Dừa Cạn: Thực Hư Về Công Dụng Trị Ung Thư

Nội dung bài viết

  • 1. Dừa cạn – Những đặc điểm cần nhớ
  • 2. Dừa cạn có tác dụng gì ?
  • 3. Công dụng trị bệnh của Dừa cạn 
  • 4. Lưu ý và thận trọng khi dùng Dừa cạn 

Cây dừa cạn hay còn được gọi là Hoa trường xuân, dương giác, hoa hải đằng…là loài cây phổ biến thường được trồng làm cảnh trong vườn nhà. Quen thuộc là thế nhưng ít người biết, Dừa cạn còn là vị thuốc rất quý. Với nhiều công dụng chữa bệnh như hạ áp, lợi tiểu, đáng chú ý là khả năng điều trị ung thư. Vậy thực hư về công dụng của thảo dược này như thế nào, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

1. Dừa cạn – Những đặc điểm cần nhớ

1.1. Đặc điểm nhận biết 

Dừa cạn có tên khoa học là Catharanthus roseus (L.) G. Don thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae).

Là cây thân thảo, sống lâu năm. Thân gỗ ở phía gốc, mềm ở phần trên, có bộ rễ rất phát triển, cao 40 – 60 cm. Lá mọc đối, hình bầu dục, có hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt màu hơn. 

Hoa màu trắng hoặc hồng, mùi thơm, mọc riêng lẻ ở các kẽ lá ở phía trên. Quả gồm 2 đại, mọc thẳng đứng, hơi ngả sang hai bên. Trong quả chứa 12 – 20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng. 

Mùa hoa quả gần như quanh năm.

Dừa cạn hoa hồng
Dừa cạn hoa hồng/em>

1.2. Phân bố và bộ phận dùng

Cây có nguồn gốc từ Madagascar, sau đó được du nhập sang nhiều nước nhiệt đới Nam Á cũng như Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây được trồng khắp nơi nhưng thường gặp nhiều nhất ở các tỉnh ven biển.

Bộ phận dùng: rễ, thân cây và lá đều được dùng để làm thuốc. Thời gian thu hái nguyên liệu tốt nhất là vào cuối tháng 8 đến giữa tháng 9.

Dừa cạn
Dừa cạn hoa trắng

1.3. Hoạt chất có trong Dừa cạn

Qua nhiều công trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra thành phần chính chứa trong cây Dừa cạn là hoạt chất alkaloid.

Có tới 70 alkaloid thuộc nhiều nhóm khác nhau, trong đó VisblastineVicristine là 2 hoạt chất được quan tâm nhiều nhất hiện nay vì tác dụng kháng u của chúng. Ngoài ra còn có các ankaloid khác như là leurosin, leurocristin và leurosidin.

Hoạt chất phân bố ở tất cả các bộ phận của cây, nhiều nhất trong rễ và lá. Tùy theo nơi thu hái, hàm lượng các alkaloid này thay đổi từ 0.2 đến 1%. Và có thể có những giống có hàm lượng cao hơn.

2. Dừa cạn có tác dụng gì ?

2.1. Tác dụng hạ áp

Cao dừa cạn được dùng điều trị bệnh cao huyết áp trên lâm sàng có tác dụng giảm huyết áp trên bệnh nhân rõ rệt, giảm cả trị số tâm thu và tâm trương. Việc điều trị đơn giản, dễ áp dụng, chưa ghi nhận biến chứng ngộ độc.

2.2. Hỗ trợ điều trị Đái tháo đường

Dừa cạn từ lâu đã được người dân địa phương ở nhiều quốc gia sử dụng để trị bệnh tiểu đường. Đã có nhiều thử nghiệm nghiên cứu về tác dụng này của dừa cạn. Kết quả cho thấy các hợp chất alkaloid vindoline, vindolidine, vindolicine và vindolinine, giúp làm tăng khả năng hấp thu glucose của các tế bào β-TC6 hoặc C2C12 của tụy. Ngoài ra còn có khả năng ức chế protein tyrosine phosphatase-1B (PTP-1B). 

Dừa cạn
Dừa cạn phơi khô

1.3. Điều trị Ung thư

Trong vài thập kỷ qua, Y học hiện đại đã và đang có những bước tiến rất lớn trong việc điều trị các căn bệnh từng được xem là vô phương cứu chữa. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều căn bệnh, trong đó có ung thư, mà đến nay y học vẫn chưa có lời giải đáp đầy đủ.

Trong lĩnh vực nghiên cứu về thuốc điều trị ung thư hiện nay. Các hợp chất thiên nhiên bắt đầu đóng vai trò quan trọng, đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn.

Năm 1958, một nghiên cứu đã chứng minh 2 thành phần chính của Dừa cạn, là Vinblastine Vincristine, có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Cơ chế được cho là do các hợp chất này có khả năng kết hợp với các phân tử tubulin, ức chế sự tạo thành vi ống do đó ngăn cản quá trình phân chia tế bào. 

>> Tìm hiểu thêm về các bài viết Ung thư amiđan: Dạng ung thư ác tính phổ biến bạn cần biết, Nổi hạch báo hiệu điều gì? Liệu có phải là ung thư?

1.4. Tác dụng kháng nấm

Cao chiết của hoa, lá và rễ dừa cạn có tác dụng ức chế mạnh hoạt tính men protase của cả hai chủng T5 và T12 của nấm Trichophyton rubrum. Cơ chế sinh học của tác dụng kháng nấm là do khả năng ức chế hô hấp của sợi nấm. Nồng độ cao lá càng cao thì khả năng ức chế càng mạnh. 

1.5. Độc tính

Thử nghiệm được thực hiện trên chuột nghiên cứu về độc tính của cao dừa cạn cho thấy. Khi cho chuột cống trắng cái đã thụ tinh uống cao dừa cạn. Liều cao không gây tai biến cho chuột mẹ, nhưng có dấu hiệu ngăn cản sự phát triển của thai. Khi cho chuột cống uống liều trung bình vào ngày 6 – 13 của thời kỳ thai nghén: 50% chuột đẻ bình thường, 15% chuột có tử cung không bình thường, 35% còn lại không có dấu hiệu thụ thai.

Dừa cạn
Dừa cạn

3. Công dụng trị bệnh của Dừa cạn 

Theo Đông y, Dừa cạn có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng hoạt huyết, hạ huyết áp, giải độc.

Rễ Dừa cạn có tác dụng tẩy giun, chữa sốt. Thân và lá có thể làm săn da, giúp lọc máu, chữa một số bệnh ngoài da và nhất là trị tiểu đường. Ngoài ra người ta còn phát hiện tác dụng tẩy giun khá mạnh. 

Liều dùng: 10 – 16 g/ ngày.  

Tác dụng điều trị ung thư của cây dừa cạn đã được nghiên cứu kĩ càng và cho ra các chế phẩm:

  • Vinblastin sulfat: được dùng điều trị ung thư biểu mô tinh hoàn, bệnh Hodkin, ung thư biểu mô tế bào ở thân….
  • Vincristin sulfat: Là một thuốc chống ung thư được dùng rộng rãi, được sử dụng trong điều trị ung thư máu.

4. Lưu ý và thận trọng khi dùng Dừa cạn 

Mặc dù hai hoạt chất Vinblastine và Vincristin chiết xuất từ Dừa cạn đã được chứng minh có tác dụng hiệu quả trong điều trị ung thư. Tuy nhiên nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hàm lượng chứa trong cây là rất nhỏ. Người dùng không nên tự ý sử dụng Dừa cạn để thay thế cho các điều trị khác.  

Phụ nữ mang thai và đang cho con bú, người có huyết áp thấp tránh sử dụng thảo dược.

Bài viết trên đã làm rõ công dụng của cây Dừa cạn, là loài cây vốn đã rất quen thuộc. Cây có hiệu quả trong điều trị các bệnh như: đái tháo đường, tăng huyết áp, hỗ trợ điều trị ung thư…Tuy nhiên, bất kì một vị thuốc nào cũng đều có hai mặt lợi hại của nó. Vì vậy quý bạn đọc cần tham khảo bác sĩ chuyên môn để đạt hiệu quả tốt nhất. 

Từ khóa » Cây Rau Dừa Kiểng