Đừng Làm Người Keo Kiệt Nghen Con! - Tuổi Trẻ Online

Đừng làm người keo kiệt nghen con! - Ảnh 1.

Năm 28 tuổi, tôi lấy chồng. Ở quê, tuổi này mới lấy chồng đã bị coi là muộn. Bạn bè trang lứa ai cũng con cái cả rồi. Tưởng đâu ba mẹ tôi mừng vì con gái chịu cưới, thế mà họ cứ trầm ngâm, lo lắng rồi bàn ra riết.

"Các cô dâu thường muốn ngày cưới mọi thứ thật đẹp, thật lộng lẫy, tốn kém một chút cũng không sao. Còn tôi lại nghĩ đám cưới chỉ là hình thức, không nên xa hoa quá.

1. Ba mẹ tôi sợ chồng sắp cưới của tôi là người miền Trung, gia cảnh cũng khó khăn, nếp sống khác biệt trong Nam, con gái mình lấy sẽ khổ. Bản thân anh cũng đang trục trặc công việc, nên ba mẹ tôi lại càng lo. Thế nhưng, tính tôi vốn bướng bỉnh, tôi đã quyết ý thì ai cũng không ngăn được. Trong lúc giận dỗi, tính trẻ con nổi lên, tôi nói với ba mẹ là dù thế nào con cũng cưới, con sẽ tự lo, ba mẹ đừng can thiệp gì cả.

Tôi bàn với chồng sắp cưới là mình lớn rồi, ba mẹ tôi lại không thật ưng thuận nên hai đứa tự lo liệu đám cưới. Chúng tôi hi vọng làm vậy ba mẹ không có lý do để phản đối hay trì hoãn đám cưới, vì thấy con gái và rể đã trưởng thành, có khả năng đảm đương kinh tế. Lòng tôi còn thầm nghĩ nếu mình tính khéo có khi lại lời được ít từ tiền mừng cũng nên.

Mấy năm đi làm ở Sài Gòn, chi phí đắt đỏ, chúng tôi dành dụm không được bao nhiêu. Đám cưới lại trăm thứ phải lo, việc gì cũng cần tiền, cũng tốn kém nên tôi tính toán thiệt hơn, cân nhắc chi tiêu rất kỹ. Cái gì có thể tiết kiệm, tôi đều tiết kiệm hết sức có thể. Từ chuyện chụp hình, trang điểm, váy cưới, hoa trang trí, đãi tiệc... tôi đều chọn giá rẻ.

Tôi nghĩ tiền dư ra mình để đi trăng mật hoặc lo tổ ấm sau này sẽ tốt hơn. Chồng tôi cũng đồng tình nên để tôi quyết định mọi việc ngày cưới.

2. Duy chỉ có ba tôi là cứ trăn trở với tính toán tiền bạc của con gái. Ba nói: "Ba mẹ thừa sức phụ vợ chồng con lo đám cưới, việc gì con phải tính toán cực khổ". Rồi ba dặn tôi: "Con tính gì thì tính, mình mời khách phải đãi đằng đàng hoàng nghen con. Đặt tiệc nhớ chọn món ăn ngon một chút, mắc chút cũng không sao, vì người ta bỏ thời gian tới chia vui với mình. Nếu đám cưới có lỗ, ba mẹ bù cho. Con đừng tính toán quá mà khách họ trách mình".

Tôi gật đầu nghe ba, bỏ ý định đặt tiệc thật rẻ để mong có lời. Dù sao khách mời đa phần cũng là người lớn, họ hàng, bạn bè của ba mẹ, phần đãi tiệc cũng phải tươm tất.

Có việc làm tôi khó xử là sát ngày cưới vẫn không tìm đâu ra sáu cô bạn còn độc thân để bưng quả. Bạn cùng lứa tôi, ai chưa cưới cũng vừa đám hỏi. Hỏi thuê dịch vụ bưng quả bên ngoài thì mắc. Họ hàng nhà tôi lại neo người, ít chị em gái. Cuối cùng, tôi nhờ em trai đang học lớp 12 tìm giùm sáu cô bạn học đến giúp.

Chuyện tìm sáu người bưng quả tưởng xong. Thế mà đêm trước đám cưới, tôi đang bỏ tiền vào bao lì xì cho đội bưng quả thì ba sang phòng bắt chuyện. Ba ân cần dặn dò tôi vài điều trước ngày cưới, rồi thấy mấy bao lì xì nên hỏi tôi: "Con định lì xì tụi nhỏ bao nhiêu?".

Tôi ấp úng nói định bỏ mỗi bao 20.000 đồng thôi, lì xì tượng trưng để các em không mất duyên. Quả thật, tôi cũng muốn lì xì nhiều hơn, chứ 20.000 đồng ở quê tôi có khi còn không đủ ăn tô hủ tiếu. Nhưng đám cưới tốn kém hơn tôi tưởng, đã tiết kiệm hết mức mà sát ngày cưới tôi gần như nhẵn túi.

Ba trầm ngâm nhìn mấy cái bao lì xì rồi hỏi thêm: "Sau khi bưng quả, con có mời tụi nhỏ ở lại ăn cưới không?". Tôi thưa với ba là không. Tôi chỉ đặt bàn vừa đủ khách mời, giờ phát sinh thêm mấy đứa bưng quả, nếu khách đi đủ mà mời tụi nhỏ ở lại thì không đủ chỗ.

Ba nhìn tôi, ánh mắt như quở trách, thất vọng. Ba nói nghiêm khắc: "Con ơi, nhà mình chưa bao giờ tính toán với ai cái gì. Ba rất sợ con trở thành người tính toán, keo kiệt. Tụi nhỏ này là bạn của em con. Vì quý em con mà tụi nhỏ bỏ thời gian, công sức đi lại, rồi tốn công trang điểm để tới giúp con bưng quả. Con lì xì ít như vậy đã khó coi, chẳng khác nào lợi dụng sự hồn nhiên của tụi nhỏ. Xong việc, con đưa 20.000 đồng rồi bảo người ta về, không mời lại ăn uống gì. Như vậy có khác nào qua cầu rút ván. Con nghĩ coi em con làm sao chơi với bạn được nữa".

3. Tôi cúi đầu, rơi nước mắt vì xấu hổ, vì những nhọc nhằn, căng thẳng tiền bạc trước đám cưới. Tôi không dám nhìn thẳng vào ba. Cả đời ba luôn nghĩ cho người khác, luôn nhận phần thiệt thòi về mình, chắc ba thất vọng lắm khi có đứa con gái toan tính, keo kiệt từng đồng như tôi.

Ba ôm tôi vỗ về: "Không sao đâu con. Ba biết tính con, nếu không khó khăn quá thì con không làm vậy. Để ba lì xì mấy đứa nhỏ cho. Con nói với em út cứ rủ bạn ở lại ăn đám cưới. Có vài khách gọi điện cáo lỗi với ba là mai họ bận không đến được, mình không thiếu chỗ đâu mà lo".

Rồi ba lại ôn tồn bảo tôi rằng ba không hề ghét bỏ con rể, ba mẹ chỉ vì thương con quá mà lo lắng thôi. "Ba mẹ không trông mong sau này vợ chồng con giàu có gì đâu, chỉ mong hai đứa sống bình an, vừa đủ. Tiết kiệm là tốt, nhưng đừng bao giờ tiếc nuối, so đo với người khác, nhất là những người giúp đỡ mình nghen con".

Lời tâm tình, dạy bảo của ba đã làm tôi bừng tỉnh. Khoảnh khắc ấy đã làm tôi suy nghĩ, đổi thay rất nhiều...

photo-1

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

* Thể lệ:Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài:1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí:Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi:Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng:1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc:Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

photo-1 Bố, vị thần hộ mệnh của tôi Bố, vị thần hộ mệnh của tôi

TTO - Mỗi người đều có riêng mình vị thần hộ mệnh. Và với tôi, bố chính là vị thần yêu thương đó.

Từ khóa » Hình ảnh Người Keo Kiệt