ĐUỔI THEO HẠNH PHÚC

Mahayaxa mỉm cười:

Sau khi ngài qua đời, nhiều đệ tử đã xuất gia để truyền bá giáo lý, riêng tôi vẫn còn là một cư sĩ. Hằng ngày tôi vẫn đi làm, nhưng sống giữa cuộc đời mà tôi không còn tùy thuộc cuộc đời. Tôi còn nhớ một lần ngài đã dạy như sau: “Chúng ta xông pha trong cuộc đời với ý niệm cho rằng ta có thể tìm hạnh phúc trong cõi đời. Cho đến lúc gần đất xa trời, nhiều người cũng không buồn hỏi rằng ý niệm đó có đúng hay không?”.

Thật sự chúng ta chẳng bao giờ chịu ngừng lại để suy nghĩ, lúc nào chúng ta cũng nghĩ rằng mình gần đạt được những điều mình mong mỏi. Chúng ta chỉ chịu dừng chân khi nào bị cuộc đời hất hủi dày vò. Ramakrishna cho rằng đó là việc dĩ nhiên và giải thích bằng giấc mộng. Trong giấc mộng, nếu ta chỉ gặp những điều thích thú, chúng ta vẫn mơ mộng mãi và chỉ giật mình tỉnh giấc khi gặp những chuyện đau buồn. Một cuộc đời êm đẹp không tiện cho sự suy tư về các vấn đề quan trọng, nhưng nếu là mộng thì chắc chắn cũng phải có lúc tỉnh. Trong nhiều năm ròng rã, chúng ta cố tìm hạnh phúc, và nhiều lần tưởng đã đạt được nó để hưởng một cách lâu bền, nhưng lần nào ta cũng thất vọng. Sau đó, ta lại tiếp tục chạy theo ảo ảnh đó như trước. Nếu biết dừng chân suy nghĩ, ta sẽ thấy mình đuổi theo hạnh phúc nhưng không hề biết đến bản chất thật sự của nó, cũng không biết phải dùng phương tiện nào để đạt được nó.

Hãy thử tìm hiểu thế nào là hạnh phúc? Ai cũng biết đặc tính của hạnh phúc là “thường hằng”, nghĩa là nó ở mãi với ta, suốt đời ta lúc nào cũng vui sướng tươi tắn. Nhưng tất cả những gì cuộc đời mang lại cho ta đều là vô thường, chỉ có những khoái cảm nhất thời, không có gì lâu bền. Vì khoái cảm nhiều và đến với ta như dòng nước chảy, nên ta tưởng nó là hạnh phúc và kết luận rằng: Bao giờ dòng khoái cảm đó còn tiếp tục đến với ta, ta còn hưởng hạnh phúc.

Suy gẫm kỹ thì khoái cảm chẳng qua chỉ là phản ứng của lòng ta trước sự vật bên ngoài, nó lôi cuốn chúng ta. Các sự vật này khi thì tạo vui, lúc thì gây khổ. Hơn nữa cùng một sự vật mà có thể tạo vui hay gây khổ tùy lúc. Bởi thế ta phải nhận thức rằng hạnh phúc không có ở sự vật bên ngoài. Nếu nó là sự vật bên ngoài, chúng ta phải càng có hạnh phúc khi càng có nhiều sự vật mới đúng. Thật sự người giàu có lắm sự vật, chưa chắc đã hạnh phúc hơn kẻ nghèo. Nói cách khác, kẻ nghèo ít của cải chưa chắc thiếu hạnh phúc hơn người giàu. Tóm lại, chúng ta thấy rõ mình theo đuổi hạnh phúc nhưng không biết thế nào là hạnh phúc và cũng chả biết phải dùng cách nào để đạt hạnh phúc?

Những người tìm hiểu một cách chân thành, sớm muộn gì cũng thấy hạnh phúc nằm ngay ở nội tâm ta. Các khoái cảm không có tính cách tư hữu mà chỉ là một tia nhỏ của hạnh phúc chân thật thuộc bản tính tự nhiên của con người, bị che lấp bởi vô minh. Một con chó gặm xương bị trầy miệng chảy máu, nó lại tưởng rằng máu phát xuất từ khúc xương. Chúng ta cũng thế, cứ tưởng sẽ được hạnh phúc khi chạy theo những vật ngoại giới. Có lẽ các ông khó chấp nhận quan điểm này nhưng ít ra cũng tin rằng: Những nỗi vui hay buồn tùy ở chúng ta nhiều hơn là sự vật bên ngoài. Dù sao, sự chấp nhận này cũng chưa đủ đem lại cho ta hạnh phút, vì có hai nỗi de dọa: Sự ham muốn và sợ hãi. Chúng ta càng ham muốn thì càng sợ hãi, và càng sợ hãi lại càng đau khổ. Thay vì diệt trừ những đe dọa này, chúng ta lại qùy lụy chúng. Khi ham muốn lên tiếng: “Hãy đạt được vật đó đi rồi sẽ sung sướng”, chúng ta liền tin tưởng và tìm mọi cách đạt kỳ được vật đó. Nếu chúng ta không đạt được thì chúng ta đau khổ. Mà nếu đạt được thì ham muốn lại thúc dục ta tìm đến một vật khác nữa. Thế mà chúng ta vẫn không thấy mình bị lừa gạt chút nào mới lạ. Quả là ham muốn như lửa đỏ, càng cháy dữ khi càng đổ thêm dầu. Bao giờ chúng ta là nô lệ của dục vọng, chúng ta không sao đạt được hạnh phúc. Nếu đạt được lại sợ mất đi, càng có nhiều càng lo sợ nhiều, có đúng thế không? Tóm lại, muốn có hạnh phúc thật sự, phải vượt lên khỏi sợ hãi và ham muốn.

Đến đây chúng ta cần một vị thầy hướng dẫn thêm. Người này phải hiểu rõ hạnh phúc ở đâu và theo đường hướng nào. Người này phải thắng được các đe dọa như sợ hãi, ham muốn và thật sự đã đạt được niềm hạnh phúc vô biên. Như vậy mới có đủ kinh nghiệm dìu dắt chúng ta. Như con bệnh phải đi tìm danh y, thì kẻ cầu đạo cần một vị thầy. Ramakrishna chính là vị thầy mà tôi gặp. Kinh sách xưa xác nhận sự minh triết có thể giúp con người thoát khỏi khổ đau, nhưng ta không thể tìm nó bằng lý luận hay trong sách vở. Trong quá khứ đã có những bậc đạo sư như đức Phật, đấng Christ đã tìm được hạnh phúc và hướng dẫn những kẻ khác. Sau khi các ngài tịch diệt, môn đệ có trình bày giáo lý của các ngài trong kinh sách. Nhưng dù sao đi nữa, kinh sách cũng có những khiếm khuyết. Ngôn ngữ làm sao diễn tả hết được? Làm sao bằng lời những vị đạo sư hãy còn sống bên cạnh chúng ta? Ramakrishna đã dạy rằng, nguyên nhân của các đau khổ đều ở trong ta chứ không phải ở bên ngoài.

Có người hỏi thế giới chúng ta đang sống có điều gì xấu xa không? Ngài đã trả lời rằng, nó rất tốt đẹp. Có xấu xa chăng là lòng người, vì con người đã hiểu sai về nó. Công việc của chúng ta hiện nay là phải đi ngược dòng, tìm cho ra sự sai lầm nguyên thủy để diệt trừ nó, thì mọi việc sẽ tốt đẹp… Phát giác và trừ tuyệt cái sai lầm căn bản là phương thuốc chính. Tất cả phương tiện khác đều chỉ là tạm bợ, nhiều lắm là chúng giúp ta tìm ra phương thức nói trên. Đó là giá trị của các tôn giáo, các nghi lễ. Tiếc thay tôn giáo hay gây sự chia rẽ, đôi khi còn làm cho tâm trí suy kém, cản trở bước tiến của tín đồ.

Có người đã hỏi tại sao con người luôn luôn đau khổ, sợ hãi, thì ngài trả lời rằng sự kiện đó là do lầm lạc phát sinh từ sự thiếu hiểu biết chính mình. Có nhiều người họ biết mình rất rõ ràng. Có người lại cho rằng điều này không cần thiết, vì trong đời sống hằng ngày đầy dẫy những phức tạp. Điều ta cần khai phát là làm gì cho có lợi và kiếm được thật nhiều tiền. Để khai thác, con người gán cho kiến thức một giá trị quá mức, như bắt mọi người phải tới trường. Từ xưa đến nay, nhân loại thu thập biết bao kiến thức nào là sử ký, địa dư, thiên văn, vật lý, triết học và siêu hình học nữa… Nếu những kiến thức này là sự hiểu biết đúng đắn thì nó phải mang lại hạnh phúc cho nhân loại chứ. Sự thật lại khác hẳn, chúng ta học cách chế ngự quyền lực thiên nhiên, đi ngược luật tạo hóa, khiến cho xã hội càng ngày càng đau khổ, bất mãn thêm. Sự chế ngự này, con đẻ của khoa học, chỉ đem lại lợi ích cho một thiểu số thôi. Do đó lắm kẻ giàu sang sung sướng nhưng vẫn không sao hạnh phúc được trước khổ đau của đa số. Tóm lại, khoa học đã tạo cho con người nhiều khó khăn hơn là giải quyết các điều căn bản của cuộc sống.

 

Từ khóa » Một Con Chó Gặm Xương Bị Trầy Miệng