Đừng Thở Dài, Hãy Vươn Vai Mà Sống - Báo An Giang Online

Đại tá Đinh Văn Nơi gửi hỗ trợ 9 triệu đồng cho chị em Dung, Trân

Căn nhà nhỏ phảng phất khói hương, là nơi trú ngụ của chị em Lê Thị Mỹ Dung (sinh năm 1999), Lê Thị Huyền Trân (sinh năm 2006, ngụ xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Hai cô bé mồ côi cha nương tựa vào nhau, vào mẹ, vào ông bà, vào tương lai của chính mình để vượt qua nỗi đau quá lớn. Trong tiếng nấc nghẹn, Dung kể lại biến cố cuộc đời.

Năm 2015, cha mẹ của Dung và Trân quyết định đi TP. Hồ Chí Minh làm thuê. Sau đó mấy năm, Dung đậu vào Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nên em cũng lên TP. Hồ Chí Minh, còn Trân ở lại quê nhà, có ông bà chăm sóc. Hè năm nay, Dung về huyện Thoại Sơn kịp thời, may mắn thoát khỏi đợt bùng phát dịch dữ dội. Nhưng cha mẹ em không may mắn như thế.

Mặc dù nghỉ việc, ở trong nhà trọ suốt, nhưng ông Lê Khắc Đạt (sinh năm 1977, cha của Dung, Trân) vẫn bị nhiễm COVID-19, không rõ nguồn lây. Ông được đưa đi điều trị, rồi mãi mãi không trở về. Bệnh nền (thận, gout) khiến ông sa sút sức khỏe, mất ngày 23-8-2021.

“Cha đi điều trị rồi mất liên lạc với gia đình, đến lúc y tế thông báo, cả nhà mới biết tin dữ. Cú sốc đó rất lớn, khó có thể nguôi ngoai. Hiện nay, mẹ em còn ở lại TP. Hồ Chí Minh, chưa thể trở về được. Mẹ cũng đang chờ nhận hài cốt của cha, rồi mới yên tâm về quê, đoàn tụ gia đình” - Dung gạt nước mắt. Đến lúc chia xa, gia đình Dung vẫn chưa kịp chụp chung tấm ảnh nào. Cạnh bàn thờ, là hình cưới của cha mẹ và tấm ảnh chị em Dung lúc nhỏ…

Mất đi trụ cột gia đình, Dung và Trân được ông bà bảo bọc. Thế nhưng, chuyện học hành của 2 chị em có nguy cơ gián đoạn, vì không đảm bảo chi phí học tập. Dung bước vào năm cuối, học phí cả chục triệu đồng. Trân vào lớp 10, đủ thứ phải lo toan. “Mẹ tính, sau khi về nhà sẽ vay tiền ngân hàng, đóng học phí cho cả hai. Bây giờ, em chỉ muốn học thật tốt, sớm ra trường, đi làm ổn định, để nuôi mẹ và em gái thay cha” - Dung nói với chúng tôi, mà như tự nhủ với mình.

Câu chuyện của bà Trần Thị Ánh Nguyên (sinh năm 1976, ngụ xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đau thương không kém. Bà Nguyên có nghề mua bán nông sản, còn ông Trần Văn Được (sinh năm 1973, chồng bà) cũng có công việc ổn định. Họ cùng chung lưng đấu cật nuôi 2 cậu con trai học hành. Con trai lớn của họ là anh Trần Thảo Vạn An (Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh, là học viên Trường Cao đẳng An ninh nhân dân 1, cơ sở phía Nam), đang hỗ trợ tỉnh Đồng Nai chống dịch. Con trai út Trần Thảo Vạn Phúc học lớp 9. Họ dành dụm được số tiền, cất lại căn nhà khang trang. Thế nhưng, chỉ phút chốc, hạnh phúc ấy vỡ tan.

Một ngày trong tháng 8-2021, bà giao hàng hóa cho bạn hàng nhỏ lẻ ở chợ số 10. Dịch bùng lên, bà tạm nghỉ ở nhà. Ngày qua ngày, bà lần lượt nghe báo tin các bạn hàng bị nhiễm bệnh, đưa đi cách ly. Cảm thấy mình thuộc diện nguy cơ cao, bà chủ động trình báo với địa phương. Ba người trong gia đình, gồm: vợ, chồng bà và cậu con trai út, được đưa đi cách ly tập trung, mỗi người ở một nơi. Chẳng ai ngờ, đó là lần chia xa vĩnh viễn… Cả 3 đều bị nhiễm COVID-19, nhưng bà và con trai thuộc dạng nhẹ, sớm hồi phục. Mãi đến khi mẹ con bà trở về nhà, mới hay tin, ông Được không qua khỏi. Sợ bà suy sụp tinh thần, mọi người giấu tin tức ấy. Đớn đau ngập tràn tâm trí bà!

“Lúc ấy, tôi dặn mình phải ráng giữ vững tinh thần, ráng dằn lại khổ tâm. Các con chỉ còn tôi làm chỗ dựa, còn học hành, tương lai phía trước… Sau đó, tôi được biết, nhà tôi thuộc diện phong tỏa, mọi người không thể đến lo hậu sự cho chồng tôi. Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp lo hậu sự cho anh Được, đưa tro cốt của anh về Tịnh thất Giác Thiền, hỗ trợ một phần chi phí để gia đình trang trải khó khăn trước mắt. Những nghĩa cử ấy không bao giờ chúng tôi quên được. Rất cám ơn đại tá Đinh Văn Nơi và mọi người xung quanh đã giúp đỡ gia đình tôi vượt qua giai đoạn này” - bà Nguyên chia sẻ.

Bà tiếp chúng tôi bên cạnh căn nhà xây dang dở, vì bệnh dịch ảnh hưởng nên ngừng thi công. Rồi đây, căn nhà sẽ hoàn thành, nhưng vắng bóng người đàn ông trụ cột. Bà sẽ vừa làm mẹ, vừa làm cha để che chở cuộc đời các con. Dịch bệnh chẳng thể nào quật ngã tinh thần của người mẹ ấy. “An thường gọi điện thoại động viên chúng tôi. Mấy tháng nay con ra tuyến đầu chống dịch, không thể về thăm nhà. Các con đang nỗ lực học tập, làm việc. Tôi cũng phải cố gắng vì các con, tiếp tục giữ gìn sức khỏe, chờ ngày quay lại công việc mưu sinh. Tôi mong, cả xóm làng, quê hương của mình an toàn, đừng ai nhiễm bệnh. Mọi người hãy kỹ lưỡng, tự phòng bệnh cho mình, đừng vì chủ quan mà xảy ra bất trắc” - bà Nguyên nhắn nhủ.

“Đừng thở dài, hãy vươn vai mà sống. Bùn ở dưới chân, nhưng nắng ở trên đầu”. Những mất mát, đau khổ ấy thật sự lớn lao, đang hiện hữu xung quanh chúng ta. Nhưng, những nhân vật tôi tiếp xúc, họ đều rất mạnh mẽ, cố gắng đứng dậy sau biến cố, biến bi thương thành động lực, viết tiếp ước mơ còn dang dở, đi tiếp hành trình phía trước. Họ không đơn độc, vì còn rất nhiều người đồng hành, sẻ chia!

GIA KHÁNH

Công an tỉnh An Giang vận động được 200 triệu đồng từ nhà hảo tâm, thông qua MTTQ tỉnh chuyển hỗ trợ các gia đình có người thân không may qua đời do dịch COVID-19 trong toàn tỉnh. Các hoàn cảnh trong bài viết đã được đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh, đến tận nơi thăm hỏi, trao hỗ trợ 5 triệu đồng/trường hợp, giúp họ sớm vượt qua khó khăn. Riêng trường hợp em Lê Thị Mỹ Dung được đại tá Đinh Văn Nơi gửi tặng thêm 4 triệu đồng để trang trải học phí.

Từ khóa » Emoji Thở Dài