Đức Và Tài Của Người Cán Bộ Và Việc Trọng Dụng Tài Năng để Thực ...

1 - Nói đến tài và đức cũng như đức và tài là nói đến những yếu tố chủ đạo, then chốt trong cấu trúc nhân cách của một con người trưởng thành. Hai yếu tố này xác lập mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, chi phối và chế ước lẫn nhau trong con người với tư cách cá nhân, cá thể của nó. Đó là một chủ thể mang nhân cách đã định hình chính nó, trong một môi trường xã hội, lịch sử và văn hóa nhất định, với những hoàn cảnh và điều kiện khách quan xác định cùng với hoạt động sống của chủ thể gắn liền với nỗ lực chủ quan của mỗi người.

Tài và đức, cũng như đức và tài là những khái niệm, phạm trù thường được hiểu trong lĩnh vực đạo đức, là đối tượng nghiên cứu của đạo đức học, của lý luận về nhân cách. Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách nhà tư tưởng, nhà đạo đức học Mác-xít - ở đây, nổi trội là đạo đức học thực hành - đã đặc biệt quan tâm tới quan hệ giữa đức và tài, giữa tài và đức trong nhân cách con người, nhất là nhân cách của cán bộ, đảng viên. Người chú trọng rèn luyện và công phu giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cả tài lẫn đức, cả đức lẫn tài, nhưng luôn luôn nhấn mạnh đức là gốc.

Vấn đề tưởng như đã rõ ràng, đã hoàn toàn minh định, vậy mà cho đến nay vẫn phải tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức để có nhận thức mới, đúng đắn hơn, sâu sắc hơn. Tri để hành. Phải dựa trên tiền đề nhận thức đúng thì mới có thể hành động đúng, đúng quy luật và đem lại hiệu quả thực tiễn như yêu cầu cuộc sống đặt ra. Hành động ở đây là ứng xử, hành xử với con người, trong mối quan hệ với mình, với người, với việc như Bác Hồ từng nhấn mạnh. Hành động đúng, nhìn từ góc độ lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách là thái độ tôn trọng, quý trọng con người tài - đức, trọng dụng, tin cậy những con người tài - đức, tạo mọi điều kiện để họ phát huy và cống hiến tài năng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Về mặt này, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng vô cùng cao quý, là bậc thầy của việc phát hiện tài năng, đức độ con người, là điển hình mẫu mực của phép dùng người, quý trọng nhân tài và trọng đãi hiền tài một cách hết sức thật lòng, chân thành, đầy nhân ái vị tha và thấm nhuần sâu sắc tinh thần khoan dung văn hóa, có lòng độ lượng, “độ lượng vĩ đại”, có sức cảm hóa, thuyết phục muôn người, thu phục nhân tâm.

Thành công trong phép dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu công phu, để rút ra những giá trị khoa học, lý luận. Việc dùng người, đối xử và ứng xử của Người với con người đều xuất phát từ sự quý trọng và tin cậy, dân chủ và bình đẳng, bao dung - nhân ái - vị tha đối với con người. Biệt tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là khả năng biết khơi dậy, cổ vũ, thức tỉnh mỗi người, làm cho họ có niềm tin vào chính mình, phát huy và phát triển phần nhân tính tốt đẹp để họ tự tin, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, biết hướng thiện và tự hoàn thiện mình để sống và hành động sao cho có ích nhất, đóng góp tốt nhất cho xã hội, tức là phục vụ nhân dân. Người chú trọng đạo đức trong chính trị, lấy việc làm, hiệu quả công việc, tác động của văn hóa trong ứng xử để công phu hướng dẫn, rèn luyện con người và tự mình thực hành trước để nêu gương. Cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên muốn tỏ rõ là đầy tớ, công bộc của dân, trước hết, phải thấm nhuần đạo làm người - ở đời và làm người như thế nào cho xứng đáng với lòng tin, sự tín nhiệm và thương yêu của nhân dân. Tận tâm, tín tâm và tận hiến - là thể hiện sự trung thực, nhất quán của quyết tâm trong hành động và lối sống, chứ không phải chỉ là lời hứa, câu nói. Đó cũng là sức mạnh của cả ý chí lẫn tình cảm để không màng danh lợi, đứng ngoài vòng danh lợi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động, để từ tuổi trẻ thanh niên đã lựa chọn “ham học, ham làm, ham tiến bộ”, “không ham làm quan to” như Người căn dặn. Phải thức tỉnh về nghĩa vụ và trách nhiệm, ý thức tự bảo vệ lương tâm và danh dự, giữ liêm sỉ trước mọi sự cám dỗ thường tình. Người nói rõ, nhân dân đóng thuế để chính phủ có tiền trả lương cho ta. Làm việc cẩu thả, lười biếng, vô trách nhiệm là lừa gạt nhân dân. Tham lam là một thói xấu, rất đáng xấu hổ. Tham ô, tham nhũng là có tội với dân, với nước, là tội ác và phải quyết trị cho bằng được, phải tẩy sạch cái tội phản dân, phản quốc đó.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, gốc rễ sâu xa của mọi thói hư tật xấu là do chủ nghĩa cá nhân gây ra, phải quét sạch nó đi. Nhưng chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là xem nhẹ, phủ nhận cá nhân; không có nghĩa là chà đạp, giày xéo lên cá nhân với những lợi ích, nhu cầu, cá tính, sở trường của họ. Mỗi cá nhân là một nhân cách - không có cá nhân sẽ không thành tập thể và xã hội. Người luôn nhấn mạnh, “phê bình việc, không phê bình người” (tức là không xúc phạm nhân cách của họ). Lại phải thấu lý đạt tình, “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Phải khéo léo thức tỉnh con người, làm cho mỗi người định hình thói quen, nhu cầu tự phê bình như rửa mặt hằng ngày. Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng con người và dùng người phải công phu tỷ mỷ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Đó là khoa học và nghệ thuật, sâu xa đó là văn hóa làm người, văn hóa trong việc dùng người. Nghiêm mà rộng lòng khoan thứ. Thương yêu, bảo vệ cán bộ thì phải thường xuyên giáo dục, đồng thời với kiểm tra, giám sát để cán bộ không rơi vào hư hỏng.

Giáo dục là đào tạo con người một cách toàn diện từ thể dục, đức dục và trí dục. Do đó, phải xây dựng một môi trường giáo dục và hệ thống nhà trường với đủ các điều kiện cần thiết để phát triển tự do mọi năng lực sẵn có trong mỗi con người. Đó là mục tiêu cao quý của giáo dục phát triển và chủ nghĩa nhân văn trong giáo dục. Trong phép dùng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “dụng nhân như dụng mộc”. Tài to dùng vào việc to, tài nhỏ dùng vào việc nhỏ. Phải giao việc đúng với khả năng của họ. Không có ai là vô dụng cả, chỉ có cách dùng người không đúng làm cho họ không bộc lộ, không phát huy được sở trường của mình, thậm chí còn mai một đi. Giáo dục sai lầm có thể dẫn tới sự phát triển lệch lạc về nhân cách và do đó, sẽ lãng phí nhân lực rất lớn. Bởi thế, trong giáo dục và trong công tác thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng phương pháp. Dùng người tài càng phải như vậy. Nhân tài là vốn quý, là thứ hiếm. Nhân tài rất cần cho việc kiến quốc, chỉ có thiếu chứ không bao giờ thừa. Người tài ở ngay trong nhân dân, nên phải động viên nhân dân phát hiện nhân tài để Chính phủ sử dụng, trọng dụng vào việc ích quốc lợi dân. Khéo dùng thì nhân tài sẽ phát lộ, phát triển, do đó phải tạo ra “đất” cho người tài dụng võ. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, dùng người phải chí công vô tư, không hẹp hòi, thành kiến, đố kỵ. Phải hiểu người để dùng người cho đúng. Vì vậy, cần có trí tuệ, tầm nhìn, có tấm lòng thành thật, đem lòng thành mà cảm hóa, lôi cuốn, hội tụ các tài năng vào việc lớn của cách mạng, của dân, của Đảng.

Từ khóa » Ví Dụ Về Tài Và đức