Duc Me La Ma Ben Tre - VIETNAMESE MISSIONARIES IN ASIA

Ðại lễ kỷ niệm ngày tìm được

Linh Ảnh Mẹ La Mã - Bến Tre

Ðại lễ kỷ niệm ngày tìm được Linh Ảnh Mẹ La Mã - Bến Tre.

Ngày 11 tháng 02 năm 1952, Ðức cha Phêrô Mactino đã ban một Huấn lệnh với nội dung chấp nhận sự lạ và chính thức cho phép những cuộc hành hương về La Mã tôn kính Mẹ. Ðức Mẹ La Mã Bến Tre trở thành trung tâm hành hương thứ ba của Giáo hội Việt Nam, sau Ðức Mẹ La Vang và Ðức Mẹ Trà Kiệu.

Bến Tre, Việt Nam (GP Vĩnh Long 15/04/2012) - Nhân dịp kỷ niệm 62 năm tìm lại được Linh Ảnh Mẹ (05/05/1950), thứ Bảy ngày 05 tháng 05 năm 2012, Ðức cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giám mục địa phận Vĩnh Long, đã đến Trung Tâm Hành Hương Ðức Mẹ La Mã - Bến Tre chủ tế Thánh Lễ trong ngày kỷ niệm trọng đại này.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta ghi nhớ rằng ngày 26 tháng 04 năm 1866, tại Giáo triều Rôma, Ðức Giáo hoàng Piô IX đã long trọng trao ban bức ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho dòng Chúa Cứu Thế với lời nhắn nhủ: "Hãy làm cho thế giới này yêu mến Ðức Mẹ." Nguyên bản của bức ảnh này hiện nay được tôn kính tại Vương cung Thánh đường thánh Anphongsô, bên cạnh trụ sở trung ương dòng Chúa Cứu Thế ở Rôma. Vì thế, khi các cha dòng Chúa Cứu Thế người Canađa đầu tiên sang lập dòng ở Việt Nam vào năm 1925, thì nơi đâu có các Ngài, nơi đó có ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp xuất hiện, theo bước chân của các vị truyền giáo. Lòng sùng kính Ðức Mẹ dưới tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp, đã lan tràn trên khắp nơi - trong đó có giáo dân họ đạo La Mã, Bến Tre, Giáo phận Vĩnh Long.

Như vậy, kể từ năm 1930, sau khi được nhận ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, từ cha Luca Sách - cha sở họ đạo Cái Bông, Mẹ đã luôn hiện diện, gần gũi và theo chân con cái của Mẹ trong suốt cuộc hành trình lánh nạn đầy gian khổ và thử thách: Từ Sơn Ðốc vào Bàu Dơi, từ Bàu Dơi lên Cái Sơn, rồi lại trở lại Bàu Dơi.

Ngày 02 tháng 02 năm 1950, gần 3 tháng, sau khi Bầu Dơi được đổi tên thành La Mã, xảy ra một cuộc giao tranh lớn trong vùng, giáo dân bỏ chạy tán loạn. Sau trận ruồng bố ác liệt đó, họ trở về trong cảnh nhà tan cửa nát. Ngôi nhà thờ sơ sài nhỏ bé đang trưng bày ảnh Mẹ cũng bị cướp phá tan hoang. Bức ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp lộng trong khung kiếng cũng biến mất.

Ba tháng sau, vào ngày 05 tháng 05 năm 1950, trong khi đi mò cua bắt ốc dưới con rạch trong vùng, một phụ nữ theo đạo Cao Ðài, tên là Võ Thị Liềng, quen gọi là bà Sáu Liềng, đụng phải một khung ảnh nằm dưới bùn. Khi vớt lên, tuy khung kiếng vẫn còn nguyên, nhưng giấy ảnh đã phai hết màu và có nhiều chỗ mục rách, lấm lem đầy bùn đất. Nghe tiếng tri hô, nhiều người chạy ra xem, trong đó có anh Thành, con trai của ông Biện Hạt, đến xin lại khung ảnh và đem về.

Với lòng tôn kính, anh Thành đem khung ảnh Mẹ ra chùi rửa rồi phơi nắng với hy vọng có gì khá hơn chăng. Tuy nhiên, dù rửa tới rửa lui, phơi đi phơi lại cũng vẫn không thấy gì mới, vẫn chỉ là một khung ảnh đen thui, giấy ảnh bị dính chặt vào kiếng vì ngâm dưới bùn lâu ngày, hình ảnh Mẹ bị phai mờ và có nhiều lỗ thủng. Khung ảnh Mẹ được anh Thành nhét vào tấm vách phên trong chiếc chòi lá của mình.

Trong một lần ghé thăm con trai và giúp anh Thành dọn nhà về quê vợ lánh nạn, ông Biện Hạt thấy khung ảnh Mẹ nhét trong kẹt vách phên như vậy, ông hoảng hốt và rầy la anh Thành, vì tội bất kính. Sau đó, ông đem bức ảnh Mẹ về nhà, trân trọng đặt trên tủ thờ trước tấm vách lá ở giữa nhà ông.

Năm tháng sau, vào ngày 07 tháng 10 năm 1950, lại một cuộc giao tranh xảy đến bất ngờ. Dọc theo con rạch trước nhà ông Biện Hạt, một chiếc tàu của Pháp chạy tới lui bắn phá lung tung. Ông Hạt và người con trai út tên Trọng không kịp nhảy xuống cái ao sau nhà, để tránh những làn đạn bắn phá tứ tung của tàu chiến hay máy bay quân đội Pháp như những lần trước đây, mà chỉ kịp ẩn núp dưới tấm vách lá sau bàn thờ. Tiếng súng vừa im, tiếng máy tàu xa dần. Thoát nạn, ông chạy ra trước tủ thờ, làm dấu thánh giá để cám ơn Chúa và Ðức Mẹ đã cho cha con ông được tai qua nạn khỏi. Ông vô cùng kinh ngạc khi thấy căn nhà của ông và những nhà chung quanh đã bị đạn bắn phá tan tành, duy chỉ còn tủ thờ và tấm vách lá phía sau là còn nguyên vẹn.

Nhìn kỹ lên cái tủ làm bàn thờ, ông Hạt vô cùng sững sốt: Bức ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp nằm dưới đáy bùn hơn ba tháng, phai nhạt hết hình, nay bổng dưng hình Mẹ nổi lên rõ ràng xinh đẹp lạ thường. Hai cha con vừa chứng kiến một sự việc lạ lùng, không cầm lòng được ông hô hoán lên rằng Ðức Mẹ làm phép lạ!

Cả xóm chòi lá vừa ngoi lên bờ, mình mẩy còn ướt nhẹp đầy bùn sình, cũng vội chạy đến nhà ông Hạt, ai nấy đều nhìn thấy như hai cha con ông: Ảnh Mẹ mấy tháng trước đây mất hết hình, nay lộ ra rõ ràng, duy chỉ còn mũ triều thiên trên đầu Ðức Mẹ và Chúa Hài Ðồng thì còn lu mờ. Mọi người đều nhận ra sự thay đổi lạ thường nơi bức ảnh, họ hân hoan vui mừng vì được chứng kiến sự lạ lùng đang xảy ra trước mắt họ. Ðây là lần thứ nhất ảnh Mẹ Lộ hình, ngày 07 tháng 10 năm 1950.

Sau đó, ông Biện Hạt đưa ảnh Ðức Mẹ ra nhà thờ Cái Bông cho cha sở cũ của mình là cha Luca Sách - người trước đây đã tặng bức ảnh nầy cho nhà nguyện Sơn Ðốc - và trình bày với Ngài những sự kiện đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

Ngày 20 tháng 06 năm 1951, họ đạo La Mã khánh thành ngôi nhà thờ mới, tuy cũng lợp lá sơ sài, nhưng khang trang và rộng rãi hơn trước, để chuẩn bị đón tiếp Ðức Mẹ từ nhà thờ Cái Bông trở về nhà thờ La Mã. Cuộc rước ảnh Ðức Mẹ có sự tham dự của các tôn giáo bạn và đông đảo giáo dân trong vùng như Ba Tri, Cái Bông, Cái Sơn và các vùng lân cận. Trước đó có cha Phanxicô Xaviê Trần Tử Nhãn, dòng Chúa Cứu Thế từ Sài Gòn được mời về giảng tuần Tam nhật tại La Mã, để dọn lòng cho giáo dân chuẩn bị nghinh đón Ðức Mẹ.

Vào ngày 15.08.1951, nhân dịp lễ Ðức Mẹ Mông Triệu, được trọng kính lần đầu tiên kể từ khi Ðức Giáo hoàng Piô XII công bố tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, với sự chuẩn y của Ðức Giám mục Giáo phận Vĩnh Long, lúc đó là Ðức cha Phêrô Mactino Ngô Ðình Thục, cha sở họ đạo Cái Sơn - kiêm họ đạo La Mã - là cha Phêrô Dư, đã tổ chức cung nghinh ảnh Mẹ từ La Mã đến họ đạo Cái Sơn. Ðông đảo giáo dân gần xa quy tụ về. Tuần cửu nhật được tổ chức sốt sắng để dọn tâm hồn. Các tín hữu được nghe giảng huấn, xét mình và xưng tội. Bế mạc tuần chín ngày là một cuộc rước kiệu Ðức Mẹ trọng thể chung quanh nhà thờ, sau đó là thánh lễ đồng tế trọng kính Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời.

Trong dịp nầy hàng ngàn người có mặt đã chứng kiến một sự kiện lạ lùng: Mũ Triều thiên trên đầu Ðức Mẹ và Chúa Hài Ðồng hiện ra thật rõ ràng. Thêm điều lạ nữa là trước đó, khi bức ảnh được vớt lên, giấy ảnh gắn chặt vào kiếng, nhăn nhúm ố vàng và có nhiều lỗ thủng, bây giờ thì chân dung Mẹ hiện ra rất xinh đẹp, còn các lỗ thủng đã biến mất.

Sau tuần Cửu nhật kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại họ đạo Cái Sơn, ảnh Mẹ được đưa về lại nhà thờ La Mã. Lúc nầy ảnh Mẹ ngày càng rõ nét và sắc sảo hơn, khuôn mặt của hai thiên thần và nếp áo buông rũ của Mẹ hiện ra rõ rệt và màu sắc sống động.

Tin về Ðức Mẹ với những dấu lạ đồn ra khắp nơi, nên người ta tuôn đến La Mã xin ơn Ðức Mẹ đông đảo vô cùng. Nhiều người đã tuyên bố mình đã nhận được phép lạ tỏ tường, trong số họ có nhiều người chưa theo đạo Chúa. Ngày 12.01.1952, Ðức cha Phêrô Mactino Ngô Ðình Thục đã âm thầm đến nhà thờ La Mã. Sau khi được cha Phêrô Dư thuật lại sự việc xảy ra vào ngày 15.08.1951 tại Cái Sơn về sự việc ảnh Mẹ ngày càng lộ hình, cũng như biết bao ơn lành hồn xác mà Mẹ đã ban cho những ai đến cầu xin cùng Mẹ, Ðức cha đã quyết định lập một ủy ban gồm có các linh mục triều và dòng, để cứu xét về "Sự lạ La Mã."

Một tháng sau, vào ngày 11 tháng 02 năm 1952, Ðức cha Phêrô Mactino đã ban một Huấn lệnh với nội dung chấp nhận sự lạ và chính thức cho phép những cuộc hành hương về La Mã tôn kính Mẹ. Ðức Mẹ La Mã Bến Tre trở thành trung tâm hành hương thứ ba của Giáo hội Việt Nam, sau Ðức Mẹ La Vang và Ðức Mẹ Trà Kiệu. Hằng năm, giáo phận Vĩnh Long và họ đạo La Mã có tổ chức 2 ngày đại lễ: ngày 05 tháng 05 là ngày kỷ niệm tìm được ảnh Mẹ, và ngày 07 tháng 10 là ngày kỷ niệm Linh Ảnh Mẹ Lộ Hình.

R.V.A.

(GP Vĩnh Long)

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page

Từ khóa » Giờ Lễ Nhà Thờ La Mã Bến Tre