Đừng Vì Tiện Lợi Thi Trắc Nghiệm Của Môn Toán Mà Hỏng Cả Quá Trình ...

Mới đây, thảo luận tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho hay, trong thời gian qua, các cử tri rất quan tâm tới vấn đề thi THPT quốc gia. Đặc biệt có nhiều ý kiến cho rằng thi trắc nghiệm đối với môn Toán chưa được yên tâm.

“Hình thức thi này là một trong những nguyên nhân gây ra sai phạm hàng loạt với kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Ngoài ra còn tạo nên cách dạy và học, tư duy đối với môn này bị thay đổi. Thầy cô chỉ cần cho học sinh biết cách làm bài trắc nghiệm sao cho đạt kết quả bằng các mẹo làm bài. Còn học sinh chỉ cần khoanh tối đa các phương án đúng, còn lại là khoanh xác suất.  Cách học này khiến học sinh bỏ qua các bước khi làm một bài toán và tư duy logic”, đại biểu Ánh nêu ý kiến.

 

Nhiều giáo viên dạy Toán cho rằng việc thi trắc nghiệm môn Toán sẽ làm hỏng tư duy logic của học sinh. 

 

Thầy Trần Mạnh Hùng, giáo viên dạy toán trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng không khỏi lo ngại về việc thi trắc nghiệm môn Toán. Theo thầy Hùng, tại Việt Nam, việc thi cử ảnh hưởng trực tiếp tới việc dạy và học. Mục tiêu lớn nhất của môn Toán là rèn luyện cho học sinh khả năng tư duy logic, trình bày có quy trình, làm việc có đầu có đuôi, chính xác thì việc thi trắc nghiệm lại chỉ đề cao kết quả cuối cùng.

 

“Sau khoảng 3 năm áp dụng thi trắc nghiệm môn Toán, hầu hết các giáo viên đều thấy môn Toán của học sinh đang "nát dần đều". Trong khi trước đó, ở bậc tiểu học, cấp 2, các thầy cô đã dày công luyện cho các em các phẩm chất quan trọng và đáng quý từ môn Toán thì lên cấp 3 lại bị phủ định, đổ hết xuống sông xuống biển. Học sinh học Toán một cách ngây ngô, làm ngược, nhìn từ ngọn xuống để chọn được đáp án nhanh nhất, không đi từ gốc lên. Nếu điều này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc học Toán của học sinh, những đặc điểm của môn Toán cũng mất đi”, thầy Hùng lo ngại.

 

Thầy Hùng cho rằng, không nên vì sự tiện lợi của hình thức thi trắc nghiệm mà làm hỏng cả quá trình học về lâu về dài. Nếu tiếp tục hình thức thi này, không chỉ môn Toán bị hỏng mà còn có thể tạo ra tính tùy tiện, vô trách nhiệm ở học sinh. Do đó, Bộ GD-ĐT cần có những đánh giá toàn diện hơn về việc thi trắc nghiệm môn Toán, lắng nghe ý kiến từ các giáo viên.

 

“Nhiều khi giáo viên muốn truyền tải những mục tiêu tốt đẹp của môn Toán, nhưng lại không thực hiện được. Nếu như dạy tuần tự theo hình thức tự luận trước kia, thì học sinh cũng cảm thấy gượng ép. Đây chính là khó khăn trong quá trình dạy và học khiến giáo viên cũng phải chạy theo, bản thân các thầy cũng phải nghĩ ra mẹo cho học sinh. Như vậy mục tiêu của môn học không đạt được. Việc thi Toán được áp dụng các mẹo nhận diện câu hỏi nhanh giống như thi bằng lái xe, gặp câu hỏi kiểu này thì chọn đáp án nào mà không cần biết nội dung là gì. Như vậy rất nguy hiểm”, thầy Hùng lo ngại.

 

Thầy Lê Đức Vĩnh, nguyên Tổ trưởng tổ Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đồng tình quan điểm không nên thi trắc nghiệm môn Toán. Thầy Vĩnh cho rằng cái được của thi trắc nghiệm là phổ kiến thức rộng, nhưng lại có rất nhiều hạn chế.

 

“Thi trắc nghiệm chỉ là sàng thô. Nhiều người vẫn nói rằng tại sao ở bậc phổ thông học sinh phải học tích phân, vi phân. Nhưng nếu không học như vậy thì khi học đại học về ngành kỹ thuật, kinh tế sẽ không thể học được. Nhất là khối ngành kinh tế, cần học về kinh tế vĩ mô, kinh tế vi môn, hay xác suất thống kê... Nếu luyện thi theo kiểu nhận dạng, các thầy cô cũng sẽ biết cách đối phó để luyện thi để ra kết quả đúng hay không, nhưng lại không hiểu được bản chất. Toán học là chìa khóa của nhiều môn khoa học khác nên không thể thi theo hình thức này”, thầy Vĩnh nói.

 

Thầy Lê Đức Vĩnh cho rằng, ở các nước phát triển như Mỹ, Úc, sở dĩ môn Toán cũng được thi trắc nghiệm và mang lại hiệu quả vì họ không đặt nặng vào kết quả của bài thi đó. Việc tuyển sinh không chỉ dựa vào kết quả thi mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Còn tại Việt Nam, kết quả bài thi này được các trường CĐ, ĐH sử dụng luôn cho việc xét tuyển đầu vào. “Các nhà hoạch định chính sách của ta đang đi sai hướng. Với những môn cần sự tư duy, logic nhiều, thì không nên thi trắc nghiệm”, thầy Lê Đức Vĩnh nói./.

 

Theo VOV.VN

Từ khóa » Toán Thcs Tv