Đừng để Thốt Lên “Giá Như…” Khi đã Quá Muộn - Thành ủy TPHCM
Có thể bạn quan tâm
Những ngày qua, tốc độ tiêm chủng của TPHCM tăng lên hàng ngày, nhiều đơn vị đã rất nỗ lực, sáng tạo, thực hiện cả ban đêm nhằm sớm phủ vaccine phòng Covid-19 nhanh nhất cho người dân.
Với tốc độ tiêm khá nhanh như hiện nay, theo Sở Y tế TPHCM, nếu Bộ Y tế không kịp thời phân bổ vaccine, TP sẽ đối diện với việc thiếu vaccine tiêm diện rộng.
Trước đó, để bảo đảm tiến độ và kế hoạch tiêm chủng, TPHCM đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phân bổ vaccine cho TP 5,5 triệu liều vaccine từ ngày 5/8 và theo tiến độ liên tục đến 31/8.
Chính phủ, Bộ Y tế đang rất nỗ lực để có thể cung cấp vaccine sớm nhất cho TP. Người dân các tỉnh dù cũng luôn mong ngóng sớm có vaccine chích ngừa nhưng trong lúc này cũng sẵn lòng nhường phần mình để người dân TPHCM được chích trước.
Ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký văn bản gửi UBND TPHCM về việc sử dụng 1 triệu vaccine Vero Cell của Sinopharm do Công ty Sapharco mua. Các lô vaccine này đã được Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế tiến hành kiểm định chất lượng, đủ điều kiện để đưa ra sử dụng.
Như vậy, với số lượng 1 triệu liều vaccine này sẽ giúp cung cấp kịp thời vaccine cho TP trong điều kiện cấp bách hiện nay trong khi nguồn vaccine lại đang khan hiếm.
Hiện nay, một bộ phận người dân TP còn băn khoăn lo lắng về hiệu quả của vaccine Vero Cell của Sinopharm và có tâm lý chờ vaccine tốt hơn. Trong khi đó, tại nước bạn Indonesia tiến hành chương trình tiêm chủng quốc gia vaccine ngừa Covid-19, trong đó chủ yếu dựa vào vaccine của Công ty Sinovac, hiện đang là điểm “nóng” dịch bệnh tại châu Á cũng như của thế giới với số ca nhiễm tăng lên hàng chục nghìn ca mỗi ngày.
Tuy nhiên, cần phân tích theo số liệu cụ thể, khoa học hơn, bởi thực tế tại TPHCM và nhiều nước trên thế giới đều có các trường hợp dù đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 các loại khác nhưng vẫn bị nhiễm bệnh. Hơn nữa, tại Indonesia dù tỷ lệ nhiễm cao nhưng theo số liệu báo cáo công bố ngày 5/8 của Bộ Y tế Indonesia, tại thủ đô Jakarta, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở nhóm người chưa tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cao hơn nhiều so với nhóm đã tiêm chủng. Tỷ lệ tử vong ở những người chưa tiêm chủng là 15,5%, trong khi ở người đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine hoặc của Sinopharm, hoặc của AstraZeneca tỷ lệ này là 4,1%. Số liệu này được tổng hợp từ hồ sơ bệnh án của gần 68.000 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại thủ đô Jakarta trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2021.
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người cao tuổi tại Bệnh viện Quận 11. Ảnh: Đan NhưRõ ràng là dù vaccine Sinopharm hiệu quả không cao như kỳ vọng nhưng những dữ liệu trên là bằng chứng về tầm quan trọng của tiêm chủng trong ngăn ngừa nguy cơ tử vong và những biến chứng nặng gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức và làm việc ngày, đêm để có thể cung cấp đủ vaccine cho người dân nhưng cũng khó có thể có ngay để đáp ứng được nhu cầu cấp bách hiện nay của TPHCM. Rất nhiều các quốc gia đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung vaccine, không riêng Việt Nam.
Tâm lý lo lắng và mong được chích vaccine tốt là điều hoàn toàn hợp lý và chính đáng. Tuy nhiên, trong trường hợp cấp bách với hàng ngàn ca lây nhiễm hiện nay của TP thì không nên chờ đợi. Chúng ta đang chiến đấu và đang cố gắng chạy đua với kẻ thù vô hình nguy hiểm là biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy cơ cao gấp nhiều lần. Chúng ta có thể chờ đợi vaccine nhưng virus thì không chờ một ai, mà chúng lây lan với tốc độ cấp số nhân. Trong khi chúng ta cố gắng chờ đợi, có thể nhiều người sẽ bị nhiễm bệnh và nguy hiểm đến tính mạng.
Các loại vaccine Covid-19 tác động theo những cách khác nhau để tạo ra khả năng bảo vệ cơ thể. Nhưng tất cả các loại vaccine này đều giúp cơ thể chúng ta phát triển khả năng miễn dịch, chống lại virus gây bệnh. Vaccine là vũ khí giảm số ca tử vong và mắc Covid-19 nghiêm trọng.
Do đó, chúng ta phải trân trọng từng giờ, từng ngày, tiêm sớm nhất có thể để giảm tối đa tỷ lệ tử vong. Khi chúng ta đã có vaccine trong tay, dù là vaccine gì khi đã được WHO và Bộ Y tế thẩm định, kiểm định đạt chất lượng, cần sớm đưa vào tiêm chủng. Trong tình huống khẩn cấp, chúng ta sẽ đánh giặc với vũ khí có sẵn trong tay hay để giặc tấn công làm ta tổn thương thậm chí nguy hiểm tính mạng nhưng ta vẫn đứng chờ để có vũ khí tốt nhất?
Vaccine Sinopharm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thẩm định và nằm trong hệ thống COVAX Facility (cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19). TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, khẳng định, tất cả các vaccine đã được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp đều đã đạt yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng do WHO đặt ra thông qua tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế. WHO đã đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của vaccine Sinopharm. Vaccine Sinopharm hiệu quả, lợi ích mà vaccine này đem lại lớn hơn những nguy cơ đã được biết hoặc có thể xảy ra.
TS Kidong Park cũng cho biết, các dữ liệu tính đến ngày 6/8 cho thấy vaccine vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng Covid-19 bởi biến thể Delta, mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng. Thử nghiệm giai đoạn 3 tại nhiều quốc gia cho thấy 2 liều vaccine Sinopharm được tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả là 79% chống lại SARS-CoV-2 không triệu chứng, được tính 14 ngày trở đi sau liều thứ hai.
WHO khuyến nghị sử dụng vaccine Sinopharm dựa trên lộ trình ưu tiên của WHO, với tất cả các biến thể đang có ở Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, lô 1 triệu liều vaccine Sinopharm nhập về ngày 31/7 đã được Bộ Y tế kiểm định chất lượng và đánh giá đủ điều kiện để đưa ra sử dụng.
Mới đây, báo chí đưa tin về trường hợp anh John Eyers, 42 tuổi, là chuyên gia xây dựng ở Southport, Merseyside, Anh, đã tử vong vì từ chối tiêm vaccine là bài học để chúng ta suy nghĩ.
Nhiều bạn bè của John Eyers mô tả anh là "người cực kỳ khỏe mạnh", là "một trong những người năng động và khỏe mạnh nhất" mà họ từng biết nhưng đã tử vong vì Covid-19 sau khi từ chối tiêm vaccine. Trong lúc chống chọi với những triệu chứng nghiêm trọng của bệnh, anh John Eyers mới thừa nhận mình đã sai khi không tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ trước.
Thực tế thời gian qua, nhiều người dân TP bày tỏ mong muốn sẵn sàng tiêm bất cứ loại nào vaccine nào khi đã được WHO và Bộ Y tế cấp phép. Do đó, khi đã được Bộ Y tế kiểm định và phê duyệt, hy vọng TPHCM sớm triển khai tiêm vaccine cho người dân để giảm tối đa thiệt hại về người. Bởi tiêm vaccine là để bảo vệ bản thân và gia đình, cũng là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Ở thời điểm này, loại vaccine tốt nhất chính là loại vaccine được tiêm sớm nhất; có loại vaccine nào cũng nên chích ngay, đừng vì chờ đợi mà làm mất cơ hội của mình, cùng đừng để mình phải thốt lên câu “Giá như…” khi đã quá muộn!
Từ khóa » Thế Giới Nói Gì Về Vaccine Trung Quốc
-
Covid-19: Chúng Ta Biết Gì Về Các Loại Vaccine Của Trung Quốc? - BBC
-
TS Nguyễn Hồng Vũ: 'Cần Cẩn Trọng Hơn Khi Tiêm Sinopharm ở VN
-
Vaccine Trung Quốc - Tin Tức Mới Nhất 24h Qua - VnExpress
-
WHO Nói Gì Về Vaccine Phòng COVID-19 Của Sinopharm?
-
Vaccine Trung Quốc Vero Cell được Phân Tích, Kiểm định Tại Việt ...
-
Đi Tiêm Vaccine Trung Quốc Về 5 Ngày Sau Em Phát Hiện Mang Thai
-
Trung Quốc Công Bố Hiệu Quả Của Vaccine COVID ... - Dịch COVID-19
-
Vaccine Vero Cell được Sử Dụng Hiệu Quả ở Nhiều Nước Trên Thế ...
-
Vaccine Sinopharm ở đâu Trên Bản đồ Tiêm Chủng Thế Giới?
-
Sinopharm – Vắc Xin Covid-19 Của Trung Quốc Có Tốt Không? - Dr.Binh
-
Việt Nam Phê Duyệt Vaccine COVID-19 Hayat - Vax; 500 Cán Bộ Y Tế ...
-
Tổ Chức Y Tế Thế Giới: Vaccine Sinopharm Hiệu Quả, Người Dân Nên ...
-
Vaccine Sinopharm: Hỗ Trợ Cuộc Chiến Chống Dịch Tại Nhiều Nước
-
Các Nước Tiêm Vaccine Trung Quốc Bây Giờ Ra Sao? - PLO