Đường đi Của đồng Tiền - Tuổi Trẻ Online

Tôi không có tham vọng bàn về tiền đạo - hiểu như anh cầu thủ đá hàng xung phong cao nhất của một đội bóng. Tiền đạo mà tôi nói đến đây rất phi thể thao - hiểu nôm na là đường đi của đồng tiền, một đường đi zig zag và ngoạn mục hơn bất kỳ đường đi bóng nào của anh tiền đạo thứ thiệt trong bóng đá.

Đầu tiên là anh dân nghèo hoặc không phải là nghèo chí thú làm ăn, vả mồ hôi trán và váng mồ hôi nách làm ra đồng tiền để nuôi vợ con, lo cho gia đình, đóng thuế cho nhà nước...

Thế nhưng, anh ta phải biết khôn, để dành lại một ít tiền chi vào các khoản bất tử trên đời: Đóng hụi chết cho các quan chợ, biếu nhân viên thuế vụ để xin hạ thuế, tặng cho hải quan xin thông quan, đóng phạt giao thông không biên lai, kính gởi bất cứ ai làm khó mình đang ngồi đầy trong các cơ quan...

Anh công chức cán bộ nhận tí tiền vi thiềng của dân cũng có cái lý do xác đáng riêng. Đâu dễ gì ngồi vào cái ghế này, giữ được chức vụ này, các ông nội?

Vậy thì phải biết lễ phép, hiếu kính với người trên, kẻ trước. Bèn ngắt ra một cục trong tiền vi thiềng của dân “Kính gởi anh (chị) uống cà phê”. Người trên kẻ trước nhận được các món tiền, bèn vui vẻ ngắt ra một cục “kính gởi” lên bề trên nữa. Các món tiền cứ vậy đi lên, người sau cao hơn người trước...

Những người ngồi không nhận được cục tiền (món tiền) không cần biết nó ở đâu ra, thậm chí không cần biết đứa nào hiếu kính. Số tiền ấy được dùng để lo cho kinh tế gia đình; phần còn lại dùng để củng cố cái ghế.

Có nguyên tắc gọi là “Ba cho ra đời”: Hễ ngồi ghế rồi thì phải ngồi cho êm, cho chắc và cho lâu. Ngồi như vậy thì mới có thu nhập; chứ ngồi mà có đứa phá, ngồi mà có đứa chọt và ngồi chưa nóng đít đã phải mất ghế thì ngồi làm gì?

Có những nhân vật ngồi ghế thường thường bậc trung cứ nghĩ rằng mình không ngu mà lấy đồng tiền kiếm được đem hiếu kính cho bề trên hoặc mình phải học khôn để tìm cách giữ đồng tiền ấy trong túi mình. Cái chuyện không ngu hoặc học khôn ấy là một thứ tư duy thất bại không thể tưởng tượng được.

Tục ngữ dân gian ta có hai câu rất dễ sợ: “Chưa hết ngu thì khu đã giập” và “Chưa đủ khôn thì l... đã lủng” (Xin bạn đọc thứ lỗi)! Hai câu ấy diễn tả tình trạng bơ vơ, khốn khổ, đau đớn, ngậm ngùi của những ai không biết chung chi; không biết dùng đồng tiền để củng cố thế và lực của mình.

Đồng tiền trong túi anh thường dân thường là tiền mềm oặt, nhiều khi có mùi khó chịu của mồ hôi. Thế nhưng do đi qua con đường tuyển lựa của “Vạn khe thành suối, ngàn suối thành sông, trăm sông về biển” ấy mà đồng tiền lớn mệnh giá lên, trở thành thơm phức mùi mực in.

Kịp đến khi đồng tiền ấy được dùng để đầu tư kinh doanh, gởi ngân hàng, mua nhà, mua đất, xây cao ốc, bợ bồ đẹp... thì nó trở thành tiền sạch; cũng y như nước, càng được lọc nhiều lần thì càng trong. Đố ông cố tổ đứa nào xuyên tạc rằng tiền đó là tiền bẩn!

Bạn thấy được đường đi của đồng tiền ngoạn mục chưa? Ai có được nhiều tiền, tự nhiên có quyền và có thế. Họ ăn ngon, mặc đẹp, đi xe sang, ăn nói mạnh dạn, quen biết lớn, mua được cả trinh tiết; chẳng bù với những anh nghèo lúc nào cũng xấu hổ, thẹn thò vì cái nghèo của mình. Từ điển tiếng Việt gọi đó là đẳng cấp hoặc phong độ.

Người xưa có câu thơ rất thực tế: “Thiên lý vi quan chỉ vị tiền” - ngàn dặm làm quan chỉ kiếm tiền. Ngày nay thì ít ai đi ngàn dặm để làm quan, kẹt lắm thì mới đi xa và đi xa để giấu nhẹm chuyện ăn tiền nhiều và rửa tiền cho nó chắc. Nhiều cao ốc, khu phức hợp hoành tráng mọc lên khắp nước là như vậy.

Từ khóa » đường đi ấy Mà