Dược Lý Nhóm Thuốc ức Chế Tâm Thần: Đại Cương Và Thuốc Cụ Thể

Trungtamthuoc.com - Thuốc ức chế tâm thần chủ yếu được sử dụng để điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần như tâm thần phân liệt và các chứng loạn thần khác, kích động, lo lắng nghiêm trọng, hưng cảm và hành vi bạo lực hoặc bốc đồng nguy hiểm. Vậy phân loại cũng như các thuốc cụ thể trong nhóm này là gì? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1 Đại cương về nhóm thuốc ức chế tâm thần

1.1 Khái niệm về thuốc ức chế tâm thần

Thuốc ức chế tâm thần còn gọi là thuốc an thần kinh, thuốc chống loạn thần, an thần chủ yếu hay thuốc liệt thần. Đây là các thuốc an thần mạnh, chống rối loạn tâm thần thể hưng cảm, làm giảm các kích thích về tâm thần như ảo tưởng như nghe thấy giọng nói, ảo giác, hoang tưởng hoặc suy nghĩ nhầm lẫn. Chúng được sử dụng trong điều trị tâm thần phân liệt, trầm cảm nặng và lo lắng nghiêm trọng. [1]

Thuốc ức chế tâm thần giúp điều chỉnh hoạt động của các mạch não kiểm soát suy nghĩ, tâm trạng và nhận thức. Không rõ chính xác cách thức hoạt động của những loại thuốc này, nhưng chúng thường cải thiện các giai đoạn hưng cảm một cách nhanh chóng. Các loại thuốc mới hơn thường có tác dụng nhanh và có thể giúp tránh được các hành vi liều lĩnh và bốc đồng liên quan đến chứng hưng cảm.

Ở những người bị rối loạn lưỡng cực, các thuốc này cũng được sử dụng để điều trị các chứng mất ngủ, lo lắng, kích động. Thông thường, bệnh nhân được dùng với một loại thuốc ổn định tâm trạng và có thể làm giảm các triệu chứng hưng cảm cho đến khi thuốc ổn định tâm trạng phát huy hết tác dụng. [2] Chúng cũng được sử dụng để điều trị buồn nôn và nôn, chứng nấc cụt khó chữa, kiểm soát cơn đau và cảm giác bồn chồn liên quan trong chăm sóc giảm nhẹ. [3]

Ở liều điều trị, thuốc không gây ngủ, không gây mê nhưng có tác dụng trên thần kinh trung ương và thần kinh thực vật: gây hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, chống nôn, hội chứng ngoại tháp và các rối loạn nội tiết…

1.2 Cơ chế chung

Các thuốc trong nhóm thể hiện tác dụng thông qua các cơ chế sau:

- Ức chế receptor dopaminergic ở não mà quan trọng nhất là receptor D2.

- Ức chế các receptor khác như serotonergic, alpha-adrenergic, cholinergic và histaminic H1.

1.3 Phân loại

Dựa theo cấu trúc hóa học, nhóm được chia thành các loại sau:

Dẫn xuất phenothiazin: clorpromazin, fluphenazin…

Dẫn xuất butyrophenon: haloperidol.

Dẫn xuất benzamid: sulpirid, remoxiprid.

Các dẫn xuất khác: dẫn xuất benzisoxazol,…. [4]

2 Dẫn xuất phenothiazin

2.1 Clorpromazin

Hình ảnh thuốc Chlorpromazine

2.1.1 Dược động học

Hấp thu: Clorpromazin có thể hấp thu được qua đường uống, trực tràng và đường tiêm. Khi dùng với đường uống, thuốc hấp thu nhanh, tuy nhiên sinh khả dụng chỉ đạt khoảng 30%. Tác dụng an thần xuất hiện sau khi uống hoặc đặt trực tràng khoảng 60 phút, sau khi tiêm khoảng 10 phút.

Phân bố: Thuốc phân bố rộng rãi trong cơ thể, qua được hàng rào máu não, hàng rào nhau thai và tiết vào sữa mẹ. Liên kết với protein huyết tương trên 95%.

Chuyển hóa: Thuốc chuyển hóa ở gan bằng phản ứng oxy hóa, sau đó liên hợp với acid glucuronic và khử methyl tạo thành các chất chuyển hóa còn hoạt tính và các chất chuyển hóa không còn hoạt tính.

Thải trừ: Thời gian bán thải khoảng 30 giờ. Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.

2.1.2 Tác dụng

Trên thần kinh trung ương và tâm thần:

Các tác dụng chính của thuốc có thể kể đến như:

  • An thần kinh mạnh, chống rối loạn tâm thần thể hưng cảm.
  • Làm giảm chứng hoang tưởng, ảo giác, thao cuồng, vật vã.
  • Làm mất các ý nghĩ kỳ lạ, tạo cảm giác an dịu.
  • Ức chế các phản xạ có điều kiện.

Bên cạnh đó, thuốc còn thể hiện các tác dụng khác trên thần kinh trung ương, cụ thể như sau:

  • Ức chế trung tâm điều nhiệt, do đó làm hạ thân nhiệt.
  • Phong bế receptor dopaminergic ở sàn não thất IV, thể hiện tác dụng chống nôn.
  • Gây hội chứng ngoại tháp, nhất là khi sử dụng với liều cao.
  • Thuốc ít tác động tới vỏ não, do đó nó ít ảnh hưởng tới hoạt động trí tuệ, đồng thời không làm mất phản xạ tủy và phản xạ không điều kiện. Bên cạnh đó, thuốc thể hiện hiệp đồng tác dụng với các thuốc ức chế thần kinh trung ương.

Trên hệ thần kinh thực vật:

  • Hủy alpha-adrenergic, do đó nó làm đảo ngược tác dụng của noradrenalin trên huyết áp, gây giãn mạch ngoại vi, dẫn đến tình trạng hạ huyết áp.
  • Hủy muscarinic gây giãn đồng tử, táo bón, giảm tiết dịch, khô miệng, khô da, bí tiểu…

Trên hệ tuần hoàn:

  • Tác dụng phức tạp do ức chế cả trung ương và ngoại vi nhưng nói chung gây hạ huyết áp thế đứng, chậm nhịp tim, giãn mạch và hạ huyết áp

Trên hệ nội tiết:

  • Thuốc ức chế receptor D2, kích thích tăng tiết prolactin, từ đó làm tăng tiết sữa và gây chứng vú to ở đàn ông. Bên cạnh đó, thuốc gây giảm tiết FSH và LH, giảm nồng độ gonadotropin, estrogen, progesteron gây mất kinh ở phụ nữ.

Kháng histamin và serotonin: gây tác dụng an thần và bình thần.

2.1.3 Chỉ định

Thuốc được chỉ định trong các trường hợp sau:

Tại khoa tâm thần: Điều trị bệnh tâm thần phân liệt các thể, giai đoạn hưng cảm của tâm thần lưỡng cực.

Tại các khoa khác:

Chống nôn, chống nấc.

Tiền mê.

Bệnh uốn ván (điều trị hỗ trợ).

2.1.4 Tác dụng không mong muốn và độc tính

Tác dụng không mong muốn chủ yếu liên quan đến tác dụng dược lý của thuốc, cụ thể:

  • Thần kinh trung ương: gây mệt mỏi, buồn ngủ, trầm cảm, hội chứng ngoại tháp, parkinson, suy nghĩ chậm chạp, lú lẫn.
  • Thần kinh thực vật: táo bón, khô miệng, bí tiểu, giãn đồng tử. Ngoài ra gây loạn nhịp tim, suy tim, hạ huyết áp thế đứng.
  • Nôị tiết: Tăng cân, chảy sữa, chứng vú to ở đàn ông, giảm tình dục, rối loạn kinh nguyệt…
  • Tác dụng không mong muốn khác: gây độc với máu (giảm bạch cầu, tiểu cầu, thiếu máu). Vàng da ứ mật, sốt cao ác tính và các phản ứng dị ứng.

Chống chỉ định

Không chỉ định dùng thuốc trên các đối tượng sau:

  • Ngộ độc thuốc ức chế thần kinh trung ương: rượu, thuốc ngủ, opioid.
  • Có tiền sử giảm bạch cầu hạt và rối loạn tạo máu, nhược cơ.
  • Bệnh parkinson.

3 Dẫn xuất butyrophenon

3.1 Haloperidol

Hình ảnh thuốc Haloperidol​

Dược động học

Hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Sinh khả dụng 60-70%. Sau khi uống 4-6 giờ, thuốc đạt nồng độ tối đa trong máu nhưng trạng thái cân bằng đạt được sau 1 tuần điều trị.

Liên kết với protein huyết tương 90%. Nồng độ thuốc trong huyết tương thay đổi theo cá thể người bệnh.

Chuyển hóa chủ yếu ở gan bằng phản ứng khử alkyl oxy hóa. Thải trừ qua thận và mật. thời gian bán thải khoảng 24 giờ.

3.1.1 Tác dụng

Trên thần kinh trung ương và tâm thần, thuốc có tác dụng chống rối loạn tâm thần mạnh, giảm lo âu, chống nôn mạnh, giảm đau và gây hội chứng ngoại tháp.

Trên thần kinh thực vật: rất ít tác dụng lên hệ thần kinh thực vật. Ở liều điều trị, thuốc không gây hủy giao cảm và phó giao cảm, không kháng histamin nhưng gây giãn cơ giống Papaverin.

3.1.2 Tác dụng không mong muốn

Tương tự như Clorpromazin, Haloperidol có thể gây ra một số tác dụng ngoại ý như:

Ngủ gà, rối loạn ngoại tháp.

Hội chứng parkinson.

Rối loạn nội tiết, tăng tiết sữa và chứng vú to ở đàn ông.

Tuy nhiên, thuốc ít gây tác dụng không mong muốn trên thần kinh thực vật.

3.1.3 Chỉ định

Thuốc được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Chuyên khoa tâm thần: điều trị các trạng thái tâm thần cấp và mạn tính: tâm thần hưng cảm, hoang tưởng, tâm thần vận động, tâm thần phân liệt, ảo giác và trạng thái mê mộng, lú lẫn kèm kích động.
  • Chuyên khoa khác: chống nôn, tiền mê, giảm đau nhất là sau chiếu xạ bệnh ung thư.

3.1.4 Chống chỉ định

Trên các đối tượng sau đây, không được chỉ định sử dụng thuốc:

  • Dị ứng hoặc quá mẫn cảm với haloperidol.
  • Quá liều thuốc ức chế thần kinh trung ương.
  • Bệnh parkinson.
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
  • Phối hợp với levodopa.
  • Thận trọng với người rối loạn ngoại tháp, động kinh, trầm cảm, cường giáp.

4 Dẫn xuất benzamid

4.1 Sulpirid

Hình ảnh thuốc Sulpirid

Dược động học

Hấp thu được qua đường tiêu hóa. Sau khi uống 4-5 giờ, thuốc đạt nồng độ tối đa trong máu. Liên kết với protein huyết tương khoảng 40%.

Thuốc khuếch tán nhanh vào các tổ chức nhất là gan, thận, não; ít qua nhau thai và sữa mẹ. Thuốc thải trừ 90% qua thận dưới dạng chưa chuyển hóa.

4.1.1 Tác dụng

Là thuốc chống rối loạn tâm thần lưỡng cực:

  • Liều thấp 100-600mg: có tác dụng kích thích, giải ức chế, chống các trạng thái trầm cảm do kích thích receptor dopaminergic sau synap ở thần kinh trung ương.
  • Liều trên 600mg có tác dụng chống hoang tưởng, ảo giác, làm an dịu do thuốc kích thích receptor dopaminergic trước synap làm giảm giải phóng dopamin.

4.1.2 Chỉ định

Thuốc được dùng để chữa các bệnh sau:

  • Các rối loạn tâm thần thể trầm cảm (liều thấp).
  • Các rối loạn tâm thần thể hưng cảm: tâm thần phân liệt, ảo giác, thao cuồng (liều cao).

4.1.3 Tác dụng không mong muốn

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp phải trong quá trình dùng thuốc:

  • Trên thần kinh: rối loạn vận động, hội chứng ngoại tháp, ngủ gà…
  • Trên tim mạch: hạ huyết áp thế đứng.
  • Nội tiết và chuyển hóa: tăng tiết sữa, tăng cân…

Chống chỉ định

Trong các trường hợp sau đây, tuyệt đối không được chỉ định dùng thuốc:

  • Mẫn cảm hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Người động kinh, u tủy thượng thận.
  • Người mang thai và thời kỳ cho con bú.
  • Phối hợp với các thuốc Levodopa, rượu…

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của drug.com, Antipsychotics, drug.com. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2021
  2. ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, Antipsychotic Medication for Bipolar Disorder, WebMD. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2021
  3. ^ Tác giả: Chuyên gia của goc.uk, Ngày đăng: 25 tháng 8 năm 2005, Antipsychotic medicines, gov.uk. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2021
  4. ^ Tác giả: Mai Tất Tố, Giáo trình Dược lý học, tập 1, Nhà xuất bản Y học, 2012, trang 132-138
Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây

Từ khóa » Thần Kinh Trung ương Bị ức Chế