Dưa Hấu Ghép Bầu - Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Về xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn hỏi thăm “vua” giống dưa hấu ghép bầu Hoàng Văn Nại ở thôn Pắc Nông không ai là không biết vì trong mấy năm gần đây nhà anh đã trở thành địa chỉ chuyên cung cấp cây giống dưa hấu chất lượng cao cho người trồng dưa khắp nơi.

Tâm sự với chúng tôi, anh Nại cho hay: Nghề trồng dưa hấu đã có từ lâu đời và là nguồn thu chính của nhiều hộ gia đình ở các xã thuộc huyện Cao Lộc. Ngoài 2 vụ lúa chính, ở đây bà con thường trồng xen 1-2 vụ dưa hấu cả chính vụ lẫn trái vụ nên diện tích dưa hấu hàng năm rất nhiều. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn của những vùng chuyên canh dưa hấu là các bệnh héo xanh, héo rũ, nứt thân, chảy dây thường xuyên xuất hiện gây chết cây, thối trái hàng loạt, làm thất thu lớn, có năm không cho thu hoạch.

 Để hạn chế được bệnh, theo khuyến cáo của cán bộ khuyến nông, biện pháp tốt nhất là trồng luân canh, không trồng dưa hấu liền vụ nên trong mấy năm gần đây tuy bệnh có thuyên giảm nhưng diện tích và sản lượng dưa hấu cũng giảm theo. Năm 2005 anh theo một số người bạn sang Trung Quốc học được kỹ thuật ghép cây dưa hấu lên gốc bầu để tránh bệnh, về nhà anh bắt đầu dựng nhà nilon làm thử. Vụ ấy anh thắng lớn nhờ cây giống được ghép trên gốc bầu khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, phát triển nhanh, cho nhiều trái mà không bị bệnh héo xanh vi khuẩn gây hại như dưa của các nhà hàng xóm khác.

Nhận thấy so với trước đây khi còn trồng dưa thương phẩm thì nghề gieo ươm cây giống rau nói chung, ghép ươm cây dưa hấu trên gốc bầu nói riêng đã giúp anh tiết kiệm được rất nhiều vốn đầu tư, vật tư, đất đai và thời gian mà lại cho hiệu quả cao nên dần dần hoàn thiện qui trình, tập trung đầu tư chuyên sản xuất cây giống để cung cấp cho bà con trong xã và nhiều địa phương khác mua về trồng.

Được hỏi về kinh nghiệm làm cây giống tốt, anh Nại vui vẻ dẫn tôi ra thăm nhà vườn nơi gia đình anh đang tiến hành ghép cây và cho biết thêm: Sau khi cây dưa bầu được trồng thử thành công ở Gia Cát, chỉ 2 năm sau phong trào trồng dưa hấu ghép trên gốc bầu đã lan ra cả xã. Đến nay kinh nghiệm này đã được phổ biến sang cả các xã phía bắc huyện Chi Lăng, sang cả Móng Cái, Tiên Yên (Quảng Ninh) và nhiều địa phương khác vì những lợi ích thiết thực của nó.

Khác với trước đây trồng dưa hấu trực tiếp bằng hạt, giờ ta ươm cả dưa lẫn cây bầu. Khi cây bầu cao khoảng 5cm, có 2 lá thật thì cắt ngọn dưa ghép vào gốc bầu, tiếp tục chăm sóc cho đến khi cây giống đủ tiêu chuẩn đem trồng ra ruộng (trong vòng 1 tháng).

Cây giống dưa hấu ghép trên gốc bầu có 2 phần cơ bản: gốc bầu có khả năng kháng được một số bệnh thường gây hại trên cây dưa hấu gieo ươm thẳng từ hạt như: bệnh héo xanh vi khuẩn, héo rũ, héo vàng, nứt thân, chảy dây do nấm và bệnh xoắn lá, rụt ngọn do virus…; ngọn là giống dưa hấu có năng suất cao, chất lượng tốt, mẫu mã và mã quả phù hợp thị hiếu khách hàng… được ghép trên gốc bầu không bị nhiễm bệnh hại nên sinh trưởng khỏe, lớn nhanh cho nhiều trái, chất lượng cao.

Mặt khác, với cách làm này người trồng có thể chủ động sản xuất cây giống trước mỗi vụ gặt để khi gặt xong là có thể làm đất trồng ngay, tiết kiệm được thời gian, rút ngắn được thời vụ mà không làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái dưa cũng như chậm thời vụ cấy của vụ lúa kế tiếp.

Từ khóa » Cách Ghép Dưa Hấu Trên Gốc Bầu