Dứa Nướng Phèn Chua Có Chữa được Sỏi Thận? - VnExpress Sức Khỏe

Không có "thần dược" chữa tất cả loại sỏi

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Lê Chuyên, Trung tâm Tiết niệu thận học, BVĐK Tâm Anh, rất nhiều người đến bệnh viện khám sỏi thận trong tình trạng biến chứng đường tiết niệu do ứ đọng nước tiểu, viêm nhiễm lâu ngày kèm theo viêm loét dạ dày nặng. Khai thác tiền sử, người bệnh cho biết đã tự chữa tại nhà bằng bài thuốc được truyền miệng trong dân gian như ăn dứa nướng phèn chua.

Phèn chua được cho vào trong quả dứa hấp cách thủy, uống nước và ăn cả quả. Liệu trình được áp dụng liên tục trong khoảng 7 ngày. Một số lượng không nhỏ người bệnh khác dùng các bài thuốc từ mã đề, rễ tranh, cỏ râu mèo, đu đủ, chuối hột... Thậm chí, có trường hợp bài thuốc hướng dẫn người bệnh đi đường, với tay lên hái một nhành tre vừa tầm mang về nấu nước uống để chữa sỏi thận.

Việc điều trị sỏi thận bằng các loại cây cỏ có trong tự nhiên đã được lưu truyền từ rất lâu trong dân gian. Hầu hết đều tận dụng khả năng lợi tiểu, giúp hỗ trợ tống xuất sỏi ra bên ngoài. Đây cũng là cơ chế điều trị bảo tồn với các trường hợp sỏi tiết niệu có kích thước nhỏ, nằm ở vị trí thuận lợi cho việc tống xuất.

"Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, bao gồm có sự ngẫu nhiên, người bệnh tiểu ra sỏi khi đang dùng bất kỳ loại cây cỏ nào cũng gán cho đó là một bài thuốc chữa sỏi thận. Điều này không đúng, gây nên sự hiểu lầm, làm ảnh hưởng đến thời gian phát hiện và hiệu quả điều trị bệnh", PGS Vũ Lê Chuyên cho hay.

Nhiều người bị sỏi thận bị loét dạ dày nặng do ăn dứa nướng phèn chưa, nhưng viên sỏi còn nguyên kích thước. Ảnh: Shutterstock

Nhiều người bị sỏi thận bị loét dạ dày nặng do ăn dứa nướng phèn chưa, nhưng viên sỏi còn nguyên kích thước. Ảnh: Shutterstock

PGS Chuyên nhấn mạnh, trên thực tế không có loại cây cỏ nào có thể chữa được tất cả các loại sỏi như lời truyền miệng, bởi sỏi là sự kết tinh của những phân tử rắn, được tạo nên bởi sự lắng đọng các chất vô cơ có trong nước tiểu. Thành phần thường gặp nhất của sỏi là canxi photphat, struvite, cysteine, axit uric. Nếu sỏi được hình thành trong môi trường kềm sẽ dễ phân hủy trong môi trường axit. Ngược lại, sỏi được tạo nên trong môi trường axit sẽ dễ tan trong trong môi trường kiềm.

Bác sĩ khuyến cáo, việc điều trị sỏi thận tùy thuộc vào viên sỏi, không phải mong muốn của bác sĩ hay người bệnh. Bác sĩ cân nhắc phác đồ điều trị trên nhiều yếu tố như kích thước, vị trí, ảnh hưởng của viên sỏi đến sức khỏe... Việc tự chữa sỏi thận tại nhà khi chưa được thăm khám rất nguy hiểm, khiến cho hệ tiết niệu bị tàn phá và các cơ quan khác cũng bị tổn thương.

Ngày càng ít người phải phẫu thuật sỏi thận

Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong vành đai sỏi của thế giới do các yếu tố bao gồm: khí hậu, môi trường, thói quen ăn uống... Ngược lại, ở các nước châu Mỹ, châu Âu phổ biến hơn các loại u bướu đường tiết niệu.

PGS Vũ Lê Chuyên cho biết ngày càng ít người Việt phải chữa sỏi thận bằng phương pháp phẫu thuật. Khoảng 90% trường hợp sỏi được tống ra ngoài qua đường tiểu tiện tự nhiên, không cần phải dùng bất kỳ loại thuốc nào. Người bệnh không có triệu chứng cụ thể hoặc chỉ cảm thấy tiểu buốt, tiểu gắt hay đau lưng thoáng qua khi tống xuất viên sỏi có kích thước nhỏ, khoảng 2-3 mm.

Sự phát triển của nền y học hiện đại, với các trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh được cải tiến cũng giúp phát hiện sỏi thận sớm hơn và có phương án điều trị bảo tồn, không cần phải can thiệp phẫu thuật. Theo Phó giáo sư Vũ Lê Chuyên, bác sĩ chỉ chỉ định phẫu thuật khi viên sỏi có kích thước lớn 0,7-2 cm, nằm ở các vị trí gây cản trở dòng nước tiểu. Nếu không được can thiệp sớm, tình trạng tắc nghẽn lâu ngày có thể khiến cho thận bị ứ nước, chức năng thận suy giảm dẫn đến hư thận.

PGS Vũ Lê Chuyên (giữa) thực hiện phẫu thuật nội soi sỏi thận tại Trung tâm Tiết niệu thận học. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

PGS Vũ Lê Chuyên (giữa) thực hiện phẫu thuật nội soi sỏi thận tại Trung tâm Tiết niệu thận học. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Một số trường hợp khác là viên sỏi phát triển nhanh, lan ra các đài bể thận tạo thành sỏi san hô, gây nhiễm trùng thận, ảnh hưởng đến chức năng thận. Khi viên sỏi di chuyển xuống niệu quản, bàng quang gây ra các cơn đau bão thận hay bí tiểu, người bệnh cần phải được can thiệp sớm để tránh các biến chứng có thể làm mất thận.

Tại Trung tâm Tiết niệu thận học, BVĐK Tâm Anh, người bệnh sẽ được tán sỏi ngoài cơ thể bằng máy xung (ESWL) khi viên sỏi có kích thước dưới 20 mm. Phương pháp này không xâm lấn, không cần gây tê hay gây mê nên người bệnh có thể ra về ngay trong ngày. Bác sĩ cũng có thể chọn phương án lấy sỏi qua đường hầm nhỏ hoặc tán sỏi nội soi bằng sống soi mềm, nếu sỏi thận không phức tạp hoặc người bệnh có các bệnh lý nền kèm theo...

Tuy không phổ biến, nhưng phẫu thuật mổ hở vẫn có thể được chỉ định để điều trị cho các trường hợp viên sỏi có kích thước lớn, khó lấy sạch hoặc khi thất bại với các phương pháp can thiệp ít xâm lấn.

"Sỏi thận là một bệnh lý thường gặp và rất dễ được phát hiện chỉ bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Người bệnh không nên tự ý chữa bệnh tại nhà, nhất là theo các bài thuốc chưa được khoa học kiểm chứng. Tốt nhất là chủ động tầm soát sức khỏe tổng quát định kỳ hoặc theo khuyến cáo của bác sĩ, càng sớm càng tốt. Khi viên sỏi nhỏ, chưa tàn phá thận, việc điều trị sẽ đơn giản, nhẹ nhàng, ít tốn kém và hiệu quả cao hơn", Phó giáo sư Vũ Lê Chuyên khuyến cáo.

Trung tâm Tiết niệu thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, một trong những đơn vị tiên phong trong việc đầu tư các trang thiết hiện đại hàng đầu trong nước và khu vực, tự tin làm chủ những kỹ thuật tiến bộ, giúp phát hiện sớm và có phương án điều trị bảo tồn hay can thiệp một cách hiệu quả, nhanh chóng với bệnh sỏi thận.

Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt của TTƯT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, người đặt nền nóng cho ngành phẫu thuật nội soi tiết niệu ở Việt Nam, trung tâm giúp điều trị hiệu quả, rút ngắn thời gian hồi phục, hạn chế biến chứng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Anh Thái

Từ khóa » Cách Uống Thơm Nướng Trị Sỏi Thận