Đưa An Giang Thành Trung Tâm 'du Lịch Văn Hóa Tâm Linh' Trọng điểm ...

Chú thích ảnh
Du khách đến hành hương, dâng lễ tại Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Tại tỉnh An Giang có 97 cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn với gần 3.000 phòng, 13 công ty lữ hành quốc tế và nội địa, 15 địa điểm tham quan, trong đó các khu cấp tỉnh là Núi Cấm (huyện Tịnh Biên), Núi Sam (Châu Đốc), Đồi Tức Dụp, rừng tràm Trà Sư. Đến cuối tháng 11/2020, An Giang đã thu hút 25 dự án với tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, tập trung vào các khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng như: Công viên trò chơi Núi Cấm, Khu du lịch văn hóa tâm linh - cáp treo Bà Chúa Xứ, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Trà Sư, Khu vui chơi giải trí Hải Đến, Khu nghỉ dưỡng Sang Như Ngọc (Núi Cấm)....

Thời gian qua, An Giang cũng đầu tư phát triển giao thông phục vụ phát triển du lịch; xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Núi Sập, Khu du lịch Soài So, cơ sở hạ tầng Khu du lịch Núi Cấm, tuyến tránh Quốc lộ 91 đến chợ Vĩnh Đông, đường lên đỉnh Núi Sam. Nhiều điểm du lịch, khu dịch vụ công cộng, siêu thị, bến xe trên địa bàn An Giang cung cấp wifi miễn phí, tạo điều kiện để người dân, khách du lịch tra cứu thông tin về điểm đến, góp phần quảng bá du lịch của tỉnh. Các khách sạn, nhà nghỉ cũng triển khai phần mềm quản lý khách lưu trú góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội, tạo niềm tin cho du khách đến với An Giang. Một số nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại đã triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho du khách.

Chú thích ảnh
Rừng tràm Trà Sư - điểm check in yêu thích của khách du lịch khi đến với An Giang. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch An Giang phấn đấu đón 42 triệu lượt khách, thu 27.800 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2025 phấn đấu đón 10 triệu lượt khách, với 30% khách lưu trú. Đến năm 2025, có thêm ít nhất 1 khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao, có các khu vui chơi, giải trí lớn tại các khu du lịch trọng điểm và các thành phố lớn như Long Xuyên, Châu Đốc, phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, di tích văn hóa, lịch sử để tạo sự khác biệt của ngành du lịch tỉnh theo hướng "du lịch văn hóa tâm linh" trọng điểm của cả nước.

Để đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư nhanh vào lĩnh vực xây dựng nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn từ 4 sao trở lên; nâng cấp, tu bổ, bảo tồn các công trình văn hóa tiêu biểu, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, khai thác du lịch văn hóa, tâm linh.

"Ngành du lịch An Giang cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch An Giang; quan tâm đầu tư và đổi mới hơn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng website du lịch An Giang, tuyên truyền rộng rãi về các tiềm năng, điều kiện tự nhiên, sự khác biệt vùng miền, những địa danh, thắng cảnh, văn hóa ẩm thực miền sông nước nhằm thu hút du khách đến An Giang", ông Hiệp cho biết.

Ngành du lịch tỉnh tập trung tăng cường, xúc tiến quảng bá du lịch đến các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc; tập trung xây dựng hình ảnh và định vị du lịch An Giang là điểm đến "An toàn, thân thiện, hấp dẫn"; tiếp tục thực hiện Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa An Giang với Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tinh Đồng bằng sông Cửu Long. An Giang cũng tập trung liên kết phát triển tour xuyên biên giới An Giang- Campuchia - Thái Lan - Lào, các nước châu Á tập trung thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc khi dịch COVID-19 bị đẩy lùi.

Chú thích ảnh
Khu du lich núi Cấm, huyện Tịnh Biên khí hậu mát mẽ như Đà Lạt thu hút đông khách trong nước đến tham quan. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Từ khóa » Du Lịch Tâm Linh An Giang