụng ghe nhỏ để len lỏi qua hàng trăm ghe thuyền để chào hàng. Khi ấy họ không sử dụng bẹo để mời gọi mà đến tận nơi để bán cho khách hay người dân sinh sống tại đây.
- Treo cái này bán cái khác: Đối với những người sắp “giải nghệ”, họ không thể nào treo 1 chiếc ghe lên bẹo để bán. Khi ấy họ quy định với nhau rằng sẽ treo 1 chiếc lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa lên trên. Để người khác hiểu rằng chủ nhân chiếc ghe đó muốn bán ghe. Treo cái này bán cái khác là ngụ ý như thế.
Lễ hội chợ nổi Cái Răng
Lễ hội chợ nổi Cái Răng tổ chức vào đầu tháng 7 hàng năm (Kỷ niệm ngày hội du lịch Việt Nam). Thường sẽ tổ chức vào những ngày cuối tuần cận ngày du lịch Việt Nam vào 9/7. Năm 2019 được tổ chức vào ngày 6/7 – 8/7/2019.
Chương trình lễ hội chợ nổi Cái Răng luôn có những tiết mục chính: Văn nghệ, gian hàng truyền thống và hội chợ, triễn lãm sách và ảnh và các gian hàng giới thiệu du lịch của các công ty du lịch tại Cần Thơ.
Những khách sạn dành cho khách du lịch chợ nổi Cái Răng
Khá ít khách sạn gần chợ nổi Cái Răng vì không gần trung tâm. Nhưng bạn có thể lựa chọn các khách sạn gần bến Ninh Kiều, nơi bến tàu hoạt động hàng ngày vào buổi sáng đi chợ nổi Cái Răng.
Khách sạn Ruby Cần Thơ
Khách sạn nằm sát cạnh bến Ninh Kiều với phòng ốc sạch sẽ và khá ổn. Mức giá từ 300.000đ/phòng dành cho khách thuê phòng đơn. Nếu là người không quá cầu kỳ thì nó khá thích hợp dành cho bạn.
Số điện thoại: +84 292 3912 777.
Địa chỉ: 34 Đường Nguyễn An Ninh, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ, Việt Nam.
Khách sạn Anh Đào Mekong
Với vị trí nằm ngay trung tâm thành phố và gần bến Ninh Kiều. Khách sạn Anh Đào Mekong cực kỳ thuận lợi cho những ai muốn du lịch chợ nổi và tham quan trung tâm thành phố Cần Thơ về đêm. Mức giá ở đây khoảng 500.000đ/phòng.
Số điện thoại: +84 292 3819 501.
Địa chỉ: 85 Đường Nguyễn An Ninh, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ, Việt Nam
Khách sạn Á Châu
Nằm ngay trung tâm Ninh Kiều, cách bến Ninh Kiều 500 mét. Bạn có thể dễ dàng hòa nhịp cùng sự sôi động của thành phố Cần Thơ. Khách sạn ở đây chuẩn 3 sao và có mức giá 500.000đ/phòng.
Số điện thoại: +84 886 814 777.
Địa chỉ: 91 Đường Châu Văn Liêm, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ, Việt Nam.
Khách sạn Hậu Giang 2
Một khách sạn khá gần bến Ninh Kiều. Mức giá từ 400.000đ/phòng. Tuy vậy nó cũng không được nhiều du khách đánh giá cao vì thỉnh thoảng khá ồn ào.
Số điện thoại: +84 292 3824 836.
Địa chỉ: 08 Hải Thượng Lãn Ông, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ, Việt Nam.
Bình Minh Ecolodge
Một homestay khá ổn với những mảng xanh phong cách miền Tây khá thú vị. Nơi đây có những bồn tắm khá thoải mái ở những phòng đơn. Bạn có thể vừa ngâm trong bồn vừa nghĩ ngơi thư giản với không gian mở vì phần trên không có mái che.
Tuy vậy mức giá sở đây khá là chát. Bình Minh Eco Lodge là homestay nhưng chủ nhân ở đây nói rằng phục vụ theo phong cách 5*. Và tính giá cũng là 5* với mức giá khoảng 2.600.000đ/phòng. Nhưng theo mình nếu bạn muốn tận hưởng sự bình yên mộc mạc, đi nghỉ dưỡng và không quá tiếc số tiền đó thì ở nơi đây hoàn toàn hợp lý.
Đặc biệt để đến được đây bạn phải đi cano từ bến Ninh Kiều sang bờ bên kia sông. Đoạn đường đi mất khoảng 15′. Vì vậy chắc chắn đây sẽ là khu vực khá tách biệt vời trung tâm thành phố nên khá yên tĩnh.
Tham khảo chi tiết hơn về review Bình Minh Ecolodge.
Số điện thoại: +84 93 972 99 96.
Địa chỉ: Mỹ Hoà, Bình Minh, Vĩnh Long, Việt Nam.
Hình ảnh đẹp ở chợ nổi Cái Răng
Sau đây là bộ ảnh đẹp ở chợ nổi Cái Răng.
Từ khóa » Chợ Nổi Cần Thơ đi Mấy Giờ
-
Kinh Nghiệm đi Chợ Nổi Cái Răng đầy đủ, Chi Tiết Nhất - BestPrice
-
Hướng Dẫn đi Chợ Nổi Cái Răng Cần Thơ - Du Lịch Miền Tây
-
Chợ Nổi Cái Răng Cần Thơ - Trải Nghiệm độc đáo Tại Miền Tây Sông ...
-
Chợ Nổi Cái Răng - Khám Phá đặc Sản Sông Nước Miền Tây (2022)
-
Kinh Nghiệm đi Chợ Nổi Cái Răng [2021]: Lịch Trình + Chi Phí
-
Hướng Dẫn ăn Uống Tại Chợ Nổi Cái Răng Cần Thơ 2022
-
Chợ Nổi Cái Răng - Thông Tin Cần Biết, Khách Sạn, Giá Vé, Giờ Mở Cửa
-
Kinh Nghiệm Du Lịch Chợ Nổi Cái Răng (2022) - Tour Cần Thơ
-
Chợ Nổi Cái Răng (Cần Thơ): Kinh Nghiệm đi 1 Ngày “Cực đã”
-
Thức 4 Giờ Sáng Trải Nghiệm đi Chợ Nổi Cái Răng Cần Thơ
-
Kinh Nghiêm Du Lịch Chợ Nổi Cái Răng Cần Thơ đầy đủ, Chi Tiết
-
Chợ Nổi Cái Răng: đi Như Thế Nào, ăn Gì, Chơi Gì & Kinh Nghiệm
-
BẢNG GIÁ TÀU THAM QUAN CHỢ NỔI CÁI RĂNG 2022
-
Hướng Dẫn đường đi Chợ Nổi Cái Răng Cần Thơ Cho Người Lần đầu ...