Đưa Chiên đàn Hương Từ Quê Phật Về Nước Việt

GN Xuân - Chiên đàn hương - cây tâm linh tôn quý

Hương là nghi vật cúng dường trong nhiều tôn giáo, mùi thơm linh ứng giúp tiêu trừ uế khí, từ đó tinh thần dễ tập trung chánh niệm. Trong tâm thức cổ truyền người dân Việt cũng như ở nhiều nước châu Á, nén hương trở thành cầu nối thiêng liêng giữa cuộc sống hiện hữu với thế giới tâm linh, khói hương đem theo ước nguyện của người đang sống bay lên để tới được với Phật, thần linh, tổ tiên.

chuminhkhoi.jpg

TS Vũ Thoại trong vườn cây chiên đàn ở Hòa Lạc

Từ xưa đến nay, thế gian lưu truyền ngũ danh hương, gồm 5 loại hương thơm quý nhất từ thiên nhiên: chiên đàn hương, trầm hương, tử đinh hương, đâu lâu ba hương, tất lực ca hương. Trong đó, chiên đàn hương đứng đầu, vì có thể diệt trừ được ô trược. Kinh Thủ lăng nghiêm chép: “Vào thời Đức Phật còn tại thế, Ngưu đầu chiên đàn hương là loại quý nhất. Hương này nếu đốt một thù (1/24 lạng) trong khoảng 46 dặm thành Thất La Phiệt đều nghe mùi”.

Cây đàn hương được xem là tài sản quốc gia, được bảo vệ nghiêm ngặt tại Ấn Độ và Sri Lanka. Gỗ của cây đàn hương có mùi thơm rất đặc biệt và nhiều dược tính tốt, nên y học cổ truyền Ấn Độ dùng lõi gỗ đàn hương chống viêm, sát trùng, hạ nhiệt, làm săn da, chữa viêm bàng quang, lậu mãn tính, xuất huyết, nấc, khí hư, loét và rối loạn đường tiết niệu.

Ngày nay, hầu hết các dòng nước hoa cao cấp đều phải có tinh dầu đàn hương để giúp định mùi hương thơm của nước hoa. Khoảng 30% mỹ phẩm sản xuất tại Ấn Độ, Úc như kem chống lão hóa da, trị nám, trị tàn nhang… có sử dụng chất chiết xuất từ cây đàn hương. Gỗ đàn hương cứng, giác trắng, không mùi, lõi vàng nâu, được sử dụng sản xuất các loại hàng mỹ nghệ cao cấp, đặc biệt chế tác tượng Phật, tràng hạt, pháp khí Phật giáo và đồ dùng tâm linh. Ấn Độ là quê hương của đàn hương, nhưng Úc là nước có kim ngạch xuất khẩu gỗ đàn hương lớn nhất thế giới, khoảng 6,5-7 tỷ USD/năm với khoảng 800.000ha đã được trồng.

Chuyện một vị tiến sĩ bỏ thầy đi làm “thằng”

Tôi biết TS.Vũ Thoại đã khá lâu, anh là người sớm thành đạt, với chức vị Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Kinh tế Hà Nội. Vậy mà bỗng nhiên đầu năm 2016, đọc trên Facebook của ông tiến sĩ hiệu trưởng này, tôi ngỡ ngàng khi anh tự bạch đã: “chuyển đổi từ “thầy” sang “thằng”…

Gặp bạn bè, nhiều người bảo, Vũ Thoại hâm dở thật rồi, đang đường đường là hiệu trưởng một cao đẳng của nhà nước, ai lại xin nghỉ việc để đi thuê đất làm trang trại trồng cây. Nhưng rồi cũng bất ngờ vài tháng sau, đọc một bài báo phỏng vấn GS.Nguyễn Lân Dũng, thấy ông dành những lời tốt đẹp để nói về Vũ Thoại, dẫn chứng cho việc có những nhà khoa học dám rời bỏ “tháp ngà”, xông ra đời tự khởi nghiệp, làm những việc thực sự có ích cho đời.

Một ngày cuối năm 2016, tôi gặp Vũ Thoại. Thoại chia sẻ: “Làm hiệu trưởng thì nhiều người có thể làm được, nhưng đem về một giống cây quý cho bà con nông dân phát triển kinh tế bền vững thì không phải ai cũng đủ tâm huyết. Đã bao nhiêu năm rồi nền lâm nghiệp nước nhà chưa tạo ra được một loại cây gì có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định và có thể phát triển trên diện rộng cho người nông dân bớt khổ”. Việc “bén duyên” với cây đàn hương là nguyên nhân khiến ông quyết định rời môi trường sư phạm.

Sinh năm 1976, cuộc sống tưởng đã an phận nếu như chàng thanh niên Vũ Thoại không gặp cơ hội có được học bổng toàn phần đi du học tại Ấn Độ. Trong thời gian học để lấy bằng tiến sĩ tại Ấn Độ, khi đến thăm các vườn đàn hương của các đại gia Ấn Độ, Vũ Thoại vô cùng ngạc nhiên, bởi cây thì được sống trong lồng bê tông cốt thép, cây lớn đến đâu đổ lồng bê-tông cốt thép cao tới đó, cây thì được quấn thép gai và dây điện xung quanh. Hỏi ra mới biết đây là loại cây quý nhất thế giới, 1kg lõi gỗ đàn hương có giá 350 USD. Rễ cây đàn hương có chứa rất nhiều tinh dầu, loại tinh dầu đa năng được ví như “giọt vàng”, có giá khoảng 4.500 USD/kg. Trong Thoại đã ấp ủ mang cây này về quê hương…

Thuở đó, một lần Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn công du đến Ấn Độ, Vũ Thoại được gặp và tặng ông một số cây đàn hương giống, rồi trình bày về giá trị của cây đàn hương. Phó Thủ tướng khuyên: cây giá trị lớn vậy, thì cố gắng đem về Việt Nam nhân giống, phát triển thành cây lâm nghiệp hàng hóa, giúp nông dân nước ta làm giàu.

Sau đó, Vũ Thoại đã đưa cây đàn hương về Việt Nam trồng khảo nghiệm và nghiên cứu nhân giống từ gần chục năm nay. Nhưng cây đàn hương không dễ “nuốt”, bởi rất khó nhân giống. Lúc sinh thời, ông Nguyễn Công Tạn đã cùng với Viện Thành Tây dày công nghiên cứu, gieo hạt giống cây này, nhưng đã thất bại vì hạt không nảy mầm. Ngay tại quê hương của chúng là Ấn Độ, ở điều kiện tự nhiên, chỉ 1-2% số hạt cây đàn hương được gieo nảy mầm. Cũng không thể nuôi cấy mô được loài cây này.

Khát vọng Chiên đàn hương trên đất Việt

Ròng rã nghiên cứu từ năm 2006, nhưng phải đến năm 2014, TS.Thoại và các đồng nghiệp mới thành công trong việc tạo ra phương pháp kích thích hạt cây đàn hương nảy mầm tự nhiên, tạo ra giống cây đạt tiêu chuẩn hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ tại Việt Nam.

Vũ Thoại kêu gọi bạn bè góp vốn để thành lập Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm (ISAF). Viện thuê 10ha đất tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Để lấy ngắn nuôi dài, cùng với việc ươm trồng cây đàn hương, thì tại đây trồng xen các loại cây thảo dược, như kim tiền thảo, cây sả để lấy tinh dầu. Nhiều loại cây nhập nội khác như na Thái, bơ Mỹ, bơ Hass… cũng được trồng trong vườn để tạo thu nhập trước mắt trong khi chờ cây đàn hương “cho tiền”.

Ươm thành công hàng chục nghìn cây giống đàn hương rồi, nhưng chuyển giao cho nông dân trồng lại vô cùng khó khăn. Khi nói về giá bán các sản phẩm của cây này, nông dân họ không tin, thắc mắc rằng tại sao cây có giá trị cao như thế mà Nhà nước mình không trồng. Cũng may, cây đàn hương là cây bán ký sinh, buộc phải có các cây ký chủ, nên trồng xen canh với cam, quýt, cà-phê rất tốt. TS.Thoại tìm đến các vườn cà-phê ở Tây Nguyên, thuyết phục nông dân trồng xen cây đàn hương vào đấy. Rồi ký kết hợp đồng khi cây đến kỳ thu hoạch thì Thoại sẽ thu mua bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Nhìn vào biểu kỳ hơn 12 năm mới cho thu hoạch, nông dân không mặn mà lắm, nhưng vì cây đàn hương trồng xen không ảnh hưởng tới thu nhập từ cây cà-phê, nên nhiều nông dân đồng ý.

Đến nay, Viện ISAF đã trồng khảo nghiệm cây đàn hương tại gần 40 tỉnh thành trên cả nước, cho tín hiệu rất khả quan về một hướng thoát nghèo cho hàng nghìn hộ nông dân. Để có thể khai thác gỗ phải mất từ 12-15 năm, thậm chí 30 năm nếu muốn có gỗ đạt chuẩn tốt nhất. Nhưng ngay từ năm thứ tư, cây đã cho nguồn thu từ lá để làm trà cao cấp và hạt dùng để chiết xuất tinh dầu.

Theo Vũ Thoại, đến thời điểm này tại các vườn trồng, mới có nguồn thu từ các loại cây xen canh, chưa có nguồn thu từ đàn hương. Dự kiến năm 2017 mới bắt đầu có nguồn thu từ cành và lá cây đàn hương. Viện ISAF đã liên kết với Công ty Sao Thái Dương để sản xuất một số loại kem dưỡng da từ hạt đàn hương và trà từ lá cây đàn hương, có tác dụng thải chất độc trong máu. Những lô sản phẩm đầu tiên sẽ xuất xưởng vào năm mới để xuất khẩu sang Nhật. Mục tiêu đến năm 2022 mới có những vườn cho thu hoạch gỗ cây đàn hương, sẽ được sử dụng để sản xuất nhang hương, dầu gội đầu, sữa tắm, xà phòng… và rất nhiều sản phẩm liên quan đến đời sống con người.

Cây đàn hương được gọi là “vàng xanh” với những giọt tinh dầu có giá lên tới 4.500 USD/kg. Cho đến thời điểm này chưa thể khẳng định được rằng TS.Vũ Thoại đã thành công hay sẽ thất bại, nhưng ít ra đã thể hiện được tinh thần khởi nghiệp, dấn thân dám làm, vì lợi ích cho mình và cho đời…

Từ khóa » Gỗ Chiên đàn Hương ấn độ