Dùng Thuốc Gì Khi Bị Dị ứng Hải Sản?

Trần Quỳnh Nga (Hà Nội)

Theo thư chị mô tả có thể cháu bị dị ứng do ăn hải sản. Đây là tình trạng rất thường gặp. Do hải sản có chứa nhiều loại protein bổ dưỡng nhưng cũng có những protein “lạ”, khi ăn vào cơ thể sẽ là những kháng nguyên thực sự. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng. Chất gây dị ứng có trong hải sản khi vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng quá mẫn.

Đầu tiên, cơ thể sản sinh ra một loại kháng thể chống lại chất gây dị ứng trong thức ăn. Nếu tiếp tục ăn, chất dị ứng sẽ thúc đẩy kháng thể này kết hợp với các tế bào của hệ miễn dịch để tạo ra histamin. Histamin sinh ra trong các tổ chức, cơ quan khác nhau sẽ gây nên những bệnh lý khác nhau (histamin phóng ra ở mũi, vòm miệng và họng sẽ làm hắt hơi, ngạt mũi, khó nuốt, khó thở; phóng ra ở ruột thì gây đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy; phóng ra trên da sẽ gây ngứa, mề đay...). Phản ứng dị ứng không phụ thuộc số lượng ăn nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể.

Các trường hợp tối cấp như co thắt thanh quản, sốc phản vệ có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Trường hợp nguy cơ cao dễ bị dị ứng hải sản là: trẻ em; người cao tuổi; người mắc một trong các bệnh dị ứng như: bệnh suyễn, chàm, phát ban, viêm mũi xoang dị ứng, viêm da cơ địa. Tốt nhất, chị nên đưa con đến cơ sở y tế để được khám và điều trị cụ thể.

Dùng thuốc gì khi bị dị ứng hải sản?

Tuy nhiên, khi bị dị ứng hải sản việc đầu tiên cần làm là gây nôn, để loại bỏ các chất dị ứng trong thức ăn không phóng thích vào cơ thể thêm nữa. Việc dùng thuốc khi bị dị ứng hải sản nhằm giảm nhẹ hoặc mất các triệu chứng dị ứng, quan trọng nhất là chống phản ứng phản vệ.

Trường hợp như con chị, trước tiên cần dùng thuốc kháng histamin như: phenergan, cetirizin, chlopheniramin, loratadin... để ngăn histamin phóng thích thêm vào máu và giảm triệu chứng dị ứng (nổi mề đay, ngứa...). Có thể bôi kem dịu da, chống ngứa có methol, phenol, sulfat kẽm.

Để giải quyết các biểu hiện dị ứng trên tiêu hóa (buồn nôn, tiêu chảy...), cần cho người bệnh dùng dung dịch oresol để bù nước và điện giải. Không vội cho họ dùng thuốc cầm tiêu chảy (smectite intergrade, berberin, loperamid...) vì cơ thể cần thải trừ hết độc tố. Các thuốc cầm tiêu chảy có tác dụng làm giảm nhu động ruột nên giảm số lần đi ngoài nếu dùng ngay sẽ làm cho tác nhân gây bệnh bị thải hồi rất chậm, làm cho tiêu chảy càng thêm kéo dài, thậm chí nặng hơn, phân không tống xuất ra ngoài được, ứ lại trong ruột sinh đầy hơi, trướng bụng, nôn nhiều…

Từ khóa » Dị ứng Hải Sản Nên Làm Gì