Dũng Nhi - Có Duyên Mà Chưa đến Vận
Có thể bạn quan tâm
Một gương mặt rất quen. Một danh sách dài dằng dặc những bộ phim điện ảnh và truyền hình đã từng góp mặt, mà phần đa là vai chính. Gia tài mà nghệ sĩ Dũng Nhi gom góp được, sau con số chính xác 37 năm làm nghề, chỉ đơn giản có vậy. Không giải thưởng. Không danh hiệu. Không hội viên. của bất kỳ một hội chuyên ngành văn học nghệ thuật.Chẳng dám hỏi ông vì sợ bất nhã, nhưng tôi đoán rằng, Giải thưởng cống hiến mà Tạp chí truyền hình VTV vinh danh (cho khả năng diễn xuất trong bộ phim Ngõ lỗ thủng mà ông và diễn viên gạo cội Trần Hạnh cùng nhận đầu năm 2010 vừa rồi) có lẽ là sự ghi nhận duy nhất mà ông từng có, cho đến thời điểm này. Cho dù trong con mắt của số đông đồng nghiệp và khán giả, ông là một nghệ sĩ đích thực hiếm hoi – theo ý nghĩa trọn vẹn nhất của từ này. Làm diễn viên nhờ duyên số
Một nhà giáo chỉn chu, mực thước là hình ảnh mà người gặp Dũng Nhi lần đầu dễ liên tưởng. Ông cười, “đúng là tôi đã từng có dăm sáu năm đứng trên bục giảng. Dạy Văn, trường điểm đàng hoàng”.
“Năm tôi chuẩn bị ra trường, mẹ tôi – diễn viên Thu Hà của Đoàn kịch nói Trung ương đi lưu diễn dài ngày. Lên chỗ sơ tán chia tay mẹ, tôi gặp đạo diễn Quốc Long, lúc bấy giờ đang cùng đạo diễn Trần Đắc tìm kiếm gương mặt đảm nhận nhân vật anh hùng Lê Mã Lương cho bộ phim Bài ca ra trận. Họ hỏi, tôi gật. Thử vai xong, vừa được chọn thì tôi có lệnh lên đường nhập ngũ. Đoàn phim trình bày, ban tuyển quân bảo, đất nước cần Lê Mã Lương trực tiếp cầm súng chứ không cần trong phim”.
Dũng Nhi vào Quảng Trị, chiến đấu ở Thành cổ suốt 81 ngày đêm. Rồi người ta lục lại hồ sơ, thấy nhà có 3 con trai thì 2 đã là liệt sĩ, chàng lính trẻ được xuất ngũ.
Cầm giấy ra quân về trường, Dũng Nhi lại gặp đoàn phim Bài ca ra trận. Thời đó, mỗi phim chuẩn bị cả 2-3 năm trời mới quay. Vậy là vai diễn được trả lại cho anh lính vẫn còn khét lẹt mùi thuốc súng.
Duyên số thế nào, phim nhựa mới nhất – cũng có thể là phim điện ảnh cuối cùng trong đời diễn viên mang tên Hoài vũ trắng, nhân vật Dũng Nhi đóng lại trở thành Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự. Ngày thu hình, ông gặp lại vị tướng ngoài đời, với câu nói nổi tiếng “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”. Ông bảo, “phim đầu – phim cuối đều đóng Lê Mã Lương. Đúng là sự trùng hợp kỳ lạ”.
Rẽ ngang sang điện ảnh 1-2 phim nhưng ông vẫn chọn nghiệp gõ đầu trẻ. Đến khi đoàn phim Ngày ấy bên sông Lam chấm anh giáo trẻ Dũng Nhi vào vai người lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, giữa hai lựa chọn, hoặc thầy giáo hoặc diễn viên, ông đành phải chọn một. Ông đầu quân cho Xưởng phim vì thế. Nhưng không phải trong vai trò diễn viên mà đi dần từng nấc. Thư ký, trợ lý rồi phó đạo diễn – cho đến tận lúc về hưu.
Người có duyên với những nguyên mẫu nổi tiếng trong đời thực
Đời diễn viên hấp dẫn bởi được hóa thân vào rất nhiều dạng vai, rất nhiều cảnh đời. Nhưng được thể hiện những nhân vật có thật, lại rất nổi tiếng, với tần suất dày đặc như Dũng Nhi có lẽ cũng là “của hiếm”. Ngoài anh hùng Lê Mã Lương (vai Nam) kể trên, ông còn đóng chiến sĩ cách mạng trung kiên Tô Hiệu (vai Tông Hiến) trong Lời anh chưa kịp nói. Rồi nhân vật nhà văn Nguyễn Tuân (vai Nguyễn) ở Mê thảo – thời vang bóng, tay giang hồ khét tiếng Năm Sài Gòn nổi tiếng trong tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng. Mới nhất có vai thứ trưởng Cao Đức Cẩm từ trong Chạy án (phần 1 & 2). Và Bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim từ nguyên mẫu cha đẻ khoán hộ Kim Ngọc….
Ông bảo, với một diễn viên, “mối duyên” ấy dễ cũng có mà khó cũng nhiều. Dễ là đã sẵn một nguyên mẫu, với ngoại hình, khí chất lẫn tính cách, số phận để mình làm điểm tựa mà nương theo. Khó là những con người ấy đều nổi tiếng. Và trong đám đông, ai cũng có một hình dung rất khác về cá nhân ấy, cho riêng mình. Diễn xuất ra sao để họ đều chấp nhận hình ảnh mình tạo dựng, cho dù nó chỉ đúng một phần nhỏ với những gì đã tưởng tượng thật không đơn giản.
Và có duyên với cả những cái “đầu tiên”
Phim màn ảnh rộng đầu tiên của điện ảnh cách mạng – Sao tháng Tám. Phim nhựa màu đầu tiên – Ngày ấy bên sông Lam. Phim video đầu tiên – Bỉ vỏ. Ba cái “đầu tiên” khó quên ấy, Dũng Nhi đều góp mặt, vào vai chính. Ở Sao tháng Tám, ông nhớ như in nỗi vất vả của cả đoàn làm phim khi cả ngày chỉ hoàn thành được duy nhất một cận cảnh. Đại cảnh hàng vạn người tham gia biểu tình những ngày rực lửa cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh được thu hình ngay bên bờ sông Lam. Trường đoạn ông ngã xuống, giữa trưa nắng chói chang mà lớp bụi mù mịt từ bàn chân cả chục ngàn người khiến ông không nhìn thấy được cả mặt trời. Cả ngày nhịn đói quay phim, cái kem mát lạnh được thưởng thức trong giờ giải lao hay thực đơn vô cùng ấn tượng khiến ông dính trận kiết lị tưởng chết (một bát cơm cộng hai gạt bo bo ăn chung với kẹo cu đơ và cá mắm) là những kỷ niệm thật khó phai.
Không sai lời thoại, dù là chỗ ngắt nghỉ
Rất nhiều đồng nghiệp đã dành những lời đánh giá rất cao cho nghệ sĩ Dũng Nhi bởi sự kỹ càng, nghiêm túc đến từng chi tiết trước ống kính. Và bởi cả khả năng thuộc thoại “siêu đẳng” của ông. Nhớ ngày làm phim Mùa lá rụng, nhà biên kịch Thùy Linh, trong lần lên thăm đoàn cứ nhấn đi nhấn lại, “cố gắng đừng sai thoại của em đấy nhé”. Dũng Nhi cười, “chờ đấy, cứ thử kiểm tra cái đoạn dài thượt thằng em Luận mắng mỏ ông anh trung tá xem có sai chút gì, dù chỉ là dấu chấm dấu phẩy không nhé”. Ông diễn xong, Thùy Linh gật đầu, “chẳng sai sót tí gì thật”.
Chưa bao giờ mang được đồng thù lao vai diễn nào về nhà
Bao năm góp mặt trong vài chục đầu phim – cả màn ảnh lớn lẫn nhỏ, rong ruổi khắp mọi miền đất nước đến nỗi có khi một năm chỉ ở nhà có mấy ngày, vậy mà Dũng Nhi tự nhận, “may mà bà xã đảm đang, vén khéo mới chèo chống được cả một gia đình. Trông vào mấy ông chồng nghệ sĩ như tôi – sớm muộn gì cũng chết đói”. Ông cũng bảo, đời mình chẳng bao giờ có thể thu hình song song một lúc hai phim. Và bởi không phải diễn viên được đào tạo bài bản, ông chỉ có một cách duy nhất để tiếp cận vai diễn, đó là nhập hoàn toàn vào nhân vật. Nhập được nhiều thì thành công. Nhập chưa tới thì nhân vật hỏng. Chính vì thế, dư âm của những phận đời đa diện, đầy những dằn vặt nội tâm ấy thường “đeo bám” theo Dũng Nhi rất lâu sau đó, dù phim đã đóng máy. Và chỉ một vai diễn mới, trong một bộ phim mới mới đủ sức kéo ông thoát ra. “Làm nghệ thuật như tôi, mong đủ ăn còn khó”.
Một lần duy nhất trong đời, ông được đề nghị nhuận bút vượt khung. 15 triệu cho bảy tháng trời lăn lộn trên phim trường Mê thảo – thời vang bóng, so với 8 triệu theo quy định. Hai lần mất điện thoại, một lần bị trộm sạch đến nỗi chỉ còn bộ đồ mặc trên người. “Phim xong, lộn túi ngược xuôi chẳng tìm nổi đồng nào. Đành tặc lưỡi, đúng là số thật”.
Chỉ mong lột tả phần nào cái thần của “cha đẻ khoán hộ”
Nhận vai Bí thư Hoàng Kim trong bộ phim dài 50 tập mang tựa đề Bí thư tỉnh ủy, sau mấy tháng trời bám trụ Vĩnh Phúc – ngay trên mảnh đất quê hương khoán hộ, chặng đường nhọc nhằn của Dũng Nhi đã đến đích.
Cảm động nhất là lần thu hình cuộc họp trong ủy ban, mấy bà già ngoại bát tuần ngồi xem phía ngoài – qua monitor đã khóc sụt sùi. Hỏi tại sao, các cụ nói, “thấy nhớ ông Kim Ngọc quá”.
Phu nhân của Bí thư tỉnh uỷ, lần đầu nhìn Dũng Nhi đã nhận xét, “anh ấy khá giống ông nhà tôi”. Ông Kim Nam, con trai cụ thì đi đâu cũng bá vai Dũng Nhi, “xin giới thiệu với mọi người, ông cụ nhà tôi đấy”.
“Tôi chỉ mong lột tả được phần nào thần thái, ý chí của nhân vật ghi danh trong lịch sử này. Và chuyển tải được những gì mà ông đã một lòng một dạ muốn để lại cho thế hệ mai sau” – Dũng Nhi nói với tôi, trước khi sắp xếp hành trang cho một chuyến đi kế tiếp. Phim trường đang đợi ông, như trước nay vẫn thế.
Huyền Nga
Từ khóa » Diễn Viên Dũng Nhi Wiki
-
Dũng Nhi – Wikipedia Tiếng Việt
-
Diễn Viên Dũng Nhi Và Những Chuyện Lần đầu Hé Lộ - Wiki Phununet
-
Tiểu Sử Diễn Viên DŨNG NHI || Thầy Giáo Và Cái Duyên Với Nghệ Thuật
-
Dũng Nhi - Wikiwand
-
Chuyện đời ít Biết Về Những Cặp Bố Con Nổi Danh Trên Màn ảnh
-
Dũng Nhi: "Vợ Tôi đẻ Một Mình, Nuôi Con Một Mình" - VTC News
-
Dũng Nhi - Tieng Wiki
-
Tuổi Xế Chiều Của ông 'Bí Thư Tỉnh ủy' Dũng Nhi - VietNamNet
-
Diễn Viên Dũng Nhí: Trưởng Thành Nhờ Sự Khó Tính Của Cha Mẹ
-
Top 19 Lê Dũng Nhi Wiki Mới Nhất 2022 - XmdForex
-
Dũng Nhí Kể Về Cuộc đời Mồ Côi, Gian Khó Của Cha Mẹ
-
Dũng Nhí Kể Về Cuộc đời Mồ Côi, Gian Khó Của Cha Mẹ - Công An