DUOC LIEU HOC - TRUC DAO

NỘI DUNG

Định nghĩa dược liệu

Đặc điểm thực vật

Thành phần hoá học

Kiểm nghiệm

Tác dụng, công dụng

Ghi chú

Tài liệu tham khảo

DƯỢC LIỆU KHÁC

Thông thiên

Digital

Cóc

Tỏi độc

Folium Nerii oleandi

end of page

1. Định nghĩa dược liệu

Lá của cây Trúc đào (Nerium indicum Miler), họ Trúc đào (Apocynaceae).

2. Đặc điểm thực vật

Cây nhỡ, mọc thành bụi, cao 5-6m. Cành mảnh, có ba cạnh màu xám tro. Lá mọc vòng 3, hình mác hẹp, dài 7-10cm, rộng 1-3cm, gốc thuôn có phiến men theo cuống, đầu nhọn, mặt trên xanh sẫm bóng, mặt dưới nhạt, gân bên có rất nhiều nếp song song đối xứng xít nhau và rất đều, cuống lá ngắn. Cụm hoa mọc ở ngọn thành xim, hoa màu hồng, trắng hay vàng; dài 5 răng có ống ngắn hình chuông; tràng nhiều cánh rộng; nhị 5, bầu có hai lá noãn riêng biệt chứa nhiều noãn. Quả gồm hai đại mọc đứng, hạt có mào lông màu hung

Nerium L. là một chi nhỏ, gồm các loài có nguồn gốc từ vùng Ðịa Trung Hải hoặc Trung á, có 2 loài được trồng làm cảnh ở khắp các vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam, đó là Nerium indicum Miler= Nerium odorum Soland và Nerium oleander L. Trúc đào được nhập trồng vào Việt nam khoảng 100 năm trở lại đây. Cây trồng làm cảnh ở các vườn hoa, dọc đường giao thông hoặc vườn gia đình, ưa sáng, có thể chịu khô hạn.

Thu hái: lá già, thu hái vào tháng 4 hoặc tháng 10-11, làm khô ngay ở nhiệt độ không quá 500C

Back to Top

3. Thành phần hoá học

Lá Trúc đào chứa nhiều glycosid tim với hàm lượng 0,5% mà thành phần chính là oleandrin (còn gọi là oleandrosid, neriolin, folinerin). Oleandrin khi thuỷ phân cho đường oleandrose và aglycon là oleandrigenin. Hàm lượng oleandrin trong lá khô là 0,08% - 0,15% (Theo D. A. Muraviôva hàm lượng này không được dưới 0,2%). Theo Dược điển Việt Nam I 1g oleandrin phải chứa 3600- 4500 đơn vị mèo.

Các glycosid khác gồm neriin có tác dụng trợ tim yếu; deacetyloleandrin có hoạt tính sinh vật là 6000 đơn vị ếch trong 1 gam; neriantin với hàm lượng cao nhưng hoạt tính sinh vật thấp (không có nhóm OH ở C14); adynerin với hàm lượng thấp và không có tác dụng trên tim (do OH ở C14 bị khoá lại).

Back to Top

4. Kiểm nghiệm

Vi phẫu lá:

Phần gân chính: Gân dưới lồi, gân trên phẳng, hơi lõm ở giữa. Biểu bì trên và biểu bì dưới cấu tạo bởi một lớp tế bào nhỏ xếp đều đặn, rải rác lông che chở đơn bào bé. Sát biểu bì trên và biểu bì dưới là mô dày cấu tạo từ những tế bào thành dày. Mô mềm cấu tạo từ những tế bào tròn, thành mỏng, xếp lộn xộn để hở những khoảng gian bào nhỏ. Trong mô mềm có nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai Bó libe-gỗ hình cung nằm giữa gân lá, libe xếp thành vòng bao quanh cung gỗ.

Hình 2. Vi phẫu lá Trúc đào

Hình 3. Vi phẫu phiến lá Trúc đào

Xung quanh bó libe-gỗ có các đám sợi thành cellulose

Phần phiến lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới giống phần gân lá, song mang nhiều lông che chở đơn bào bé. Hạ bì gồm 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật xếp sát biểu bì trên và biểu bì dưới. Mô giậu có cả ở hai mặt lá, gồm 2-3 hàng tế bào hình chữ nhật xếp đứng đều đặn vuông góc với biểu bì trên và dưới. Mô khuyết. Bề mặt dưới lá có những phòng ẩn lỗ khí mang nhiều lông che chở đơn bào. Trong phiến lá có rải rác các tinh thể calci oxalat hình cầu gai.

Hoá học

Ðịnh tính glycosid tim trong lá Trúc đào

Chiết xuất: Ngâm lá Trúc đào khô, tán nhỏ vào nước cất ở nhiệt độ phòng trong 24h. Gạn dịch lọc vào cốc có mỏ, thêm vào dịch lọc dung dịch chì acetat 30%, khuấy đều để lắng tủa. Lọc qua giấy lọc. Thử qua từ những giọt dịch lọc đầu tiên xem dịch lọc còn tủa với chì acetat không. Nếu còn tủa thì phải thêm chì acetat và lọc lại và thử cho đến khi dịch lọc không còn tủa với dung dịch chì acetat nữa. Chuyển dịch lọc vào bình gạn, chiết hỗn hợp glycosid tim nhều lần bằng cloroform. Gộp dịch chiết vào trong cốc có mỏ, dịch chiết phải trong suốt. Nếu còn lẫn nước thì phải lọc dịch chiết qua bông thấm nước. Chia đều dịch chiết ra các ống nghiệm nhỏ đã được sấy khô bốc hơi trên nồi cách thuỷ cho đển khô. Cắn còn lại được đem tiến hành làm các phản ứng sau:

Tiến hành các phản ứng định tính

+ Phản ứng Lieberman: Cho vào ống nghiệm có chứa cắn glycosid tim 0,5ml alhydric acetic. Lắc đều để thuốc thử hoà tan hết cắn. Ðặt nghiêng ống nghiệm 450. Cho thêm đồng lượng acid sulfuric đặc (0,5ml) theo thành ống nghiệm, để dịch lọc trong ống được chia thành 2 lớp; lớp acid sulfuric ở dưới và lớp alhydric acetic ở trên. ở mặt tiếp xúc giữa hai lớp chất lỏng sẽ xuất hiện một vòng tím đỏ. Lắc nhẹ, lớp chất lỏng phía trên sẽ có màu xanh.

+ Phản ứng Baljet: Cho vào ống nghiệm có chứa cắn glycosid tim 0,5ml ethanol 900. Lắc cho hoà tan hết cắn. Thêm thuốc thử Baljet vừa mới chuẩn bị (một phần dung dịch acid picric 1% và 9 phần dung dịch NaOH 10%) sẽ xuất hiện tủa màu da cam.

+ Phản ứng Legal: Cho vào ống nghiệm có chưa cắn glycosid tim 0,5ml ethanol 900. Lắc đều cho hoà tan hết cắn, thêm một giọt thuốc thử Natri prusiat 0,5% và 2 giọt dung dịch NaOH 10%, sẽ xuất hiện màu đỏ nhưng chóng mất.

+ Phản ứng Keller- kiliani: Cho vào ống nghiệm có chưa cắn glycosid tim 0,5ml dung dịch FeCl3 5% trong acid acetic. Nghiêng ống nghiệm và cho từ từ 0,5ml acid sulfuric đặc theo thành ống nghiệm, sẽ xuất hiện một vòng tím đỏ giữa hai lớp chất lỏng. Nếu lắc nhẹ lớp trên sẽ có màu xanh.

+ Phản ứng với thuốc thử Xanthydrol: Cho vào ống nghiệm có chứa cắn glycosid tim 0,5ml ethanol 900. Lắc cho hoà tan hết cắn. thêm 0,5ml dung dịch thuốc thử Xanthydrol. Ðun trong nồi cách thuỷ 3 phút, sẽ xuất hiện màu đỏ.

Sắc ký lớp mỏng: Cho vào ống nghiệm có chứa cắn glycosid vài giọt chloroform, lắc nhẹ cho hoà tan hết cắn. Dùng mao quản chấm chất lỏng lên bản mỏng. Dung môi khai triển Butanol - Chloroform (1:9). Thuốc thử hiện màu: Phun dung dịch dinitro benzen trong cồn tuyệt đối, sấy khô bản mỏng trong 10 phút ở 600C. Phun tiếp dung dịch gồm 6g NaOH trong 25ml nước và 45ml methanol. Những vết glycosid sẽ có màu hồng.

Back to Top

5. Tác dụng và công dụng

Hoạt chất chính oleandrin (neriolin, oleandrosid, folinerin) của lá Trúc đào hấp thụ tốt khi uống và khác với Digitalis là ít tích luỹ, có tác dụng kích thích tim và lợi niệu rõ rệt. Oleandrin làm chậm nhịp tim, kéo dài thời kỳ tâm trương. Tính chất này đặc biệt có lợi đối với bệnh nhân bị hẹp van hai lá vì kéo dài thời kỳ tâm trương giúp cho máu có đủ thời giờ xuống tâm thất trái qua lỗ van hai lá bị hẹp khiến cho lượng máu phóng vào đại tuần hoàn trong mỗi chu chuyển tim lớn hơn, nâng cao được lưu lượng và hiệu suất của tim. Đặc điểm này quan trọng đối với hoàn cảnh Việt Nam nơi mà bệnh hẹp van hai lá là nguyên nhân của nhiều trường hợp suy tim.

Neriifolin tác dụng yếu hơn nhiều. Các flavonol glycosid có tác dụng đối với độ thấm thành mạch và lợi tiểu. Trên lâm sàng cornerin có tác dụng đối với các rối loạn về tim, đặc biệt là cải thiện chức năng cơ tim. Vỏ và hoa có tác dụng trợ tim giống như lá. Vỏ có một glycosid độc, rosaginin.

Trúc đào có hoạt tính ức chế sinh trưởng đối với các dòng tế bào ung thư người, với liều tác dụng ED50 xê dịch từ 0,008 đến 2,13 mg/ ml, tuỳ thuộc vào dòng tế bào. Cao cồn Trúc đào (lá, thân, rễ) có tác dụng kháng siêu vi khuẩn trong thí nghiệm xác định nồng độ tối thiểu ức chế sự phát triển của siêu vi khuẩn và tác dụng chống ung thư trong thử nghiệm xác định nồng độ thấp nhất diệt tế bào một tầng phát triển nhanh lấy từ thận khỉ được nuôi cấy và gây nhiễm với siêu vi khuẩn herpes tyb 1.

Công dụng: lá Trúc đào được dùng làm nguyên liệu chiết xuất oleandrin, là thuốc uống được chỉ định điều trị suy tim, hở lỗ van hai lá, nhịp tim nhanh kịch phát, các bệnh tim có phù và giảm niệu và dùng luân phiên với thuốc Digitalis. Liều dùng hàng ngày: mỗi lần uống 1 viên 0,1mg, ngày 3 lần.

Back to Top

6. Ghi chú

Cây Trúc đào còn được gọi lá Ðào lê.

Tiến sĩ Ðỗ Tất Lợi Bộ môn Dược liệu trường Ðại học Y Dược Hà Nội đã sản xuất Neriolin từ năm 1955. Cuối năm 1962 cải tiến phương pháp và chiết ra hỗn hợp glycosid toàn phần của lá Trúc đào, bàn giao toàn bộ quy trình sản xuất cải tiến này cho Xí nghiệp Dược phẩm II năm 1963. Thuốc được dùng điều trị cho bệnh nhân suy tim trong nhiều năm.

Cây Trúc đào thường được trồng làm cảnh, và trồng để lấy lá chiết xuất glycosid chữa bệnh tim. Lá Trúc đào rất độc, dễ gây ngộ độc chết người. Hái lá, phơi ngay cho khô, làm nguyên liệu chiết xuất glycosidtim.

Back to Top

7. Tài liệu tham khảo

Bài giảng Dược liệu Tập I - 1998 Tr. 97-101.

Nguyễn Viết Thân - Kiểm nghiệm dược liệu bằng phương pháp hiển vi- NXB khoa học và kỹ thuật- 2003. Tr.240-241

-------------------------------------------------------

Mọi thông tin liên quan đến trang web Xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại 01234195602 hoặc theo địa chỉ Email: thannv@hup.edu.vn

Revised: February 01, 2017 .

Từ khóa » Soi Bột Lá Trúc đào