Dư Luận Xã Hội Trong Lãnh đạo, Quản Lý Xã Hội ở Vùng Nam Bộ Hiện Nay

logo xemtailieu Xemtailieu Tải về Dư luận xã hội trong lãnh đạo, quản lý xã hội ở vùng nam bộ hiện nay
  • pdf
  • 20 trang
DƯ LUẬN XÃ HỘI TRONG LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ XÃ HỘI Ở VÙNG NAM BỘ HIỆN NAY Số tiết giảng: 5 tiết Mục tiêu của bài: - Về kiến thức: Giúp người học có được một số hiểu biết cơ bản về dư luận xã hội – một hiện tượng tinh thần đặc biệt của đời sống xã hội; nhận thức được những yêu cầu khoa học và ý nghĩa quan trọng của việc nghiên cứu nắm bắt dư luận xã hội đối với công tác lãnh đạo quản lý; nắm vững quan điểm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và tình hình công tác dư luận xã hội ở khu vực Nam bộ hiện nay. - Về kỹ năng: Biết cách khai thác, phát huy vai trò, chức năng của dư luận xã hội vào công tác lãnh đạo, quản lý; có khả năng tổ chức, chỉ đạo công tác dư luận xã hội phù hợp địa phương, ban ngành của mình; biết phân tích kết quả một cuộc điều tra thăm dò dư luận xã hội để nhận diện dư luận xã hội hay giả dư luận xã hội. - Về tư tưởng: Góp phần làm gia tăng và củng cố niềm tin của người học đối với lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta: “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, “lấy dân làm gốc”... Từ đó, biết cầu thị, quan tâm, tự tin, tỉnh táo trong nắm bắt dư luận xã hội để sửa mình, sửa việc, tránh bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, mất dân chủ trong công tác lãnh đạo, quản lý. 1. KHÁI QUÁT VỀ DƯ LUẬN XÃ HỘI 1.1. Định nghĩa dư luận xã hội Dư luận xã hội là một hiện tượng xã hội đặc biệt biểu thị sự phán xét, đánh giá và thái độ của các nhóm xã hội đối với các vấn đề liên quan đến lợi ích của các nhóm trong xã hội. Chủ thể của dư luận xã hội không phải là cá nhân mà là số đông người, một nhóm hay nhiều nhóm xã hội mà lợi ích của họ có quan hệ với sự kiện đang diễn ra và được thảo luận công khai. Đây là những người có được những thông tin, quan tâm và có năng lực tham gia vào sự trao đổi, tranh luận về sự kiện xã hội đó. Đối tượng của dư luận là các hiện tượng, sự kiện, quá trình xã hội đang diễn ra, tác động đến lợi ích của các nhóm xã hội, gây ra sự quan tâm của công chúng. Đây là những vấn đề mang tính chất xã hội và được thông tin, thảo luận rộng rãi. 1.2. Bản chất của dư luận xã hội Tìm hiểu bản chất dư luận xã hội cho phép ta hiểu được vì sao dư luận xã hội được xem là một hiện tượng tinh thần đặc biệt, phức tạp của đời sống xã hội và vì sao vốn là một hiện tượng tinh thần nhưng dư luận xã hội lại có sức mạnh to lớn trong đời sống xã hội. 1.2.1.Dư luận xã hội mang tính tổng hợp của các hình thái ý thức xã hội Dư luận xã hội là ý kiến, thái độ của nhiều người dựa trên cơ sở ý thức xã hội của mỗi người, mỗi nhóm khác nhau. Mỗi dư luận xã hội hình thành là kết quả của sự cọ xát, nhào nặn, tác động qua lại lẫn nhau giữa các hình thái ý thức xã hội: tư tưởng triết học, chính trị, pháp quyền, đạo đức, tôn giáo... Do đó, có thể tuy cùng một vấn đề nhưng các nhóm xã hội khác nhau lại có cách thức, khuynh hướng thể hiện dư luận khác nhau. 1.2.2. Dư luận xã hội mang tính hiện thực Dư luận xã hội là một hiện tượng tinh thần nhưng gắn rất chặt với đời sống hiện thực. Nó phản ánh đời sống hiện thực và tác động trở lại đời sống hiện thực một cách mạnh mẽ. Dư luận xã hội không phải là sản phẩm con người sáng tạo ra để thoả mãn hay để làm phong phú đời sống tinh thần của mình mà nó là sự phản ánh tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, lợi ích của các nhóm xã hội. Vì vậy, các nhóm, giai cấp khác nhau thường có phản ứng khác nhau về cùng một vấn đề nhất định. Trong xã hội có giai cấp, dư luận xã hội cũng mang tính giai cấp. Trong mỗi dư luận xã hội đều chứa đựng hai phần cơ bản. Một là, phần tư tưởng, nhận thức, nó phản ánh sự hiểu biết của chủ thể dư luận đối vấn đề mà họ quan tâm. Hai là, phần tâm thế, xu hướng, lập trường quyết định hành động của chủ thể dư luận xã hội. Vì vậy, dư luận xã hội được xem là điềm báo trước hay là cầu nối giữa ý thức và hành động xã hội, là hiện tượng tinh thần - thực tiễn. Thông qua phân tích dư luận xã hội mà chủ thể lãnh đạo, quản lý có thể xác định thời điểm chín muồi, thích hợp nhất cho việc ban hành các quyết định quản lý. 1.2.3.Dư luận xã hội mang tính kinh nghiệm Dư luận xã hội được hình thành chủ yếu dựa trên cơ sở của quá trình tiếp xúc và tác động trực tiếp lẫn nhau giữa con người trên các lĩnh vực của đời sống, của sinh hoạt thường ngày, từ những điều mắt thấy, tai nghe trực tiếp hơn là từ những quan hệ xã hội gián tiếp, ẩn sâu. Vì vậy, các ý kiến, phán đoán trong dư luận xã hội không phải là sản phẩm của sự phân tích mang tính chất logic, mà đó là kết quả của sự khẳng định mang tính chất kinh nghiệm. Do mang tính kinh nghiệm nên một mặt, dư luận xã hội có tính khẳng định, thuyết phục trực tiếp cao, nhưng mặt khác, nó có thể sai lầm, phản ánh không đúng sự thật. 1.2.4. Dư luận xã hội là cơ chế tâm lý - xã hội tác động mạnh mẽ đến các quan hệ xã hội và hành vi các cá nhân Dư luận xã hội có sức ép mạnh mẽ đối với hành vi cá nhân. Đứng trước dư luận xã hội, con người cảm thấy như bị cưỡng bức về tâm lý, bắt buộc tự động tuân theo. Nếu ai đó được dư luận xã hội đồng tình, tán thưởng, ủng hộ thì như được tăng thêm sức mạnh, có thể làm được những việc phi thường. Ngược lại, nếu bị dư luận xã hội phê phán, lên án, tẩy chay, người đó có thể sẽ cảm thấy mình mất hết nhuệ khí, bủn rủn chân tay, thậm chí tự sát vì không chịu đựng nổi sức ép của “búa rìu” dư luận xã hội. Từ buổi bình minh của lịch sử xã hội loài người cho đến nay, các chủ thể lãnh đạo, quản lý đã sử dụng dư luận xã hội với cơ chế tâm lý - xã hội của nó để quản lý xã hội, bên cạnh sử dụng hệ thống nhà nước và pháp luật. 1.3. Các chức năng của dư luận xã hội 1.3.1. Chức năng đánh giá: Dư luận xã hội thể hiện thái độ phán xét đánh giá của công chúng đối với các sự kiện, hiện tượng, sự vật, vấn đề cuộc sống. Dư luận xã hội có vai trò quan trọng trong việc hình thành thang giá trị xã hội. Trên thực tế, người ta thường chạy theo các giá trị mà dư luận xã hội đề cao chứ không phải các giá trị do các nhà tư tưởng, lý luận đề ra. 1.3.2. Chức năng điều tiết các mối quan hệ xã hội: Dư luận xã hội rất nhạy cảm với các hành vi xâm phạm lợi ích chung, lợi ích của toàn xã hội, nhất là hành vi của các phần tử, các nhóm cực đoan, lên án kịp thời và gay gắt các hành vi này, làm cho cho các cá nhân, các nhóm cực đoan phải “chùn tay”; dư luận xã hội cũng rất quan tâm đến các hành vi có lợi cho toàn xã hội, kịp thời cổ vũ, các cá nhân, nhóm xã hội thực hiện các hành vi này. Nhờ sự can thiệp kịp thời, dư luận xã hội góp phần duy trì trật tự xã hội, mối quan hệ hài hoà giữa cá nhân và xã hội cũng như giữa các nhóm xã hội. 1.3.3. Chức năng giáo dục của dư luận xã hội: Bằng sự khen, chê, khuyên can kịp thời đối với các hành vi phù hợp hoặc không phù hợp với lợi ích, các giá trị xã hội, nhất là các giá trị đạo đức, luân lý, dư luận xã hội có vai trò rất lớn trong việc giáo dục cho các thế hệ ý thức về sự phải - trái, đúng - sai, thiện - ác, đẹp xấu. 1.3.4. Chức năng giám sát: Dư luận xã hội có vai trò giám sát hoạt động của nhà nước và các tổ chức xã hội, gây sức ép lớn đối với tệ tham nhũng, quan liêu, tắc trách. Các quan chức tham nhũng, quan liêu, mất dân chủ rất “ghét” báo chí, dư luận xã hội vì báo chí, dư luận xã hội luôn “nhòm ngó” vào các công việc mờ ám của họ, sẵn sàng lên án, tố cáo họ. 1.3.5. Chức năng tư vấn, phản biện: Trước những vấn đề nan giải của đất nước, dư luận xã hội có thể đưa ra những khuyến nghị sáng suốt mà các cơ quan tham mưu cho chính quyền có thể chưa nghĩ ra được. Dư luận xã hội cũng có khả năng đưa ra các ý kiến phản biện xác đáng đối với các quyết định của các cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội. 1.3.6. Chức năng giải toả sự căng thẳng xã hội: Theo các nhà tâm lý học, sự bất bình, các nỗi niềm oan ức của con người, nếu không được giãi bày, nói ra, sẽ không mất đi mà lắng chìm xuống tầng vô thức trong tâm thức của con người và có thể trở thành những mầm mống bệnh hoạn nghiêm trọng về tinh thần, đến một lúc nào đó sẽ bộc phát thành những hành vi, phản ứng bất thường không thể kiểm soát được. Sự bày tỏ thành lời có thể giải toả nỗi bất bình, uất ức của con người. Bị oan ức mà nói ra được người ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm. 1.4. Sự khác nhau giữa dư luận xã hội và tin đồn Tin đồn cũng là một hiện tượng tâm lý xã hội nhưng khác với dư luận xã hội. Tin đồn không phải là sản phẩm tư duy phán xét của cá nhân, nhóm xã hội tạo ra nó. Tin đồn là dạng thông tin không chính thức, mang nặng màu sắc chủ quan của chủ thể truyền tin và được loan truyền từ người này sang người khác, trong quá trình loan truyền luôn có sự thêm thắt những tình tiết ly kỳ. Tin đồn lan càng xa, nội dung của nó càng khác với nội dung lúc ban đầu. Còn dư luận xã hội là sản phẩm tư duy phán xét của cá nhân, nhóm xã hội tạo ra nó. Dư luận xã hội thể hiện quan điểm, thái độ của cá nhân, nhóm xã hội tạo ta nó, trước các hiện tượng, sự kiện, vấn đề mà họ quan tâm. Dư luận xã hội lan càng rộng, sự thống nhất về nội dung phán xét càng lớn. Tin đồn có thể làm nảy sinh dư luận xã hội khi trên cơ sở tin đồn, người ta đưa ra những phán xét, đánh giá, bày tỏ thái độ của mình. 1.5. Các yếu tố tác động đến sự hình thành, biến đổi dư luận xã hội 1.5.1. Quy mô, cường độ, tính chất của các sự kiện, hiện tượng hay quá trình đang diễn ra và mối quan hệ lợi ích giữa chủ thể với vấn đề mà dư luận quan tâm Công chúng thường chỉ bày tỏ sự ủng hộ đối với những sự kiện mang lại lợi ích cho họ và phản đối những gì làm thiệt hại lợi ích của họ. Trong thực tế có những sự kiện lúc đầu chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của một nhóm xã hội (hoặc chỉ nhóm xã hội đó nhận ra) nhưng sau đó ảnh hưởng đến nhiều nhóm (hoặc nhiều nhóm đã nhận ra), nên đã lôi cuốn các nhóm xã hội vào cuộc trao đổi, tranh luận. Những sự kiện ngay lúc đầu đã ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều nhóm, các nhóm đó đã nhận ra thì dư luận xã hội hình thành mạnh mẽ ngay từ đầu. 1.5.2. Mức độ dân chủ hoá đời sống xã hội, khả năng và sự tham gia thực tế của người dân vào các sinh hoạt chính trị - xã hội của đất nước Dư luận xã hội hình thành qua trao đổi, thảo luận. Do đó, cá nhân, nhóm xã hội khi được cung cấp thông tin, được bày tỏ ý kiến công khai mới trở thành chủ thể dư luận. Quần chúng càng được tự do ngôn luận, được cung cấp thông tin đầy đủ, dư luận xã hội sẽ hình thành nhanh và tích cực. Ngược lại, khi không được cung cấp thông tin đầy đủ, không có tự do ngôn luận thì tâm tư, tình cảm của quần chúng sẽ thể hiện bằng tin đồn hoặc bằng hình thức văn học, nghệ thuật lan truyền trong xã hội. Bất cứ xã hội nào quyền tự do ngôn luận và được cung cấp thông tin cũng có giới hạn nhất định, do quyền lợi của giai cấp thống trị hay để giữ bí mật quốc gia hoặc vì truyền thống văn hoá. Trong xã hội dân chủ, những giới hạn này được quy định một cách rõ ràng. Dư luận xã hội còn chịu ảnh hưởng của trình độ học vấn và tính tích cực chính trị – xã hội của công chúng. Do đó, với các nhóm xã hội khác nhau, việc hình thành dư luận cũng diễn ra khác nhau. 1.5.3. Các yếu tố thuộc về tâm trạng xã hội Tâm trạng xã hội là trạng thái tâm lý phổ biến, đặc trưng của các nhóm xã hội trong một thời kỳ nhất định. Tâm trạng xã hội thể hiện ở sự hưng phấn hay ức chế, tích cực hay tiêu cực, lạc quan hay bi quan của xã hội ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động và tinh thần của quần chúng. Quần chúng trong những hoàn cảnh kinh tế – xã hội thuận lợi tâm trạng thường tích cực lạc quan. Trước một sự kiện xã hội, con người thường nhìn nhận, đánh giá và có tâm thế sẵn sàng hành động, tác động đến sự kiện theo chiều hướng tích cực. Ngược lại, khi hoàn cảnh kinh tế – xã hội khó khăn thường xuất hiện tâm trạng xã hội tiêu cực, người ta nhìn nhận, đánh giá sự kiện theo chiều hướng bi quan. Sự lo lắng, nản chí cũng xuất hiện. 1.5.4. Phong tục, tập quán và hệ thống giá trị, chuẩn mực xã hội hiện hành Hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hoá hiện hành tạo ta những khuôn mẫu trong tư duy, làm cơ sở cho sự phán xét, đánh giá của dư luận xã hội. Trước một sự kiện xã hội đang diễn ra, các nhóm xã hội khác nhau với các giá trị, chuẩn mực xã hội khác nhau đều đánh giá, tỏ thái độ khác nhau. 1.5.5. Công tác truyền thông, vận động Truyền thông, vận động là phương tiện giao tiếp xã hội nhằm thuyết phục đối tượng chấp nhận, chia sẻ và ủng hộ quan điểm, hành động nào đó của chủ thể, đối với quốc gia. Chủ thể này là đảng phái, đoàn thể hay cơ quan chính quyền. Truyền thông đại chúng ngày càng hiện đại, phong phú và hấp dẫn nên có tầm quan trọng đặc biệt trong việc hình thành dư luận xã hội. Những người làm truyền thông đại chúng lựa chọn, cung cấp thông tin, bình luận, so sánh đã định hướng tư duy, tập hợp lực lượng, kích thích tính chủ động, tích cực của công chúng trong trao đổi, thảo luận hình thành quan điểm và thái độ đối với sự kiện. Do đó, truyền thông đại chúng có thể tạo ra, điều chỉnh và thay đổi kịp thời, đầy đủ, trung thực, khách quan đối với quá trình hình thành, biến đổi dư luận xã hội; tạo ra được diễn đàn công khai của công chúng, định hướng được dư luận xã hội theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, từ đó sẽ tạo ra được những hành động tích cực của nhân dân. Hiệu quả của truyền thông đến quá trình hình thành dư luận xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố như uy tín của nguồn thông tin; thời điểm phát tin (nhiều nghiên cứu cho thấy, nguồn thông tin sớm nhất có tác động lớn nhất đến việc hình thành dư luận xã hội, ai đưa ra thông tin sớm nhất, người đó dễ có khả năng làm chủ được dư luận xã hội); liều lượng thông tin, cách thức thông tin…. Các yếu tố xã hội khác có thể có nhiều ảnh hưởng đến quá trình hình thành dư luận xã hội: gia đình, nhóm xã hội, tầng lớp, giai cấp, đảng tịch.... 1.6. Ý nghĩa của công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội 1.6.1. Tham mưu cho các cơ quan lãnh đạo, quản lý trong việc soạn thảo, ban hành, tổ chức thực hiện quyết định; thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận xã hội Các báo cáo tổng hợp, phân tích tình hình dư luận xã hội một cách khách quan, trung thực và dự báo chính xác tình hình tâm trạng, tư tưởng, thái độ, nguyện vọng của các tầng lớp xã hội trước các sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội, nhất là các vấn đề có liên quan đến sự lãnh đạo, quản lý đất nước là căn cứ thông tin quan trọng phục vụ quá trình soạn thảo, ban hành, tổ chức thực hiện chủ trương, quyết sách của các cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp. Trên cơ sở lý luận về cơ chế hình thành dư luận xã hội và các thông tin cụ thể về các băn khoăn, thắc mắc của nhân dân, công tác nghiên cứu dư luận xã hội có khả năng đề xuất các giải pháp thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội có hiệu quả. 1.6.2. Góp phần củng cố và mở rộng nền dân chủ trong Đảng, trong xã hội Công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp ý kiến, tham gia vào các công việc của Đảng, Nhà nước. Công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội góp phần quan trọng đối với việc phát huy vai trò phản biện xã hội, vai trò kiểm tra, giám sát, của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 1.6.3.Góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nắm bắt tâm trạng, tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân của các cấp ủy đảng Lâu nay, cách nắm bắt tâm trạng, tư tưởng cán bộ đảng viên và nhân dân mang tính truyền thống của các cấp ủy đảng thường là tổng hợp phản ánh của cấp dưới, các tổ chức chính trị-xã hội hay trao đổi, đối thoại trực tiếp với các đối tượng…Cách này dễ làm, tiết kiệm nhưng không phản ánh được về định lượng, dễ mang tính chủ quan. Điều tra dư luận xã hội đúng phương pháp, kỹ thuật giúp khắc phục những hạn chế của các phương pháp truyền thống nêu trên. 2. VỀ CÔNG TÁC DƯ LUẬN XÃ HỘI Ở VÙNG NAM BỘ HIỆN NAY 2.1. Quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ khi mới thành lập đã coi việc nắm bắt lòng dân (tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân) là một trong những công việc quan trọng hàng đầu nhằm đề ra được các chủ trương, đường lối cách mạng phù hợp lòng dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”1 Nhiều văn bản, quyết định của các cơ quan lãnh đạo Đảng đã khẳng định điều này. Ngay từ năm 1982, Ban Bí thư đã quyết định thành lập Viện nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, trong đó có quy định: “Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội có nhiệm vụ tổ chức việc nghiên cứu dư luận nhân dân đối với những vấn đề cơ bản của đất nước và những vấn đề quan trọng có tính thời sự theo quan điểm Mác - Lênin; tổng hợp, phân tích dư luận xã hội để báo cáo với các cơ quan Đảng và Nhà nước; tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thông tin viên, 1 X, Y, Z. Sửa đổi lề lối làm việc, NXB Sự thật, 1954, tr. 80 cộng tác viên của Viện về lý luận, nghiệp vụ. Viện được trực tiếp quan hệ với các cấp ủy đảng, các ngành, các đoàn thể quần chúng để tổ chức nghiên cứu dư luận xã hội”. Những năm đầu đổi mới và đặc biệt là thời gian gần đây, Đảng ta tiếp tục có những sự chỉ đạo nhằm tăng cường công tác điều tra xã hội học, nắm bắt dư luận xã hội. Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (Khóa VII) đã nêu ra nhiệm vụ đối với công tác tư tưởng: “Nâng cao chất lượng thông tin nội bộ và công tác tuyên truyền, coi trọng biện pháp điều tra dư luận xã hội.”2 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (Khóa VII) tiếp tục yêu cầu: “Tổ chức điều tra dư luận xã hội về những vấn đề cần thiết cho công tác lãnh đạo, quản lý Nhà nước. Xây dựng luật về trưng cầu dân ý.”3 Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá X) về Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, tiếp tục nhấn mạnh: "Chú trọng công tác nghiên cứu, điều tra xã hội học, nắm bắt dư luận xã hội phục vụ công tác tư tưởng". 2.2. Các nhiệm vụ và tình hình thực hiện các nhiệm vụ của công tác dư luận xã hội ở Nam Bộ hiện nay 2.2.1. Các nhiệm vụ chủ yếu của các đầu mối nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội ở các ban ngành, đoàn thể và các địa phương Một là, nắm bắt, phân tích, tổng hợp và phản ánh nhanh dư luận của các tầng lớp nhân dân trước những sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội quan trọng trong nước, trong ngành, tại địa phương và trên thế giới, đặc biệt là trước các chủ trương, chính sách của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp. 2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (Khóa VII). NXB Sự thật, Hà Nội, 1994, tr. 40-41. 3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (Khóa VII). NXB Sự thật, Hà Nội, 1992, tr. 32. Hai là, tiến hành các cuộc điều tra xã hội học về dư luận xã hội phục vụ quá trình hình thành, hoàn thiện và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của cấp ủy đảng, chính quyền ngành, địa phương; định kỳ điều tra dư luận xã hội về hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị của địa phương. Ba là, đề xuất các biện pháp định hướng, hình thành dư luận xã hội tích cực, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong xã hội, thúc đẩy quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và của ngành, địa phương; tham gia đấu tranh chống thông tin và quan điểm sai trái, thù địch. Bốn là, phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát an ninh tư tưởng, chính trị của các cuộc thăm dò dư luận xã hội do các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tiến hành trên địa bàn ngành, địa phương. 2.2.2. Tình hình thực hiện công tác dư luận xã hội ở Nam Bộ hiện nay 2.2.2.1. Khái quát thành quả công tác dư luận xã hội ở Nam Bộ Nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội thiết thực phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương nên các tỉnh ủy, thành ủy trong Vùng: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà RịaVũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau đã quan tâm tổ chức mạng lưới cộng tác viên công tác dư luận xã hội để theo dõi, nắm bắt diễn biến tư tưởng và dư luận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương, chính sách và những vấn đề xã hội mang tính thời sự, bức xúc trên địa bàn kịp thời và thường xuyên. Đặc biệt, ở TP. Hồ Chí Minh, do tính đặc thù là thành phố đông dân nhất, năng động nhất, dễ nảy sinh những vấn đề phức tạp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định, phát triển của Thành phố cũng như sự ổn định, phát triển của các địa phương khác trong vùng, nên công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội ở Thành phố này đã sớm được quan tâm và tổ chức hoạt động một cách chặt chẽ, có hiệu quả đến tận cơ sở. Nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu dư luận xã hội trong tình hình hiện nay, các ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy đã tổ chức kiện toàn một bước đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội ở các quận, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc và các đoàn thể chính trị - xã hội thuộc tỉnh, thành của mình; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên và cán bộ tuyên giáo các quận, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc và cơ sở xã, phường. Qua đó, các cấp ủy đảng đã nhận thức rõ hơn về vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội; đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cơ sở ngày càng phát huy tác dụng trong việc theo dõi, nắm bắt và phản ánh thông tin, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác tham mưu, định hướng kịp thời tình hình tư tưởng và dư luận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn vùng Nam bộ. Hằng năm, các ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy trong Vùng đã chủ động tổ chức các cuộc điều tra, nắm bắt dư luận xã hội về những chủ trương, chính sách lớn của địa phương mình; đồng thời, phối hợp với Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai các đợt điều tra xã hội học với quy mô lớn về nhiều nội dung, chủ đề khác nhau, góp phần vào công tác phân tích, nhận định, đánh giá, dự báo tình huống và tham mưu định hướng tư tưởng, dư luận xã hội trên địa bàn vùng Nam bộ. Để công tác nắm bắt tâm trạng, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và tham mưu xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề tư tưởng và dư luận xã hội nảy sinh trên địa bàn, cùng với công tác điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội và hoạt động của mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội, các ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy cũng đã quan tâm thực hiện các biện pháp công tác tư tưởng khác, như: - Công tác thông tin định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân: Thông qua việc tổ chức các hội nghị báo cáo viên, hội nghị công tác tuyên giáo định kỳ và đột xuất; thông qua các bản tin định kỳ phục vụ sinh hoạt chi bộ và phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý để thông tin tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách lớn, những vấn đề thời sự trong nước và quốc tế đang được dư luận quan tâm nhằm giúp các địa phương, đơn vị và đội ngũ cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp chủ động trong tham mưu định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Thông qua phát huy hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp đã góp phần quan trọng trong định hướng tư tưởng, giải thích thông suốt dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội. - Công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân: Thực hiện quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân trên địa bàn địa phương, nhờ đó đã tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng, dư luận xã hội nảy sinh ngay trong từng chủ trương, chính sách, dự án và ngay từ cơ sở, không để tâm trạng lo lắng, bức xúc kéo dài. - Công tác thông tin nhanh và định hướng báo chí: Thông qua công tác điểm báo ngày và báo cáo công tác báo chí tuần, kịp thời phát hiện các vấn đề nổi cộm tác động nảy sinh tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là các vấn đề liên quan đến các chủ trương, chính sách của địa phương; báo cáo và đề xuất xử lý những vấn đề nảy sinh không có lợi trên mặt báo. Nhiều trường hợp báo chí nêu vấn đề, phản ánh tình hình thiếu khách quan trung thực, thiếu nhạy cảm chính trị, gây bức xúc đối với các địa phương, đơn vị và dư luận xã hội, ban tuyên giáo đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị, báo, đài và các cơ quan quản lý nhà nước tìm biện pháp, giải quyết, xử lý, khắc phục tình hình. Thông qua giao ban định kỳ hàng quý và báo cáo công tác báo chí tuần, kể cả những chỉ đạo, phối hợp đột xuất, các ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy đã kịp thời định hướng nội dung tuyên truyền trên báo, đài địa phương, đảm bảo tính định hướng tư tưởng, chính trị, nhất là các vấn đề về thời sự, chính trị được dư luận quan tâm... Duy trì thường xuyên giao ban an ninh tư tưởng hàng quý, các ngành chức năng phản ánh những vấn đề nổi cộm, nhạy cảm về tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, những vấn đề xã hội bức xúc, ảnh hưởng đến tình hình tư tưởng của địa phương, ban tuyên giáo địa phương đã kịp thời chủ trì phối hợp với các ngành chức năng bàn biện pháp tháo gỡ, tham mưu cấp ủy giải quyết thông suốt vấn đề tư tưởng, định hướng và xử lý dư luận xã hội kịp thời, phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Với sự cố gắng của đội ngũ làm công tác tuyên giáo ở các tỉnh, thành trong Vùng, những năm qua, công tác tuyên giáo đã góp phần rất lớn trong công tác tuyên truyền, định hướng, nắm bắt và tham mưu xử lý hiệu quả những vấn về tư tưởng và dư luận xã hội nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương của địa phương. 2.2.2.2. Những khó khăn, hạn chế cần khắc phục của công tác dư luận xã hội ở Nam bộ hiện nay Tuy đã đạt được những kết quả như trên, nhưng công tác nghiên cứu, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn vùng Nam bộ hiện vẫn còn một số mặt chưa thường xuyên và kịp thời; hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội chưa đi vào nền nếp, nhất là thực hiện chế độ về giao ban, báo cáo, phản ánh và dự báo dư luận xã hội chưa đầy đủ, chính xác, thông tin thu được còn đơn giản; chưa có cơ chế và chính sách hợp lý cho hoạt động của đội ngũ cộng tác viên nên chưa phát huy được hiệu quả hoạt động… Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công tác nghiên cứu dư luận xã hội còn thiếu, nhất là cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp với công việc này… Hiện nay, đại bộ phận cán bộ trực tiếp làm công tác dư luận xã hội tại ban tuyên giáo ở các tỉnh, thành phố trong Vùng là cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác dư luận xã hội và chỉ có một tỷ lệ nhỏ cán bộ chuyên trách về công tác dư luận xã hội, trong đó cán bộ kiêm nhiệm và cán bộ chuyên trách về công tác dư luận xã hội được đào tạo từ nhiều chuyên ngành khác nhau. Chuyên môn được đào tạo của cán bộ trực tiếp làm công tác dư luận xã hội ở các tỉnh, thành hiện nay gồm có các ngành: chính trị học, văn học, sử học, luật học, triết học, xã hội học, khoa học tự nhiên, tâm lý học. Tỉ lệ cán bộ được đào tạo từ chuyên ngành xã hội học và tâm lý học là rất thấp. Ngoài việc bố trí sắp xếp các chuyên môn như xã hội học, tâm lý học và chính trị học, việc bố trí các chuyên ngành khác làm công tác dư luận xã hội là chưa đúng với sở trường và năng lực của cán bộ. Bên cạnh đó việc sử dụng quá nhiều cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác dư luận xã hội và việc sử dụng cán bộ không được đào tạo đúng chuyên môn về nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hạn chế về chất lượng và hiệu quả của công tác dư luận xã hội ở ban tuyên giáo các tỉnh, thành phố. Về tổ chức và nhân sự, hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trong Vùng không có phòng hay trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội, chỉ có ở Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Cần Thơ có phòng (trung tâm) Nghiên cứu dư luận xã hội. Công tác dư luận xã hội ở các địa phương còn lại thường được tổ chức thành các bộ phận, tổ, nhóm phụ trách, nằm trong các phòng chức năng khác, như phòng Tuyên truyền, trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo hoặc do Văn phòng ban tuyên giáo phụ trách… Do đó, tính năng động và hiệu quả của công tác nắm bắt dư luận bị hạn chế nhiều. Đội ngũ cộng tác viên làm công tác dư luận xã hội ở các địa phương đa số là những người có phẩm chất và ý thức chính trị tốt, trung thực, khách quan trong quá trình phản ánh và có khả năng phân tích các luồng ý kiến; có mối quan hệ, giao tiếp rộng; có uy tín đối với quần chúng…Cộng tác viên dư luận xã hội chủ yếu là cán bộ công tác đoàn thể, mặt trận; những người đang công tác tại cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, huyện; cán bộ đã nghỉ hưu, cán bộ lão thành cách mạng, tổ trưởng dân phố, cụm trưởng, khu trưởng, xóm trưởng, ấp trưởng. Việc sử dụng đội ngũ công tác viên độc lập, bên ngoài không ràng buộc với các cơ quan nhà nước chiếm tỉ lệ thấp. Hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở các tỉnh, thành phố hiện nay chưa được tổ chức và duy trì chặt chẽ. Nhiều tỉnh, thành không sử dụng và quản lý đội ngũ cộng tác viên, trên cơ sở “Có quy chế riêng cho hoạt động của mạng lưới cộng tác viên”; đa số cộng tác viên không có thẻ quy định chức năng, nhiệm vụ hoạt động và đại đa số các tỉnh sử dụng cộng tác viên, nhưng không có ngân sách phục vụ duy trì hoạt động của mạng lưới cộng tác viên. 2.3. Phát huy vai trò công tác dư luận xã hội phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý xã hội vùng Nam Bộ Để đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, quản lý xã hội trong giai đoạn mới ở vùng Nam bộ, một địa bàn có nhiều nét đặc thù do điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội quy định, đòi hỏi các địa phương phải quan tâm nhiều hơn nữa và có các biện pháp cụ thể khắc phục những khó khăn, hạn chế của công tác dư luận xã hội như đã đề cập trên đây. Đặc biệt, cần tổ chức bồi dưỡng cán bộ làm công tác nghiên cứu dư luận, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ công tác nghiên cứu dư luận xã hội, nhất là đối với các địa phương mới thành lập phòng và trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội theo Kết luận của Ban Bí thư về “Đề án tăng cường năng lực điều tra xã hội học, nắm bắt dư luận xã hội”. Các cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp cần quan tâm khai thác tối đa kết quả nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội trong vùng phục vụ cho việc ra các quyết định đúng đắn, kịp thời, có hiệu quả; tránh được sự vô cảm hoặc “rối loạn cảm giác” trong công tác lãnh đạo, quản lý. Dưới đây là một số phương hướng, cách thức sử dụng các kết quả nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý: 2.3.1. Sử dụng các kết quả nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội phục vụ quá trình ra quyết định của các cấp lãnh đạo, quản lý Để có được những quyết định đúng đắn, các cơ quan lãnh đạo, trước hết phải nắm được trạng thái tư tưởng, tâm lý, những suy nghĩ, nhu cầu, tâm trạng và nguyện vọng của các tầng lớp xã hội trong vùng đối với những vấn đề mà các quyết định nhằm giải quyết. Dư luận xã hội là một trong những cơ sở thông tin giúp các cấp lãnh đạo đánh giá đúng tình hình tâm trạng, tư tưởng xã hội để đưa ra những quyết định phù hợp lòng dân, kịp thời bổ sung chỉnh lý những quyết định còn khiếm khuyết, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện. 2.3.2. Sử dụng các kết quả nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội để đánh giá hiệu quả và đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội Công tác nghiên cứu dư luận xã hội là kênh thông tin phản hồi đáng tin cậy, cung cấp cho chủ thể tuyên truyền những băn khoăn, thắc mắc của đối tượng, nhờ đó, chủ thể tuyên truyền có thể chủ động giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của người nghe, chuyển từ phương pháp độc thoại sang phương pháp đối thoại. Dư luận xã hội là người phản biện tốt nhất đối với các luận điểm tuyên truyền. Trên cơ sở nghiên cứu, nắm vững cơ chế hình thành, biến đổi dư luận xã hội, nhà quản lý có thể chủ động hình thành, định hướng dư luận xã hội một cách có hiệu quả. Định hướng dư luận là sử dụng các nguồn thông tin chính thống tác động đến cá nhân, nhóm và cộng đồng làm thay đổi nhận thức, thái độ của họ, tạo ra sự nhất trí và đồng thuận thực hiện thắng lợi các mục tiêu, phương hướng đề ra. 2.3.3. Sử dụng các kết quả nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội để tập hợp trí tuệ, phát huy sáng kiến của các tầng lớp nhân dân Các cuộc thăm dò dư luận xã hội có tác dụng kích thích tư duy sáng tạo của quần chúng trong việc tìm giải pháp cho các vấn đề thực tiễn và lý luận. Trước các vấn đề nan giải, dư luận xã hội có thể nêu ra các khuyến nghị sáng suốt. Các khuyến nghị này có thể được thu thập qua mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội hoặc qua các cuộc điều tra dư luận xã hội. Đó là những thông tin rất quan trọng giúp các cấp lãnh đạo, quản lý đề ra được các biện pháp có hiệu quả. 2.3.4. Sử dụng các kết quả nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội để đề xuất các biện pháp có hiệu quả nhằm ngăn chặn, giải quyết các điểm nóng Điểm nóng trước khi xuất hiện, bao giờ cũng được báo trước trong dư luận xã hội qua sự xuất hiện của những băn khoăn, thắc mắc, những ý kiến phản đối, thái độ bất bình, sức căng của các yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân. Thực tiễn cho thấy, một trong những nguyên nhân làm xuất hiện các điểm nóng, các cuộc phản ứng tập thể của nhân dân là do các cấp lãnh đạo không lắng nghe dư luận xã hội, không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, hoặc do bị cấp dưới vì những lợi ích cá nhân, cục bộ, cố tình bưng bít thông tin, phản ánh sai lệch những vấn đề tâm trạng, tư tưởng của các tầng lớp nân dân. Thiết chế nghiên cứu dư luận xã hội nhờ có những quy chế và những phương pháp bảo đảm tính khách quan của thông tin có thể khắc phục những căn bệnh nói trên. 2.3.5. Sử dụng các kết quả nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống các biểu hiện tham nhũng, quan liêu, thiếu trách nhiệm, trong bộ máy nhà nước Dư luận xã hội chính là tai mắt của công chúng. Các phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy nhà nước sẵn sàng chà đạp lên các giá trị đạo đức và pháp luật nhưng lại rất ngại báo chí và dư luận xã hội. Các phần tử này luôn tìm cách bưng bít thông tin, tránh né sự phát giác của báo chí và dư luận xã hội. Sự lên án kịp thời và nghiêm khắc của dư luận xã hội không những sẽ thôi thúc các cơ quan pháp luật quan tâm giải quyết vụ việc mà còn làm cho các phần tử tham nhũng, quan liêu, tắc trách chùn tay. 2.3.6. Sử dụng các kết quả nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội để hình thành và củng cố các giá trị luân thường, đạo lý trong xã hội Xét dưới góc độ cơ chế tâm lý xã hội, dư luận xã hội có sức mạnh to lớn trong việc bảo vệ các giá trị, chuẩn mực, thuần phong, mỹ tục của xã hội. Dư luận xã hội gắn liền với ý chí của các cộng đồng, các nhóm xã hội nên nó có sức ép lớn đến tư tưởng và hành vi của mỗi cá nhân. Trong công tác quản lư, thông qua việc khuyến khích báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng đề cao, ca ngợi các tấm gương đạo đức và lối sống cao đẹp, phê phán, lên án các biểu hiện vi phạm các giá trị, chuẩn mực tốt đẹp trong xã hội sẽ khơi dậy vai trò tích cực của dư luận xã hội trong lĩnh vực này. CÂU HỎI ÔN TẬP 1. Phân tích nguồn gốc sức mạnh của dư luận xã hội? 2. Những khả năng ứng dụng dư luận xã hội trong lãnh đạo, quản lý xã hội? CÂU HỎI THẢO LUẬN Làm gì để phát huy vai trò dư luận xã hội trong công tác lãnh đạo, quản lý phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của vùng Nam bộ, của địa phương, ban ngành mà đồng chí đang công tác? TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tài liệu tham khảo bắt buộc 1. Ban Tư tưởng văn hoá Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, Mấy vấn đề về nghiên cứu dư luận xã hội, TP. Hồ Chí Minh, 1995, tr.5-40. 2. PGS, TS Từ Điển, Điều tra, thăm dò dư luận, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 1996, tr.4-17. 3. Lê Ngọc Hùng (chủ biên), Xã hội học về lãnh đạo, quản lý, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2010, tr.231-248. 4. Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II – Khoa Xã hội học, Đề cương bài giảng Xã hội hội học trong quản lý, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2008, tr.135-151. 5. Nguyễn Quý Thanh, Xã hội học về dư luận xã hội, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2006, tr.198-224. 2. Tài liệu tham khảo không bắt buộc 1. Ban Chấp hành Trung ương - Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu nghiệp vụ công tác nghiên cứu dư luận xã hội, Nxb. Thông tin - Truyền thông, Hà Nội, 2011, tr.7-31, 102-117. 2. Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo ở cơ sở (dành cho cấp uỷ và cán bộ tuyên giáo ở cơ sở), Nxb. Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2008, tr.122-151. 3. Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh – Viện Xã hội học và Tâm lý lãnh đạo, quản lý, Giáo trình xã hội học trong quản lý, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2008, tr.155-182. 4. Mai Quỳnh Nam, Mấy vấn đề dư luận xã hội trong công cuộc đổi mới, Tạp chí Xã hội học, Số 2, 1996. 5. Lê Ngọc Hùng, Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất và phương pháp tiếp cận dư luận xã hội, Tạp chí Cộng sản, Số 11, 2006. Tải về bản full

Từ khóa » Tiêu Luận Xã Hội Học Trong Lãnh đạo Quản Lý