Dùng Bông Gòn Gom Dầu Loang Trên Mặt Nước - Tiền Phong

Dùng bông gòn gom dầu loang trên mặt nước ảnh 1
Từ trái sang: Thoàn, Hoàng, thầy Hải, Duy

Phan Phước Duy, Trần Trung Hoàng, Võ Phi Thoàn (HS lớp 10A2, trường THPT An Lạc Thôn, Kế Sách, Sóc Trăng) vốn là bạn học và thân nhau từ thuở cấp 2.

Tự nhận mình là cư dân của vùng “nông thôn sâu” (vùng sâu, vùng xa) nhưng khi nói chuyện, cả 3 đều lộ rõ sự ham thích tìm tòi nghiên cứu khoa học.

Thoàn kể: “Mùa mưa, đường lầy lội nên tụi em không thể đi xe đạp đến trường được mà phải đi đò. Bắt gặp những khu vực mặt nước bị dầu loang, tụi em cứ ước giá như gom được hết dầu.

Thật tình cờ, có lần tụi em nhìn thấy bông gòn (một loại cây giống như cây gạo ở miền Bắc) rơi xuống mặt nước. Bông gòn trôi đến đâu thì mặt nước sạch dầu đến đấy”.

Hiện tượng trên sẽ chỉ dừng lại ở mức độ quan sát của những bạn HS thông minh đó nếu như tháng 9/2006 trường THPT An Lạc Thôn không phát động cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” do Bộ GD&ĐT, Bộ TN&MT, Báo Khoa học & Đời sống đồng tổ chức.

Duy, Hoàng và Thoàn quyết định tham gia dự thi với công trình nghiên cứu khoa học “Gòn - “bông băng” cho nước nhiễm dầu”.

Từ năm 1997, giải thưởng Stockholm về nguồn nước thế giới (một giải thưởng có giá trị dành cho các nhà khoa học) được mở rộng đối tượng xét giải đến học sinh trung học trên toàn thế giới.

Từ đó, cuộc thi này được ví như một giải Nobel dành cho HS. Việt Nam bắt đầu có học sinh tham dự cuộc thi này từ năm 2003.

Để tuyển chọn HS sang Thụy Điển tranh tài, hàng năm Bộ GD&ĐT, Bộ Tài nguyên và môi trường và Báo Khoa học & Đời sống tổ chức cuộc thi quốc gia “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước dành cho học sinh THPT và trung học nghề”.

Cuộc thi năm nay đã thu hút 1.221 bài dự thi của HS từ 22 tỉnh/ thành trên toàn quốc.

Chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất (công trình sẽ được đưa đi thi tài ở Thụy Điển), 2 giải nhì và 6 giải ba cho các cá nhân và các nhóm tham gia.

Thầy Nguyễn Ngọc Hải - GV môn Sinh vật, trường THPT An Lạc Thôn - là những người giúp các em về mặt phương pháp trong quá trình nghiên cứu.

Duy nói: “Vùng tụi em là “nông thôn sâu”, tài liệu, sách vở rất thiếu thốn. Do đó việc nghiên cứu rất khó khăn. May mà có thầy nhiệt tình chỉ dẫn cách làm các thí nghiệm, cách phân tích số liệu để tìm ra kết quả tốt nhất”.

Để tăng tính thuyết phục cho bông gòn, các em đã tìm đến một số vật liệu khác cũng tơi xốp nhẹ khi phơi để thử nghiệm như bã mía, xơ dừa. Những thí nghiệm ban đầu thật bất ngờ.

Khi thả 3 vật liệu trên vào dầu, cả xơ dừa, bã mía cũng như bông gòn đều hút dầu rất nhanh. Nhưng khi thả 3 vật liệu vào môi trường dầu lẫn nước, bã mía và xơ dừa hút nước rất nhanh. Trong khi đó, bông gòn lại không hút nước.

Khi đã khẳng định được bông gòn là vật liệu hút dầu trên mặt nước ưu việt nhất, 3 cậu HS lớp 10 ấy đã thử nghiệm trực tiếp trên một con rạch. Kết quả rất khả quan: Lượng bông gòn phải sử dụng không nhiều nhưng dầu loang thì được hút hết.

Chỉ cần một lượng bông gòn khoảng 300gr là đã có thể hút hết lượng dầu loang (mức độ loang trung bình) của con rạch đó.

Vì vậy, sau khi các em làm đề tài xong, trường THPT An Lạc Thôn đã phát động HS quyên gòn (cây gòn có rất nhiều ở khu vực các em HS của trường sống, hầu như nhà nào cũng trồng gòn) phát cho các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu dọc các con sông, rạch để họ xử lý dầu loang.

Phan Phước Duy, Võ Phi Thoàn, Trần Trung Hoàn còn là 3 HS giỏi của lớp 10A2 trường THPT An Lạc Thôn. Điểm trung bình tất cả các môn năm học 2006 - 2007 của các em đều ở mức 8,6 - 8,7.

Đều học giỏi môn Sinh và môn Hóa, cả 3 em đều mơ làm bác sĩ hoặc GV dạy Hóa học. “Còn nghề bảo vệ môi trường thì sao?”.

Hoàn mỉm cười: “Thú thật, trước cuộc thi, tụi em cũng không biết có những người chuyên làm nghề bảo vệ môi trường. Nhưng em nghĩ, bên cạnh những nhà bảo vệ môi trường chuyên nghiệp thì bất kỳ ai, làm nghề gì cũng có thể tham gia bảo vệ môi trường”.

Quý Hiên

Từ khóa » Cách Vớt Dầu