Được Nói Lời Sau Cùng, Trùm Xăng Giả Trịnh Sướng Nói Gì?

  • Dự kiến Hội đồng xét xử sẽ tuyên án vào ngày 30-12-2021

Chiều 23-12, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân (HĐXX TAND) tỉnh Đắk Nông tiếp tục mở phiên tòa xét xử Trịnh Sướng và 38 bị cáo trong đường dây sản xuất, mua bán xăng giả quy mô cực lớn, liên tỉnh.

Bị cáo Trịnh Sướng

Tại phiên toà, khi được nói lời sau cùng, Trịnh Sướng cho rằng trong quá trình kinh doanh xăng dầu tại Sóc Trăng và các tỉnh lân cận, có nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, các cơ quan ban ngành đã đi kiểm tra, lấy mẫu kiểm định, nhưng chưa có mẫu nào bị phát hiện là hàng giả và bị xử phạt. “Xin HĐXX xem xét 3 tình tiết được giảm nhẹ mà tôi đã trình bày, để tuyên án tôi ở mức hình phạt thấp hơn mức mà đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông đã đề nghị”.

Bị cáo Đinh Chí Dũng

Các bị cáo khác cũng mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để tuyên mức án nhẹ nhất để các bị cáo sớm được về nhà, làm lại cuộc đời.

HĐXX TAND tỉnh Đắk Nông cho biết sẽ tuyên án vào sáng 30/12.

Trước đó, đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông đã đề nghị HĐXX tuyên phạt "trùm" xăng giả Trịnh Sướng mức án từ 12-13 năm tù giam (đây cũng là mức án cao nhất mà đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông đề nghị tuyên phạt các bị cáo). 3 bị cáo cùng bị đề nghị mức án từ 7-8 năm tù giam là Đinh Chí Dũng và Hồ Xuân Cường và Nguyễn Thị Thu Hòa. Đối với các bị cáo còn lại, đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông đề nghị từ 3 năm tù (cho hưởng án treo) đến 6 năm tù giam.

Hồi tháng 4/2021, TAND tỉnh Đăk Nông đã đưa vụ án ra xét xử. Sau 12 ngày làm việc, tòa quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ khối lượng xăng giả và số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo.

Theo cáo trạng, năm 1996, Trịnh Sướng thành lập Công ty TNHH Mỹ Hưng tại Sóc Trăng, chuyên kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm có liên quan. Sau thời gian dài kinh doanh, ông Sướng biết cách pha chế dung môi để làm xăng giả, nên đầu năm 2017 thuê người và nhiều kho bãi để làm xăng A95 và E5 Ron 92 bán ra thị trường. Sướng pha chế xăng giả bằng cách pha dung môi với 20%-30% xăng thật (A95) cùng các hóa chất, sau đó cho hợp chất màu công nghiệp Azo vào để tạo màu.

Để phục vụ cho việc sản xuất, buôn bán xăng giả, Sướng mở thêm Công ty TNHH Gia Thành nhưng cho em vợ Trương Như Tuyết làm giám đốc. Đồng thời, ông ta thông qua Công ty cổ phần thương mại hóa dầu Ressol (Sướng sở hữu 75% cổ phần) thuê thêm mặt bằng kho chứa tại quận Ô Môn, Cần Thơ để mở rộng việc làm xăng giả.

Sướng không trực tiếp đứng ra mua bán mà thông qua Trương Như Tuyết và nhiều người khác. Trong đó, Tuyết được giao phụ trách xuất hóa đơn giá trị gia tăng, giúp Sướng hợp thức hóa nguồn dung môi mua vào và xăng giả bán ra; quản lý tiền mặt, thanh toán tiền nguyên liệu...

Tháng 5/2019, ông này mua hàng triệu lít dung môi và hóa chất chở bằng đường thủy và đường bộ về hai kho của mình. Khi các công nhân đang bơm hóa chất Toluene đã pha trộn với MTBE và xăng A95 từ tàu lên bồn tại Kho xăng dầu Ressol để pha trộn thì bị cảnh sát bắt và thu giữ nhiều tang vật.

Theo cơ quan công tố, từ năm 2017 đến năm 2019, Trịnh Sướng và đồng phạm đã sản xuất hơn 192 triệu lít xăng giả tương đương trị giá hàng thật hơn 3.570 tỷ đồng. Trong đó, Sướng bán ra thị trường gần 189 triệu lít, thu lợi bất chính hơn 151 tỷ đồng.

Ngoài Sướng, một số chủ doanh nghiệp xăng dầu khác tại TPHCM, Cần Thơ, Đăk Nông như Nguyễn Ngọc Quan (51 tuổi, ở TPHCM, Giám đốc Công ty TNHH thương mại hóa chất Tâm Quang); Đinh Chí Dũng (52 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đinh Chí Dũng)... đã sản xuất và bán ra thị trường hàng chục triệu lít xăng giả.

Trong vụ án, Nguyễn Thị Thu Hòa (40 tuổi, ngụ TP Cần Thơ, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Phạm Sơn) được xác định là người cung cấp phần lớn dung môi cho Sướng và các đầu mối khác.

Ngọc Huy

Từ khóa » Xét Xử đường Dây Xăng Giả Trịnh Sướng