Đua Nhau đi Kiểm Tra IQ Cho Con - AFamily

Có cần kiểm tra IQ cho con?

Rất nhiều cha mẹ hiện nay thích đưa con đi kiểm tra IQ và EQ tại các trung tâm hay nhờ các chuyên gia tư vấn tâm lý để xem con phát triển như thế nào. Bé Linh Nga được 3 tuổi, rất nhanh nhẹn và tiếp thu nhanh. Nhưng bố mẹ bé lại muốn kiểm tra IQ xem bé thông minh đến đâu và có phải là thần đồng hay không?

Thực tế, nếu các bé tỏ ra rất thông minh, tư duy và tiếp thu rất nhanh... có thể không cần phải kiểm tra chỉ số IQ. Có lẽ điều bố mẹ cần quan tâm hơn là dạy bé như thế nào để khơi nguồn những tiềm năng ấy sớm phát triển thành tài năng.

Khi kiểm tra chỉ số IQ, xin bạn hãy lưu ý đến xuất xứ của trắc nghiệm, mục tiêu đánh giá của trắc nghiệm và quan trọng hơn là độ tin cậy, độ hiệu lực của trắc nghiệm. Hơn hết, tay nghề, khả năng đọc hiểu kết quả, khả năng tư vấn của người đánh giá mới là điều quan trọng.

Những bé ở lứa tuổi mầm non có phải là thần đồng hay không cần phải qua đánh giá và quan sát những biểu hiện hành vi của bé. Thông thường những bé được xem là thần đồng thường có chỉ số IQ (đo bằng những trắc nghiệm đo IQ khác nhau, có độ tin cậy đảm bảo) luôn lớn hơn 130.

Những bé này thường có biểu hiện biết nói sớm, vượt trội so với trẻ cùng tuổi ở khả năng ngôn ngữ, tư duy, trí nhớ... chẳng hạn như: có vốn từ vựng lớn, có trí nhớ tốt, nói lưu loát vốn từ phong phú, biết nhiều thông tin, suy nghĩ nhanh, thường dễ dàng đưa ra những câu hỏi và câu trả lời sáng tạo trong những tình huống không quen thuộc... dễ dàng phát hiện ra những mối quan hệ có tính quy luật, logic, nhân quả... mà trẻ cùng tuổi khác không thể.

Tuy nhiên những dấu hiệu thần đồng có thế mất dần, nếu cha mẹ không biết phương pháp nuôi dưỡng, giáo dục bé phù hợp. Việc kiểm tra chỉ số IQ hoàn toàn không có bất kỳ ảnh hưởng xấu nào tới bé, có chăng kết quả đánh giá có thể không giống như những gì bố mẹ kỳ vọng. Một buổi test IQ của bé!

Để biết con thông minh, không cần kiểm tra IQ

Bố mẹ hãy áp dụng các phương pháp sau để tìm hiểu xem con bạn giỏi ở mặt nào để phát huy sở trường của con sau này.

Thông minh về xã hội: Trẻ thể hiện khả năng thấu hiểu người khác, có độ nhạy cảm và cảm thông với tâm trạng, cảm giác và quan điểm của mọi người.

Thông minh về bản thân: Một đứa trẻ thông minh sẽ có mục tiêu cá nhân, ý tưởng và khả năng thực hiện rõ ràng.

Thông minh cơ thể: Bạn hãy quan sát khả năng vận dụng cơ thể vào các hoạt động thể chất, khả năng thăng bằng và chơi thể thao của trẻ.

Thông minh về từ ngữ: Trẻ có những khả năng bày tỏ tình cảm, thảo luận, thuyết phục bằng miệng và bằng văn bản.

Thông minh về con số: Ngoài tính toán, trẻ còn có thể vận dụng sự logic để giải quyết vấn đề và suy nghĩ có kế hoạch.

Thông minh về âm nhạc: Trẻ có thể cảm thụ âm nhạc và tỏ ra nhạy cảm với những giai điệu và nhịp điệu.

Thông minh về tự nhiên: Trẻ thể hiện sự nhanh nhạy trong việc nhận biết và thấu hiểu thế giới tự nhiên như các hành vi của động vật, sự sinh trưởng của cây cối hay các mối quan hệ trong hệ sinh thái.

Thông minh về nghệ thuật: Với khả năng của mình, trẻ có thể thiết kế hoặc sáng tạo những đồ vật mang tính nghệ thuật.

Thông minh về sự sống: Trẻ có khả năng hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và những chuẩn mực sống như sự trung thực, sự khôn ngoan và sự vinh quang... Thu Hằng

Từ khóa » Cách đo Chỉ Số Iq Của Trẻ