Đức Giê-hô-va Ban Phước Cho “đất” Của Chúng Ta — THƯ VIỆN ...

THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp Canh Tháp Canh THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Việt
  • w99 1/3 trg 18-23
  • Đức Giê-hô-va ban phước cho “đất” của chúng ta

Không có video nào cho phần được chọn.

Có lỗi trong việc tải video.

  • Đức Giê-hô-va ban phước cho “đất” của chúng ta
  • Tháp Canh Thông báo Nước của Đức Giê-hô-va—1999
  • Tiểu đề
  • Tài liệu liên quan
  • Một dòng sông chảy vào đất được khôi phục
  • Ân phước tràn trề
  • Nước đem sự sống!
  • Sông chảy vào Địa Đàng
  • “Nơi nào dòng sông ấy chảy đến, nơi đó mọi vật đều sẽ sống” Sự thờ phượng thanh sạch dành cho Đức Giê-hô-va được khôi phục!
  • Những điểm nổi bật trong sách Ê-xê-chi-ên—Phần II Tháp Canh Thông báo Nước của Đức Giê-hô-va—2007
  • Hãy “để lòng vào” đền thờ Đức Chúa Trời! Tháp Canh Thông báo Nước của Đức Giê-hô-va—1999
  • “Hãy miêu tả đền thờ” Sự thờ phượng thanh sạch dành cho Đức Giê-hô-va được khôi phục!
Xem thêm Tháp Canh Thông báo Nước của Đức Giê-hô-va—1999 w99 1/3 trg 18-23

Đức Giê-hô-va ban phước cho “đất” của chúng ta

“Khắp nơi nào sông ấy chảy đến thì mọi vật sẽ sống ở đó”.—Ê-XÊ-CHI-ÊN 47:9.

 1, 2. (a) Nước quan trọng như thế nào? (b) Nước sông trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên tượng trưng điều gì?

NƯỚC là một chất lỏng lạ lùng. Mọi vật sống đều tùy thuộc vào nước. Không có nước thì không ai sống nổi. Chúng ta cũng tùy thuộc vào nước để tắm rửa, vì nước có thể làm tan biến và tẩy chất bẩn. Vậy chúng ta dùng nước để tắm gội, giặt giũ, ngay cả rửa thức ăn. Làm thế có thể cứu được mạng mình.

2 Kinh Thánh dùng nước để tượng trưng cho những sự sắp đặt thiêng liêng của Đức Giê-hô-va nhằm ban sự sống. (Giê-rê-mi 2:13; Giăng 4:7-15) Những sự sắp đặt này bao gồm việc tẩy sạch dân Ngài qua sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ và sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, được ghi trong Lời Ngài. (Ê-phê-sô 5:25-27) Trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về đền thờ, dòng sông mầu nhiệm từ trong đền thờ chảy ra tượng trưng cho những ân phước ban sự sống. Nhưng dòng sông ấy chảy ra khi nào, và có ý nghĩa gì cho chúng ta ngày nay?

Một dòng sông chảy vào đất được khôi phục

 3. Như được ghi nơi Ê-xê-chi-ên 47:2-12, Ê-xê-chi-ên trải qua kinh nghiệm gì?

3 Khi bị lưu đày tại Ba-by-lôn, dân của Ê-xê-chi-ên rất cần đến những sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va. Vậy thật là khích lệ làm sao khi Ê-xê-chi-ên được nhìn thấy một dòng nước nhỏ chảy ra từ nơi thánh và tuôn ra khỏi đền thờ trong sự hiện thấy! Một vị thiên sứ cứ cách quãng 1.000 cu-đê lại đo mực nước một lần. Chiều sâu của dòng nước gia tăng từ khoảng ngang mắt cá chân lên đến ngang đầu gối rồi lên đến ngang hông và cuối cùng thành dòng nước chảy mạnh đến mức phải lội. Con sông mang lại sự sống và vật thực thêm nhiều. (Ê-xê-chi-ên 47:2-11) Thiên sứ bảo với Ê-xê-chi-ên: “Gần bên sông ấy, trên bờ nầy và bờ kia, sẽ sanh đủ thứ cây có trái ăn được”. (Ê-xê-chi-ên 47:12a) Khi dòng sông đổ vào Biển Chết—một hồ nước không sinh vật—nay có sự sống! Cá đầy đàn. Nghề chài lưới phát đạt.

 4, 5. Lời tiên tri của Giô-ên về dòng sông tương tự như của Ê-xê-chi-ên như thế nào, và tại sao điều này quan trọng?

4 Lời tiên tri tuyệt diệu này có lẽ nhắc nhở những người Do Thái lưu đày về một lời tiên tri khác được viết hơn hai thế kỷ trước đó: “Một cái suối sẽ ra từ nhà Đức Giê-hô-va và tưới trũng Si-tim”.a (Giô-ên 3:18) Lời tiên tri của Giô-ên, giống như của Ê-xê-chi-ên, báo trước rằng một dòng sông sẽ chảy ra từ nhà Đức Chúa Trời, tức đền thờ, và đem sự sống cho một vùng khô hạn cằn cỗi.

5 Từ lâu nay, tạp chí Tháp Canh đã giải thích rằng lời tiên tri của Giô-ên đang được ứng nghiệm trong thời chúng ta.b Chắc chắn đây cũng là trường hợp của sự hiện thấy tương tự của Ê-xê-chi-ên. Trong đất được khôi phục của dân tộc Đức Chúa Trời ngày nay, như trong đất Y-sơ-ra-ên xưa, quả thật có đầy dẫy ân phước của Đức Giê-hô-va.

Ân phước tràn trề

 6. Việc rưới huyết trên bàn thờ trong sự hiện thấy hẳn nhắc nhở người Do Thái về điều gì?

6 Các ân phước của dân sự được khôi phục của Đức Chúa Trời từ đâu đến? Hãy lưu ý rằng nước chảy ra từ đền thờ Đức Chúa Trời. Ngày nay cũng thế, các ân phước đến từ Đức Giê-hô-va qua đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Ngài—sự sắp đặt thờ phượng thanh sạch. Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên cho biết thêm một chi tiết quan trọng. Nơi hành lang trong, dòng sông chảy qua khỏi bàn thờ, về phía nam. (Ê-xê-chi-ên 47:1) Bàn thờ nằm ở chính giữa đền thờ trong sự hiện thấy. Đức Giê-hô-va miêu tả tỉ mỉ bàn thờ cho Ê-xê-chi-ên và ra lệnh cho ông rưới huyết của-lễ trên bàn thờ. (Ê-xê-chi-ên 43:13-18, 20) Bàn thờ đó có ý nghĩa lớn lao đối với tất cả những người Y-sơ-ra-ên. Giao ước của họ với Đức Giê-hô-va có hiệu lực khá lâu trước khi Môi-se rưới huyết trên bàn thờ dưới chân núi Si-na-i. (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:4-8) Như vậy việc rưới huyết trên bàn thờ trong sự hiện thấy hẳn nhắc nhở họ rằng một khi họ trở về đất được khôi phục, họ sẽ nhận lãnh ân phước của Đức Giê-hô-va một cách tràn trề miễn là họ giữ vẹn giao ước với Ngài.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:1-14.

 7. Ngày nay tín đồ Đấng Christ tìm thấy bàn thờ tượng trưng có ý nghĩa gì?

7 Cũng thế, dân sự của Đức Chúa Trời ngày nay được ban phước qua một giao ước—một giao ước tốt hơn, đó là giao ước mới. (Giê-rê-mi 31:31-34) Giao ước này cũng đã được hiệu lực hóa bằng huyết, huyết của Chúa Giê-su Christ. (Hê-bơ-rơ 9:15-20) Ngày nay, dù thuộc nhóm người được xức dầu ở trong giao ước đó, hoặc thuộc các “chiên khác” được hưởng lợi ích của giao ước, chúng ta thấy bàn thờ tượng trưng có ý nghĩa trọng đại. Bàn thờ tượng trưng cho ý muốn của Đức Chúa Trời liên quan đến của-lễ của Đấng Christ. (Giăng 10:16; Hê-bơ-rơ 10:10) Cũng như bàn thờ tượng trưng nằm ngay chính giữa đền thờ thiêng liêng, sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ là trọng tâm của sự thờ phượng thanh sạch. Giá chuộc là căn bản để tha thứ tội lỗi của chúng ta và bởi vậy nó là căn bản của tất cả hy vọng của chúng ta về tương lai. (1 Giăng 2:2) Vậy chúng ta cố gắng sống theo luật pháp gắn liền với giao ước mới, “luật-pháp của Đấng Christ”. (Ga-la-ti 6:2) Hễ chúng ta làm điều đó thì chúng ta sẽ hưởng được lợi ích qua các sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va để ban sự sống.

 8. (a) Hành lang trong của đền thờ trong sự hiện thấy thiếu cái gì? (b) Các thầy tế lễ nơi đền thờ trong sự hiện thấy dùng gì để rửa?

8 Một trong những lợi ích ấy là có vị thế trong sạch trước mặt Đức Giê-hô-va. Trong đền thờ của sự hiện thấy, hành lang trong thiếu một điều rõ rệt mà hành lang của đền tạm và đền thờ Sa-lô-môn đã có—một thùng lớn, sau đó được gọi là biển, để các thầy tế lễ rửa tay chân. (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:18-21; 2 Sử-ký 4:2-6) Vậy thì các thầy tế lễ nơi đền thờ trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên dùng gì để rửa? Họ dùng nước sông mầu nhiệm chảy qua hành lang trong! Đúng vậy, Đức Giê-hô-va sẽ cho họ phương tiện để có được một vị thế tinh sạch hoặc thánh thiện.

 9. Ngày nay những người được xức dầu và đám đông có thể có một vị thế thanh sạch như thế nào?

9 Ngày nay cũng thế, những người được xức dầu đã được ban cho một vị thế thanh sạch trước mặt Đức Giê-hô-va. Ngài xem họ là thánh, xưng họ là công bình. (Rô-ma 5:1, 2) Nói gì về đám đông “vô-số người” được tượng trưng bởi các chi phái không thuộc ban tế lễ? Họ thờ phượng nơi hành lang ngoài, và dòng sông ấy cũng chảy ngang qua phần đó của đền thờ trong sự hiện thấy. Vậy sứ đồ Giăng nhìn thấy đám đông mặc áo dài trắng khi thờ phượng nơi hành lang của đền thờ thiêng liêng thật là thích hợp làm sao! (Khải-huyền 7:9-14) Bất luận bị đối xử thế nào trong thế gian đồi trụy này, họ có thể được bảo đảm rằng hễ họ thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ thì Đức Giê-hô-va xem họ là trong sạch và tinh khiết. Họ thực hành đức tin như thế nào? Bằng cách theo sát dấu chân của Chúa Giê-su, hoàn toàn tin cậy nơi sự hy sinh làm giá chuộc.—1 Phi-e-rơ 2:21.

10, 11. Một khía cạnh quan trọng của nước tượng trưng này là gì, và điều này liên hệ thế nào đến việc dòng sông mở to ra?

10 Như đã đề cập, có một khía cạnh quan trọng khác của nước tượng trưng này—đó là sự hiểu biết. Trong nước Y-sơ-ra-ên được phục hưng, Đức Giê-hô-va ban phước cho dân Ngài bằng cách dùng các thầy tế lễ dạy dỗ họ về Kinh Thánh. (Ê-xê-chi-ên 44:23) Ngày nay, Đức Giê-hô-va cũng ban phước cho dân sự của Ngài một cách tương tự, họ được “thầy tế-lễ nhà vua” dạy dỗ rất nhiều về Lời lẽ thật của Ngài. (1 Phi-e-rơ 2:9) Sự hiểu biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời, về các ý định của Ngài đối với nhân loại và nhất là về Chúa Giê-su Christ và Nước Trời do Đấng Mê-si cai trị ngày càng tuôn tràn trong những ngày sau rốt này. Nước thiêng liêng tươi mát này mà chúng ta nhận được thật tuyệt diệu làm sao!—Đa-ni-ên 12:4.

11 Cũng như nước sông mà thiên sứ đo từ từ sâu hơn, thì ân phước đem lại sự sống mà Đức Giê-hô-va ban càng ngày càng thêm nhiều để đáp ứng nhu cầu của số đông người kéo đến đất thiêng liêng đầy ân phước của chúng ta. Lời tiên tri khác nói về sự khôi phục đã báo trước: “Kẻ rất nhỏ trong vòng họ sẽ nên một ngàn, còn kẻ rất hèn-yếu sẽ trở nên một dân mạnh. Ta, Đức Giê-hô-va, sẽ nôn-nả làm điều ấy trong kỳ nó!” (Ê-sai 60:22) Những lời này đã thành sự thật—hàng triệu người lũ lượt kéo đến kết hợp với chúng ta trong sự thờ phượng thanh sạch! Đức Giê-hô-va đã ban “nước” tràn trề cho tất cả những ai quay về với Ngài. (Khải-huyền 22:17) Ngài lo sao cho tổ chức trên đất của Ngài phân phát Kinh Thánh và các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh ra khắp thế giới, trong hàng trăm thứ tiếng. Cũng thế, buổi họp và các hội nghị đạo Đấng Christ đã được sắp xếp trên khắp thế giới hầu cho tất cả có thể nhận lãnh nước tinh khiết của lẽ thật. Những sự cung cấp này ảnh hưởng đến người ta như thế nào?

Nước đem sự sống!

12. (a) Tại sao những cây trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên có thể sinh bông trái? (b) Trong ngày sau rốt, những cây đầy trái này tượng trưng điều gì?

12 Dòng sông trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên đem lại sự sống và sức khỏe. Khi Ê-xê-chi-ên biết được rằng sẽ có cây mọc dọc theo bờ sông, ông được bảo: “Lá nó không hề héo-rụng, và trái nó không hề dứt... Trái nó dùng để ăn, lá nó dùng để làm thuốc”. Tại sao những cây này lại sinh bông trái một cách lạ lùng như thế? “Vì những nước tưới nó chảy ra từ nơi thánh”. (Ê-xê-chi-ên 47:12b) Các cây tượng trưng này là hình bóng cho tất cả các sắp đặt của Đức Chúa Trời để phục hồi nhân loại đến sự hoàn toàn dựa trên căn bản hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Thời nay ở trên đất, những người được xức dầu còn sót lại dẫn đầu trong việc cung cấp thức ăn và chữa bệnh thiêng liêng. Sau khi tất cả 144.000 người nhận được phần thưởng ở trên trời, các lợi ích đến từ công việc tế lễ của họ với tư cách vua đồng cai trị với Đấng Christ sẽ kéo dài trong tương lai, cuối cùng dẫn đến việc hoàn toàn khắc phục sự chết do A-đam gây ra.—Khải-huyền 5:9, 10; 21:2-4.

13. Sự chữa lành nào đã được thực hiện trong thời kỳ này?

13 Dòng sông trong sự hiện thấy đổ vào Biển Chết không sinh vật và nó chảy đến đâu thì chữa lành mọi vật đến đó. Biển này tượng trưng cho một môi trường chết về thiêng liêng. Nhưng sự sống tràn ngập “khắp nơi nào sông ấy chảy đến”. (Ê-xê-chi-ên 47:9) Trong những ngày sau rốt cũng thế, ở bất cứ nơi nào có nước sự sống thấm nhuần thì người ta sống lại về thiêng liêng. Những người đầu tiên nhận được sức sống mới như thế là những người được xức dầu còn sót lại vào năm 1919. Họ được hồi sinh về thiêng liêng từ một trạng thái không hoạt động giống như đã chết rồi. (Ê-xê-chi-ên 37:1-14; Khải-huyền 11:3, 7-12) Từ đó về sau, nước cần yếu ấy cũng đến với những người khác đã chết về mặt thiêng liêng. Những người này được sống lại và hợp thành một đám đông các chiên khác ngày càng gia tăng, họ yêu thương và phụng sự Đức Giê-hô-va. Chẳng bao lâu nữa, sự cung cấp này sẽ nới rộng đến đông đảo những người được sống lại.

14. Nghề chài lưới phát đạt dọc theo bờ Biển Chết minh họa rõ điều gì ngày nay?

14 Sức sống về thiêng liêng sinh ra nhiều kết quả. Điều này được minh họa bởi nghề chài lưới phát đạt dọc theo bờ biển mà trước kia không có sinh vật. Chúa Giê-su nói với môn đồ: “Ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người”. (Ma-thi-ơ 4:19) Trong những ngày sau rốt, công việc đánh cá bắt đầu với việc thâu nhóm những người được xức dầu còn sót lại, nhưng công việc không dừng lại ở đó. Nước ban sự sống ra từ đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va, bao gồm ân phước về sự hiểu biết chính xác, ảnh hưởng đến những người thuộc mọi dân tộc. Dòng sông chảy đến đâu thì có sự sống thiêng liêng đến đó.

15. Điều gì cho thấy không phải người nào cũng sẽ chấp nhận sự sắp đặt của Đức Chúa Trời nhằm ban sự sống, và họ sẽ gặp hậu quả nào?

15 Dĩ nhiên, không phải tất cả mọi người bây giờ đều hưởng ứng thông điệp sự sống, và cũng không phải tất cả những người chết được sống lại trong Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Christ sẽ chịu nghe. (Ê-sai 65:20; Khải-huyền 21:8) Thiên sứ tuyên bố rằng một phần của biển sẽ không được chữa lành. Những nơi đầm lầy và không có sự sống phải bị “bỏ làm đất muối”. (Ê-xê-chi-ên 47:11) Nói về những người thời nay, không phải tất cả những người được mời uống nước ban sự sống của Đức Giê-hô-va đều chấp nhận nước đó. (Ê-sai 6:10) Tại Ha-ma-ghê-đôn, tất cả những ai chọn ở lại trong tình trạng chết và bệnh hoạn về thiêng liêng sẽ bị bỏ làm đất muối, tức là bị hủy diệt vĩnh viễn. (Khải-huyền 19:11-21) Tuy nhiên, những người trung thành uống nước này có thể hy vọng sống sót để nhìn thấy sự ứng nghiệm cuối cùng của lời tiên tri này.

Sông chảy vào Địa Đàng

16. Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về đền thờ sẽ được ứng nghiệm lần cuối cùng khi nào và như thế nào?

16 Giống như những lời tiên tri khác nói về sự phục hưng, sự hiện thấy về đền thờ của Ê-xê-chi-ên sẽ được ứng nghiệm lần cuối cùng trong Triều Đại Một Ngàn Năm. Lúc ấy, lớp thầy tế lễ sẽ không còn ở trên đất nữa. “Những người ấy sẽ làm thầy tế-lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, cùng sẽ trị-vì với Ngài [trên trời] trong một ngàn năm”. (Khải-huyền 20:6) Các thầy tế lễ này ở trên trời sẽ hợp tác với Đấng Christ để áp dụng lợi ích trọn vẹn của sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Christ. Rồi, nhân loại công bình sẽ được giải cứu, phục hồi sự hoàn toàn!—Giăng 3:17.

17, 18. (a) Khải-huyền 22:1, 2 miêu tả dòng sông ban nước sự sống như thế nào, và khi nào là lần áp dụng chính yếu của sự hiện thấy đó? (b) Trong Địa Đàng, tại sao sông nước sự sống sẽ mở to ra?

17 Thật thế, dòng sông mà Ê-xê-chi-ên thấy lúc đó sẽ tuôn chảy nước sự sống đầy sinh lực. Đây là lần áp dụng chính yếu của lời tiên tri ghi nơi Khải-huyền 22:1, 2: “Thiên-sứ chỉ cho tôi xem sông nước sự sống, trong như lưu-ly, từ ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra. Ở giữa phố thành và trên hai bờ sông có cây sự sống trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái; và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân”.

18 Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, mọi bệnh tật—thể chất, tâm thần và tình cảm—sẽ được chữa lành. Điều này được hình dung bởi việc “chữa lành cho các dân” qua các cây tượng trưng. Nhờ có những sự cung cấp được phân phát bởi Đấng Christ và 144.000 người, “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”. (Ê-sai 33:24) Lúc ấy dòng sông sẽ mở ra to nhất. Nó sẽ rộng thêm và sâu thêm để cung ứng cho hàng triệu, có lẽ hàng tỉ người chết sống lại mà sẽ uống nước sự sống tinh khiết này. Dòng sông trong sự hiện thấy chữa lành Biển Chết, đem lại sự sống cho bất cứ nơi nào sông chảy qua. Trong Địa Đàng, những người đàn ông và đàn bà sẽ sống lại theo nghĩa toàn vẹn nhất, được cứu khỏi sự chết do A-đam truyền lại nếu họ thực hành đức tin nơi những lợi ích của giá chuộc. Khải-huyền 20:12 báo trước rằng các “sách” sẽ được mở ra vào lúc ấy, cung cấp thêm sự hiểu biết mà những người sống lại sẽ được lợi ích. Buồn thay, một số người sẽ không muốn được chữa lành, ngay cả trong Địa Đàng. Những kẻ ngỗ nghịch ấy là những người bị “bỏ làm đất muối”, tức là bị hủy diệt vĩnh viễn.—Khải-huyền 20:15.

19. (a) Việc phân chia đất đai sẽ được ứng nghiệm trong Địa Đàng như thế nào? (b) Thành phố tượng trưng cho điều gì trong Địa Đàng? (c) Địa điểm thành phố cách xa đền thờ có ý nghĩa gì?

19 Cũng vào lúc ấy, việc phân chia đất đai trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên cũng sẽ được ứng nghiệm lần sau cùng. Ê-xê-chi-ên thấy đất được cấp phát đồng đều; cũng thế, mỗi tín đồ trung thành của Đấng Christ có thể tin chắc là mình sẽ có một chỗ, một sản nghiệp, trong Địa Đàng. Cũng vậy, mỗi người đều muốn có nhà cửa để ở và chăm sóc và ước muốn đó sẽ tuần tự được thực hiện. (Ê-sai 65:21; 1 Cô-rinh-tô 14:33) Thành mà Ê-xê-chi-ên nhìn thấy tượng trưng một cách thích hợp hệ thống hành chính mà Đức Giê-hô-va có ý định thiết lập trên đất. Lớp thầy tế lễ được xức dầu sẽ không còn ở trên đất với nhân loại nữa. Sự hiện thấy gợi lên ý đó bằng cách miêu tả thành phố nằm trên đất “tục” cách xa đền thờ. (Ê-xê-chi-ên 48:15) Trong khi 144.000 người cùng Đấng Christ cai trị ở trên trời, thì trên đất Vua cũng sẽ có những người đại diện cho ngài. Các thần dân trên đất sẽ nhận lãnh lợi ích lớn qua sự hướng dẫn và chỉ dẫn đầy yêu thương của lớp thủ lĩnh. Tuy nhiên, trung tâm của chính phủ không phải trên đất mà là trên trời. Mọi người trên đất, kể cả lớp thủ lĩnh, sẽ phục tùng Nước Trời thuộc Đấng Mê-si.—Đa-ni-ên 2:44; 7:14, 18, 22.

20, 21. (a) Tại sao tên thành rất thích hợp? (b)Hiểu được sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên khiến chúng ta tự hỏi những câu hỏi nào?

20 Hãy lưu ý những lời tiên tri cuối cùng của Ê-xê-chi-ên: “Rày về sau tên thành sẽ là: ‘Đức Giê-hô-va ở đó!’ ”. (Ê-xê-chi-ên 48:35) Thành này không hiện hữu để tạo cho người ta quyền hành hoặc thế lực; cũng không phải để thi hành ý muốn của bất cứ người nào. Đó là thành của Đức Giê-hô-va. Thành đó sẽ luôn phản ảnh ý tưởng và cách hành động đầy yêu thương và hợp lý của Ngài. (Gia-cơ 3:17) Chúng ta thấy ấm lòng vì điều này bảo đảm rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho cơ cấu xã hội “đất mới” của loài người đến tương lai vô tận.—2 Phi-e-rơ 3:13.

21 Chẳng lẽ chúng ta không hứng thú với triển vọng ở trước mặt chúng ta hay sao? Vậy thì điều thích hợp là mỗi người chúng ta nên tự hỏi: ‘Tôi đáp ứng ra sao khi biết các ân phước tuyệt diệu được tiết lộ trong sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên? Tôi có trung thành ủng hộ công việc mà các giám thị đầy yêu thương thực hiện, kể cả các giám thị trong số những người được xức dầu còn sót lại và các thành viên tương lai của lớp thủ lĩnh không? Tôi có để sự thờ phượng thanh sạch trở thành trọng tâm trong đời sống tôi không? Tôi có tận dụng nước sự sống hiện nay đang tuôn tràn ra không?’ Mong sao mỗi người chúng ta tiếp tục làm thế và vui thích nơi sự cung cấp của Đức Giê-hô-va cho đến muôn đời!

[Chú thích]

a Trũng này có thể là Trũng Xết-rôn, chạy dài từ vùng đông nam Giê-ru-sa-lem đến Biển Chết. Đặc biệt phần dưới không nước và khô quanh năm.

b Xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-5-1881, và 1-6-1981.

Bạn trả lời thế nào?

◻ Nước chảy ra từ đền thờ tượng trưng cho điều gì?

◻ Qua dòng sông tượng trưng, Đức Giê-hô-va thực hiện sự chữa lành nào, và tại sao sông sâu rộng thêm?

◻ Các cây dọc theo bờ sông tượng trưng điều gì?

◻ Thành phố tượng trưng điều gì trong Triều Đại Một Ngàn Năm, và tại sao tên thành rất thích hợp?

[Các hình nơi trang 23]

Sông nước sự sống tượng trưng sự sắp đặt của Đức Chúa Trời để cứu rỗi

Ấn phẩm Tiếng Việt (1984-2025) Đăng xuất Đăng nhập
  • Copyright © 2024 Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania
  • Điều khoản sử dụng
  • Quyền riêng tư
  • Cài đặt quyền riêng tư
  • Đăng nhập
Chia sẻ Gửi qua email

Từ khóa » đền Thờ Ban Phước