Đừng Coi Nhạc Cổ điển Là Nhạc 'bác Học' | Tin Tức Online
Có thể bạn quan tâm
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi trang báo này đến tay bạn đọc, gala Giai điệu mùa thu lần V, 2009, tập hợp một đội ngũ nghệ sĩ hàn lâm có vị trí quốc tế biễu diễn tại TP.HCM.
- Thấy anh rất sốt sắng muốn được uống cà phê Việt Nam, vậy ngoài cà phê, anh còn “thèm” những gì khác ở quê nhà mà ở nước Cộng hòa Macedonia, nơi anh đang sinh sống và làm việc, không có?
(Cười) Tôi ghiền cà phê, về nước được thưởng thức cà phê Việt Nam thì còn gì bằng! Vì lịch làm việc khá dày nên tôi còn “thèm” đi chơi. Lần này, mới về được hai tuần, tôi đã đi làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), làng gốm Phù Lãng, Thổ Hà (Bắc Ninh). Còn khi đã đặt chân đến Hà Nội là tôi sẽ đi bộ khắp các khu phố cũ, nhất là về đêm, tự mình chụp ảnh, tìm kiếm những điều mới lạ và cũng là để ôn lại những gì đã gắn bó từ thuở xưa. Tôi ngủ ở khách sạn, nhưng cứ khoảng 6 giờ mỗi sáng đều về qua nhà mình ở phố Hàng Thùng, cùng bố (nhạc sĩ Hoàng Vân) đi dạo một vòng Hồ Gươm, rồi kết thúc bằng việc ngồi ở quán cà phê mà hai bố con tự đặt tên là “Ba cây khế” (vì nó có ba cây khế).
Bây giờ phố xá nhộn nhạo quá khiến tôi ít đi dạo lang thang hơn. Nhưng dẫu thế tôi cũng không thất vọng, vì trong sự phát triển như hiện nay, khó tránh khỏi những điều đó.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi
- Anh “thức khuya dậy sớm” như thế thì xem ra hơi ít phong cách và “phẩm chất” nghệ sĩ đấy…
Tôi chỉ ngủ khoảng 4 – 5 tiếng mỗi ngày, nhưng mọi sinh hoạt đều rất điều độ. Tôi là một nghệ sĩ và còn là một nhà sư phạm, vì thế đôi khi tôi như cái gương để người khác nhìn vào. Chất “nghệ sĩ” đối với tôi là thể hiện qua tác phẩm, khi mình đứng trên sân khấu hoặc thính phòng, trước các nhạc công và khán giả. Còn kể cả khi dàn dựng tác phẩm, tôi cũng không lấy phong cách hay lối sống “nghệ sĩ” vào công việc. Người nhạc trưởng mà “nghệ sĩ” hay phóng túng, ngẫu hứng quá thì không ai nghe đâu (cười).
- Công chúng có thể dựa vào điều gì để đánh giá tài năng một nhạc trưởng?
Trước hết là sự đánh giá của chính các nhạc công sau hai, ba buổi dàn dựng tác phẩm trên tổng phổ. Sự cộng tác và tâm sức của dàn nhạc dồn vào tác phẩm đến đâu thì mức độ thành công của nhạc trưởng được “đo” đến đó.
Điều quan trọng nữa là thông qua đánh giá của công chúng. Người xem, người nghe có thể đóng góp, khen ngợi hoặc chỉ trích. Tôi không ngại sự chỉ trích, vì không có gì toàn vẹn cả. Nếu sự chỉ trích dưới góc độ thiện chí, tích cực thì rất có ích, người nhạc trưởng sẽ nhận được rất nhiều thông tin có giá trị để hoàn thiện mình.
- Anh có bí quyết nào về việc tạo sự gắn kết giữa mọi người, khi một dàn nhạc thường có hàng trăm người với hàng trăm cá tính?
Tôn chỉ của tôi là “lạt mềm buộc chặt”. Khi thuyết phục mọi người, dù mình là người chỉ huy, cũng không thể nặng lời được. Khi nhạc công tỏ vẻ sợ hay ghét mình thì nhất định họ sẽ không đánh hay. Phải kiên trì, nhẫn nại, nghiêm nhưng không “dữ”.
Có thể một câu nhạc, mình muốn người nhạc công đánh đi đánh lại năm đến mười lần. Nếu biết cách thuyết phục thì người ta sẽ đánh lại, còn không thì người ta nhăn mặt, bảo mình đang hành họ. Nhạc trưởng cũng cần là nhà tâm lý, biết đoán trước tình hình xảy ra. Nếu thấy không khí hơi “căng” thì cần biết đùa, để cùng xả hơi, mọi người thấy thư giãn hơn rồi mới có thể tập tiếp.
Người nhạc trưởng cũng giống như đạo diễn, khi làm việc, đầu óc chia làm nhiều mảng để có thể kiểm soát được những thành viên trong dàn nhạc hay trong êkíp của mình, thực hiện đúng ý đồ tác phẩm và truyền được cảm hứng của mình tới nhạc công và cảm hứng từ mình tới khán giả.
Sức thuyết phục lớn nhất ở người nhạc trưởng chính là sự hiểu biết về tác phẩm, về tính năng của mỗi loại nhạc cụ. Lời nói cũng như mỗi khi cây đũa trên tay anh ta vung lên, phải thu hút sự tập trung chú ý và phải có sức thuyết phục.
- Việt Nam không có truyền thống về nhạc cổ điển. Điều đó có bao giờ gây khó khăn đối với một nhạc trưởng người Việt như anh, khi chỉ huy nhiều dàn nhạc lớn ở các nước phương Tây?
Tôi không thấy có gì khó khăn, cản ngại mà ngược lại, tôi thấy đó là thế mạnh của mình. Người Việt Nam vốn nhẫn nại. Bên cạnh sự hiểu biết, thì mình nhẫn nại, cần cù, chịu khó, cộng với vốn văn hóa dày dặn thì dễ thuyết phục người ta. Khi đến làm việc với nhiều dàn nhạc, ban đầu gặp tôi, nhiều khi họ tỏ vẻ ngạc nhiên thấy mình trẻ thế, chưa nghe mình, nhưng sau ít phút làm việc, cái nhìn của họ sẽ thay đổi, rồi qua một hai buổi tập, họ sẽ thân thiện với mình. Lúc đó không có khái niệm anh là người Việt Nam hay là người châu Âu nữa, chỉ còn là anh làm việc có thuyết phục hay không.
Người nghệ sĩ như chúng tôi đi lưu diễn càng nhiều càng tốt. Được chỉ huy nhiều dàn nhạc khác nhau là một điều rất thích thú, giúp mình luôn được đến với môi trường mới, có sự tươi mới hơn. Điều cuối cùng một người chỉ huy phải làm là biến dàn nhạc thực sự trở thành một nhạc cụ của người nhạc trưởng.
- Xem ra anh tự hào về vẻ bề ngoài rất trẻ so với tuổi 42 của mình. Theo anh, nhờ đâu mà anh “trẻ hơn tuổi” thế?
Mình làm nhiều việc, đặt sự hứng thú vào đó thì sẽ không có thời gian để già. Cuộc sống của tôi không thiếu thốn và tôi luôn tìm thấy hạnh phúc trong gia đình của mình. Tôi cũng đủ tự tin về chuyên môn. Tôi hiểu rõ vị trí và tài năng của mình chưa phải là đỉnh cao thế giới, nhưng tôi bằng lòng với con đường sự nghiệp của mình.
Chính tình yêu của các nhạc công dành cho tôi cũng như sự bồi đắp cho mình sự trẻ trung. Chứ nếu 80 con người không thích mình thì làm sao mà người nhạc trưởng có thể thoải mái làm việc.
Sự trẻ lâu cũng là do trí óc và thể lực được rèn luyện thường xuyên. Bạn thử giơ tay lên xuống một ngày 6 – 8 tiếng xem, nếu không có sức khỏe tốt thì không làm được đâu.
- Sau nhiều năm về biểu diễn trên quê nhà, anh thấy văn hóa thưởng thức âm nhạc của khán giả Việt Nam có gì biến chuyển?
Ngày trước, trong khi biểu diễn đôi khi tôi còn bị phân tâm bởi tiếng điện thoại, tiếng nói chuyện ồn ào hay những khán giả ăn mặc thiếu lịch sự, đến nay đã bớt đi nhiều. Ở đâu cũng thế, khó có thể tránh khỏi những người lạc lõng. Điều này phải thay đổi dần vì Việt Nam chúng ta chủ yếu giáo dục qua truyền khẩu, chứ chưa giáo dục âm nhạc cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác một cách bài bản từ bé.
- Tại sao anh không coi nhạc cổ điển, nhạc giao hưởng thính phòng là loại âm nhạc “hàn lâm, bác học” như đa số công chúng Việt Nam vẫn hay nghĩ thế?
Nhạc cổ điển hay giao hưởng thính phòng cũng là để con người giải trí, thư giãn. Việt Nam hiểu “giải trí” là tầm thường nhưng các nước phương Tây không nghĩ thế. Các bà mẹ mang bầu còn hay bật nhạc cổ điển để đứa bé sau này thông minh hơn và có khả năng thẩm âm tốt hơn cơ mà.
Nói nhạc cổ điển là thứ nhạc “hàn lâm, bác học” cũng không đúng vì nó sẽ tạo nên sự xa cách. Quan điểm đó là cực kỳ phong kiến. Con người càng vĩ đại thì càng gần quần chúng, càng giản dị, dễ hiểu.
Bây giờ nhạc cổ điển cũng cần biết thay đổi sao cho gần gũi với những đối tượng khán giả khác nhau, không gian và sự kiện khác nhau. Nhạc cổ điển cũng cần được làm mới, có sự biến tấu, ví dụ pha trộn vào đó những thể loại âm nhạc khác hay đưa nghệ thuật trình diễn sắp đặt vào. Ngay chuyện ăn mặc, bây giờ cả dàn nhạc cũng không cần phải mặc toàn đồ đen xì, áo đuôi tôm cứng nhắc nữa mà có thể mặc áo có nhiều hoa văn, họa tiết, thậm chí đi giày cao bồi… Điều quan trọng là sân khấu phải sinh động và khán giả thấy thích thú, không tạo cho họ cảm giác nhàm chán.
- Anh đánh giá như thế nào về một số thể nghiệm với nhạc cổ điển ở Việt Nam: ca sĩ Mỹ Linh ra album Chat với Mozart, dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trình diễn những bản nhạc phim quen thuộc?
Cho dù vẫn còn nhiều người chỉ trích, nhưng tôi chắc rằng nhiều khán giả sẽ thích. Cái gì làm khán giả cười, buồn, vui, khóc được đều tốt, cần lưu ý. Hãy tiếp tục sáng tạo nhiều hình thức hơn nữa để nhạc cổ điển trở nên sinh động hơn. Thế giới họ đã làm những điều này rất nhiều rồi. Có điều, Việt Nam bắt đầu làm nhưng chưa tới, vì phải thăm dò phản ứng và cần có nguồn kinh phí không nhỏ.
- Người ta vẫn than phiền rằng Việt Nam chưa có lớp công chúng biết nghe nhạc cổ điển, anh có thấy thế không?
Theo tôi là có và ngày càng nhiều người muốn nghe, vì nhu cầu giải trí, thưởng thức; chỉ tội chúng ta chưa biết cách làm marketing cho nó. Có sản phẩm tốt rồi thì phải biết bán hàng, biết tổ chức truyền thông, quảng bá cho nó. Vé xem nhạc cổ điển ở nhà hát lớn thấp hơn rất nhiều vé xem những chương trình khác mà toàn vé cho, vé biếu là chủ yếu.
Cần có những người biết kinh doanh – có thể gọi là manager – và không nhất thiết phải rành nhạc cổ điển. Họ sẽ có đôi tai biết lắng nghe thị trường chuyển động thế nào, phục vụ công chúng ra sao và phải biết làm nhạc rất hay thì mới có thể bán được.
Mặt khác, cũng cần có sự nâng đỡ của xã hội. Một đất nước có ít dàn nhạc hơn rất nhiều so với những nhóm nhạc, ban nhạc, phải coi đó là vốn quý.
- Xem ra anh đánh giá rất cao vai trò của người có khả năng kinh doanh âm nhạc? Và theo cách anh nói thì ta có thể xuất khẩu âm nhạc?
Chúng ta có thể bán nhạc dân gian, nhạc truyền thống, cũng có thể một chút nào đó là các thể loại nhạc đại chúng khác nữa ra thế giới, nhưng không bán được nhạc cổ điển vì đây không phải là thế mạnh của mình. Đã đến lúc chúng ta phải bán được sản phẩm văn hóa của mình chứ không phải văn hóa chỉ để đem tới các cuộc giao lưu giữa các nước, trong vài dịp nào đó và chỉ phục vụ được số ít người.
Sẽ mất nhiều công sức để làm được việc này. Từ vấn đề tổ chức, nhân sự, chuyên môn. Phải mời được êkíp đúng nghĩa giỏi, đúng người đúng việc, chứ không phải dựa trên quan hệ cá nhân mà cất nhắc nhau.
Ý thức, tác phong làm việc cũng cần thay đổi. Không làm được thì sẽ bị thay thế, không có chuyện “xin lỗi, hôm nay tôi đến muộn...”
- Đã có rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam khẳng định được tài năng của mình trên thế giới về chơi và sáng tác nhạc cổ điển như Nguyễn Thiện Đạo, Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh, Bích Trà, Hữu Nguyên, Bùi Công Duy, Lưu Hồng Quang… Phần lớn tên tuổi của họ vang danh về trong nước là nhờ đã đoạt các giải thưởng âm nhạc quốc tế. Riêng anh, anh nhìn nhận giá trị của những nghệ sĩ thành danh bên ngoài ấy thế nào?
Việc nhiều nghệ sĩ đoạt được các giải thưởng khác nhau ở bên ngoài, bên cạnh tài còn có may. Có nhiều nhạc sĩ hay nhạc công có thể tài năng hơn nhưng thiếu may mắn nên họ không đoạt giải, nên giải thưởng chỉ có tính tương đối.
Những người như bạn vừa nêu ở nước ngoài họ cũng có những vị trí rất trân trọng trong xã hội. Tất nhiên, để đoạt được những giải thưởng như thế, họ không thể kém; chỉ có điều ở nước ngoài thì người đoạt giải như họ nhiều hơn, còn ở Việt Nam hiếm hơn nên tự nhiên họ trở thành “thánh sống”.
Tôi luôn yêu quý và tự hào vì Đặng Thái Sơn là người Việt Nam, nhưng song song với Đặng Thái Sơn thì trên thế giới có rất nhiều. Chính Đặng Thái Sơn cũng không có ý coi mình là quá kỳ vĩ như thế.
Khi đánh giá về một nghệ sĩ thì sự vĩ đại hay giá trị của họ thể hiện chính xác nhất qua tiếng vỗ tay của khán giả và tấm vé thực sự được bán ra qua mỗi chương trình biểu diễn.
- Mục tiêu gần nhất của anh?
Điều tôi vẫn ấp ủ là làm sao đóng góp được sức lực của mình cho quê hương, đất nước. Những mưu cầu của đời sống đối với tôi đủ rồi. Tôi có người vợ đảm đang, chịu thương chịu khó còn… hơn cả một phụ nữ Việt Nam! Cô ấy là người Macedonia, chơi violon trong dàn nhạc mà có tám năm tôi là “sếp”. Vợ khiến tôi luôn thấy mình được giúp đỡ, dù có về Việt Nam thế này tôi vẫn thấy yên tâm tuyệt đối. Rồi chúng tôi sẽ cùng về Việt Nam sinh sống.
Còn trong lúc chưa về Việt Nam, tôi đã mời nhiều nghệ sĩ Việt Nam thành danh ở nước ngoài như anh Đặng Thái Sơn hay chị Bích Trà, hoặc các nghệ sĩ như Hoàng Quân, Vương Thanh… từ Việt Nam sang Macedonia biểu diễn. Kế hoạch của tôi là sẽ tiếp tục đưa dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sang đây. Cũng chưa bao giờ tôi để mất liên lạc với các anh chị em nghệ sĩ ở quê nhà, vì tôi muốn cùng mọi người làm bất cứ điều gì để đóng góp cho quê hương nếu có thể.
- Điều gì ở cha anh – nhạc sĩ Hoàng Vân – có ảnh hưởng đến anh?
Tất cả những gì tôi có ngày hôm nay đều là sự ảnh hưởng của bố tôi, đặc biệt là khả năng âm nhạc. Tôi luôn nhớ lời bố, rằng mình có thể bằng lòng với đời sống riêng nhưng không bao giờ nên bằng lòng với công việc, với sáng tạo nghệ thuật. Bao giờ mình cũng cần nhận thấy cái chưa được, cái dở trong đó để khắc phục, để tiếp tục làm tốt hơn về sau.
Nhạc sĩ Quốc Trung:
“Lê Phi Phi là một người bạn rất tình cảm, đến mức… ủy mị. Còn trong công việc, Phi rất nghiêm túc và kỹ tính đến mức cực đoan. Góp ý của tôi với bạn là hãy chăm chỉ về Việt Nam hơn nữa!”
Nghệ sĩ violon Bùi Trị Điền:
“Phong cách chỉ huy của Lê Phi Phi khác với một số nhạc trưởng Việt Nam cũng được đào tạo ở nước ngoài. Tính chuyên nghiệp cao, sự tinh tế trong việc dàn dựng tác phẩm, sự nhẫn nại, bền bỉ và tâm huyết của anh được chứng minh bằng kết quả của những đêm diễn do anh chỉ huy”
Nghệ sĩ piano Nguyễn Trọng Linh (Phần Lan):
“Anh Phi rất chú tâm rèn luyện chuyên môn, biết cách “lấy lòng” mấy chục nhạc công trong dàn nhạc một lúc (vốn là một điều rất khó) và vì thế, thật dễ hiểu khi anh đạt được hiệu quả cao trong công việc”
Ảnh NTMKN Quyền
Theo Bùi Dũng
Từ khóa » Dòng âm Nhạc Bác Học Là Gì
-
Có Hay Không Nhạc Bác Học?
-
Nhạc Bác Học đã đến được Công Chúng
-
'Nhạc Cổ điển Không Phải Là Nhạc Bác Học' - VietNamNet
-
Khi Dòng Nhạc “bác Học” Xuống Phố
-
Âm Nhạc Cổ Truyền Xứ Huế, Trong Mối Quan Hệ Bác Học Và Dân Gian
-
Nhạc đương đại – Wikipedia Tiếng Việt
-
Âm Nhạc - Music_duyhn - Nhạc Hàn Lâm Có "quý Tộc ... - Facebook
-
Nhạc Cổ điển - Một Dòng Nhạc Bác Học - Facebook
-
Chu Minh - Nhạc Sĩ... Bác Học - QĐND Cuối Tuần
-
Phổ Biến, Truyền Bá âm Nhạc Hàn Lâm Cho Công Chúng Hiện Nay
-
Tội Nghiệp Mỹ Linh, Tội Nghiệp Nhạc Bác Học - Gia đình
-
3 Lý Do Khiến Nhạc Giao Hưởng Dù Tuyệt Vời Nhưng Vẫn Kén Người ...
-
Cây đại Thụ Của Dòng Nhạc “bác Học”