Đưa Hệ Thống KRX đi Vào Hoạt động Là Nhiệm Vụ Trọng Tâm Của ...

Đưa hệ thống KRX đi vào hoạt động là nhiệm vụ trọng tâm của HOSE năm 2022

Trong Lễ đánh cồng đầu xuân Nhâm Dần năm 2022 sáng nay (8/2/2022), bà Nguyễn Thị Việt Hà, quyền Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm tăng trưởng mạnh mẽ về thanh khoản, số lượng nhà đầu tư, chỉ số và vốn hóa thị trường, dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch và vốn hóa trên thị trường chứng khoán.

Lần đầu tiên, theo thống kê của WFE, tỷ suất vòng quay chứng khoán của thị trường Việt Nam năm 2021 đạt gần 173%, vượt qua mức 99,8% của thị trường Thái Lan.

Chỉ số VN-Index cũng thiết lập đỉnh mới với 1.500,81 điểm (phiên 25/11/2021), cao nhất trong 21 năm hoạt động của thị trường. Vốn hóa thị trường cổ phiếu trên HOSE vào cuối năm 2021 đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng với 46 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ đô, trong đó có 3 doanh nghiệp vốn hóa trên 10 tỷ đô. Hơn 49.000 tỷ đồng đã được huy động thông qua thị trường chứng khoán, tăng hơn 5 lần so với năm 2020; 93% công ty chứng khoán hoạt động có lãi; ngoại trừ các doanh nghiệp còn khó khăn do chịu tác động trực tiếp từ đại dịch, nhìn chung, các doanh nghiệp niêm yết vẫn đạt kế hoạch doanh thu lợi nhuận năm 2021 thể hiện sức chống chọi và phục hồi khá tốt.

Tính đến hết ngày 31/12/2021, trên HOSE có 404 mã cổ phiếu, 03 mã chứng chỉ quỹ đóng, 08 mã chứng chỉ quỹ ETF, 113 mã chứng quyền có bảo đảm và 05 mã trái phiếu đang niêm yết và giao dịch.

Sự phát triển về số lượng sản phẩm quỹ đầu tư ETF trên HOSE với hơn 29.500 tỷ đồng giá trị tài sản ròng đang được quản lý, đã góp phần định hình thêm các chiến lược đầu tư dài hạn, hướng đến sự phát triển chuyên nghiệp và bền vững của TTCK trong bối cảnh bùng nổ về số lượng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường.

Được ghi nhận là một năm thành công của thị trường chứng khoán, tuy nhiên, năm 2021 vừa qua cũng đặt ra rất nhiều thách thức đối với HOSE trong việc tổ chức, vận hành thông suốt, an toàn và hiệu quả hoạt động giao dịch trên thị trường. Trong tình trạng quá tải hệ thống giao dịch xảy ra từ cuối năm 2020, HOSE đã nỗ lực, tìm kiếm nhiều giải pháp nhằm từng bước khắc phục tình trạng quá tải của hệ thống như: nâng đơn vị giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết tạm thời chuyển sàn giao dịch sang Sở GDCK Hà Nội để giảm tải cho hệ thống; phối hợp với Công ty FPT triển khai giải pháp kỹ thuật xử lý tình trạng quá tải lệnh, đưa hệ thống giao dịch của Sở đã hoạt động trở lại thông suốt từ ngày 5/7, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Lễ đánh cồng đầu xuân Nhâm Dần năm 2022 hôm nay khởi đầu cho một năm với nhiều ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ hơn thị trường chứng khoán, nâng tầm phát triển, hướng tới chất lượng, minh bạch và bền vững.

Bà Hà cho biết, trong bối cảnh dự đoán còn nhiều khó khăn thách thức phía trước, HOSE chuẩn bị tâm thế và nội lực, chủ động đổi mới sáng tạo, tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022, mà trọng tâm là đưa dự án công nghệ thông tin của nhà thầu Hàn Quốc đi vào hoạt động; phối hợp chặt chẽ với UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tăng cường công tác giám sát, tập trung vào giám sát giao dịch bất thường, giám sát công bố thông tin, giám sát CTCK, siết chặt kỷ cương, kỷ luật thị trường; tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức nhân sự, đổi mới công tác quản trị điều hành phù hợp với mô hình tổ chức hoạt động mới của Sở.

Tham dự và phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, dự báo tình hình thế giới, khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng chậm lại với áp lực lạm phát ngày càng gia tăng, ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 vẫn tiếp diễn với sự xuất hiện của biến thể mới phức tạp. Năm 2022 cũng là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 và hướng tới 2030.

Đối với HOSE, ông Chi đề nghị chủ động phối hợp với UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Tổng công ty lưu ký Chứng khoán Việt Nam để kiên trì bám sát các mục tiêu trọng điểm trong đó tập trung:

(1) Đảm bảo đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX theo đúng tiến độ dự án, đảm bảo vận hành thị trường liên tục hiệu quả, an toàn về hệ thống và xuyên suốt về thông tin.

(2) Bước đầu phối hợp triển khai cơ cấu lại thị trường chứng khoán theo Thông tư số 57/2021/TT-BTC, chủ động thực hiện công tác phân bảng các công ty niêm yết

(3) Tập trung ổn định thị trường, tăng cường công tác giám sát, nâng cao chất lượng công ty niêm yết về quản trị và công bố thông tin, đảm bảo thị trường an toàn minh bạch.

(4) Tích cực phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam hoàn thiện các quy chế, quy trình hoạt động, xây dựng chiến lược phát triển 5 năm, cũng như nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới trên thị trường, đặc biệt nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận vào TTCK Việt Nam.

Ở góc độ thành phố, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021, chứng kiến sự lớn mạnh của ngành tài chính - 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của Thành phố khi tăng trưởng ở mức 8,1% góp phần không nhỏ giúp Thành phố phục hồi kinh tế và hoàn thành thu ngân sách 2021. Đặc biệt, thị trường chứng khoán đã phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn lớn đối với doanh nghiệp và là kênh đầu tư hấp dẫn.

Năm 2022, thành phố sẽ đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đưa nhiều doanh nghiệp uy tín, thương hiệu niêm yết trên thị trường; cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư lâu dài tại Thành phố. Đồng thời, tập trung hoàn thành Đề án Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính quốc tế để thúc đẩy thị trường chứng khoán thành phố phát triển.

Từ khóa » Hệ Thống Giao Dịch Chứng Khoán Mới