Đừng Gọi Nhà Giáo Là “người Lái đò” Có được Không?

  • 183 nhà giáo tiêu biểu đạt danh hiệu “Nhà giáo của năm 2019”

Tại sao tôi lại phản đối sự ví von này. Vì thứ nhất, lái đò làm ta liên tưởng đến một khúc sông ngắn, ở một làng quê nghèo và chưa được hiện đại hóa (nên không có cầu và vì vậy phải dùng đò). Rõ ràng, hình ảnh đó đã không còn phù hợp với thời đại ngày nay nữa.

Thứ hai, nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy người đi đò (tương đương với học sinh) luôn ở trạng thái rất bị động. Thực vậy, người đi đò thường khi đã lên thuyền là đứng (hoặc ngồi im), phó mặc số phận của mình vào người lái đò cho đến hết đoạn sông. Hình ảnh như vậy rõ ràng không còn phù hợp với học sinh trong thời đại ngày nay.

Câu hỏi: “Nếu không phải là người lái đò thì ta nên dùng hình ảnh gì thay thế khi nói về nghề giáo?” đã đeo đẳng tôi một thời gian dài. Tôi cũng đem câu hỏi này đi hỏi nhiều đồng nghiệp nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời thực sự thỏa mãn.

Ảnh: L.G.

Mặc dù vậy, nếu cứ phải gắn nhà giáo với sông hay thuyền thì ở thời điểm này, tự tôi đã có một hình ảnh tạm gọi là khả dĩ hơn, phù hợp hơn. Đó là hình ảnh người đội trưởng của một đội đua thuyền rồng.

Có 3 lý do để cho thấy hình ảnh này phù hợp hơn:

Thứ nhất, hình ảnh chiếc thuyền rồng đua hẳn nhiên là đẹp hơn, trang trọng hơn, xứng đáng với vị thế và vai trò của người thầy hơn một chiếc thuyền nan cũ kỹ của người lái đò.

Thứ hai, thuyền rồng thì không nhất thiết lúc nào cũng chỉ đua trên một khúc sông. Một đội thuyền rồng có thể đi thi từ giải này sang giải khác, đua ở khúc sông này sang khúc sông khác, tượng trưng cho nhiều hành trình tri thức khác nhau mà thầy-trò cùng phải chinh phục trong quá trình học tập. Điều này hẳn nhiên là khác một đoạn sông cũ mà người lái đò chèo đi chèo lại từ ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác.

Thứ ba, người đội trưởng của một đội đua thuyền rồng hẳn nhiên sẽ không phải là người duy nhất đưa con thuyền đi. Người này thường đứng ở đầu hoặc cuối thuyền để chỉ đạo (có khi kèm theo cả đánh trống) toàn đội đua. Điều này phù hợp với cách tiếp cận của giáo dục hiện đại ngày nay. Đó là việc thầy và trò ngày nay sẽ phải cùng đồng hành với nhau để dạy và học, qua đó thúc đẩy quá trình tiếp nhận tri thức, kỹ năng.

Nói như GS Hồ Ngọc Đại, đó là cách “thầy thiết kế - trò thi công”. Điều này khác hoàn toàn hình ảnh chỉ mỗi người thầy độc diễn giảng bài, trò im phăng phắc ngồi nghe, tương tự hình ảnh người lái đò cứ lầm lũi chèo, còn khách đi thuyền thì đứng (hoặc ngồi) im.

Sự làm mới hình ảnh ví von về người thầy ở trên thực ra đang đưa chúng ta đến một vấn đề căn cơ hơn, đó là: “Điều gì khiến người thầy ngày nay phải thay đổi?”, “người thầy ngày nay phải thay đổi cái gì và như thế nào?”. Phần tiếp theo của bài viết này xin được dành để trả lời 2 câu hỏi căn cơ kể trên:

Bối cảnh giáo dục thay đổi

Thực vậy, bối cảnh giáo dục ngày nay đã và đang thay đổi quá nhiều so với giáo dục của những năm trước. Xin được liệt kê những nội dung quan trọng nhất:

Đối tượng người học thay đổi

Thực vậy, người học ngày nay đa dạng hơn người học trước kia rất nhiều. Sự đa dạng trước tiên thể hiện ở độ tuổi của người học. Xu hướng học tập suốt đời kéo theo việc nhiều người lớn tuổi phát sinh nhu cầu học mới và quay lại nhà trường hoặc các lớp học để tìm kiếm tri thức, kỹ năng còn thiếu. Điều này, đôi khi dẫn đến thực tế: người học còn nhiều tuổi hơn người dạy - điều khoảng 10-20 năm trước ít phổ biến hơn nhiều. Bên cạnh đó, sự đa dạng còn có thể đến từ thành phần, quốc tịch, màu da của người học. Việc một lớp học có học trò đến từ nhiều nước khác nhau, có màu da, sắc tộc, tôn giáo khác nhau đã trở thành quá phổ biên ngày nay. Nó khác với hình ảnh của một lớp học “đơn sắc” của ngày trước rất nhiều.

Phương thức giảng dạy thay đổi

Sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông đang làm cho phương thức giảng dạy ngày nay đa dạng và linh động hơn nhiều. Bên cạnh hình thức giảng bài truyền thống, người thầy ngày nay còn có thể giảng bài với nhiều hình thức khác, ví dụ như giảng bài từ xa - distance learning (tức là có thể không nhìn được từng mặt học trò) hay giảng bài online (tức là giảng bài trước một máy camera chứ không phải trước học trò). Sự tiến bộ này, thực tế đã giúp xử lý được 2 vấn đề mà giáo dục truyền thống không làm được: đó là năng suất (một người thầy ngày nay có thể dạy nhiều trò cùng lúc) và khoảng cách (một người thầy ngày nay có thể dạy học trò bất chấp khoảng cách địa lý).

Tài nguyên học tập thay đổi

Nếu như trước đây, người học chỉ có sách giáo khoa/giáo trình là tài liệu chính thì ngày nay, tài nguyên học tập có ở khắp mọi nơi mà chỉ cần một cái máy tính và vài cái kích chuột là người học có thể truy cập được một cách dễ dàng. Kéo theo đó, chúng ta cũng cần ý thức được rằng, hàm lượng tri thức ngày nay cũng đồ sộ hơn rất nhiều so với trước kia.

Người thầy ngày nay phải thay đổi như thế nào?

Bối cảnh thay đổi kéo theo người thầy cũng phải điều chỉnh mình để thay đổi theo. Việc người học trở nên đa dạng hơn sẽ tạo ra sức ép khiến người dạy phải tự trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới như: kỹ năng giao tiếp, kiến thức đa văn hóa, kiến thức tôn giáo hay liên cá nhân, kiến thức về tâm lý. Phương thức giảng dạy thay đổi cũng bắt buộc người dạy phải cập nhật các kiến thức và kỹ năng về công nghệ; bên cạnh kỹ thuật giảng dạy hay phương pháp sư phạm (hẳn nhiên, giảng bài trước ống kính camera sẽ khác giảng bài trước học viên truyền thống).

Tài nguyên học tập sẵn có và thay đổi liên tục khiến cho kiến thức, kỹ năng trong từng bài học, từng thời điểm có khi không quan trọng bằng việc dạy cho học trò phương pháp học cách học hoặc phương pháp tìm ra và cập nhật kiến thức, kỹ năng mới. Nói cách khác, người thầy ngày nay phải là người dạy cho người trò cách thức tìm ra kiến thức, kỹ năng đúng hơn là dạy cho người trò kiến thức, kỹ năng đúng là cái gì?

Một thay đổi cuối cùng mà người giáo viên phải thực hiện, thậm chí đây có thể xem là thay đổi quan trọng nhất và bao trùm hơn tất cả, đó chính là thay đổi về mặt “tư duy” của người thầy. Nó cũng tương tự như hình tượng ví von “chiếc đò” hay “chiếc thuyền rồng” đã trình bày. Nếu như mỗi người thầy ngày nay không dám vứt bỏ hình ảnh “chiếc đò” trong chính bản thân mình thì chắc chắn sẽ không có sự thay đổi nào sẽ được diễn ra.

Không thể không thay đổi

“Vai trò của giáo viên đang thay đổi như thế nào” thực tế, không phải là mới bởi đã có rất nhiều nhà giáo dục trên toàn thế giới đã, đang suy nghĩ và cố gắng trả lời câu hỏi này. Nếu gõ chữ “the changing role of teacher” (vai trò thay đổi của giáo viên) lên Google và Google scholar (trang chuyên biệt của Google chuyên về tài liệu khoa học) thì sẽ ra được hơn 73.000 và gần 200 kết quả tương ứng.

Điều này nghĩa là có thể đã có hơn 73.000 bài viết phổ thông và gần 200 bài viết học thuật về chủ đề sự thay đổi vai trò của giáo viên được nhiều nhà giáo, học giả trên khắp thế giới viết trong những năm qua.

Từ khóa » Sự Nghiệp Lái đò