Đưa Người Từ Vùng Dịch Về Không Khai Báo, Chịu Mức Phạt Nào?

Công an huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An lấy lời khai đối tượng khai báo gian dối, không trung thực từ vùng dịch trở về địa phương. (Nguồn: cand.com.vn).

Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư để phân tích, giải đáp.

Theo luật sư Lê Xuân Thảo, hành vi của người bác cháu N.T.H khi khai báo gian dối, không trung thực là điều vi phạm pháp luật, cần phải lên án và xử lý nghiêm khắc. Trong khi cả nước, toàn bộ hệ thống chính trị đang quyết liệt triển khai các giải pháp để ngăn chặn, sớm đẩy lùi dịch COVID-19, cùng với đó là ý thức chấp hành nghiêm chỉnh của tất cả các công dân thì hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch dù bất kỳ người đó là ai, giữ cương vị gì… khi vi phạm đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp khi có đủ nhận thức mà cố tình vi phạm, cơ quan chức năng tùy vào quá trình kiểm tra, kiểm soát sẽ có giải pháp xử lý cụ thể, có thể xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Tại Điều 1, Quyết định số 219/QĐ-BYT, ngày 29 tháng 01 năm 2020 về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút CORONA (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, thì COVID-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A (điều 1).

Trong đó, mức phạt với các hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế gian dối được quy định tại Khoản 3, Điều 7, Mục 1, Chương II, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định như sau:

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Cũng tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, theo quy định, nếu phát hiện bản thân hoặc người khác có triệu chứng mắc COVID-19 mà không kịp thời thời khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối thì có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, việc không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh với với thầy thuốc, nhân viên y tế cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 1, Điều 10, Mục 1, Chương II, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế;

b) Không đăng ký theo dõi sức khỏe với trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sau khi ra viện hoặc kết thúc việc điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

c) Không tư vấn về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người bệnh và người nhà người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Mặt khác, theo luật sư Lê Xuân Thảo, trường hơp công dân không khai báo, khai báo y tế gian dối có thể bị đi tù.

Điều 1 Công văn 45/TANDTC-PC quy định: Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 240 và xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:

a) Trốn khỏi nơi cách ly;

b) Không tuân thủ quy định về cách ly;

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Như vậy, người không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối khiến lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người quy định tại Điều 240, Chương XIX, Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, mức phạt của người không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 - 05 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tù từ 05 - 10 năm nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người.

Trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên, người phạm tội thậm chí còn có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 10 - 12 năm.

Hình phạt bổ sung của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

“Như vậy, đối chiếu các quy định nêu trên thì trường hợp cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, kiểm tra làm rõ hành vi vi phạm của người vi phạm sẽ ban hành giải pháp xử lý. Trường hợp tương xứng với vi phạm hành chính, người vi phạm sẽ chịu mức xử phạt hành chính tương đương nêu trên. Trường hợp vi phạm quy định theo hướng hình sự hoặc có tình tiết tăng nặng, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý hình sự khi hành vi vi phạm có những yếu tố cấu thành tội hình sự. Trên đây là những phân tích, giải đáp mang tính tham khảo, trường hợp cần hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể, công dân hoặc người được ủy quyền có thể liên hệ cơ quan chuyên môn như tư pháp, y tế, công an, tòa án … để bảo đảm quyền lợi hợp pháp theo quy định của pháp luật” – luật sư Lê Xuân Thảo phân tích thêm./.

Từ khóa » đi Từ Vùng Dịch Về Không Khai Báo Y Tế