Đường Hầm Bí Mật Gián điệp Đông Berlin: Trò Chơi Mèo Vờn Chuột
Có thể bạn quan tâm
- Đường hầm bí mật gián điệp Đông Berlin
- Ai đã chia cắt nước Đức?
- Những cuộc trao đổi bí mật giữa 2 nhà nước Đức trong thời chiến tranh lạnh
Tổng cộng, người Mỹ và Anh đã triển khai 400 máy tăng tâm - mỗi kênh liên lạc lắp một máy - cộng với từng đấy máy ghi âm.
Ở đầu kia đường hầm có lắp hai cánh cửa thép và các đường dây đi qua đó. Các đường dây được nối với những đường cáp điện thoại ở CHDC Đức và được đấu sao cho không làm đứt đoạn dù chỉ một giây liên lạc qua trạm điện thoại. Khi 400 máy ghi âm đồng thời bước vào hoạt động, các chuyên gia của CIA và MI-6 túi bụi ngày đêm bởi hàng núi thông tin mà họ thu được.
Theo quy định, những thông tin từ "kênh nóng" được các chuyên gia giải mã, xử lý ngay để báo cáo về trung tâm, thông tin từ các cuộc điện thoại thường được dành cho MI-6 xử lý, các thông tin qua đường điện báo thì giao về cho CIA hoặc được gửi đến Nuremberg, tại đó có một nhóm đặc biệt nữa gồm 5 chuyên gia mã thám. Băng ghi âm các cuộc điện đàm được gửi đi London để một nhóm người Nga lưu vong luôn sẵn sàng dịch ngay lập tức.
Còn một nhóm nhân viên CIA tiến hành phân tích và hệ thống hóa thông tin thu được trong nhiều tháng trời để chuyển cho các cơ quan chính phủ tương ứng. Vào lúc cao điểm của chiến dịch nghe lén, nhân viên CIA giám sát được hơn 500 kết nối liên lạc cùng một lúc.
Vào cuối Chiến dịch Vàng, CIA ghi chép được tổng cộng khoảng 50.000 cuộn băng từ, giám sát 443.000 cuộc trò chuyện giữa người Liên Xô và phía CHDC Đức, thu thập thông tin về 40.000 giờ nói chuyện qua điện thoại và sở hữu được 1.750 báo cáo tình báo của người Nga.
Một sĩ quan Xôviết đánh giá thiết bị điện tử của CIA trong đường hầm. |
Đường hầm- còn có tên gọi khác là "Harvey's Hole" (Lỗ của Harvey)- được đánh giá là thứ tài sản đặc biệt tình báo cho phương Tây. Nhờ nó mà CIA nghe lén được hàng loạt cuộc hội thoại quan trọng liên quan đến quân sự và chính trị thực hiện từ CHDC Đức đến mọi tiền đồn của Liên Xô ở khắp Đông Âu.
Tuy vậy, trong hồ sơ lưu trữ của CIA và cả MI-6 có lưu các văn bản đánh giá về lượng thông tin khổng lồ thu được từ khi đường hầm này đi vào hoạt động rất khác nhau. Một số thì khẳng định: nhờ các tin tức thu được, đường hầm này đã "cứu mạng" không ít điệp viên Mỹ, giúp họ kịp thay đổi phương pháp và kế hoạch hoạt động. Một số văn bản đánh giá khác thì nói đường hầm cung cấp được rất ít "thông tin loại một", có nghĩa là tính minh xác trong phần lớn tin tức thu được rất đáng nghi ngờ.
Chẳng hạn, Mỹ đã chặn thu được thông tin tiết lộ kế hoạch của Liên Xô bắt giữ tướng Descher, Tư lệnh lực lượng quân quản Mỹ ở Tây Berlin, khi ông này đến tham dự hội chợ Leipzig. Nhưng Descher chẳng bị ai động đến không biết có phải do đội ngũ cố vấn của ông ta tìm cách trì hoãn chuyến tham dự hội chợ hay vì Descher bất ngờ bị viêm phổi?
Để giữ thể diện, sau này một số tác giả là cựu nhân viên CIA trong các quyển sách của mình thường cố tình đề cập về "chiến dịch tuyệt vời thể hiện sự táo bạo và sáng tạo" đã tạo cơ hội cho CIA trong cả năm trời "bắt được mạch của Liên Xô" và cảnh báo kịp thời cho chính phủ Mỹ về kế hoạch tấn công của Liên Xô(?). Nhưng kể cả những người mạnh miệng nhất khi bênh vực cho CIA cũng buộc phải thú nhận rằng, chi phí cho đường hầm gián điệp cao hơn nhiều giá trị của lượng thông tin khổng lồ.
Thời điểm đó, CIA và MI-6 đã không công bố những thành quả mà họ đã vất vả, tốn kém gần 2 năm trời với chi phí hàng chục triệu USD mới có được. Sau này, người ta mới được biết rằng những bí mật mà CIA và MI-6 đã thu thập được có một số ít là những mệnh lệnh quân sự, còn lại hầu hết là những chuyện… tán gẫu; đại loại như chuyện đường tàu ở Đông Đức không đẹp như người ta miêu tả, chuyện sắp nghỉ phép của một người lính Liên Xô nào đó...
Một trong những ông trùm của CIA tiết lộ: "Tôi đã có ý nghi ngờ những thông tin này, cho dù chúng rất hấp dẫn". Vậy thì nếu người Mỹ trong một năm đã nghe lén được một số lượng lớn các cuộc gọi điện thoại trên 400 kênh thì chả lẽ tất cả đều là nguồn tin "hạng hai”. Còn việc khám phá chiến dịch của CIA, có thật là nó đã xảy ra như người ta đã thông báo chính thức cho công luận thế giới?
Cho dù mọi kỹ thuật tinh vi nhất thời đó được sử dụng để xây dựng đường hầm, công trình vẫn bị lộ ra do thời tiết xấu. Những trận mưa lớn khủng khiếp trút xuống Berlin trong tháng 4-1956 khiến các binh sĩ thông tin của Liên Xô và CHDC Đức phải tiến hành kiểm tra định kỳ trạm điện thoại.
Ngày 21-4-1956, theo các nguồn tin công khai, một nhân viên kỹ thuật CHDC Đức đã tình cờ phát hiện ra chiến dịch tình báo lịch sử của Anh - Mỹ trong một lần đi kiểm tra sự cố trong hệ thống cáp thông tin của Liên Xô. Một người lính đã đụng phải những đường dây không rõ công dụng, dẫn họ đi sâu vào đường hầm cách âm này.
Bên trong đường hầm đèn vẫn sáng, máy điều hòa nhiệt độ vẫn làm việc, tất cả các máy móc vẫn bật, các máy bơm nước vẫn chạy vo vo như không hề có chuyện gì xảy ra, một trong các điện thoại dã chiến vẫn réo chuông không ngớt. Các điện tín viên và nhân viên CIA đã khẩn trương rút đi từ trước nhưng King Harvey vẫn cố để lại cho người Nga một mảnh giấy có nội dung chế nhạo: "Các ông hiện đang bước vào khu vực của người Mỹ".
Sáng sớm ngày 22-4-1956, Liên Xô gửi công hàm kịch liệt phản đối Mỹ rồi phối hợp với CHDC Đức ngay lập tức mở một chiến dịch tuyên truyền về việc "đã tìm thấy bằng chứng về một chiến dịch tình báo quy mô của Mỹ và các đồng minh phương Tây".
Liên Xô công khai đường hầm với phóng viên báo chí. |
Tướng Ivan A.Kotsyuba, Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Liên Xô tại CHDC Đức đã tổ chức họp báo, đưa các nhà báo đến hiện trường chứng kiến tận mắt các hoạt động gián điệp của CIA và MI-6.
Một phóng viên của tờ New York Times cũng được mời đến, sau đó đã tường thuật lại: "Tại cuối đường hầm sát khu đồn trú của quân đội Liên Xô có một căn hầm, nó được trang bị đầy đủ không khác gì một chiến hạm thông tin". Đây là điều mà quân đội Liên Xô trước đó gần như chưa bao giờ làm - mời các phóng viên từ hai bên biên giới tới tham dự. Trong những tuần tiếp theo, nhà chức trách Đức đã cho 50.000 người dân Berlin đi qua đường hầm để chứng kiến "trò bẩn thỉu của kẻ thù" - ngôn từ mà một quan chức CHDC Đức đã sử dụng.
Mặc dù Washington giữ im lặng tuyệt đối nhưng chẳng ai trên thế giới mảy may nghi ngờ về tác giả của việc này. Người ta thừa hiểu nếu khách tham quan đi xa hơn nữa theo đường hầm thì sẽ nhanh chóng có mặt trên lãnh thổ Tây Berlin, ngay trong tòa nhà có thiết bị radar Mỹ bố trí trên nóc. Lời mời đến tham quan đường hầm cũng đã được gửi cho Tư lệnh Quân quản Mỹ ở Tây Berlin Descher. Để đáp lại "thiện ý" của người phía bên kia, ông ta nói đây là lần đầu tiên được nghe thấy nói về chuyện này nhưng cương quyết… từ chối đến thưởng lãm.
Tuy nhiên, tin tức về việc đường hầm gián điệp bị phát lộ đã khiến cho trụ sở của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ CIA tràn ngập không khí… hả hê, họ càng vui hơn khi biết Liên Xô và CHDC Đức "ráo riết" tuyên truyền về vụ việc vì cho rằng, đối thủ càng tuyên truyền mạnh bao nhiêu thì càng làm cho Liên Xô bẽ mặt bấy nhiêu vì đã bị Mỹ nghe trộm các thông tin cấp cao. Các lãnh đạo của CIA vô cùng hài lòng về phản ứng của thế giới: lòng ngưỡng mộ đối với sự táo bạo và khả năng kỹ thuật của CIA cũng như niềm tin rằng CIA đã lừa được Liên Xô.
"Phản ứng của thế giới rất có lợi về mặt tăng cường uy tín của Mỹ'' - CIA viết về dự án đường hầm Berlin trong một cuốn lịch sử nội bộ. Các đồng minh phương Tây càng thêm phấn khởi trước dấu hiệu rằng, Mỹ - lúc đó được coi là một "chú lính mới" trong hoạt động gián điệp - có khả năng thực hiện một chiến dịch táo bạo chống lại Liên Xô - cường quốc từ lâu được coi là bậc thầy trong những vấn đề như vậy.
Hơn nửa thập kỷ sau, các học giả và các điệp viên vẫn còn tranh cãi về việc bên nào thực sự lừa được bên nào. Tranh cãi này cho thấy nhiều khi sự tiết lộ thông tin cho công chúng quan trọng hơn nhiều trong hoạt động tình báo so với giá trị của những bí mật đánh cắp được.
Sử gia Bernd Stoever thuộc Đại học Potsdam, nhận xét: "Đây là một phần của trò chơi lớn hơn giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Hoạt động tình báo giống như một cuộc thi mà trong đó họ thể hiện với nhau ai giỏi chơi trò này hơn. Họ vui mừng khi cho công chúng thấy rằng họ là những người chuyên nghiệp trong cuộc chiến tình báo bí mật này".
Sự thực phức tạp hơn rất nhiều. Điều mà CIA không hề hay biết là Liên Xô đã biết về đường hầm này từ lâu. Trước khi khởi công xây dựng đường hầm, người Mỹ đã có cuộc họp bí mật chia sẻ kế hoạch "Chiến dịch Vàng" với một nhóm sĩ quan MI-6 của Anh và trong số đó có mặt George Blake, điệp viên cấp cao của Anh làm việc cho tình báo Xôviết! Không bỏ qua cơ hội có một không hai, Blake kín đáo ghi ghép lại kế hoạch của người Mỹ và nhanh chóng chuyển thông tin đến cho sĩ quan tình báo Nga tên là Sergei Kondrashev.
Đó cũng là lúc người Nga phải lựa chọn cách hành động: im lặng làm ngơ hay ra tay phá hoại kế hoạch "Chiến dịch Vàng". Cuối cùng, người Nga chọn cách im lặng để bảo vệ vai trò gián điệp của George Blake và để mặc cho người Mỹ đào đường hầm một cách thoải mái. Kế hoạch của người Nga là sau đó sẽ giả vờ "tình cờ" phát hiện đường hầm của CIA.
Theo một cuốn sách do Sergei A. Kondrashev- quan chức KGB giám sát Blake - viết, các quan chức tình báo Liên Xô lo ngại về nguy cơ bị lộ nguồn tin và phía Mỹ có thể nghi ngờ tại sao Liên Xô lại "phát hiện" ra đường hầm này quá nhanh. Do vậy, họ để cho hoạt động nghe trộm này cứ tiếp diễn, để người Mỹ cứ ung dung rung đùi những tưởng "phía bên kia" nói gì là họ nghe tất tần tật! Chỉ đến khi những trận mưa lớn gây hư hỏng một trong các đường cáp vào mùa xuân năm 1956 mới tạo cớ cho Liên Xô tiến hành kiểm tra các đường dây liên lạc và lúc đó, họ mới "tình cờ phát hiện" ra đường hầm này.
Do vậy, chính CIA mới là người bị lừa. Trong khi đó, theo một tài liệu nội bộ tháng 8-1956, CIA đã kết luận rằng việc Liên Xô phát hiện ra kế hoạch nghe trộm trên "hoàn toàn là tình cờ và không phải là kết quả của việc Liên Xô có nội gián trong các cơ quan tình báo Anh hoặc Mỹ".
Việc phát hiện George Blake là điệp viên hai mang 5 năm sau đó đã buộc những người ngoài cuộc đánh giá lại dự án này. Liệu dự án có thu được bất kỳ bí mật thực sự nào hay không? Hay Liên Xô đã truyền các thông tin giả qua đường cáp? Trong cuốn sách, Sergei Kondrashev nói rằng, các thông tin được truyền qua đường cáp là thật và Liên Xô không dám chuyển các thông tin sai lệch do lo ngại George Blake bị phát hiện. Tuy nhiên, các học giả vẫn không chắc chắn.
Theo dòng thời gian, đường hầm Berlin tiếp tục xuất lộ. Trong năm 2005, một nhóm công nhân xây dựng của Đức đã phát hiện ra một phần của đường hầm bằng bê tông cốt thép này khi đang xây dựng một con đường cao tốc tới sân bay Schoenefeld của Berlin. Đoạn đường hầm được khai quật và được đưa tới Bảo tàng đồng minh ở Tây Berlin trước kia, nơi một triển lãm lớn được tổ chức một năm sau đó nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày phát hiện ra đường hầm.
Từ khóa » điệp Viên Berlin
-
Điệp Viên Tử Vong Bên Ngoài Đại Sứ Quán Nga ở Berlin - Zing
-
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Berlin Nhắc Lại Yêu Cầu điệp Viên Việt Nam ...
-
Bảo Tàng Spy (Spy Museum Berlin)
-
Đức Bắt Giữ Nhà Nghiên Cứu 'làm điệp Viên Cho Cả Đức Và Trung Quốc'
-
Cầu Nối Điệp Viên Berlin - 2022
-
Tóm Tắt Phim: Hồ Sơ Berlin 2013 - Chị Đẹp Làm Điệp Viên - YouTube
-
Đức Bắt 1 Nhân Viên đại Sứ Quán Anh Tại Berlin Nghi Bán Tin Cho Tình ...
-
Vụ Trao đổi điệp Viên Với Số Lượng Kỷ Lục - Báo Mới
-
“Điệp Viên Báo Thù”: Mãn Nhãn Với Cuộc Truy Tìm Chiếc đồng Hồ Bí Mật
-
Những Vụ Trao đổi điệp Viên Nổi Tiếng Nhất Trong Lịch Sử - VCCI
-
Điệp Viên Ba Lan Phản Quốc Và Cái Giá Của Việc đào Tẩu - Kỳ Cuối
-
Spy Movies | Trang Web Netflix Chính Thức