Tác giả: Nguyễn Ngọc Xuân Tên đề tài: “Đưa làn điệu Dọc và Xá trong Chầu Văn vào giảng dạy Sáo Trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam” Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành Âm nhạc (Sáo trúc) Mã số: 60 21 02 02 Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Ngô Phương Đông Ngày đăng: 14/04/2019
Toàn văn Luận văn
Tóm tắt Luận văn
MỞ ĐẦU
1.Lý do chọn đề tài:
Hát chầu văn còn được gọi là hát văn, là một loại hình nghệ thuật hát cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Loại hình nghệ thuật này phát triển mạnh vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Có những giai đoạn, hát chầu văn không được ưa chuộng, nhưng từ những năm 1990 trở lại đây, hát chầu văn đã được công chúng đón nhận và ngày càng được yêu mến. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, vào tháng 12/2016, các làn điệu hát văn cùng với những nghi lễ trong hầu đồng với tên gọi: “Tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại, điều này cho thấy việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những vốn âm nhạc cổ truyền của dân tộc nói chung và làn điệu chầu văn nói riêng là rất cấp thiết.Trước đây, trong tổ chức dàn nhạc hát văn cổ chỉ có đàn nguyệt và bộ gõ, nhưng sau này, theo quá trình phát triển của nghệ thuật hát văn thì các nghệ nhân đã bổ sung một số loại nhạc cụ nhất định để trình bày phần giai điệu, tăng cường màu sắc cho các giá đồng như: Sáo Trúc, Sáo Mèo cho các giá của các Thánh nữ miền sơn cước dưới sự cai quản của mẫu Thượng ngàn; đàn Tranh, Nhị cho các giá của các Nam thần, Nữ thần miền sông nước dưới sự cai quản của mẫu Thoải v.v..Thậm chí, các nhạc cụ bổ sung còn tham gia chơi giai điệu hoặc đệm cho nhiều giá đồng khác nhau,khiến cho nghệ thuật hát văn ngày càng hấp dẫn hơn. Một số nghệ nhân dân gian gạo cội trong nghề hát văn như nghệ nhân Vũ Ngọc Châu, Hoàng Trọng Kha còn cho biết: cây Sáo Trúc được đưa vào trong dàn nhạc hát văn khoảng từ những năm 1996 do yêu cầu của những ông/bà đồng có tiền, giàu có để cho buổi hầu đồng thêm phần đặc sắc. Kể từ đó đến nay, do kinh tế phát triển nên hầu như vấn hầu nào ông/bà đồng cũng đều cần đến Sáo Trúc.
Như chúng ta đã biết, làn điệu trong Hát văn bao gồm chủ yếu các nhóm: Dọc, Cờn, Xá, Phú và một số làn điệu khác, trong đó nhóm làn điệu Dọc có mặt ở hầu hết các giá đồng (cả Nam thần và Nữ thần) và nhóm làn điệu Xá lại mang đặc trưng của miền sơn cước thượng ngàn. Đây là 2 hệ thống làn điệu, ngoài vai trò chủ đạo là cây đàn Nguyệt,sau này đã được bổ sung thêm âm sắc của Sáo trúc. Đây là một trong những lý do khiến chúng tôi đề xuất đưa làn điệu Dọc và Xá vào chương trình giảng dạy cho Sáo trúc.
Sáo Trúc trong Hát văn chỉ là nhạc cụ đệm cho hát nên học sinh Sáo trúc khi học hai làn điệu tiêu biểu này ngoài việc củng cố một số kỹ thuật như đẩy hơi, rung hơi, luyến, lưỡi đơn, lưỡi kép, chạy ngón, láy dài, láy rền, rung lưỡi,... còn được làm quen với các kỹ thuật hòa tấu với đàn Nguyệt và bộ Gõ để từ đó có thể tự chơi được những câu lưu không và xuyên tâm trong khi đệm cho hát, và sớm được tiếp xúc với môi trường xã hội trong hoạt động nghệ thuật. Các nghệ sĩ Sáo Trúc có thêm một sân chơi mới để mưu sinh, đặc biệt điều này khiến cho cây Sáo Trúc càng ngày càng gần gũi và thân thiết hơn với mọi người hơn.
Hiện nay, các cơ sở đào tạo âm nhạc truyền thống ở Việt Nam chưa quan tâm đến việc đào tạo học sinh, sinh viên Sáo trúc chơi các làn điệu chầu văn, trong đó có Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - cơ sở đào tạo lớn nhất tại Việt Nam.Trong khi, nhu cầu về thưởng thức chầu văn của xã hội ngày càng cao, những người nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư phải tự tìm hiểu, học truyền khẩu từ những thế hệ đi trước để cố gắng đáp ứng nhu cầu của xã hội về chất lượng nghệ thuật của loại hình chầu văn này.
Xuất phát từ những nhu cầu tìm hiểu về âm nhạc chầu văn trong thực tiễn biểu diễn và giảng dậy Sáo Trúc tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam,nhiều năm qua bản thân tôi cũng thường xuyên tham gia vào những buổi trình diễn hát văn hầu đồng và nhận thấy hiện nay làn điệu chầu văn vẫn chưa được đánh giá và coi trọng đúng giá trị của nó. Việc nghiên cứu một cách bài bản, nghiêm túc các làn điệu chầu văn để đưa vào giảng dạy cho Sáo Trúc là hết sức cần thiết. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn đề tài: “Đưa làn điệu Dọc vàXá trong Chầu Văn vào giảng dạy Sáo Trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam”.
2.Lịch sử nghiên cứu:
Để thực hiện đề tài nghiên cứu, tôi đã tham khảo những công trình nghiên cứu về giảng dạy sáo trúc và nghệ thuật hát văn có liên quan đến đề tài. Các tài liệu,các bài báo khoa học và luận văn mà chúng tôi đã nghiên cứu đã góp phần quan trọng trong quá trình nghiên cứu và viết luận văn của bản thân.
Như vậy, qua việc tham khảo, nghiên cứu một số công trình nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy chưa có công trình nào đi sâu vào nghiên cứu về những làn điệu DọcvàXá trong Chầu văn dành cho Sáo Trúc. Do vậy, đề tài luận văn “Đưa làn điệu Dọc vàXá trong Chầu Văn vào giảng dạy sáo trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam” không bị trùng lặp với bất cứ công trình nào đã được công bố ở trong và ngoài nước trước đây.
3.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
*Đối tượng nghiên cứu:
-Vai trò và đặc điểm của làn điệu Dọc và Xá trong chầu văn và Sáo Trúc.
-Chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy chuyên ngành Sáo trúc
-Thực trạng giảng dậy, chất lượng học tập của học sinh, sinh viên học Sáo Trúc khi tiếp cận với những làn điệu Dọc và Xá trong chầu văn.
*Phạm vi nghiên cứu và thực nghiệm.
Đề tài chỉ giới hạn ở việc tìm hiểu Hệ thống làn điệu Dọc và Xá(chầu văn) trong giảng dạy Sáo Trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
4.Mục tiêu nghiên cứu:
Với mục tiêu là tìm ra giải pháp đưa các làn điệu Dọc và Xá trong chầu văn vào giảng dậy cho Sáo Trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, phần nào giúp ích cho việc đào tạo ởbộ mônsáo Trúcngày càngđạt hiệu quả caohơn.
5.Phương pháp nghiên cứu:
Trong quá trình viết luận văn, để hoàn thành mục tiêu nghiên cứu của đề tài, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp lý thuyết: bao gồm các phương pháp sưu tầm tư liệu, thống kê, phân loại, phân tích tổng hợp.
- Phương pháp thực nghiệm: Tiến hành biên soạn giáo án mẫu, dạy thực nghiệm. Kiểm tra, đánh giá kết quả thực nghiệm.
- Phương pháp phi thực nghiệm: Tổ chức điều tra đánh giá khách quan kết quả thực nghiệm, lấy ý kiến bộ môn đánh giá các giải pháp mà luận văn đã đề ra.
6.Những đóng góp của luận văn:
Nếu những kết quả nghiên cứu của luận văn được công nhận, với những giải pháp mà luận văn đã đề xuất, chúng tôi hy vọng từng bước đưa vào giảng dạy các làn điệu Dọc và Xá trong Chầu Văn cho bộ môn Sáo Trúc nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của xã hội. Việc nâng cao chất lượng đào tạo các làn điệu Dọc và Xá của Chầu Văn cho bộ môn Sáo Trúc của nhà trườngsẽ giúpcho học sinh, sinh viên có khả năngphục vụ tốt các hoạt động biểu diễn âm nhạc,cũng như gìn giữ bản sắc nghệ thuật của dân tộc.
7.Bố cục luận văn:
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và khuyến nghị, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận văn gồm có 2 chương:
Chương 1: Khái quát về hát Chầu Văn và thực trạng giảng dạy Sáo Trúc tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam.
Chương 2: Bổ sung và sắp xếp các làn điệu Dọc và Xá vào chương trình giảng dạy và phương pháp giảng dạy Sáo Trúc
CHƯƠNG MỘT
KHÁI QUÁT VỀ HÁTCHẦU VĂN VÀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY
SÁO TRÚCTẠI HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
- .Khái quát về nghệ thuật hát Chầu văn
1.1.1. Sự hình thành và phát triển của nghệ thuật hát Chầu văn:
Hát chầu văn còn được gọi là hát văn hay hát bóng, là loại hình nghệ thuật hát cổ truyền của Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Âm nhạc ở đây mang tính tâm linh với các lời văn đậm tính nghiêm trang, chầu văn còn được coi là hình thức hát phục vụ chầu thánh và xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Hình thức văn hóa này phát triển ở Nam Định từ thế kỷ XVII cùng với quá trình hình thành quần thể các di tích trọng điểm ở Nam Định như phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên), đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc), đền Cố Trạch (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định). Sau này, Chầu văn còn tiếp tục phát triển, mở rộng ra các vùng lân cận như Hà Nam, Thái Bình và ngày càng lan tỏa ra nhiều vùng trên cả nước.
*Tín ngưỡng thờ mẫu.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời của người Việt, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn và là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, nó còn mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội. Đồng thời, Tín ngưỡng thờ Mẫu còn dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước.
*Nghi lễ Chầu Văn (Hầu Đồng):
Nghi lễ Chầu văn (hầu đồng) của người Việt là một hình thức biểu đạt văn hóa, tín ngưỡng phức hợp gồm nghi lễ hầu đồng gắn với hát văn hay hát Chầu văn, do thủ nhang, thanh đồng (ông/bà đồng), cung văn và một số người hầu dâng (người giúp việc thanh đồng) tiến hành trước các ban thờ ở các đền, điện, phủ, miếu .
Trong Nghi lễ Chầu văn (hầu đồng) của người Việt, các hình thức biểu đạt, động tác múa, âm nhạc và lời hát văn đều mang dấu ấn lịch sử, ghi lại sự tích và ca ngợi công đức của những nhân vật lịch sử có công với dân, với nước.
*Cách thức thực hiện nghi lễ Chầu văn (hầu đồng)
Hầu đồng là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ Phủ vào thân xác ông/bà Đồng. Trong nghi lễ đó, hát Chầu văn (hát thờ) phục vụ cho quá trình nhập đồng hiển thánh.
Mở đầu mỗi vấn hầu thường thủ nhang, pháp sư đăng đàn cúng Phật, Thánh, sau đó người hầu đồng vào xin phép vào hầu đồng. Ông/bà đồng ngồi vào giữa bốn người hầu dâng và được người hầu dâng trùm lên đầu một vấn khăn màu đỏ, gọi là khăn phủ diện, và bắt đầu vấn hầu.
*Bố cục làn điệu trong các giá đồng :
Thứ tự sắp xếp các làn điệu trong một giá đồng được gọi là Bố cục làn điệu. Bố cục làn điệu là yếu tố quan trọng bởi người hát phải nắm vững thứ tự của điệu hát cũng như tới phần nào của lời ca thì hát lối nào cho phù hợp. Để có thể xác định được bố cục làn điệu trong giá đồng, chúng tôi đã phải sưu tầm của những cung văn lão luyện và với sự hiểu biết của bản thân tôi là một cung văn lâu năm với những kinh nghiệm đã có được.
Đây là một số giá văn mà các thanh đồng thường hay hầu:
a)Bố cục làn điệu trong các giá hàng Quan
Quan Đệ Nhất (thiên phủ):
Kiều bóng – Dọc – Lưu Thủy – Sai – Phú.
Quan Đệ Nhị (nhạc phủ):
Kiều bóng – Dọc – Lưu Thủy – Sai –Trống Trận – Phú – Kiều dương .
b)Bố cục làn điệu trong các giá hàng Chầu
Các giá hàng Chầu có sự phân biệt giữa Chầu miền xuôi (miền đồng bằng)và Chầu miền ngược (miền núi).
Chầu Đệ Nhất:
Kiều bóng – Dọc – Sai – Cờn .
Chầu Đệ Nhị:
Kiều bóng – Xá dây bằng – Xá thượng (dây lệch) – Xá ngự .
Chầu Đệ Tam:
Kiều bóng – Miễu – Sai – Phú Bình .
c) Bố cục làn điệu trong các giá Hoàng:
Nếu các Thánh hàng Quan đầy oai vệ, uy quyền, thì các Thánh hàng ông Hoàng lại hào hoa, phong nhã, do đó gần với người trần hơn.
Ông Hoàng Mười:
Kiều bóng – Dọc nam – Lưu thủy – Sai – Trống trận – Chuốc rượu – Thơ – Hò Huế - Lý qua cầu – Lý mỹ hưng – Nhịp một.
d) Bố cục làn điệu trong các giá Cô:
Cũng như hàng Chầu, giá hàng Cô được phân biệt với các Cô miền xuôi và các Cô miền núi.
Cô Đôi: Kiều bóng – Xá dây bằng – Xá thượng (dây lệch) – Xá quảng.
Cô Bơ: Kiều bóng – Dọc nam – Sai – Chèo đò – Cờn.
e) Bố cục làn điệu trong các giá hàng Cậu:
So với các giá hàng Cô, thì giá hàng Cậu có số lượng vị Thánh nhập về rấtít, người ta ít khi hầu Cậu. Cậu Bơ hoặc Cậu Bé là những đại diện của hàng Cậu hay giáng bản đền.
Cậu Bé:
Kiều bóng – Dọc – Lưu thủy – Chuốc rựu – Đường trường chim thước
Tất cả những quy định về làn điệu như trên ràng buộc, chi phối lẫn nhau, khiến cho bố cục làn điệu trong các giá đồng của nhạc Hát văn hầu càng trở nên chặt chẽ, thống nhất với nhau trong một tổng thể chung.
- Một số làn điệu và đặc điểm âm nhạc hát Chầu văn
Hát lên đồng hay còn gọi là hát văn hầu, dùng trong quá trình thực hiện nghi lễ hầu đồng. Cung văn phục vụ trong mỗi cuộc hầu đồng thường gồm từ 03 đến 05 nhạc công, sử dụng đàn nguyệt, trống ban (trống con), phách, cảnh, thanh la, đồng thời là những người biết hát văn. Cung văn phải luôn nhạy bén, ứng tác kịp thời và phù hợp với các hành động của ông/bà đồng, góp phần tạo điều kiện cho sự thăng hoa của người hầu đồng. Hiện nay còn có nhiều nhạc cụ mới (nhị, kèn, sáo, đàn thập lục, trống dàn…) tham gia cung văn. Các nghệ nhân có kỹ năng hát và kỹ thuật vê đàn, rung trống, gõ thanh la điêu luyện, tạo nên sự hài hòa về âm thanh sẽ dễ làm rung động lòng người.
*Đặc điểm trong nhạc hát chầu văn
Các thể hát văn và giai điệu hát văn, lời văn trong hát văn được phổ từ thơ ca dân gian, đôi khi vay mượn cả trong các tác phẩm văn thơ bác học và thường là thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn, bốn chữ. Các bài văn hát thường xắp xếp như một câu chuyện về xuất xứ của thánh và tôn vinh công đức, kỳ tích của ngài. Câu văn tuy có vần điệu, niêm luật không chặt chẽ như một bài thơ, nhưng khi đọc lên, mọi người đều cảm nhận được chất thơ của bài văn. Giai điệu của hát văn khi thì mượt mà, hấp dẫn, khi lại dồn dập, khoẻ khoắn, vui tươi. Chất thơ của bài văn đó được nâng lên cao tuyệt đỉnh trong không khí tâm linh thành kính, khấn vái xuýt xoa, khói hương nghi ngút, có dàn nhạc, lời ca phụ hoạ, đưa đẩy và các điệu múa thiêng của Thánh thể hiện qua người hầu đồng. Với tính chất này, hát văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi dùng trong nghi lễ mà hát văn cũng được coi như một hình thức ca nhạc dân gian vui tươi lành mạnh và có thể đưa ra công diễn trước đông đảo quần chúng. Có ba thể loại hát văn chính là: Hát văn thờ, Hát văn thi và Hát văn hầu.
*Một số làn điệu trong âm nhạc Chầu văn
Chầu văn còn thu nạp nhiều bài bản, làn điệu từ các thể loại dân ca nhạc cổ khác. Do vậy, chấu văn được hình thành với nhiều làn điệu rất phong phú, thể hiện những vai vế, tính cách và giới tính riêng biệt. Điều đó thể hiện mối quan hệ hữu cơ giữa âm nhạc và tín ngưỡng. Ngoài ra hát Chầu văn còn có thể mượn các làn điệu nhạc cổ truyền khác như ca trù, quan họ, hò Huế và kể cả những điệu hát của các dân tộc thiểu số. Xen kẽ giữa những đoạn hát là đoạn nhạc không lời, được gọi là lưu không.
1.2 Khái quát về các làn điệu Dọc, Xá trong Hát Văn với Sáo Trúc :
1.2.1.Nhóm các làn điệu Dọc
*Dọc Bắc:
Tính chất của Dọc Bắc khúc chiết, đĩnh đạc, được hát khi người hầu bóng thay trang phục ngay sau điệu Kiều bóngmở đầu và thường có trong các giá hàng Quan, ông Hoàng, hàng Cậu và trong các giá Chầu, giá Cô miền xuôi.[ 28]
Ví dụ 1:Dọc Bắc
Sưu tầm, ký âm: Nguyễn Ngọc Xuân.
Đàn Nguyệt : Văn Châu, Sáo: Ngọc Xuân,Gõ:Trung Hiếu
Quy ước của tiết tấu gõ, trong đó tiếng:
Đối với Đàn Nguyệt: Điệu Dọc Bắc được thể hiện trên thang 5 âm, điệu Thương (Sol Thương) với sự nhấn mạnh của các âm tạo thành trục của điệu gồm: 1 (âm sol), bậc 4 (âm đô), bậc 5 (âm rê). Trong chuyển động giai điệu, bậc nếu trổ hát dừng ở thanh ngang âm tương ứng sẽ là âm sol 1; còn nếu dừng ở thanh huyền âm tương ứng sẽ là rê 1, trong trường hợp này, đàn Nguyệt sẽ đi tiếp nét nhạc kết để đưa về âm sol (âm gốc của điệu). Khi đàn Nguyệt chơi làn điệu Dọc Bắc đệm cho hát, người chơi phải lên dây đàn theo dây bằng (dây sol-đô, dây quãng 4).Ngoài ra, trong khi chơi các câu dạo, người chơi có thể tạo thêm âm mới (âm mi) khiến cho âm nhạc vang lên khá độc đáo, hấp dẫn do có sự hòa quyện giữa 2 điệu: Sol Thương với Rê Thương. [ 28 ]
Đối với Sáo Trúc: với tư cách đệm và hỗ trợ cho giai điêu, cũng giống như đàn Nguyệt, Sáo Trúc cũng chỉ chơi phần nhạc dạo (trước khi bắt vào câu hát), lưu không (nối các trổ hát), xuyên tâm (đan xen trong các câu hát) và ngân đuôi. Về cơ bản,nét nhạc dạo đầu và xuyên tâm ở đây được người chơi Sáo Trúc chơi nét giai điệu đối vị với bè đàn Nguyệt (tham khảo 14 nhịp đầu và các nhịp 19-20, 23-24, 29-30 và 5 nhịp cuối ở ví dụ 1).
Điệu dọc bắc thể hiện một số kỹ thuật khá điển hình của sáo trúc như: nhấn, luyến láy, vuốt, lưỡi đơn, lưỡi kép, đảo phách… ngẫu hứng trên nền nhịp phách, trống để tạo tính chất lúc khoan thai, lúc rộn ràng, sôi nổi.Trong đó kỹ thuật rung nhanh đóng vai trò quan trọng trong việc khắc họa tính chất của làn điệu Dọc Bắc. Âm rung ở đây là: la-rê.
1.3.Thực trạng giảng dạy Sáo trúc tại HVÂNQGVN.
1.3.1. Giới thiệu khái quát về HVÂNQGVN, Khoa nhạc cụ truyền thống và tổ bộ môn Sáo trúc.
1.3.1.1. Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam.
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội) được thành lập từ năm 1956, với ba chức năng chính là Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Biểu diễn âm nhạc. Học viện là một trong những trung tâm âm nhạc lớn, có uy tín của Việt Nam và khu vực.
Học viện đào tạo các cấp học từ trung cấp, đại học, cao học và nghiên cứu sinh với tổng số gần 1.500 sinh viên trong gần 40 chuyên ngành âm nhạc. Đội ngũ giảng dạy với hơn 200 giảng viên, trong đó có 19 Giáo sư, Phó giáo sư, 14 tiến sĩ, 3 nhà giáo nhân dân, 26 nhà giáo ưu tú, 8 nghệ sĩ nhân dân, 28 nghệ sĩ ưu tú là những người đầu ngành về âm nhạc, có uy tín và kinh nghiệm nhất trong các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam.
1.3.1.2. Khoa Nhạc Cụ Truyền Thống:
Khoa Nhạc cụ Truyền thống đào tạo các chuyên ngành Sáo trúc, Bầu, Nhị, Nguyệt, Tỳ bà, Tranh, Tam thập lục, Gõ dân tộc ở các cấp học Trung cấp 6 năm, Đại học 4 năm và Cao học 2 năm. Ngoài ra, Khoa còn giảng dạy các môn như hòa tấu Chèo, Hoà tấu nhạc thính phòng Huế, Hoà tấu nhạc Tài tử - Cải lương, Hát Chèo, Ca Huế, Hát Cải lương.
1.3.1.3. Đôi nét về tổ bộ môn Sáo Trúc:
Hiện nay, tổ bộ môn chuyên ngành Sáo Trúc của Khoa NCTT gồm có 4 giáo viên: - Giáo viên, NSƯT – Th.s Triệu Tiến Vượng tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam nay là Học viện ÂNQGVN với thâm niên giảng dạy 38 năm
- Giáo viên, Th.s Nguyễn Hoàng Anh tốt nghiệp Học viện ÂNQGVN với thâm niên giảng dạy 18 năm. Thầy cũng đã biểu diễn rất nhiều ở các chương trình lớn ở trong và ngoài nước.
Nhìn chung, đội ngũ giáo viên của chuyên ngành Sáo trúc phần lớn là những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy, yêu nghề và tâm huyết với học sinh.
- Về chương trình giảng dạy:
1.3.2.1.CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHUYÊN NGÀNH SÁO TRÚC HỆ TRUNG HỌC 6 NĂM
Năm | Nhạc Phong Cách | Tác Phẩm | Yêu Cầu về Kỹ Thuật |
TH1 | Dân ca là chủ yếu: Lý cây đa,Xoè hoa Trống cơm,Đi cấy | Nhi đồng tháng Tám Thật là hay Đếm sao | Sử dụng sáo 6 lỗ Nốt tròn, trắng, đen, móc đen, chấm dôi, |
TH2 | Trèo lên trái núi thiên thai,Thoả nỗi nhớ mong,Xuân thân | Đội kèn hơi,Bài ca đi học Thiếu nhi thế giới liên hoan,Chiếc đèn ông sao | Tập sáo 10 lỗ Lưỡi đơn, làm quen lưỡi kép, tập rung lưỡi, rung hơi . |
Chương trình trên cho thấy, số lượng bài bản phong phú và đa dạng gồm đủ các thể loại: dân ca, ca khúc chuyển soạn, tác phẩm mới và ba phong cách nhạc cổ (Chèo , Huế, Cải Lương), được sắp xếp hợp lý và khoa học theo trình độ từ thấp đến cao, từ giản đơn đến phức tạp qua từng năm học. Tuy nhiên, hát Văn không có mặt trong chương trình học, điều này khiến cho chương trình học hiện đang thiếu vắng một loại hình âm nhạc cổ truyền mà người dân hiện nay rất yêu thích.
1.3.2.2.CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHUYÊN NGÀNH SÁO TRÚC HỆ ĐẠI HỌC 4 NĂM .
Năm | Nhạc Phong Cách | Tác Phẩm | Yêu cầu về kỹ thuật |
ĐH1 | Nhạc Chèo: Đường trường tiếng đàn Đường trường duyên phận | Sáng trên nương Mùa xuân cao nguyên Vũ khúc người đi săn | Luyện tập các kỹ thuật lưỡi, hơi và ngón nâng cao. Tập trung vào phong cách Chèo. |
ĐH2 | Nhạc huế: Nam ai qua nam bình | Thẳng cánh chim bay Hương Quê | Củng cố nâng cao kỹ thuật biểu diễn. Đi sâu vào phong cách Huế |
Cũng giống như chương trình đào tạo bậc trung học 6 năm, chúng tôi cũng không thấy có sự hiện diện của các làn điệu hát Văn trong chương trình đào tạo Sáo Trúc. Điều này dẫn đến những khó khăn nhất định khi học sinh sinh viên ra trường khó hoà nhập vào những cuộc đệm cho hát Văn.
- Về phương pháp giảng dạy :
Với nhạc cổ phương pháp dạy truyền ngón, truyền khẩu rất quan trọng bởi các ký hiệu của âm nhạc phương Tây không thể truyền tải hết được nội dung yêu cầu về hơi nhạc trong âm nhạc dân gian. Nhưng đối với tác phẩm mới, người giảng viên và học sinh đều phải dạy và học trên bản phổ theo ký hiệu của âm nhạc phương Tây. Các làn điệu cho nhạc cụ dân tộc thường không có những chỉ dẫn âm nhạc một cách chi tiết, học sinh còn yếu về kiến thức âm nhạc, nên vấn đề thị tấu vỡ bài của các em vẫn chậm, phải phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ của thầy cô giáo.
1.3.4Về chất lượng học sinh
Chất lượng đào tạo mà cụ thể là chất lượng học tập của học sinh luôn được nhà trường quan tâm. Giảng viên luôn đổi mới trong đào tạo nhằm đạt được chất lượng cao với những học sinh, sinh viên giỏi, xuất sắc. Chất lượng đào tạo phụ thuộc một số yếu tố sau:
*Về chất lượng tuyển sinh :
Khi xem xét, đánh giá về chất lượng học sinh thì công tác tuyển sinh là điều kiện đầu tiên và rất quan trọng, có thể sẽ quyết định đến hiệu quả của công tác đào tạo. Đối tượng tuyển sinh của nhà trường chủ yếu là ở các thành phố,bao gồm cả nội thành và ngoại thành. Vì ở thành phố, nên âm nhạc mà các em được tiếp xúc chủ yếu là nhạc mới và các ca khúc trẻ. Các em ít được tiếp xúc với dân ca và nhạc cổ truyền nên thiếu sự hiểu biết và cảm thụ về âm nhạc dân gian (thậm chí không biết hát một bài dân ca đơn giản).
*Về chất lượng học sinh:
Các em học sinh và sinh viên Sáo Trúc đều dành nhiều thời gian cho việc luyện tập và thực hành biểu diễn nên kết quả học tập những năm gần đây tốt hơn trước. Những năm gần đây, sự thành lập và hoạt động của “Câu lạc bộ Sáo Trúc Việt Nam” đã giúp cho các giảng viên và sinh viên Sáo Trúc thêm phấn khởi và thêm học tập, biểu diễn hăng say. Điều này đã khuyến khích những gia đình chơi sáo không chuyên thêm động viên con cháu đi sâu vào nghề nghiệp.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Nội dung chương 1 đã trình bày khái quát về sự hình thành và phát triển của nghệ thuật Hát Chầu Văn, một số nét giai điệu trong nhóm làn điệu Dọc và Xá, những kỹ thuật trong Sáo Trúc cũng được chúng tôi đề cập đến để làm cơ sở cho những vấn để liên quan đến đưa một số Làn điệu Dọc và Xá vào giảng dậy Sáo trúc tại Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Bộ môn Sáo Trúc khoa Nhạc cụ truyền thống Học viện Âm nhạc Quốc gia
Việt Nam là một bộ môn mạnh, với hầu hết các giảng viên có bằng thạc sĩ, được đào tạo chính quy, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy. Số lượng học sinh, sinh viên là khá đông. Trong những năm qua, đã có nhiều tác phẩm hay, có giá trị về nghệ thuật được các giảng viên dàn dựng cho học sinh, sinh viên biểu diễn, được công chúng đón nhận.
Với chương trình dạy và học ở các cấp học của sáo trúc, chúng tôi tự nhận thấy là tương đối phong phú và đa dạng về nhạc cổ, song việc sắp xếp thời lượng học nhạc cổ cho cây sáo là chưa hợp lý nhất là đối với học sinh học trung học là những năm được coi là nền móng cho các em khi trang bị kiến thức nghề để bước vào học chuyên sâu cũng như đào tạo tài năng ở những năm đại học.
Nhìn chung, những làn điệu, bài bản dành cho Sáo Trúc trong nhiều năm qua đã làm cho vị thế của cây sáo được nâng lên rõ rệt. Vai trò, vị trí của cây Sáo Trúc với đời sống âm nhạc, với công chúng ngày càng được nâng cao. Cây Sáo Trúc cũng thể hiện được nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, nâng cao tính chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ biểu diễn Sáo Trúc.
Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật dân tộc của khán giả ngày nay, chúng tôi nhận thấy trong chương trình giảng dạy nhạc cổ của Sáo Trúc còn thiếu những làn điệu chầu văn nên chưa khai thác được tối đa khả năng diễn tấu của cây Sáo Trúc. Hai nhóm làn điệu Dọc và Xá có thể nói là hai làn điệu tiêu biểu trong Chầu văn, hội tụ được nhiều yếu tố kĩ thuật cũng như tính nghệ thuật cao, phù hợp với việc dạy và biểu diễn Sáo Trúc, rất cần được đưa vào giảng dạy Sáo Trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
CHƯƠNG HAI
BỔ SUNG, SẮP XẾP CÁC LÀN ĐIỆU “DỌC” VÀ“XÁ” VÀO CHƯƠNG TRÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY SÁO TRÚC
- . Bổ sung và sắp xếp các làn điệu DọcvàXá của Chầu văn vào giảng dạy Sáo Trúc
Để có thể đưa các làn điệu “Dọc” và “Xá” của Chầu văn vào giảng dạy cho bộ môn Sáo Trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt nam, việc đầu tiên là cần phải lựa chọn và bổ sung vào giáo trình những làn điệu cụ thể. Sau khi những làn điệu “Dọc” và “Xá” của Chầu văn được bổ sung thì việc sắp xếp một cách khoa học và hợp lý vào trong từng năm học sẽ giúp cho tính hiệu quả của công việc bổ sung tư liệu giảng dạy được thể hiện rõ ràng hơn trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy Sáo Trúc tại Học viện.
2.1.1.Bổ sung, sắp xếp vào bậc Trung học Sáo Trúc.
Như đã đề cập, chúng tôi mạnh dạn đưa một số làn điệu Dọc và Xá vào chương trình giảng dạy năm thứ 6 của bậc TH 6 năm với lý do: Về phần cổ nhạc các em đã học xong ở năm thứ 3 (Chèo) năm thứ 4 (Huế) năm thứ 5 (Cải lương). Sang năm thứ 6, các em chủ yếu chỉ ôn lại các bài đã học và chuẩn bị cho chương trình thi tốt nghiệp Trung học. Vì vậy, các em không quá bị sức ép về thời gian, các em có thể tiếp cận thêm một thể loại mới là hát Vănvới thời lượng là 10 tiết học vào kỳ I của năm thứ 6 với một số làn điệu cụ thể sau:
-Bổ sung, sắp xếp vào bậc Đại học Sáo Trúc.
Với bậc đại học, về phần cổ nhạc các em học sinh Sáo Trúc được học chuyên sâu vềChèo ở năm ĐH1, Huế ở năm ĐH2 và Cải lương ở năm ĐH3 và năm ĐH4 các em tập trung ôn các phong cách và học các tác phẩm mới chuẩn bị cho chương trình thi tốt nghiệp Đại Học. Chúng tôi dự định đưa phần học hát Văn vào năm thứ nhất đại học,với lý do sau:
Thứ nhất, đưa vào ngay năm đầu tiên của bậc đại học vì nó khá gần gũi với phong cách Chèo.
Thứ hai, các em vừa được học các làn điệu này ở năm thứ 6 trung học, sẽ là rất thuận lợi khi các em được nối tiếp cách học đệm ngay ở năm đầu đại học.
Thứ ba,đáp ứng kịp thời nhu cầu hành nghề của học sinh, sinh viên.
Thời lượng học cho nội dung này là 6 tiết với những nội dung cụ thể như: học cách chơi các câu dạo, lưu không, xuyên tâm và ngân đuôi của tất cả các làn điệu thuộc 2 hệ thống Dọc và Xá như:Dọc Nam, Dọc Bắc, Xá Bằng, Xá Lửng, Xá Tố Loan, Xá Quảng, Xá Ngự.
2.2.Giảng dạy các làn điệu Dọc và Xá cho Sáo Trúc.
2.2.1.Với bậc học Trung học.
Với bậc học Trung học, giảng viên dạy học sinh học các làn điệu Dọc và Xá bình thường như khi dạy các phong cách khác: dân ca, ca khúc chuyển soạn, tiểu phẩm, bài tập kỹ thuật v..v…
Chẳng hạn, giảng viên hướng dẫn học sinh học là điệu Dọc Bắc theo từng bước như sau:
-Bước 1: giảng viên giao bài cho học sinh, hướng dẫn học sinh cách thị tấu, vỡ bài; phân chia chỗ ngừng nghỉ theo câu hát; giới thiệu một số kỹ thuật cần thực hiện trong bài.
-Bước 3: học sinh hoàn thiện bài, giảng viên sửa và góp ý cách thể hiện bài theo đúng phong cách.
Ví dụ: trích …..làn điệu Dọc Bắc
2.2.2.Với bậc học Đại học.
Với đại học, để đáp ứng cho hoạt động biểu diễn, sinh viên sẽ được học cách đệm cho hát Văn thông qua chơi các câu dạo, lưu không, ngân đuôi. Cụ thể là:
- Điệu Dọc Bắc:
Ví dụ 10: Trích ví dụ 1 (trang 18): Điệu Dọc Bắc cho Sáo trúc .
2.3.Một số giải pháp hỗ trợ để học tốt các làn điệu hát Văn
Để việc học tập các làn điệu hát Văn đạt kết quả tốt, cần có một số giải pháp hỗ trợ dưới đây.
2.3.1. Giải pháp học hòa tấu với Đàn Nguyệt và Bộ gõ.
Một điều cần lưu ý là dạy các làn điệu Dọc vàXá cho Sáo Trúc các giảng viên cần chú ý tới những nét tương đồng và khác biệt trong kỹ thuật trình tấu giữa đàn Nguyệt và Sáo Trúc. Do hầu hết những giai điệu trong những làn điệu chầu văn dành cho cây Sáo Trúc đều phần lớn được chuyển thể từ giai điệu của cây đàn Nguyệt nên khi giảng dậy những làn điệu Chầu văn cho Sáo Trúc, chúng tôi đề xuất cần có thêm một số buổi hòa tấu với đàn Nguyệt và bộ gõ nhằm tạo thêm cảm hứng học cho học sinh cũng như việc học trên lớp được ứng dụng vào thực hành với dàn nhạc. Việc làm này có thể giúp các em tham gia ngay được vào các cuộc hầu đồng ở ngoài xã hội.
2.3.2. Giải pháp trong việc truyền đạt về lịch sử và lý thuyết liên quan đếncác làn điệu.
*Vai trò của giảng viên:
Giáo viên hướng dẫn, giải thích cho học sinh những vấn đề về lịch sử, về lý thuyết và yêu cầu kỹ thuật của bài. Đồng thời giáo viên cũng cần chỉ ra những yêu cầu kỹ thuật được sử dụng trong làn điệu cụ thể nhằm thể hiện chất liệu âm nhạc cũng như phng cách diễn tấu của bài. Việc phân tích về việc bổ sung và sắp xếp các làn điệu Dọc vàXá một cách khoa học và phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện dạy và học Sáo Trúc tại bộ môn là rất quan trọng trong công tác đổi mới giảng dạy và học tập vốn cổ dân tộc.
*Vai trò tích cực của học sinh và sinh viên Sáo Trúc:
Trước hết, theo chúng tôi người học sinh sinh viên cần có một tình yêu mãnh liệt đối với âm nhạc cổ truyền (trong đó có Dọc vàXá ), để từ đó có những tìm hiểu sâu hơn về hoàn cảnh ra đời, nội dung của làn điệu cũng như môi trường diễn xướng của làn điệu... Việc học sinh, sinh viên tích cực trong công tác nghiên cứu sẽ giúp cho các em ghi nhớ sâu sắc hơn những vấn đề về Dọc vàXá mà bản thân phát hiện ra được. Bên cạnh đó, việc tập luyện chăm chỉ các làn điều Dọc vàXá một cách thường xuyêncũng giúp cho các em nắm vững kỹ năng biểu diễn trong cả lý thuyết và thực hành. Đây chính là điều thể hiện “vai trò trung tâm” của học sinh, sinh viên trong học tập.
2.3.3. Giải pháp tăng cường nghe các làn điệu Dọc và Xá
*Nghe qua băng đĩa:
Trong thời đại của công nghệ 4.0, chúng ta có nhiều phương tiện có thể giúp ích cho việc tiếp cận với các làn điệu Dọc vàXá mà sinh viên cần học. Các phương tiện này có thể tiếp cận qua băng đĩa tiếng, băng đĩa hình, Internet, tất nhiên, khi tiếp cận với dạng tư liệu này, các giảng viên và học sinh, sinh viên cần có một sự lựa chọn thích hợp.
*Nghe qua biểu diễn thực tế của các nghệ nhân và giảng viên:
Các cụ ngày xưa từng dạy chúng ta là: “trăm nghe không bằng một thấy”. Việc nghe qua biểu diễn thực tế của các nghệ nhân và giảng viên còn quan trọng hơn cả nghe qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong trường hợp tiếp cận được với nghệ nhân và giảng viên nghệ sĩ thì ngoài việc nghe với những âm thanh “thật”, các em còn được “thấy”, được xem họ biểu diễn ra sao với những động tác cơ thể, tay, hơi thở... mà nếu chỉ nghe thì còn trừu tượng.
2.3.4. Giải pháp tăng cường thực hành biểu diễn hai làn điệu Dọc và Xá.
Như bên trên, chúng ta đã khẳng định về tầm quan trọng của việc nghe biểu diễn các làn điệu Dọc vàXá bằng các dạng tư liệu khác nhaucũng như quá trình tiếp xúc với nghệ nhân và giảng viên nghệ sĩ. Sau những nhận thức về mặt lịch sử, môi trường diễn xướng, hệ thống là điệu Dọc vàXá thì việc ứng dụng chúng vào trong thực tế là điều rất quan trọng. Trong việc thựchành biểu diễn, chúng ta thấy có sự phân cấp rõ ràng giữa hai cấp độ khác nhau là:
-Thực hành biểu diễn trên lớp
- Thực hành biểu diễn ngoài xã hội.
2.4. Thực nghiệm sư phạm
Để chứng minh cho những mục tiêu và giải pháp đưa làn điệu Dọc vàXá trong Chầu Văn vào giảng dạy Sáo Trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ở chương 2, chúng tôi đã biên soạn giáo án thực nghiệm và tổ chức dạy thực nghiệm ở khoa Nhạc Cụ Truyền Thống Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia. Như phần đầu của chương 2, chúng tôi đã trình bày và phân tích sâu về việc bổ sung và sắp xếp các làn điệu Dọc vàXá một cách khoa học và phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện dạy và học Sáo Trúc tại bộ môn.
2.4.1.Biên soạn giáo án thực nghiệm, tổ chức dạy thực nghiệm:
GIÁO ÁN 1:Cho học sinh hệ Trung học (năm thứ 6/6)
Tên bài: Làn điệu Dọc Bắc.
Người hướng dẫn:Giảng viên Nguyễn Ngọc Xuân.
Hình thức tổ chức lớp học:Cá nhân (1 thầy/ một trò/ 1 tiết)
Thời gian thực hiện:4 tiết (mỗi tiết 20 phút). Kỳ I năm học 2018-2019 .
Tên sinh viên:Lê Thanh Xuân hệ trung học 6/6
Chuẩn bị của giảng viên:
- Tổng phổ phần giai điệu của Sáo Trúclàn điệu Dọc Bắc.
- Diễn tấu tốt làn điệu, xử lý rõ ràng, mạch lạc và truyền cảm .
- Phân tích và đánh dấu các câu nhạc có các kỹ thuật khó, với tiết tấu phức tạp.
- Băng, đĩa của các nghệ nhân.
2.4.2.Đánh giá kết quả thực nghiệm:
Qua quá trình giảng dạy thực nghiệm, tổ bộ môn sáo đã đưa ra đánh giá nhận xét về phương pháp giảng dạy cũng như những giải pháp đề xuất mới trong giáo án thực nghiệm như sau:
- Với học sinh trung cấp, học những làn điệu mới với những chỉ dẫn âm nhạc rõ ràng giúp các em nắm bắt được những yêu cầu chính xác về sắc thái, tính chất âm nhạc khi thể hiện làn điệu.
- Việc được luyện tập hòa tấu các làn điệu cùng với bộ gõ và đàn nguyệt sau khi học xong các làn điệu khiến các em có hứng thú hơn trong học tập và phần nào hình dung được âm thanh đầy đủ của nghệ thuật hát Văn.
-Với sinh viên đại học, do các em được thực hành hòa tấu cùng với đàn nguyệt và bộ gõ ở bậc học trung học đã từng bước giúp các em hiểu sâu thêm nhiều về các làn điệu này. Đến đại học, với cách học đệm, sinh viên từng bước được thực hành ngẫu hứng và được làm quen với cách đệm cùng các nhạc cụ khác ngay trong giờ lên lớp.
Qua buổi kiểm tra đánh giá kết quả sau 4 buổi học, chúng tôi thấy, học sinh sinh viên hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của mình. Học sinh trung học có thể hoàn hiện bài với phần biểu diễn khá lưu loát, giàu cảm xúc với nét giai điệu của phần hát. Còn với sinh viên đại học, tuy chưa thể sáng tạo ra được những nét giai điệu hay nhưng về cơ bản phù hợp với phong cách hát Văn, biết cách ra vào, nâng đỡ câu hát bằng phần xuyên tâm.
Điều này cho thấy các giải pháp mà chúng tôi đề xuất trong chương 2 của luận văn đã đem lại hiệu quả tốt trong giảng dạy cho học sinh. Từ đó đề xuất tổ bộ môn đi đến một quyết định là thống nhất việc cho tiến hành ứng dụng đưa những làn điệu này vào việc giảng dạy cho học sinh trung cấp và đại học bộ môn Sáo Trúc tại HVANQGVN để mang lại hiệu quả tốt đối với toàn bộ học sinh.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2
Nội dung chủ yếu trong chương 2 là vấn đề giảng dạy một số làn điệu Dọc và Xá trong Chầu Văn ở bậc trung cấp và đại học bộ môn Sáo Trúc khoa Nhạc cụ truyền thống.
Ở chương 2, chúng tôi đã khái quát một số vấn đề trong cách giảng dạy các làn điệu Dọc và Xá trong chầu văn cho Sáo Trúc, trong đó có Dọc Bắc, Dọc Nam, Xá bằng (Những đoạn nhạc xuyên tâm trong Xá Bằng), Xá thượng dây bằng, Xá thượng dây lệch, Điệu Xá Ngự, Điệu Xá Quảng cho Sáo Trúc. Chúng tôi cũng đã phân tích về sự tương đồng và khác biệt khi tấu các làn điệu Dọc và Xá trên đàn Nguyệt và trên Sáo Trúc.
Sau khi đã tiến hành bổ sung một số làn điệu Dọc và Xá vào trong chương trình giảng dạy Sáo Trúc, việc sắp xếp chúng vào trong giáo trình giảng dạy là điều cần thiết. Việc sắp xếp các làn điệu vào cho từng năm học cần tuân thủ theo các nguyên tắc mang tính khoa học. Mặt khác, việc sắp xếp này cũng cần được tiến hành theo hướng “mềm mại” theo khả năng tiếp thu của học sinh và sinh viên Sáo Trúc thì chúng ta mới có được kết quả như ý. Việc bổ sung và sắp xếp này được phân định một cách khoa học trong bậc trung cấp và Đại học Sáo Trúc.
Trong chương 2 cũng đã đề cập tới các giải pháp hỗ trợ trong giảng dạy như: Tăng cường giải thích về nội dung, tính chất âm nhạc của làn điệu để nâng cao khả năng thể hiện âm nhạc, luyện tập hòa tấu với đàn nguyệt, bộ gõ và lời hát. Một trong những nội dung quan trọng của chương 2 mà chúng tôi thực hiện là biên soạn giáo án thực nghiệm, tổ chức dạy thực nghiệm và đánh giá kết quả thực nghiệm.
Với những đánh giá tốt về kết quả thực nghiệm của các giảng viên trong bộ môn và của sinh viên tham gia thực nghiệm, có thể nói những giải pháp mà chúng tôi đề xuất trong chương 2 là có cơ sở khoa học và có thể thực hiện được trong việc giảng dạy một số làn điệu Dọc và Xá trong chầu văn cho Sáo Trúc chính thức bậc trung cấp và đại học của bộ môn Sáo Trúc khoa nhạc cụ truyền thống, các giải pháp mà chúng tôi đã đề xuất trong chương 2 của luận văn đã đem lại hiệu quả tốt trong giảng dạy cho học sinh. Từ đó chúng tôi có những đề xuất đối với tổ bộ môn để đi đến một quyết định là thống nhất việc cho tiến hành ứng dụng đưa những làn điệu này vào việc giảng dạy học sinh trung cấp và đại học bộ môn Sáo Trúc tại Học viện để bảo tồn vốn cổ dân tộc và nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập Sáo Trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Sáo Trúc đã hình thành và phát triển trong nhiều thế kỷ qua, là một cây nhạc cụ đặc sắc của Việt Nam.Thông qua các truyền thuyết dân gian được Việt Nam chấp nhận, cây nhạc cụ này được những người nghệ nhân dùng làm kế sinh nhai. Sáo trúc đã được cải tiến trở thành cây nhạc cụ hiện đại hơn nhiều lần so với cây sáo trúc xưa, làm tăng khả năng diễn tả của cây sáo trước đông đảo người nghe. Nhìn chung, muốn diễn tấu được tốt âm nhạc truyền thống Việt Nam, trước tiên phải hiểu được bối cảnh và phong cách của dân ca, nhạc cổ, tiếp nữa cần phải hiểu được lời của nó, nắm bắt được âm luật của giai điệu, lại phải học thuộc cách diễn xướng dân ca, nhạc cổ, đồng thời chú ý đến các chi tiết nhỏ trong cách thể hiện.
Trong nội dung chương 1, chúng tôi đã trình bày khái quát về sự hình thành và phát triển của nghệ thuật Hát Chầu Văn, một số nét giai điệu trong nhóm làn điệu Dọc và Xá, những kỹ thuật trong Sáo Trúc cũng được chúng tôi đề cập đến để làm cơ sở cho những vấn để liên quan đến đưa một số Làn điệu Dọc và Xá vào giảng dậy Sáo trúc tại Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Với chương trình dạy và học ở các cấp học của sáo trúc, chúng tôi tự nhận thấy là tương đối phong phú và đa dạng về nhạc cổ, song việc sắp xếp thời lượng học nhạc cổ cho cây sáo là chưa hợp lý nhất là đối với học sinh học trung học là những năm được coi là nền móng cho các em khi trang bị kiến thức nghề để bước vào học chuyên sâu cũng như đào tạo tài năng ở những năm đại học.
Nội dung chủ yếu trong chương 2 chúng tôi đã đưa ra được nội dung về bổ sung, sắp xếp, giảng dạy một số làn điệu Dọc và Xá trong Chầu Văn ở bậc trung cấp và đại học bộ môn Sáo Trúc, đưa vào thực nghiệm và đã được đánh giá rất tốt.
Nhìn chung, vai trò, vị trí của cây Sáo Trúc với đời sống âm nhạc, với công chúng ngày càng được nâng cao. Cây Sáo Trúc cũng thể hiện được nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, nâng cao tính chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ biểu diễn Sáo Trúc. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật dân tộc của khán giả ngày nay, chúng tôi nhận thấy trong chương trình giảng dạy nhạc cổ của Sáo Trúc còn thiếu những làn điệu chầu văn nên chưa khai thác được tối đa khả năng diễn tấu của cây Sáo Trúc.
Hai nhóm làn điệu Dọc và Xá có thể nói là hai làn điệu tiêu biểu trong Chầu văn, hội tụ được nhiều yếu tố kĩ thuật cũng như tính nghệ thuật cao, phù hợp với việc dạy và biểu diễn Sáo Trúc, rất cần được đưa vào giảng dạy Sáo Trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay, vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với yêu cầu của xã hội phải được đặt lên hàng đầu.
Trên cơ sở lý luận và thực trạng giảng dạy các làn điệu nhạc cổ viết cho sáo Trúc hệ Trung cấp và Đại Học trường Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam, ngoài những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy đã được đề xuất trong luận văn, chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị như sau:
- Bộ môn cùng với ban chủ nhiệm khoa cần thường xuyên sưu tầm, biên tập các làn điệu nhạc Chầu Văn cho sáo Trúc để bổ sung vào giáo trình giảng dạy.
- Tổ chức biên soạn các phần đệm và ghi lại trên băng đĩa các làn điệu Chầu Văn cho nhiều loại nhạc cụ khác để nâng cao chất lượng hòa tấu.
- Thường xuyên tạo điều kiện cho học sinh được tham gia biểu diễn để thực hiện tốt phương châm học đi đôi với hành.
Những khuyến nghị mà chúng tôi đề xuất là hoàn toàn có tính khả thi và sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy phong cách nhạc cổ nói riêng mà còn góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo chuyên ngành sáo Trúc .