Đừng Bắt Bộ Trưởng Dắt Trâu đi Cày - Báo Thanh Tra

Ngày 15/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao quyết định của Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và giao quyền Bộ trưởng Y tế tại Quyết định số 839 - QĐ/TTg đối với bà Đào Hồng Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh ủy Bắc Ninh.

Bà Lan sinh năm 1971, quê ở Hải Dương, là thạc sĩ kinh tế, từng làm Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Phó văn phòng, Chánh văn phòng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, rồi thứ trưởng Bộ LĐ -TB&XH trước khi được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2015-2020. Sau đó bà Lan được bầu giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025.

Việc bà Lan được bổ nhiệm Quyền Bộ trưởng Y tế rất được dư luận quan tâm, bởi lẽ chiếc ghế Bộ trưởng Y tế không những nóng, rất nóng, mà còn nhạy cảm, bởi xuyên suốt bao thập kỷ, nhiều vấn đề tồn tại của ngành Y nó như cái u, cái nhọt chưa thể giải quyết dứt điểm, nhưng lại được giao cho một người không xuất thân từ ngành Y, nói cho đúng, bà Lan là "người ngoại đạo".

Nhưng, nếu nhìn xa hơn, có thể thấy không đơn giản mà Bộ Chính trị điều động, phân công, một người "không chuyên" về giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Không giống như lịch sử ngành Y xưa nay, cái ghế Bộ trưởng Y tế nhất định phải là người có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, qua hàng loạt vụ án liên quan đến lĩnh vực Y tế thời gian qua đã cho thấy nhiều người có trình độ chuyên ngành cực giỏi, nhưng về quản lý họ lại gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Còn thấp hơn, đó là Giám đốc CDC các tỉnh thành, rồi các BV tuyến Trung ương, như Nguyên Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, Nguyên GĐ BV Bạch Mai, BV Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và hàng loạt giám đốc các bệnh việc khác, họ đều là những chuyên gia hàng đầu trong Y học, nhưng lại không thật sự giỏi về quản lý.

Ở nước ngoài, giám đốc quản lý bệnh viện thường là người đã học rất bài bản về tài chính – quản trị, bác sĩ giỏi thường chỉ giữ cương vị giám đốc về chuyên môn. Giống như hệ thống các bệnh viện tư nhân nhiều năm qua rất phát triển, nhiều bệnh viện đã dần nâng tầm được thương hiệu, mặc dù chi phí dịch vụ rất đắt đỏ nhưng lại được nhiều người dân lựa chọn. Có được những thành công đó không phải những bệnh viện tư có chủ tịch Hội đồng quản trị, có giám đốc là những giáo sư, tiến sỹ giỏi, mà nhờ vào những doanh nhân có trình độ, chuyên môn về quản trị tốt, còn việc khám, chữa bệnh cho khách hàng là việc của đội ngũ Y, bác sỹ được họ tin dùng, và tất nhiên, họ không để những tồn tại, hạn chế của ngành y tế công len lỏi, tồn tại trong hệ thống y tế tư nhân, đó là nhân tố quyết định sự sống còn của họ.

Bàn về chuyên môn, bà Lan không xuất thân từ ngành Y, không học Y dược, nhưng không thể nói bà Lan không có kinh nghiệm và chưa va chạm lĩnh vực này, mà ngược lại bà là người từng có kinh nghiệm về quản lý, điều hành lĩnh vực này.

Bằng chứng là đầu tháng 5/2021, trong đợt bùng phát dịch Covid.19, Bắc Ninh là một trong hai tỉnh (cùng với Bắc Giang) phải đối đầu với làn sóng dịch Covid.19 rất phức tạp và khốc liệt, sau này mới đến Bắc Giang và các tỉnh thành khác. Lúc đó, phương án chống dịch của các địa phương thường áp dụng là phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập, nhưng đối với một địa phương có tới 10 khu công nghiệp, 26 cụm công nghiệp với khoảng nửa triệu công nhân, người lao động, nếu thực hiện phong tỏa, đóng cửa nhà máy, xí nghiệp thì thiệt hại sẽ lên tới 3.600 tỉ đồng/ngày.

Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà không phải ai cũng có thể quyết định được. Mặt khác, là một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước, việc đóng cửa chống dịch sẽ vô tình đánh mất lợi thế và lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thế nhưng, tỉnh Bắc Ninh quyết định phương án không đóng cửa mà chuyển sang "3 tại chỗ', cho phép công nhân ăn, nghỉ và làm việc luôn tại nhà máy để duy trì sản xuất, giúp cho hàng nghìn doanh nghiệp thoát được sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ các cấp chính quyền, mà đứng đầu không ai khác là Bí thư tỉnh ủy, Bắc Ninh đã dập dịch thành công, điều đó giúp cho nền kinh tế tỉnh Bắc Ninh có tốc độ tăng trưởng đáng nể, Tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Bắc Ninh năm 2021 đạt trên 33,05 nghìn tỷ đồng, vượt 18,6% dự toán năm, xếp thứ 8 toàn quốc.

Sau này Bắc Ninh được coi là điển hình trong việc vừa chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế, mà những quyết sách thần kỳ đó không ai khác, đó là lãnh đạo cấp cao nhất địa phương, là Bí thư Tỉnh ủy.

Còn nói về lĩnh vực Y tế, chúng ta cũng phải nhắc tới hệ thống bệnh viện các cấp, từ cấp tỉnh đến cấp huyện, các trung tâm Y tế tại Bắc Ninh, đây đều là những đơn vị chịu sự quản lý, điều hành của Tỉnh ủy, UBND, mà đứng đầu vẫn là Bí thư Tỉnh ủy, do đó nếu cho rằng bà Lan không có kinh nghiệm quản lý, điều hành về lĩnh vực này là hoàn toàn sai lầm.

Liên quan đến vấn đề đấu thầu, mua sắm tại các đơn vị thuộc Bộ Y tế, xưa nay người ta không lạ gì mớ quan hệ chằng chịt giữa nhiều đơn vị với các doanh nghiệp cung ứng, mà bằng chứng là hàng loạt vụ án liên quan đến sai phạm trong thời gian qua bị khởi tố. Do đó không ngẫu nhiên mà Bộ Chính trị đưa bà Lan về Bộ Y tế, đây có thể khẳng định là một trường hợp ngoại lệ được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó, chứ không phải dựa dẫm vào sự giúp sức của các doanh nghiệp ngành Y, và chắc chắn khi đã không vướng vào những lợi ích nhùng nhằng có tính ràng buộc đó, chúng ta có quyền hy vọng vào những quyết sách hợp lòng dân, vì nhân dân phục vụ trong thời gian sắp tới của vị Tân Bộ Trưởng.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Là Bộ đầu ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe toàn dân, gánh nặng của người thuyền trưởng là rất nặng nề, trong khi hàng loạt vấn đề thời gian qua của Bộ Y tế đang được dư luận đặc biệt quan tâm, mà để giải quyết được những tồn tại đó không phải ai cũng dám nhận, đặc biệt là giai đoạn này, do đó việc dám nhận nhiệm vụ, dám ngồi vào một chiếc ghế "đang có lửa cháy âm ỉ" là một quyết định quá liều lĩnh, nhưng qua đó người ta thấy tố chất của một người Đảng viên đầy bản lĩnh.

Nói vậy không phải là đánh đồng cho việc người đứng đầu ngành Y không cần chuyên môn, mà ngược lại nếu giỏi cả chuyên môn lẫn quản lý thì còn gì bằng. Nhưng trong thời điểm này biết tìm đâu ra được người giỏi cả hai vai?.

Hãy nhớ về thời điểm dịch Covid.19, lúc đó cái ghế Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn còn khuyết, để tìm được người giỏi về lĩnh vực chuyên môn lẫn quản lý còn ai hơn cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, nhưng kết cục thì như thế nào ai nấy đều rõ, đâu phải thật giỏi về lĩnh vực chuyên ngành thì sẽ thành công trong quản lý?.

Và, những tâm tư, nguyện vọng, những dấu hỏi còn bỏ ngỏ của người dân đối với vị tân lãnh đạo Bộ Y tế không phải thiếu căn cứ. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận thực tế, việc đòi hỏi khác xa với việc áp đặt. Chúng ta có quyền đòi hỏi, có quyền kỳ vọng, nhưng không ai có quyền áp đặt cho người khác "phải như thế này, phải là thế kia" để thỏa mãn sự ích kỷ của bản thân mà quên đi lợi ích của xã hội.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định tại buổi lễ Trao quyết định cho Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: "Đồng chí Đào Hồng Lan là cán bộ lãnh đạo có trình độ, năng lực, đã trải qua nhiều cương vị công tác ở cả cấp cơ sở và Trung ương. Ở những cương vị khác nhau, đồng chí không ngừng nỗ lực phấn đấu và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Việc được giao đảm nhiệm trọng trách Bí thư Ban cán sự đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế thể hiện niềm tin, sự kỳ vọng lớn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với bà Đào Hồng Lan.

Thủ tướng nhấn mạnh, đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Ban cán sự đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế là vinh dự lớn, đồng thời cũng là thách thức không hề nhỏ. Với sự tín nhiệm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, tin tưởng bà Đào Hồng Lan cùng tập thể Ban cán sự, Đảng bộ và toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế sẽ đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực khắc phục những hạn chế, tồn tại, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Từ khóa » đào Hồng Lan đào Hồng Tuyển