Đừng Hiểu Sai Lệch Về “Sống Chung Với Dịch”

Sau thời gian áp dụng Nghị quyết số 128 của Chính phủ, những quy định nới lỏng hơn so với trước đây đã khiến một bộ phận người dân hiểu sai về việc “sống chung với dịch”, dẫn đến lơ là, chủ quan, khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Trong “cuộc chiến với đại dịch” luôn rất cần sự chung tay của mỗi người dân, mỗi gia đình.

Đừng có tư tưởng: Trời kêu ai nấy dạ…

Sau gần 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến thời điểm này, thế giới vẫn chưa thể khống chế được dịch này. Do đó, các nước đang dần chuyển từ “Zero Covid” (không còn Covid-19) sang “sống chung với dịch”. Khái niệm “sống chung với dịch” được nhiều nước đưa ra kèm theo nhiều biện pháp mở cửa, dần khôi phục nền kinh tế và trở lại đời sống “bình thường mới”. Thay vì áp dụng các quy định nghiêm ngặt trước đây, hầu hết các nước đều đang dần có những biện pháp nới lỏng, phòng, chống dịch chủ yếu dựa vào độ bao phủ vắc-xin, ý thức của người dân, kiểm soát dịch bằng công nghệ.

Trước xu hướng đó, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản như: Nghị quyết số 128 của Chính phủ, Quyết định số 4800 và Công điện 1700 của Bộ Y tế,... để thực hiện các biện pháp nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tuy chưa có văn bản nào nói về việc “sống chung với dịch”, nhưng nội dung này vẫn thường xuyên được nhắc đến trong phòng, chống dịch giai đoạn mới. “Sống chung với dịch” được xem như là một xu thế tất yếu, giúp người dân có điều kiện đi lại, làm việc, từng bước nối lại nhịp sống đời thường và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người hiểu sai về khái niệm “sống chung với dịch”. Do háo hức quay lại nhịp sống bình thường, do cuộc mưu sinh, một bộ phận đã chủ quan trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Việc tập trung khôi phục và phát triển kinh tế đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều người. Một số người chấp nhận “sống chung với dịch” theo kiểu thụ động với suy nghĩ dịch bệnh khó kiểm soát, khó lường, “trời kêu ai nấy dạ”, nên xem nhẹ, mất cảnh giác trước những mối nguy cơ. Trong công việc và sinh hoạt hàng ngày, họ chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều hoạt động không cần thiết như tụ tập, tiệc tùng, họp mặt đông người thường xuyên diễn ra, tạo nên nhiều nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng.

Tâm lý “sống chung với dịch” đó khiến người dân thoải mái hơn và cũng đặt ra nhiều khó khăn cho các địa phương trong công tác quản lý. Ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, cho biết: “Đa phần người dân đều thấy được nguy hiểm của dịch bệnh nên ý thức được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp đi lại khi không cần thiết. Như tại mỗi ấp, chúng tôi đều tổ chức 2 hoặc 3 điểm bán rau, củ, quả, thực phẩm thiết yếu và khuyến khích người dân đến đây mua. Nhưng sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, một số người dân lại chọn đi các chợ lớn ở xa hơn, những nơi tập trung đông người, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh”. Càng nguy cơ hơn khi xã Đông Phước A có đến 5 ấp giáp ranh với xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, một trong những “điểm nóng” của dịch Covid-19 tại tỉnh.

Hậu quả của sự lơ là, chủ quan khi nghĩ “sống chung với dịch” theo kiểu thụ động là thời gian gần đây, việc người dân đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người đã khiến cho tình hình dịch Covid-19 trong tỉnh diễn biến phức tạp hơn. Nhiều ổ dịch cộng đồng liên tục phát sinh, công tác truy vết gặp nhiều khó khăn.

Đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch lên hàng đầu

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, xác định: Quan điểm của Chính phủ là chuyển hướng tiếp cận từ “Zero Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế. Có thể có một bộ phận ít đang nghĩ rằng phải “sống chung với dịch” và dịch không thể kiểm soát, đây là một điều rất nguy hiểm. Mục tiêu Nghị quyết số 128 của Chính phủ là phải bảo vệ tối đa, sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các cas mắc, các cas chuyển nặng, tử vong do dịch Covid-19, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. Nghĩa là không thể “Zero Covid”, nhưng phải hạn chế tối đa sự phát sinh, lây lan của dịch bệnh.

Nguy cơ dịch bệnh vẫn rất cao, do đó tất cả mọi người không thể buông lỏng, lơ là, chấp nhận “sống chung với dịch” theo kiểu thụ động, chờ dịch tới. Nhiệm vụ phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn, sức khỏe của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền, mỗi người dân phải tự cảnh giác, bảo vệ chính bản thân mình.

Hiện nay, “vắc-xin ý thức” càng trở nên quan trọng hơn lúc nào hết. Ông Trần Phát Thanh, ở khu vực 5, phường VII, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Trước đây, tôi có thói quen là sáng nào cũng ra quán uống ly cà phê, nói chuyện với người này người kia. Lúc giãn cách xã hội ở nhà cũng buồn lắm. Nhưng thấy dịch bệnh còn phức tạp, đến bây giờ tôi vẫn hạn chế ngồi “trầm quán”, lỡ có gì thì mắc công lắm!”. Dù được nới lỏng nhưng mỗi người cần tự ý thức, tự đề cao cảnh giác, hạn chế đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người và thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K” để bảo vệ sự an toàn cho chính bản thân, gia đình và những người xung quanh.

Trong cuộc họp gần đây với các địa phương, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, chỉ đạo: “Chúng ta đang chuyển trạng thái từ cộng đồng không có SARS-CoV-2 sang nguyên tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Do đó, các địa phương phải tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức và hành vi của người dân để dần thích ứng với với trạng thái không thể “Zero Covid” (không còn Covid-19), để người dân chủ động khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới”. Sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía sẽ giúp hạn chế nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng, giúp tỉnh nhà “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Từ khóa » Việt Nam Sống Chung Với Dịch Covid