Đừng Dạy Florentino Perez Tiêu Tiền - CAND

  • Real Madrid sạch bóng "canterano" trong nỗi nhớ Castilla
  • 1h45 hôm nay, chung kết Champions League, Real Madrid - Atletico Madrid: Thắng hay là... hận?
  • Real Madrid kẻ về nhì khiến nhiều người ngả mũ1

Khi tiền đạo Christian Vieri chuyển từ Lazio đến Inter Milan với mức phí 32 triệu Bảng - kỉ lục chuyển nhượng của bóng đá thế giới ở thời điểm năm 1999, Giáo hoàng Jean Paul II đã gọi đó là "một sự phỉ báng đối với người nghèo". Hẳn vị Giáo hoàng quá cố sẽ không thể tưởng tượng ra rằng, chỉ chưa đầy 20 năm sau, con số được coi là phỉ-báng-người-nghèo ý thậm chí còn chỉ đủ để trả lương cho 1 cầu thủ trong 1 mùa, chứ nói gì đến việc sở hữu anh ta.

Người đang được nói đến ở đây là ngôi sao của Real Madrid, Gareth Bale.

Kỉ lục mới của Gareth Bale

Năm 2013, đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha đã biến tuyển thủ người xứ Wales này trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới với mức phí chuyển nhượng 85 triệu bảng từ Tottenham Hotspurs. Và đến cuối tuần qua, đội chủ sân Bernabeu lại khoác lên người Gareth Bale một kỷ lục kim tiền nữa của thế giới bóng đá.

Hôm 30-10 vừa qua, Real Madrid thông báo giữ chân thành công Gareth Bale bằng một bản hợp đồng có thời hạn đến năm 2022 (tức là dài hơn 3 năm so với giao kèo trước đây của cầu thủ này). Thật ra đây không phải là thông tin khiến nhiều người bất ngờ. Bởi Real Madrid đã lên kế hoạch giữ chân Gareth Bale từ cách đây vài tháng và hai bên đã đi đến thỏa thuận sơ bộ từ đầu tháng 10. Điều khiến người ta phải chú ý đấy là việc Florentino Perez và các bộ sậu đã dành cho Bale một bản hợp đồng quá khủng.

Được biết, mức phí giải phóng hợp đồng của bản hợp đồng này là khoảng 500 triệu euro (452 triệu Bảng), cao nhất thế giới hiện nay, thậm chí còn gấp đôi so với mức phí mà Barcelona "thách thức" những đối thủ nào muốn mua đứt Lionel Messi.

Dù vậy, đó vẫn chưa phải là điều gây sốc nhất. Bởi phí giải phóng hợp đồng thường mang tính ảo. Các CLB có thể định giá cầu thủ cao vống tùy thích mà chẳng thiệt hại gì. Thứ làm cho giới mộ điệu phải ngã ngửa chính là số tiền tươi thóc thật mà Real Madrid sẽ phải bỏ ra để trả lương cho Bale.

Florentino Perez và Gareth Bale vừa có thêm một cái bắt tay lịch sử.

Theo The Guardian, bản hợp đồng mới đã biến Gareth Bale trở thành cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới. Con số mà anh nhận được có thể lên tới hơn 600.000 Bảng/tuần, tương đương 350.000 Bảng/tuần sau thuế. Nghĩa là chưa tính thưởng, thì riêng số tiền mà Real Madrid phải dùng để trả lương Bale trong 1 năm đã lên tới hơn 31 triệu Bảng - suýt soát con số mà Inter từng chiêu mộ Vieri ngày nào.

Tất nhiên, ở đây phải đề cập đến yếu tố trượt giá của đồng tiền, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận rằng mức lương của Bale vẫn là vượt sức tưởng tượng của nhiều người. Cú áp phe ấy, một lần nữa, cho thấy sự chịu chơi của ban lãnh đạo Real Madrid, mà đứng đầu là ngài Chủ tịch Florentino Perez.

Thú vui đốt tiền của Florentino Perez

Xét về mặt bản chất, Florentino Perez không phải là ông chủ của Real Madrid, giống như trường hợp của Abramovich ở Chelsea hay nhà Glazer tại Manchester United. Nôm na là nhà tài phiệt ngành xây dựng không sở hữu đội bóng, mà ông chỉ là người được bầu lên để điều hành CLB theo nhiệm kì.

Nhưng dù vậy, tầm ảnh hưởng của ông này lên CLB hoàng gia Tây Ban Nha thì cũng chẳng khác gì những ông chủ quyền lực kia. Florentino Perez gần như quyết định mọi thứ tại Bernabeu. Hệ quả là cả 2 giai đoạn mà người đàn ông 69 tuổi này nắm quyền tại Real Madrid đều gắn với dấu ấn cực lớn của Florentino Perez. Đấy là khả năng chi tiền gần như không có giới hạn.

Tính về mức độ chịu chi thì Florentino Perez chẳng kém cạnh bất kì ai. Nếu không muốn nói là ngay cả những tay chơi cự phách nhất như kiểu Abramovich cũng phải kiêng dè ông chủ của Real.

Ưng ý là Florentino Perez sẽ móc hầu bao, bất kể tốn kém đến đâu. Cú đàm phán gia hạn hợp đồng với Bale vừa qua là một ví dụ tiêu biểu. Người ta còn tính rằng, chỉ riêng cá nhân Florentino Perez đã 5 lần phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng của bóng đá thế giới.

Đầu tiên là vụ chuyển nhượng thế kỷ, mua Luis Figo từ đại kình địch Barcelona hồi năm 2000 - năm đầu tiên ông này làm Chủ tịch Real Madrid với giá 37 triệu Bảng. Sau đó 1 năm, chính Florentino Perez tước đi kỷ lục của Figo để trao nó cho người đồng đội mới của anh này, Zidane khi trả cho Juventus 46 triệu Bảng để có được sự phục vụ của thiên tài người Pháp.

Mùa hè 2009, thời điểm Florentino Perez vừa quay trở lại đỉnh cao quyền lực tại Bernabeu (sau 3 năm rời vũ đài), ông này lại lập tức "kích hoạt" thói quen mua sắm. Lần này còn khủng khiếp hơn. Chỉ trong vòng 3 ngày, Perez tạo ra 2 kỷ lục mới của làng túc cầu.

Ngày 8-6-2009, Perez biến Kaka trở thành người phế truất kỷ lục đã tồn tại suốt 8 năm của Zidane với mức phí chuyển nhượng 56 triệu Bảng từ AC Milan. Đến ngày 11-6-2009, chính Chủ tịch của Real Madrid đã phá rất sâu cột mốc 56 triệu Bảng bằng việc mua đứt Cristiano Ronaldo từ Manchester United với mức giá 80 triệu Bảng.

Năm 2013, kỷ lục thế giới tiếp tục được Florentino Perez nâng lên mức 86 triệu Bảng với thương vụ Gareth Bale. Nếu không có việc Manchester United chiêu mộ Paul Pogba với giá 89 triệu Bảng mùa hè này thì cả 5 kỷ lục cầu thủ đắt giá nhất thế giới gần đây nhất đều thuộc về Real Madrid, dưới thời Florentino Perez. Một chi tiết thừa đủ để khẳng định đẳng cấp tiêu tiền không có đối thủ của Perez.

Có thể nói, Florentino Perez là một hiện tượng chưa từng có của bóng đá thế giới. Chắc chắn trong tương lai cũng khó có ông chủ nào có thể xô đổ những kỷ lục về những vụ mua sắm tốn kém mà Perez đã tạo dựng.

Sự ghê gớm của Chủ tịch Real Madrid nằm ở chỗ ông không chỉ mua những cầu thủ với giá kỷ lục như đã liệt kê ở trên rồi…thắt lưng buộc bụng. Ngược lại, ngoài những đôi chân dát vàng ấy, Florentino Perez còn chi rất nhiều tiền cho các thương vụ khác.

Thống kê cho thấy tổng cộng trong 14 năm do Florentino Perez chèo lái, số tiền mà đội chủ sân Bernabeu đã ném vào thị trường chuyển nhượng cũng đã lên tới gần 1.4 tỷ euro, trung bình khoảng 100 triệu/mùa. Người ta tính rằng, chỉ riêng khoản ngân sách mà Perez dành cho những cầu thủ gây thất vọng, mua về chỉ để đánh bóng băng ghế dự bị cũng lên tới hàng trăm triệu euro.

Đừng dạy người giàu cách tiêu tiền

Thực tế, việc bỏ tiền ra mua ngôi sao xem ra không phải là vấn đề gì to tát đối với Florentino Perez. Vì đó không phải là tiền túi của vị Chủ tịch này, mà nó là tiền của CLB. Trong khi đó, những thành công mà Real Madrid thu được thì lại làm tăng danh tiếng, tầm ảnh hưởng của cá nhân Perez.

Điều đó đương nhiên rất có lợi cho công việc làm ăn riêng của tỷ phú trong lĩnh vực xây dựng này. Do vậy, những cú áp phe tại Real Madrid là những thương vụ mà Florentino Perez hoàn toàn không phải cầm đằng lưỡi. Chưa kể, về mặt kinh doanh thì phải có đầu tư thì mới có lợi nhuận.

Dù từng tỏ ra thân thiết với Ronaldo, nhưng Florentino Perez lại đang cự tuyệt CR7.

2 năm sau khi mang về David Beckham, Real trở thành đội bóng giàu nhất thế giới, và sau khi sở hữu Cristiano Ronaldo, lợi nhuận đã tăng vọt, lên tới hơn 40% so với Manchester United. Kể từ khi làm Chủ tịch CLB năm 2000, Florentino Perez đã thiết kế ra một mô hình biến Real thành đội bóng kiếm được nhiều tiền nhất thế giới. Mô hình đó được gọi là "Disney hóa", với sự phát tán rộng rãi hình ảnh CLB qua rạp phim, DVD, áo đấu, các buổi hòa nhạc hay thậm chí búp bê...

Những chiến lược marketing và phát triển bất động sản biến Bernabeu thành SVĐ đắt giá nhất ở Tây Ban Nha, và tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lợi nhuận thu về từ các trận đấu.

Theo Deloitte - một hãng chuyên thống kê và phân tích chuyện tài chính của các câu lạc bộ lớn - mùa giải 2001 Real kiếm được khoảng 140 triệu đô-la, còn đến mùa 2012-2013 con số này đã là 665 triệu đô-la. So sánh cùng kỳ, Manchester United - CLB vẫn được coi là nhiều CĐV nhất thế giới chỉ tăng trưởng doanh thu từ 220 triệu lên 515 triệu đô-la.

Việc đặt lên bàn cân trực quan như vậy đã cho thấy Real đã thành công lớn đến thế nào trong việc kiếm tiền từ dàn sao của mình. Dòng tiền của Real trên thực tế đã luân chuyển và sinh sôi rất hiệu quả để bảo đảm cho CLB mua những cầu thủ mong muốn.

Tiêu biểu như thương vụ James Rodriquez. Mùa hè 2014, Florentino Perez khiến cả làng bóng đá choáng váng khi "bạo chi" 63 triệu bảng để có được chữ ký của tiền vệ người Colombia - người khi ấy chỉ vừa tỏa sáng ở World Cup 2014, và bị cho rằng cần thêm thời gian để kiểm chứng. Song Perez có cái lí của riêng mình.

Với vẻ ngoài điển trai và hiền lành, James Rodriquez nhanh chóng giúp CLB thu về 20 triệu Bảng chỉ sau 2 ngày sở hữu anh. Số tiền kếch xù ấy đến từ hoạt động bán áo đấu của ngôi sao mới tại sân Bernabeu. Các nhân viên trong cửa hàng phải hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu của CĐV.

Trung bình cứ 1 phút là họ lại bán được 15 cái áo. Chỉ trong 48 tiếng đồng hồ, đã có hơn 345.000 chiếc áo số 10 được bán , đem về lợi nhuận 20 triệu bảng cho Real Madrid. Tương đương với kỷ lục bán áo đấu của siêu sao số 1 đội bóng Cristiano Ronaldo.

Với những cú áp phe sinh ra tiền như vậy, có thể hiểu tại sao Florentino Perez chẳng ngại ngần tiêu tiền. Ngay cả bản hợp đồng mới dành cho Garath Bale của Real Madrid cũng thể hiện sự tính toán kỹ càng của Perez. Không phải tự nhiên mà Florentino Perez chịu dành cho tuyển thủ xứ Wales đãi ngộ lớn đến vậy.

Do vi phạm các quy định về chuyển nhượng cầu thủ trẻ, 2 đội bóng thành Madrid đã bị cấm đăng ký cầu thủ mới đến tháng 1 năm 2018. Thế nên, việc giữ chân các trụ cột có ý nghĩa sống còn với Real Madrid ở thời điểm này. Gareth Bale mới 27 tuổi, giai đoạn chín nhất của sự nghiệp. Ngôi sao đang chiếm 1 vai trò quan trọng trong lối chơi của Real Madrid này hiện lại nhận được rất nhiều sự chèo kéo ve vãn. Vì vậy, Florentino Perez bắt buộc phải bạo chi để Bale toàn tâm toàn ý gắn bó với sân Bernabeu.

Khi mà Real Madrid vẫn đang thu được những kết quả tích cực trong kinh doanh cũng như gặt hái thành tích trên sân cỏ (mới nhất là chức vô địch Champions League lần thứ 11 mùa trước) thì đơn giản là Florentino Perez chẳng có lí do gì để mà thay đổi triết lí của mình.

Từ khóa » Florentino Pê Giàu Cỡ Nào