Dùng Giấy Bạc Bọc Thực Phẩm Có độc Hại? - PLO

Giấy nhôm làm bằng nhôm (giấy bạc) hiện được rất nhiều người sử dụng từ các quán ăn đến sử dụng hằng ngày trong nhà. Công dụng của chúng là giữ ẩm thực phẩm khi nấu nướng, làm hương vị của món ăn được bảo toàn, không bị bay hơi, mất mùi. Ngoài ra khi sử dụng chúng món ăn được chín đều, không bị cháy.

Tuy nhiên, khi nấu, nướng ở nhiệt độ cao thì lượng nhôm trong giấy bạc có thể thôi vào thực phẩm. Tùy thuộc vào mức độ nhôm thôi vào thực phẩm nhiều hay ít mới đánh giá được chúng có gây hại hay không.

Chúng có thật sự gây hại?

Theo chuyên gia thực phẩm Vũ thế Thành, cơ thể chúng ta không cần nhôm. Nhưng nhôm lại có tự nhiên trong hầu hết các loại thực phẩm và một phần do con người vô tình đưa vào, như sử dụng hợp chất nhôm làm phụ gia thực phẩm , đánh phèn nhôm để lọc nước… Y học cũng dùng nhôm trong thuốc đau bao tử (antacid). Do đó việc dùng màng nhôm trong bao phủ thực phẩm cũng chỉ là một trong những nguồn cung cấp nhôm cho cơ thể ngoài ý muốn, như các loại thực phẩm khác.

Hiện nay nhiều người sử dụng giấy bạc để bao bọc thực phẩm. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Ở nhiệt độ càng cao sẽ càng thôi nhôm nhiều hơn, ví dụ dùng giấy bạc để hấp thực phẩm lượng nhôm nhiễm vào thực phẩm sẽ ít hơn khi dùng chúng để nướng. Thực phẩm có tính acid như cà chua, bắp cải, giấm làm thôi nhôm nhiều hơn.

Cũng theo ông Vũ Thế Thành, nhôm khi vào cơ thể được hấp thu qua đường ruột, một phần tích lũy ở các mô rải rác trong cơ thể, nhiều nhất là ở xương. Đa số bài tiết ra ngoài theo phân hoặc nước tiểu. Tỉ lệ tích lũy và đào thải tùy thuộc một phần nhôm được đưa vào cơ thể ở dạng hợp chất nào.

Khi thử nhôm trên chuột thì thấy chuột bị nhiễm độc thần kinh, thậm chí ảnh hưởng đến cả hệ thần kinh của thế hệ con cháu nhà chuột. Những người chạy thận nhân tạo cũng cho thấy bị nhiễm độc này nếu phơi nhiễm với nhôm nồng độ cao.

Theo một số chuyên gia khác cho biết nhôm ở giấy bạc nếu tích lũy vượt mức còn có khả năng gây ảnh hưởng đến các cơ quan chức năng, tổn thương não, suy giảm trí nhớ.

Do vậy, năm 2006, Tổ chức WHO và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) đã siết chặt lại việc sử dụng nhôm trong thực phẩm và đưa ra khuyến cáo, mức dung nạp hàng tuần với nhôm là 1 mg/kg thể trọng, nghĩa là một người nặng 50 kg, chỉ nên tiêu thụ tối đa hàng tuần 50 mg nhôm.

Sử dụng sao cho đúng đắn

Để lượng nhôm đi vào cơ thể không vượt mức cho phép chúng ta nên lưu ý khi sử dụng giấy bạc khi bao bọc thức ăn. Khi sử dụng chúng chúng ta cần lưu ý những điểm sau:

Không nên dùng giấy bạc trong lò vi sóng vì lò vi sóng làm chín thực phẩm từ bên trong ra bằng sóng điện từ sẽ phá hoại giấy bạc cực nhanh, ion nhôm sẽ xâm nhập vào thực phẩm nhanh và dễ dàng hơn.

Nên hạn chế dùng chúng để nướng, vì nướng chúng thường ở nhiệt độ cao lượng nhôm sẽ đi vào thực phẩm chúng ta sử dụng.

Không nên dùng chúng để đựng những thực phẩm giàu acid như những loại trái cây có vị chua, những món ăn có dấm vì khi axit trong món ăn phản ứng với chất nhôm trong giấy bạc làm ăn mòn giấy bạc, chính vì thế một lượng nhỏ nhôm có thể thấm vào thức ăn làm món ăn.

NGUYỄN CHÂU Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Giấy Bạc Bọc Thực Phẩm Tiếng Anh