Du Lịch Tâm Linh 3 Miền Bắc Trung Nam

Danh thắng chùa Hương, Hà Nội

Chùa Hương hay Hương Sơn là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội và nằm ven bờ sông Đáy. Phong cảnh Hương Sơn đẹp tuyệt vời với núi, rừng thẳm và sông suối trong xanh. Bên cạnh đó là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, hài hòa tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động chẳng nơi nào có được. Điểm đến chính của khách hành hương là chùa Thiên Trù và động Hương Tích, vì nơi này vẫn là 2 điểm tâm linh sáng chói và cũng là 2 thắng tích độc đáo, tuyệt vời nhất của tổng thể danh lam thắng cảnh Chùa Hương. Hằng năm, bắt đầu từ mồng 6/1 đến hết tháng 3 âm lịch diễn ra lễ hội chùa Hương.

Yên tử, Quảng Ninh

Núi Yên Tử là một dải núi cao nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam với hệ thống động thực vật phong phú và đa dạng đã được nhà nước công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên. Núi Yên Tử hiện còn lưu giữ một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn với sự ra đời, hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử..Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền phái Trúc lâm Yên Tử. Lễ hội Yên Tử diễn ra từ ngày 10 tháng Giêng cho tới hết tháng 3 âm lịch. Du lịch Yên Tử diễn ra quanh năm, việc đi Cáp Treo cũng giúp ngắn khoảng cách và thời gian cho du khách. Điều này giúp bạn có nhiều thời gian để thưởng lãm phong cảnh đẹp tuyệt vời của núi non mây trời Yên Tử. Đặc biệt vào những ngày quang mây, từ đỉnh núi bạn có thể nhìn thấy biển Hạ Long.

Chùa Thiên Mụ, Huế

Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của Huế. Chùa Thiên Mụ được xây dựng trên đồi Hà Khê thuộc địa phận xã Hương Long, cách trung tâm thành phố 5km về phía Tây. Sự tích của danh lam này mang tính chất huyền thoại: Truyền rằng có một bà tiên đã hiện ra trên đồi Hà Khê báo cho dân trong vùng biết sẽ có một vị chân chúa đến dựng chùa thờ Phật ở đây tụ linh khí cho bền long mạch. Từ đó ngọn đồi này được gọi là núi Thiên Mụ. Nhiều đời chúa và vua Nguyễn đã trùng tu, sửa sang, tôn tạo thêm vẻ nguy nga, đồ sộ của Thiên Mụ. Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp gồm 7 tầng, cao 21m, mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ, ngoài những công trình kiến trúc như điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm,... cùng bia đá, chuông đồng, chùa Thiên Mụ còn là nơi có nhiều cổ vật quý giá về mặt lịch sử lẫn nghệ thuật.

Khu du lịch tâm linh núi Bà Đen, Tây Ninh

Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam Bộ thuộc huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh cách TP.HCM 110km. Quần thể di tích Núi Bà Đen do 3 ngọn núi tạo thành là Núi Heo - Núi Phụng - Núi Bà Đen. Đến đây ngoài việc chiêm ngưỡng một vùng núi non hùng vĩ, thu vào tầm mắt một góc của tỉnh Tây Ninh yên bình, du khách còn có dịp chiêm bái hệ thống chùa Điện Bà gồm các chùa Hạ, Trung, Thượng và chùa Hang uy nghi lộng lẫy; khám phá vẻ đẹp cùng vẻ thần bí của các động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà... cũng như nghe kể về truyền thuyết về Lý Thị Thiên Hương của người con gái có làn da bánh mật (bà đen) xinh đẹp.

Miếu Bà Chúa Xứ, Châu Đốc- An Giang

Bà Chúa Xứ là nhân vật truyền thuyết được thờ tự ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang). Hàng năm, di tích này thu hút gần hai triệu lượt người đến cúng bái, tham quan. Khách hành hương, du lịch không những đến từ các tỉnh lân cận mà còn từ các tỉnh xa như miền Đông, miền Trung... tạo nên mùa lễ hội sôi nổi, đông đảo ở núi Sam suốt nhiều tháng. Với người dân miền Tây Nam bộ, Bà Chúa Xứ núi Sam có công đức giúp bà con sống an bình. Vì thế hàng trăm năm nay người An Giang đã lập miếu Bà Chúa Xứ, thờ tự Bà như thần. Mỗi năm vào ngày vía bà (từ tháng 4 âm lịch kéo dài cho đến đầu tháng 6), rất đông khách hành hương từ các nơi về cúng bái, cầu may, xin phúc, vay tiền làm ăn.

Từ khóa » Du Lịch Tâm Linh Miền Bắc