Đuốc Thiền - Cách Tu Của Người Phật Tử Tại Gia - HT Thích Nhật Quang

Thiền Tông Việt Nam HT Thích Thanh Từ HT Thích Nhật Quang HT Thích Thông Phương Các Vị Khác HT Thích Nhật Quang
  • HT Thích Thanh Từ
  • HT Thích Nhật Quang
  • HT Thích Thông Phương
  • Các Vị Khác
Đuốc Thiền Cách Tu Của Người Phật Tử Tại Gia

Hôm nay chúng tôi nói về cách sống của người Phật tử tại gia. Quí Phật tử phải sống như thế nào để hoàn thiện gia đình mình, hướng dẫn, tổ chức cuộc sống gia đình đúng theo tinh thần Phật dạy, mới có thể giữ được hạnh phúc dài lâu.

Thế thì Phật tử phải sống, phải sinh hoạt như thế nào để gọi là một gia đình Phật tử hoàn thiện, đúng theo tiêu chuẩn Phật dạy? Như quí vị đã biết sinh hoạt của người Phật tử, dĩ nhiên có phạm vi, có giới hạn của nó. Người ngoài nhìn vào nếp sống của mỗi gia đình, họ có thể đánh giá được đây là gia đình Phật tử hay không phải gia đình Phật tử. Đã nhiều lần chúng tôi nói đến sinh hoạt tự thân của mỗi Phật tử, chúng ta phải sống tu, thực tập theo lời Phật dạy, để chứng minh cho mọi người chung quanh thấy được giá trị và lợi ích thiết thực của đạo Phật, cụ thể qua cuộc sống của mình. Cho nên một gia đình Phật tử phải là một gia đình gương mẫu cho các gia đình trong cộng đồng xã hội noi theo. Vì vậy, bản thân mỗi Phật tử cũng phải sống gương mẫu.

Trước khi nói đến phương pháp cụ thể cho quí vị tu tập, tôi xin kể lại câu chuyện “Bốn viên ngọc”.

Ngày xưa có một chàng ngư phủ sống rất hiền lành. Một hôm trong lúc đang đánh cá, vị nữ thần hiện lên giữa biển, trao cho ngư phủ bốn viên ngọc với lời dặn như thế này: “Đây là bốn viên ngọc ước. Hãy trao tận tay cho đức vua anh minh”. Nói xong nữ thần lặng mất, chàng ngư phủ bàng hoàng với bốn viên ngọc sáng chói trong tay. Trước sự việc xảy ra đột ngột như thế, nếu là người tham lam thì có lẽ bốn viên ngọc kia đã trở thành của chàng ngư phủ rồi, không thể đến tay nhà vua được đâu. Nhưng không, vì như tôi đã nói đây là một chàng ngư phủ hiền lành nên anh ta đã lặn lội đường xa muôn dặm, đem bốn viên ngọc đó về dâng cho nhà vua, đúng như lời dặn của nữ thần.

Nhà vua thấy đây là một chàng ngư phủ mộc mạc, thật thà đáng khen. Cái lợi to lớn trong tay như thế mà không tham, từ xa vất vả đem đủ bốn viên ngọc về cho mình. Nghĩ thế vua liền nói: “Bây giờ ta sẽ ban thưởng cho ngươi một viên ngọc trong bốn viên ngọc này, tùy ngươi lựa chọn”.

Trong bốn viên ngọc ước đó, viên thứ nhất có thần dụng tạo ra những thức ăn cao lương mỹ vị. Khi cầm ngọc trong tay chỉ cần tưởng đến món gì mình ưa thích, tự nhiên nó hiện ra như ý. Viên thứ hai có thần dụng tạo ra lụa là gấm vóc, y phục thượng hạng. Viên thứ ba có thần dụng tạo ra vũ khí cực kỳ tối tân. Viên thứ tư có thần dụng tạo ra của cải giàu sang tột đỉnh. Nếu anh chàng ngư phủ nắm được viên ngọc thứ tư trong tay, thì từ đây về sau khỏi phải đi đánh cá nữa.

Hoàng đế hứa ban thưởng cho anh ngư phủ một viên bất kỳ, tùy anh lựa chọn, còn lại ba viên vua cho vào quốc khố để lo cho dân cho nước. Bởi đây là một vị vua anh minh nên không nghĩ gì đến riêng mình. Anh chàng ngư phủ suy nghĩ một hồi rồi thưa:

- Tâu Hoàng thượng! Việc này trọng đại quá, kẻ ngu hèn này không thể nào tự quyết định ngay được. Vậy xin Hoàng thượng cho thần hẹn nửa tháng sau sẽ trở lại trả lời.

Thấy anh này thật thà nên nhà vua chấp thuận. Thế là anh ta về nhà họp vợ con lại kể những sự việc trên. Nghe xong, bà vợ phát biểu trước tiên:

- Tôi một đời đi chợ, làm lụn mệt nhọc, thôi ông hãy lấy viên thứ nhất cho tôi đỡ cực tuổi già, khi đó nhà mình có đủ cao lương mỹ vị, như vậy là sướng nhất đời.

Bà vợ chưa dứt lời thì mấy đứa con gái ông ống lên:

- Mẹ sao quê mùa quá, ăn uống cực khổ có nhằm gì, miễn đừng ốm yếu thì thôi. Lụa là gấm vóc mới cần thiết cho tụi con. Thôi Ba hãy lấy viên ngọc thứ hai đi.

Nghe tới đó, mấy người con trai bực bội la lên:

- Đúng là đàn bà không biết gì hết ! chỉ có viên ngọc thứ ba mới làm cho ta trở thành anh hùng, quyền uy cao tột, không ai dám đụng đến, Ba hãy chọn viên ngọc thứ ba đi.

Thế là một cuộc tranh chấp, cãi vã dữ tội diễn ra trong gia đình.

Bấy giờ anh chài thấy mệt quá, ngọc ngà ở đâu không biết, mà chỉ thấy gia đình rối rắm mất hạnh phúc. Không khí càng tranh chấp càng đi đến bế tắc. Cuối cùng anh ngư phủ trở lại gặp Vua sớm hơn ngày hẹn và từ chối không nhận viên ngọc nào hết. Vua thắc mắc hỏi nguyên do. Anh ta tình thật kể lại tự sự và kết luận:

- Để giữ hạnh phúc gia đình được êm ấm như xưa, thần cam sống đời ngư phủ, bình thường giản dị mà không có sự tranh chấp trong gia đình, mọi người đều sống đúng với bổn phận, với việc làm của mình, như vậy là tốt nhất, hạnh phúc nhất.

Nhà vua nghe xong rất thán phục anh ngư phủ hiền lành và chuẩn y lời tâu của anh. Từ đó về sau, đời sống gia đình anh trở lại bình thường như xưa.

Câu chuyện cho chúng ta một bài học thật hay. Những lợi lộc gì từ bên ngoài đến, không do trí tuệ, khả năng của mình thì e nó sẽ quấy rầy, làm mất hết hạnh phúc gia đình. Bởi vì đó là những lợi lộc ngoài tầm tay chúng ta. Phật tử phải biết sống bằng chính khối óc, bàn tay của mình. Hạnh phúc, lợi lộc có hay không là do phúc báo, năng lực của mình gầy dựng nên. Ta gầy dựng được thì mới có thể làm chủ nó, dùng nó đúng chỗ, đúng việc, đúng theo ý mình muốn. Hạnh phúc là gì? Thưa, không ai biết, người ta nói hạnh phúc chứ thật ra có ai nắm được hạnh phúc đâu? Nó là cái bánh vẽ, là cái bóng không thực. Thế mà con người lại mộng mơ, tưởng tượng nó thế này thế kia. Thành ra không bao giờ biết được hạnh phúc là gì!

Người con Phật chỉ nếm được hạnh phúc khi nào biết dừng lại, biết sống bằng sự sáng suốt tỉnh thức. Sống vừa đủ trong phạm vi, khả năng gầy dựng của mình, bảo quản và sử dụng được những gì ta tạo ra thì may ra có hạnh phúc. Chúng ta đừng ước mơ, đừng chạy theo, đừng ỷ lại, đừng trông chờ. Có thể nói tinh thần chân thật là tinh thần chủ đạo của người Phật tử biết tu tập. Từ đó ta gầy dựng thăng hoa đời sống nội tâm ngày càng sâu sắc hơn, gần gũi với đạo hơn.

Trong sinh hoạt bình thường, trước tiên quí Phật tử phải ý thức được sự khởi động ba nghiệp của mình. Dù chỉ một ý nghĩ, một lời nói, một hành động thôi mà gia đình không có sự thống nhất, không hòa hợp là mất hạnh phúc ngay. Quí vị lưu ý, một gia đình dù chỉ hai người thôi, cũng có thể phát sinh vấn đề, nếu chúng ta không khéo. Đôi khi một mình mình, ta cũng bực bội đấm bàn đấm ghế, đừng nói tới hai người.

Ý nghĩ tuy chưa thốt ra lời nhưng nó đã hiện lên nét mặt, dáng vẻ, cử chỉ của mình rồi. Vì vậy những ý nghĩ không tốt thường hay được biểu hiện ra ngoài bằng sự bồn chồn, bất an của ta. Nếu nó không được tiêu dung, hóa giải mà cứ âm ỉ bên trong thì nhất định đến một lúc nào đó nó sẽ bộc phát. Bấy giờ nó sẽ là những cơn lốc, gây tai hại cho người chung quanh, cho xã hội không biết bao nhiêu mà kể.

Vì vậy trong một gia đình dù chỉ hai người thôi, nhưng cũng phải có sự thống nhất ý kiến. Làm việc gì, nói điều gì phải có sự thống nhất. Được vậy hy vọng quí vị có thể gần gũi với hạnh phúc. Còn ông muốn nói cứ nói, bà muốn hét cứ hét, mạnh ai nấy phát tiết ý nghĩ, lời nói của mình thì nhất định không lâu sẽ có cuộc tan rã thôi. Đó là những trường hợp xảy ra thường xuyên trong mỗi gia đình. Vì vậy Phật tử có học hiểu Phật pháp, phải khéo sắp đặt như thế nào để có sự thống nhất, tạo được hòa hợp trong gia đình, từ đó mới có được hạnh phúc.

Phật thường dùng những phương tiện bên ngoài để khống chế những ý niệm, tư tưởng, ngôn ngữ của chúng ta. Như Ngài bảo ban ngày nỗ lực thực tập thiện pháp, tức là pháp lành. Thực tập cho quen những pháp lành để tiêu dần pháp ác, công đức theo đó tăng trưởng, việc tu ngày càng dễ dàng hơn. Không để thì giờ qua suông, mỗi giờ, mỗi khắc, mỗi giây, chúng ta luôn luôn thực tập. Chữ “thực” là thực hành, chữ “tập” là thành nếp, thói quen. Ta siêng thực tập pháp lành thì sẽ có thói quen tốt. Từ đầu đêm đến cuối đêm không được bỏ phế. Đầu đêm tức là từ lúc mặt trời đã lặng. Cuối đêm là từ hai ba giờ khuya cho tới bốn năm giờ sáng. Người con Phật biết cách tạo hạnh phúc cho mình, cho đoàn thể thì không thể bỏ phế thời gian, không quên thực tập thiện pháp.

Thêm nữa, Phật dạy giữa đêm cũng phải áp dụng công phu để tự tiêu tức nghiệp ác, sinh trưởng nghiệp thiện. Nói tóm lại, đầu đêm tu tập thiện pháp, cuối đêm tu tập thiện pháp, giữa đêm cũng tu tập thiện pháp không bỏ lúc nào cả. Tu như vậy thì đâu còn thì giờ nữa mà tơ tưởng, tranh chấp, đấu lý với nhau. Thì giờ nào cũng tu, cũng soi lại mình, cũng thực tập pháp lành. Đó là nếp sinh hoạt Phật dạy cho người Phật tử. Nếu chúng ta có thiện chí tu hành sẽ áp dụng được.

Tại sao Phật lại đưa ra cách thức sống nghiêm khắc như vậy? Để ngăn ngừa tật giải đãi của chúng sanh. Như có người sắp đặt buổi tối tụng kinh niệm Phật, nhưng đến giờ đó có công việc không tu được. Nếu ta nhớ lời Phật dạy phải thực tập đầy đủ, đều đặn thì ta sẽ cố gắng tranh thủ sắp xếp sao cho có giờ tu, kẹt lắm cũng phải đốt hương cúng Phật, để chứng tỏ lòng thành của mình. Đầu đêm do có công phu nên khi ngủ không bị vọng động, được yên nghỉ. Đến giữa đêm, nếu giật mình thức giấc cũng nghĩ đến tu, ngồi dậy thắp hương, niệm Phật thì vọng động nào dấy khởi được. Nếu không nhớ như thế, thức giấc sẽ tơ tưởng đủ chuyện vẩn vơ. Rồi cuối đêm thức dậy, qua một giấc ngủ yên lành, khỏe khoắn, ta bắt đầu công phu tinh tấn hơn, tụng kinh, niệm Phật hoặc tọa thiền. Sau đó nghĩ đến các pháp lành như bố thí, làm phúc cúng dường, ủng hộ những nơi đáng ủng hộ. Đó là cách tu của người Phật tử tại gia.

Tuy nhiên, ban đêm muốn tu được đòi hỏi ban ngày chúng ta phải có công phu. Nếu không, khó lắm. Ví dụ ban ngày nghe người ta chửi mình nhịn được, thì về đêm trong giấc ngủ nếu có cơn mộng nghe chửi mình mới nhịn được. Cho nên lực tu ban ngày ảnh hưởng về đêm rất nhiều. Nếu ban ngày nghe ai nói gì bực mình, ta cự nự um sùm, tham sân đầy dẫy thì về đêm muốn có an lạc không được đâu. Ban ngày có thể khắc phục được những xấu dở của mình thì về đêm mới khắc phục được. Bởi vì trong giấc ngủ, ý thức chúng ta rất yếu, nên những tiềm thức trổi dậy, những cặn bã tồn đọng trong tâm hiện lên, nó quậy mình, ta không làm chủ được. Vì vậy công phu tu tập ban ngày rất cần thiết, đòi hỏi chúng ta phải quán chiếu liên tục, xét nét kỹ càng, thì mới có thể làm chủ được lú về đêm.

Như quí vị lớn tuổi siêng năng niệm Phật, không nhớ chuyện tào lao. Khi ngủ bị ác mộng thì liền nhớ tới Phật, kêu cứu với Phật. Còn ban ngày quí vị dong ruổi đông tây, không nhớ niệm Phật, thì khi gặp ác mộng chỉ biết hốt hoảng, sợ sệt, đụng đâu vớ đó, chứ đâu có nhớ Phật. Sống kiểu như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến lúc hấp hối, sắp bỏ thân này. Do đó Phật Tổ dạy ngay bây giờ mình phải tu, đừng đợi đến lúc hấp hối, mở miệng ra không được, tay chân quờ quạng, kêu Phật còn không được, nói chi đến cứu! Ngay bây giờ nếu quí vị luôn nhớ Phật, nhớ pháp thì đảm bảo không ma quỷ nào rù quến được. Sở dĩ bị ma quỷ rù quến là vì tu hành không miên mật, tâm dong ruổi tán loạn nên chúng mới xâm nhập được.

Chữ “miên mật” tức là liên tục, không còn bị xen cách bởi ngũ dục, tham sân, bởi mọi thứ bên ngoài. Trái lại bị cắt xén tức là không miên mật. Người không miên mật là người không đủ sáng suốt, không có sức mạnh tự chủ nên khi bỏ thân này chưa đảm bảo được thân sau. Làm chủ được mình là một vấn đề khó khăn lắm, cho nên ngay bây giờ chúng ta phải chuẩn bị trước.

“Thực tập thiện pháp” là từ nói chung, tất cả những niệm lành, việc làm lành như tụng kinh, niệm Phật, giữ giới, không chạy theo tham sân si, điên đảo vọng tưởng… đều gọi là thực tập thiện pháp. Rộng hơn nữa là giúp người làm những việc công đức, tạo các phúc điền. Còn theo tinh thần tu thiền thì lòng rỗng rang, không vướng mắc, không chạy theo, không lầm ngoại cảnh, không để ngoại cảnh kéo lôi, làm chủ hoàn toàn… Đó là thực tập thiện pháp. Thực tập thế nào là tùy theo quí vị, tùy hoàn cảnh, tùy trình độ mà có được những kết quả khác nhau.

Đặc biệt các vị học thiền, cố gắng làm thế nào đối với những dấy niệm loạn tưởng điên đảo của mình, phải loại nó ra. Nói “loại” là một cách nói, chứ thật ra ta biết nó là hư giả thì không dùng nó nữa. Quí vị cũng thừa hiểu, nếu theo nó, mình sẽ tạo nghiệp trôi dạt trong luân hồi sanh tử nhiều kiếp. Bây giờ không chấp nhận, không còn lầm nó nữa, đầy đủ sáng suốt, tỉnh táo để nhận diện nó. Ai được như vậy người đó có một đời sống thiền. Bởi vì sống thiền là sống hoàn toàn với niềm an lạc nội tại, không bị dẫn dắt bởi những nghiệp tập lăng xăng điên đảo, sống tự chủ.

Trong nhà Phật có từ tiêu trừ, sinh trưởng. Tiêu trừ tức là tiêu trừ những vọng tập của mình, sinh trưởng là phát sinh và tăng trưởng những pháp lành. Chúng ta đừng vì lý do ngủ nghỉ mà để đời mình trôi qua một cách oan uổng, không có chút ích lợi gì. Phật dạy thật chí thiết làm sao! Đừng tham ăn tham ngủ nữa là chúng ta không chấp nhận vô minh đen tối, vọng tưởng điên đảo phủ che, sống với cái sáng suốt, tỉnh táo của chính mình. Qua lời dạy này của Phật, chúng ta làm sao sống lại được với trí tuệ của mình, dừng tất cả những lao xao mắc mứu bởi trần cảnh bên ngoài.

Điều này quí vị có thể làm được không? Được chứ, vì nó không tốn hao tài sản gì cả. Chỉ niệm nào dấy lên, ta biết nó loạn tưởng thì bỏ đi. Tuy nhiên, muốn bỏ nó ta phải có lực, phải tỉnh. Có tỉnh rồi thì không còn lầm gì bên ngoài hết, có trí tuệ rồi thì thấy được lẽ thật của các pháp. Thấy được lẽ thật của các pháp rồi thì ai có thể làm gì mình được nữa? Chúng ta do chưa thấy được lẽ thật của các pháp nên mới mê lầm, chớ còn thấy được rồi thì không còn gì mê lầm. Cho nên yêu cầu của người Phật tử là tu tập sao cho có trí tuệ thấy được lẽ thật của các pháp.

Tụng kinh, ngồi thiền cũng không ngoài mục đích này. Tỉnh thì không còn mê, không bị mắc mứu các cảnh bên ngoài nữa. Người tỉnh là người có lực, có thiền định và trí tuệ. Phật nói cái nhà không thật, cái quạt không thật, thân này không thật, tâm cảnh không thật. Bao giờ chúng ta có đầy đủ sự sáng suốt thì chúng ta thấy thấu được lời dạy ấy của Phật. Còn Phật dạy không thật mà mình thấy cái gì cũng thật hết thì khổ thôi. Khổ vì mê lầm.

Tất cả các pháp đã không thật thì ta nắm giữ làm gì, buông bỏ hết đi. Cho nên thấy pháp không thật thì ta mới có thể buông bỏ nó được. Giận bỏ, thương cũng bỏ, quấy bỏ, phải cũng bỏ… cái gì cũng bỏ hết thì chúng ta tỉnh sáng. Điều này không phải chúng ta không làm được mà chưa dám làm, chưa muốn làm. Nếu những lời dạy đó của Phật chúng ta chưa làm được, thì Ngài nhắc thêm: “Hãy nhớ ngọn lửa vô thường thiêu đốt thế gian, sớm cầu tự độ, đừng tham ngủ nghỉ”.

Bây giờ Phật lấy lý vô thường để nhắc chúng ta. Vô thường là sự đổi thay. Như vị nào thường đến chùa đây sẽ thấy đổi thay hoài hoài. Rồi nhìn đến con người cũng thế. Rõ ràng nhất như cha mẹ chúng ta, mỗi ngày qua ta thấy hiện rõ nét già nua, da nhăn, tóc bạc, đi lụm cụm, sáng còn mạnh, chiều phải uống thuốc. Phật nói vô thường như lửa thiêu đốt trên đầu, bức thiết gấp gáp, không còn thì giờ cho mình dong ruổi ngược xuôi, tham đắm theo các việc ăn ngủ. Cho nên phải lo tu tập thiện pháp. Phật dạy khi ta thấy trong đầu còn lơ mơ, việc tu hành chưa quyết được thì phải nghĩ đến vô thường thiêu đốt, giống như là lửa cháy trên đầu cần phải cứu gấp.

Vô thường chi phối trong tất cả sự việc, nếp sống, sinh hoạt của chúng ta. Đang mạnh khỏe như vậy, bỗng nhiên đột quỵ. Hoặc công việc làm ăn đang phát triển tốt đẹp, bỗng nhiên những người cộng vốn vỡ nợ phá sản, kéo theo sự sụp đổ cho mình... Bao nhiêu thứ lo toan, sắp đặt, suy nghĩ, khổ sở cũng đều từ vô thường mà ra. Phật nói vô thường luôn luôn rình rập bên mình chứ không hẹn mai hẹn mốt gì cả. Nghĩ đến đó, không cho phép chúng ta hẹn, trông cậy hay ỷ lại vào ai.

Đó là lời răn nhắc của Phật khi Ngài biết chúng ta chưa đủ tỉnh giác để lo tu tập.

Phật dạy thêm nữa, giặc phiền não thường rình giết ta dữ hơn kẻ thù, làm sao ngủ yên mà không tự cảnh giác! Phiền não, những bực bội trong lòng chính là giặc. Bởi vì chính nó mà cuộc sống đang suôn sẻ, vui tươi của chúng ta trở thành khổ đau phiền muộn. Chữ “Phiền”, một bên bộ hỏa, một bên bộ hiệt là cái đầu bị lửa đốt. Chữ “Não”, một bên bộ tâm, một bên tâm chữ não, tức là tâm không yên ổn. Phiền não giống như lửa đốt trên đầu làm cho tâm không yên ổn.

Quí vị nghiệm lại xem, chúng ta dễ phiền não quá phải không? Cái gì cũng phiền não được hết. Đang nói cười vui vẻ, nghe ai nói câu gì không vừa ý là nổi tức lên liền. Hoặc đang ăn uống ngon lành, nhai phải cái gì hơi lạ tự nhiên phiền lên, tức giận la lối người này người kia. Rõ ràng Phật nói “Phiền não là giặc ngủ trong lòng của các ông. Chưa đuổi được giặc dữ đó ra mà các ông yên lòng nằm ngủ là họa lớn”. Người an tâm rồi thì trời lay đất chuyển cũng không ăn thua chi, người này mới có thể yên lòng nằm ngủ. Nhưng nếu người còn nhiều phiền muộn, trong tâm dao động bất an hoài thì phải gắng nỗ lực công phu, chớ ham mê ngủ nghỉ mà chuốc họa không thể lường. Thật là những lời nhắc nhở thống thiết, vậy mà chúng ta còn chưa chịu tỉnh!

Trong kinh A Hàm kể lại ngài Xá Lợi Phất ngồi thiền tâm yên đến độ một con quỷ đi ngang đập lên đầu mà Ngài không hay. Trong khi với thần lực của nó, có thể đập vỡ núi Thị Vải nát thành tro bụi như chơi. Vậy mà Ngài vẫn ngồi thiền bình thường. Đến khi xả thiền, Tôn giả chỉ nghe hơi ê ê trên đầu một chút thôi. Đó là diệu dụng, là sức mạnh của một tâm yên định không gì có thể lay chuyển nổi. Nên biết tâm thanh tịnh không có phiền não, không còn máy động thì không nhiên liệu nào có thể đốt nổi, tâm đó là tâm Phật. Tất cả chúng ta đều có sẵn tâm đó, nhưng vì chưa phát huy nên không sử dụng được.

Phật dạy chúng ta sống lại, gầy dựng lại cái sẵn có, chứ không bảo mình mang cái bên ngoài vào. Ta đã có đủ hết, chỉ dám buông bỏ những lăng xăng, thì cái chân thật hiện tiền. Ở đây Phật dạy phiền não giống như những con rắn độc ngủ ngầm trong người mình. Quí vị nhớ hồi mười ba mười bốn tuổi, mình phiền não khác, vòi vĩnh tiền bạc không được hay bị cha mẹ quở rầy thì phiền não. Khi lên tuổi mười tám hai mươi, biết yêu thương rồi thì phiền não khác, những thứ nhớ nhung, tơ tưởng, chờ đợi đập vào mình. Nó bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, xôn xao trong lòng giống như sóng dậy. Đến lúc về già năm mươi, sáu mươi tuổi thì phiền não khác. Các vọng tưởng quá khứ trồi dậy, rồi nuối tiếc, đau buồn. Hoặc thân thể già yếu đi đứng lụm cụm, ăn uống không được, phải trông cậy con cháu đỡ đần phiền phức. Bấy giờ hồi tưởng ngày xưa mình thế này thế nọ càng thêm phiền não. Hoặc thấy con cháu trong nhà, hồi nhỏ dạy nó nghe, bây giờ nó lớn nói không nghe đâm ra phiền não.

Nếu tỉnh thức, chúng ta cứ hoan hỷ nhìn cuộc đời như dòng nước trôi thì đâu có phiền não. Mấy đứa nhỏ lớn lên, nó có quyền ước mơ, có quyền yêu thương, có quyền hiểu biết theo hiện thời. Tại sao đem cái kinh nghiệm bảy tám mươi năm của mình chụp lên đầu nó, bắt nó phải thế nọ thế kia. Mình chỉ hướng dẫn nó, đừng cho nó làm những điều thương luân bại lý thôi, chứ còn sự sống của nó, quan niệm của nó, ta phải tôn trọng chứ. Sống được như vậy thì hết phiền não.

Bao giờ chúng ta dám buông, dùng định tỉnh như móc sắt móc hết phiền não thì tâm yên. Nên nhớ những cố chấp là rắn độc, buông hết thì mình mới an ổn. Quí vị lớn tuổi, ngồi niệm Phật an ổn, dù con cháu làm gì cũng tha thứ, buông hết thì mọi việc êm xuôi. Chớ nếu quí vị đặt vấn đề với nó là xem như tự chuốc thêm phiền não, trong khi vô thường cấp bách, sự chết hiện hình một bên, không còn thì giờ để ta phải quấy hơn thua với ai nữa hết. Chỉ biết mình đang dâng lòng thành qua nén hương cúng đức Phật, rồi ngồi yên tĩnh trong phòng riêng , lòng không còn vướng mắc gì bên ngoài nữa. Đó là hình ảnh hay nhất, đẹp nhất và trí tuệ nhất.

Chúng ta đọc kinh Bát-nhã hằng đêm, Phật bảo xem thân năm uẩn này không thật, hư giả. Nếu chưa thấy được nó là giả thì ta phải cố quán chiếu, thực hành tu tập thường xuyên hơn. Chứ ta chỉ lo lý sự việc nhân gian, việc gia đình, việc xã hội thì việc của mình ai giải quyết cho? Đến lúc quỷ vô thường đến kêu đi, mình quýnh lên gọi Phật, Phật cũng không cứu được nói gì đến con cháu. Cho nên Phật dạy đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm đều thực tập pháp lành là vậy.

Thêm một điều nữa, Phật dạy người tu phải biết hổ thẹn. Phật nói người xưa đã làm được như vậy, bây giờ không lý gì chúng ta không làm được. Ngày xưa các Ngài tu thành Phật thành Tổ, bây giờ tại sao chúng ta tu không thành Phật thành Tổ? Kinh điển thì không thiếu, băng từ cũng rất nhiều, giảng sư khắp nơi, nhưng vì chúng ta không có nhiệt tâm cầu đạo, lại không hỗ thẹn với những tập khí thô xấu nên khó chừa bỏ, khó tiến đạo.

Hồi xưa, đừng nói xưa, như tôi lúc nhỏ ở chùa, đâu có kinh chữ Việt như bây giờ. Chỉ có một bản kinh duy nhất, thầy cầm đọc và giảng, mình ghi theo. Sau đó thầy cho mượn biên ra. Ngoài giờ học còn phải làm đủ thứ việc. Nói thế để thấy rằng cái học hồi xưa không được như bây giờ, nhưng chư tăng cũng vẫn tu được, có thể nói là tu tốt nữa. Bây giờ thì thôi nào là Đại học Hán Nôm, nào là khoa ngôn ngữ này kia, các trung tâm ngôn ngữ dạy Hán, Anh, Pháp, Nhật đủ cả. Người ta tạo đủ điều kiện cho Tăng Ni, Phật tử học, thế thì không lý do gì chúng ta không tu được. Vì thế trong kinh có câu “kia đã trượng phu ta cũng vậy, không nên tự khinh mà lui sụt”.

Ở đây Phật dạy chúng ta phải có đức hổ thẹn, nghĩa là tự thẹn với mình và hổ với người. Người đã làm được mà mình không làm được thì phải tự hổ ngươi. Đức Phật Thích Ca trước khi thành đạo cũng có gia đình, lúc phát tâm tu hành cũng chịu bao nhiêu kham khổ mới thành tựu quả Phật. Chúng ta cũng là con người, tại sao mình tu không được. Thành ra đối với người xưa ta thấy hổ ngươi quá, đó là tại vì ta không chuyên, không quyết tâm. Giặc phiền não nằm đây, lửa phiền não nằm đây, trong tâm đầy dẫy những bệnh tật, mình chưa chịu kéo ra thì làm sao như người xưa được.

Hổ thẹn là phục sức đẹp nhất trong các thứ phục sức, lại cũng như móc sắt có thể chiết phục mọi thứ phi pháp. Cho nên nếu chúng ta không trang bị đức hổ thẹn, thì đời tu của mình có thể trôi suông. Nghĩa là so với người xưa ta không tự hổ, tự thẹn nên không cố gắng thực hiện cho được như các Ngài, đành chịu sự thấp kém của mình. Cam chịu kiểu này là yếu đuối, khiếp nhược, không phải tinh thần của bậc thượng sĩ quyết cầu đạo giải thoát.

Phật là bậc trí tuệ viên mãn, chúng ta là đệ tử Ngài cũng phải thực hiện trí tuệ ấy, đừng ngu xuẩn cúi đầu chấp nhận những thứ vô minh si ám. Phật đâu không nói tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, cho nên bằng mọi cách chúng ta phải thực hiện cho được trọn vẹn khả năng ấy của mình. Không lý gì chúng ta lại cúi đầu để cho phiền não, rắn độc si mê đè bẹp mình. Nhìn lại người xưa như vậy, ta cũng phải học đòi và được như vậy. Vị giáo chủ của chúng ta qua một thời gian dài khắc phục tất cả những xấu dở, bỏ được tất cả tham sân điên đảo, thành Phật. Các vị thánh tổ đều như vậy thì chúng ta nhất định cũng phải được như vậy. Phải có niềm tự hào, có đức hổ thẹn mới tiến tu nổi. Trong kinh Di Giáo, Phật nói “Sống mà không biết hổ thẹn chẳng khác gì loài cầm thú”.

Cho nên ngay bây giờ quí vị phải ngẩng đầu lên, từng phút từng giây khắc phục những tập khí phiền não, mạnh dạn loại bỏ tham sân si. Luôn sống tỉnh táo sáng suốt, một chữ “buông” là an bình thực tại. Chúng ta nhớ mình đang phát huy lại trí tuệ của chính mình, nghĩa là nó sẵn có rồi, bây giờ chỉ cần đừng để những thứ hư giả bu bám, làm cho rối rắm tăm tối thì sẽ được yên ổn thôi. Phật nói mỗi chúng sanh đều có khả năng thành Phật, đều có trí tuệ sáng suốt. Nhưng vì từ lâu chúng ta bỏ quên, để cho các pháp bu bám, nên bây giờ phải loại bỏ chúng, để nhận lại sống lại với đức Phật của mình. Nên hổ thẹn tức là cơ hội để phục hưng cái cao quý đó.

Nói về Phật chất chúng ta không thiếu thốn sao không nhận lấy đó mà sống. Còn vật chất thế gian, Phật nói là nghiệp báo, càng tạo nhiều càng khổ. Ta cứ nghiệm sẽ thấy, những người có của cải nhiều thì khổ nhiều, danh vọng nhiều suy nghĩ nhiều, có sung sướng gì đâu. Thế thì ta chạy theo chúng làm chi cho khổ, trong khi cái chân thật đem đến an vui hạnh phúc thực sự cho mình lại không đoái hoài tới. Vì thế Phật nói chúng sanh điên đảo không biết đâu mà nói. Ngày nay hiểu được rồi, ta phải cố gắng phát huy trí tuệ của mình, để vĩnh viễn là con ông trưởng giả giàu có an vui.

Kinh Pháp Hoa, phẩm Tựa, Phật nói chư Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là chỉ cho chúng sinh Tri Kiến Phật của mỗi người. Nhận ra và thể nhập, phát huy được trọn vẹn Tri Kiến Phật đó là công việc của mỗi người. Như Lai chỉ là người chỉ đường thôi. Rõ ràng đức Phật tôn trọng chúng ta hết mức. Dù mình đang trầm luân sanh tử như vầy mà Phật vẫn tôn trọng, cụ thể qua phẩm Thường Bất Khinh Bồ-tát nói: “Tôi không dám khinh quí vị, vì quí vị đều là Phật sẽ thành”. Như vậy chúng ta có thua sút ai đâu?

Trong kinh A Hàm kể lại. Một hôm, Phật cùng với ngài A Nan đi ngang qua chỗ buôn bán cá tôm. Phật bảo:

- A Nan! Ông vào nhà ấy xin một nuộc dây mà họ đã xâu cá tôm ra đây cho

A Nan vào nhà ấy xin nuộc dây đem ra. Phật hỏi: - Ông nghe mùi gì không?

A Nan thưa:

- Bạch Thế Tôn! Mùi tanh quá.

Đi một đoạn đường nữa, tới chỗ làm nhang thơm. Phật bảo:

- A Nan! Ông vào nhà ấy xin cho ta một bao giấy gói nhang. A Nan vào xin bao giấy đem ra cho Thế Tôn. Đức Phật hỏi: - A Nan! Ông nghe mùi gì không? A Nan bạch Phật:

- Mùi hương thơm.

Phật nói:

- A Nan! Cũng thế, cuộc sống hiện tại với những sinh hoạt đây, nếu ta chấp nhận những thứ phiền não cấu uế thì tâm ta sẽ bị nhiễm bởi nó, sẽ mất hết sự thơm tho, không vươn lên được. Trái lại nếu trong cuộc sống, ta nhận lại cái chân thật của mình, sống thanh tịnh không nhiễm ô thì tâm ta cũng được xông ướp bởi các công đức, sẽ tỏa hương thơm, làm vui đẹp mình và mọi người.

Cuối cùng Phật kết luận:

- Đệ tử của ta phải có cuộc sống thơm tho, đừng để những tập nhiễm hôi thối làm nhiễm ô, phát huy những gì tốt đẹp, loại bỏ những gì xấu ác.

Tóm lại chúng tôi muốn nhắc nhở quí Phật tử trước nhất là cách thức tu hành. Chúng ta tu hành cần phải liên tục như Phật đã dạy đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm đều phải thực tập thiện pháp. Kế nữa phải có ý chí, sáng suốt nhận ra khả năng thành Phật của mình, không cam nhận cuộc đời trôi suông bởi phiền não, nghiệp tập. Sau cùng là nêu cao đức hổ thẹn, nhờ đức hổ thẹn ta chừa bỏ những tập khí xấu, thực hành pháp lành. Giống như người xông ướp các loại hương thơm, đó là hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát và hương giải thoát tri kiến.

Được vậy, hy vọng cuộc đời tu hành của quí vị sẽ đạt được thành tựu viên mãn.

Mục Lục
Đuốc Thiền
  • Cách Tu Của Người Phật Tử Tại Gia
  • Chọn Bạn Để Tu
  • Những Nét Đặc Biệt Của Người Tu Thiền
  • Gắng Tỉnh
  • Bốn Yếu Tố Hạnh Phúc
  • Hạnh Phúc Của Người Cư Sĩ Trong Đạo Phật
  • Dặn Lòng Thôi Lăng Xăng
  • Dè Dặt Những Cố Chấp
  • Tu Tập Phải Có Cái Nhìn Thấu Đáo
  • Định Tỉnh Của Người Tu
Danh sách chương:
  • Cách Tu Của Người Phật Tử Tại Gia

  • Chọn Bạn Để Tu

  • Những Nét Đặc Biệt Của Người Tu Thiền

  • Gắng Tỉnh

  • Bốn Yếu Tố Hạnh Phúc

  • Hạnh Phúc Của Người Cư Sĩ Trong Đạo Phật

  • Dặn Lòng Thôi Lăng Xăng

  • Dè Dặt Những Cố Chấp

  • Tu Tập Phải Có Cái Nhìn Thấu Đáo

  • Định Tỉnh Của Người Tu

Cùng tác giả:
  • Nắng Mới Trong Vườn Thiền

  • Mười Điều Biện Ma

  • Nếp Thiền

  • Tâm Xuân

  • Đức Phật Trong Đời

Xem tất cả sách cùng tác giả

Từ khóa » Cách Tu Hành Tại Gia