Đức Hồng Y PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN, Con Người ...

DHY_Thuan-9

LBBT: Hôm nay 22-10-2010, Toà Thánh mở án Phong Chân Phước và phong Thánh cho Đức Hồng Y, Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Caritas Việt Nam xin chia vui với Giáo hội Toàn cầu, Giáo hội Việt Nam và cảm ơn Chúa vì ơn trọng đại này. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê là Chủ tịch UBBAXH-Caritas Việt Nam từ năm 1972-1976. Caritas Việt Nam giới thiệu bài sau đây của giáo phận Nha Trang viết về vị chủ chăn của mình.

Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được nhiều người biết đến như là con người của hoà bình, niềm vui và hy vọng bởi gương sống đức tin, cuộc đời mục tử với phong thái bình dị, lạc quan, xác tín và hy vọng của ngài trong mọi cảnh huống.

Đức Hồng y Thuận sinh ngày 17-4-1928, tại Phủ Cam, Huế. Ông cố thân sinh là cụ Tađêô Nguyễn Văn Ấm, Bà cố là Elizabeth Ngô Thị Hiệp. Ngài là người con cả trong gia đình có 8 anh chị em. Sinh trưởng trong gia đình Công giáo có truyền thống đạo đức, tổ tiên từng bị bách hại vì đạo Chúa, lại được thân mẫu thường kể cho nghe hạnh các Thánh, nhất là các chân phúc Tử đạo Việt Nam, cậu bé Thuận sớm có ước muốn dâng mình cho Chúa.

Gia đình cậu Thuận khá giả, thân phụ e ngại sức khoẻ kém của cậu không kham nổi cuộc sống kỷ cương chủng viện nên lúc đầu không đồng ý. Cậu phải nhờ thân mẫu can thiệp và được chấp thuận để tu học tại Tiểu Chủng viện An Ninh – Quảng Trị, sau đó học triết và thần học tại Đại Chủng viện Kim Long – Huế.

Ngày 11-6-1953 thầy Thuận lãnh chức linh mục tại Nhà thờ Chính toà Phủ Cam, Huế, do Đức cha Jean Baptiste Urruthia Thi, Đại diện Tông toà Giáo phận Huế, chủ phong. Ngài được bổ nhiệm làm Cha phó Xứ đạo Tam Toà (Đồng Hới, Quảng Bình). Sau đó, làm Cha phó Xứ đạo Phanxicô Xaviê, ở Huế.

Sau 3 năm mục vụ, Cha Thuận được cử đi du học tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana, Roma – Italia. Trong thời gian theo học, ngài có dịp tiếp xúc với các phong trào Đạo binh Đức Mẹ, Hướng Đạo, Cursillo, Focolare, và điều đó đã ảnh hưởng đến đường lối hoạt động mục vụ của ngài sau này. Năm 1959, ngài đậu bằng Tiến sĩ Giáo luật với luận án “Tuyên uý Quân đội trên thế giới”. Về nước, ngài dạy học tại Tiểu Chủng viện Phú Xuân, sau đó đổi tên là Tiểu Chủng viện Hoan Thiện – Huế. Là cha giám đốc nhưng ngài luôn hỏi han, tươi cười với các chú, thông cảm cho sai sót tuổi trẻ. Không thấy ngài to tiếng hay quở mắng ai bao giờ, đến nỗi cha quản lý thốt lên: “Cha bề trên hiền quá, chẳng có chú nào sợ…”. Thật ra, ngài chủ trương giáo dục đặt nền tảng trên yêu thương và gương sáng chứ không phải lề luật và trừng phạt. Ngài làm Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Huế từ năm 1964-1967.

Ngày 13-4-1967, Cha Thuận được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Nha Trang, kế vị Đức cha Marcel Piquet Lợi (1888-1966). Ngài chọn khẩu hiệu “Vui mừng và Hy vọng” (Gaudium et Spes) là tên Hiến chế Mục vụ của Công đồng Vatican II. Phương châm và huy hiệu giám mục của ngài không chỉ nói lên niềm tin yêu, hy vọng của ngài đối với Mẹ Giáo Hội mà còn cho thấy tâm hồn thanh thoát, tươi trẻ, hoà bình, vị tha và hướng thượng, đã được diễn tả trong suốt cuộc đời sứ vụ mục tử của ngài. Ngày 24-6-1967, ngài được tấn phong Giám mục tại Huế do Đức Khâm sứ Toà Thánh Angelo Palmas chủ phong và về nhậm chức ở Giáo phận Nha Trang ngày 10-7-1967.

Tám năm trong cương vị chủ chăn Giáo phận Nha Trang và một số chức vụ khác trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, cũng như thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân, tâm hồn mục tử của ngài trải rộng trên mọi thành phần dân Chúa. Ngài quan tâm đặc biệt đến việc phát triển nhân sự, đặt nền tảng hy vọng cho Giáo phận nhà và Giáo hội địa phương. Ngài quan tâm mở mang hoặc thành lập các chủng viện, dòng tu, tu hội; tổ chức tu nghiệp và huấn luyện cho hàng giáo sĩ, giáo dân; đẩy mạnh các phong trào, hội đoàn Thanh Lao Công, Công Lý – Hoà Bình, Hướng Đạo, Cursillo, Focolare… Các thư mục vụ của ngài đầy ắp tâm tình tạ ơn, hy vọng và tín thác nơi Chúa, cũng như thúc đẩy đời sống đức tin cho đoàn chiên giáo phận: “Tỉnh thức và cầu nguyện” (1968); “Vững mạnh trong đức tin, tiến lên trong an bình” (1969); “Công lý và Hoà bình” ( 1970); “Sứ mạng của Chúa Kitô là sứ mạng của chúng ta” (1971); “Kỷ niệm 300 năm” (1971); “Năm Thánh Canh tân và Hoà giải” (1973). Dù bề bộn công việc, ngài vẫn luôn vui vẻ, lạc quan, khôn ngoan và khéo léo an ủi, nâng đỡ những người đang gặp phiền muộn đến với ngài.

Ngày 24-4-1975, ĐGH Phaolô VI bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Phó Tổng Giáo phận Sài Gòn, hiệu toà Vadesi. Tuy nhiên, thể chế chính trị Việt Nam thay đổi (30-4-1975) và cuộc đời mục tử của ngài cũng sang trang, một trang bi hùng như người tôi tớ của Chúa: tín trung, hoà bình và hoá giải màn đen của ngục tù thành ánh sáng của tha thứ, yêu thương và hy vọng.

Ngày 15-8-1975, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngài được chính quyền mới mời và bắt giữ tại Dinh Độc Lập, bị giam cầm nhiều nơi từ Nam chí Bắc của đất nước và được trả tự do ngày 21-11-1988, nhằm ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình trong Đền Thờ. Thời gian 13 năm lao tù, trong đó có 9 năm biệt giam, ngài đã viết lại đường hướng tu đức và kinh nghiệm sống đức tin qua các tập sách: Đường Hy Vọng, Đường Hy Vọng dưới Ánh sáng Lời Chúa và Công đồng Vatican II, Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng như là di chúc tinh thần của ngài.

Quản tù ngạc nhiên về sự bao dung của ngài, ngài trả lời: “Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Kitô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu”.

Trong tù, có những lúc, mỗi ngày, ngài cử hành Thánh lễ với 3 giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay. Đó là Bàn thờ của ngài, là Nhà thờ Chính toà của ngài. Ngài kể lại: “Mỗi lần như thế, tôi được dịp giang tay ra và chịu đóng đinh bản thân trên Thánh Giá với Chúa Giêsu, được uống chén đắng với Chúa. Mỗi ngày khi đọc lời truyền phép, tôi hết lòng củng cố một giao ước mới, giao ước đời đời giữa tôi với Chúa Giêsu, nhờ Máu của Chúa hoà lẫn với máu của tôi”.

Trong lần thứ hai sang Rôma viếng thăm và chữa bệnh năm 1991, Đức cha Phanxicô Xaviê bị ngăn trở, không thể trở về quê hương; nhưng Thánh ý Chúa nhiệm mầu đã dọn con đường mới cho người tôi tớ tín trung của Chúa.

Ngày 9-4-1994, Toà Thánh bổ nhiệm Đức Cha làm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, và ngày 24-6-1998, ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng. Ngày 21-2-2001, ngài được vinh thăng Hồng y. Trước và sau khi nhận chức vụ của Giáo triều Rôma, ngài đã liên tục đi đến các cộng đoàn của nhiều nước trên thế giới, các đại học, các cơ quan quốc tế để giảng tĩnh tâm, giúp đào tạo và xây dựng cộng đoàn mới. Ngài luôn khơi lên lòng tôn sùng Đức Mẹ, Thánh Giuse và nhất là yêu mến Bí tích Thánh Thể, tâm tình cầu nguyện và sống giây phút hiện tại trong tinh thần phó thác. Đến đâu, ngài cũng chiếu tỏa sự an bình, bao dung, tha thứ, niềm vui và hy vọng.

Đặc biệt, mùa xuân Năm Thánh 2000, ngài được mời giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều Rôma khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói với ngài: “Năm đầu tiên của ngàn năm thứ III, một người Việt Nam sẽ giảng tĩnh tâm cho Giáo triều Rôma. Hãy kể lại cho chúng tôi những chứng tá của Đức cha”.

Ngài còn là tác giả của những đầu sách được ưa chuộng, chứa đầy sứ điệp của tình thương, công lý và hoà bình, xây dựng và hy vọng: Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá, Cầu Nguyện, Hãy Trao Tặng Tuổi Trẻ Nụ Cười, Niềm Vui Sống Đạo, Sứ Điệp Đức Mẹ La Vang, Chứng Nhân Hy Vọng.

Ngài vẫn thanh thản, vui tươi cả trong thời gian điều trị lâu dài và đau đớn tại bệnh viện. Trong những ngày cuối đời, khi không còn nói được nữa, ngài nằm đó, mắt nhìn chăm chăm vào Thánh Giá Chúa chịu đóng đinh trước mặt. Ngài cầu nguyện trong thinh lặng để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trên Thánh Giá và chuẩn bị giây phút quyết liệt ra đi gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh.

Ngài được Chúa gọi về chiều ngày 16-9-2002 tại Rôma. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói trong bài giảng Thánh lễ An táng ngài: “Trong lúc chào vĩnh biệt người sứ giả anh hùng của Tin Mừng Chúa Kitô, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta, nơi con người của Đức Hồng Y, một tấm gương sáng ngời về đời sống tín hữu Kitô, phù hợp với đức tin, cho đến độ tử đạo”.

Về phần mình, Đức Hồng Y từng nói đơn sơ: “Trong vực thẳm những đau khổ của tôi, tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi”.

GP Nha Trang (Theo caritasvn.org)

Post Views: 1.389

Từ khóa » Tiểu Sử đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận