Dương Quá | Tụ Hiền Trang Wiki

Dương Quá (hay Dương Qua trong bản dịch cũ) là nhân vật nam chính trong tiểu thuyết Thần Điêu Hiệp Lữ của nhà văn Kim Dung.

-0

Ngông cuồng với thiên hạ dịu dàng với mỗi cô cô

Mục lục

  • 1 Tiểu sử
  • 2 Tính cách
  • 3 Võ công
  • 4 Quan hệ

Tiểu sử[]

Còn được gọi là Thần Điêu đại hiệp. Sau này trong Hoa Sơn luận kiếm lần 3 được xem là một trong Võ Lâm Ngũ Bá với biệt danh Tây Cuồng.

Dương Quá là con trai duy nhất của Dương Khang và Mục Niệm Từ. Chàng sống với mẹ đến năm 11 tuổi thì mẹ chàng qua đời. (Trong bản cũ thì mẹ chàng là cô gái bắt rắn, có xuất hiện 1 đoạn trong Xạ Điêu Anh Hùng truyện - cũng bản cũ. Sau này Kim Dung đã sửa lại) Trong 1 dịp tình cờ được vợ chồng Quách Tĩnh - Hoàng Dung gặp và đem về Đào Hoa đảo nuôi nấng. Trước khi về đảo có gặp gỡ Tây Độc Âu Dương Phong (lúc này đã mất trí), nhận làm nghĩa phụ.

Tuy nhiên, sau nhiều lần bị nghi ngờ và hiểu lầm (phần do lý lịch xấu, phần do tính tình) Dương Quá phải di chuyển lên Toàn Chân giáo, rồi ở đây cũng không yên, cuối cùng được Tiểu Long Nữ thu nhận làm đệ tử phái Cổ Mộ. Cuộc đời của Dương Quá trải qua nhiều bể dâu chìm nổi, là nhân vật hiếm hoi của Kim Dung trải qua 3 giai đoạn cuộc đời trong 1 bộ truyện: thiếu niên, thanh niên và trung niên.

Tính cách[]

Dương Quá là một người thông minh, chí tính chí tình. Có cách hành xử cổ quái, nửa chính nửa tà. Không coi lễ giáo phong kiến ra gì khi công khai tuyên bố tình yêu của chàng với Tiểu Long Nữ - sư phụ của chàng. Ngoài ra chàng là một người có bản chất tốt đẹp, anh hùng sẵn sàng giúp người khác khi gặp khó khăn như đã rất nhiều lần cứu gia đình Quách Tĩnh, và có một thời gian dài đi hành hiệp cứu đời được nhân dân khắp nơi tôn sùng như thần thánh.

Điểm tính cách đặc biệt nhất của Dương Quá là chung tình. Tuy đi đến đâu là gieo tình đến đó, đâu đâu cũng có các cô nương yêu kiều theo đuổi nhưng chàng vẫn một mực chung tình với Tiểu Long Nữ. Đã cùng với Tiểu Long Nữ tạo nên một trong những mối tình đẹp nhất của thế giới võ hiệp.

Võ công[]

Võ công của Dương Quá khá hỗn tạp gồm Ngọc Nữ Tâm Kinh, Toàn Chân Kiếm Pháp, Cáp Mô Công, Nghịch Hành Kinh Mạch, Đả Cẩu Bổng Pháp, võ công trong Cửu Âm Chân Kinh, Đạn Chỉ Thần Thông, Ngọc Tiêu Kiếm Pháp tất cả đều đạt đến cảnh giới tối cao tiêu biểu khi cùng với Hoàng Dược Sư dùng Đạn Chỉ Thần Thông để cứu Quách Phù: "Hoàng Dung nghe tiếng rít trong không trung của ám khí, biết rằng thời nay trừ phép "Đạn chỉ thần thông" của phụ thân ra, không còn ai có nội lực nhường ấy" (Chương Quà mừng sinh nhật của tác phẩm).

Sau này nhờ Thần điêu Dương Quá biết được cách luyện công của tiền bối Độc Cô Cầu Bại từ đó võ công tăng tiến vô cùng và đạt đến cảnh giới rất cao. "Được Thần điêu dẫn ra bờ biển luyện công trong hải triều, mấy năm sau trừ nội công tuần tự nhi tiến, không còn gì để luyện thêm" (Chương Bài nan giải hạn của tác phẩm). Từ đó sáng tạo ra Hải triều chưởng (loại chưởng pháp không có bất kỳ chiêu thức nào), môn võ được Dương Quá sử dụng rất nhiều trong các trận đánh lớn và đều trên cơ Long tượng bàn nhược công của Kim Luân Pháp Vương hay Không minh quyền của Chu Bá Thông.

Trong 16 năm chờ đợi Tiểu Long Nữ Dương Quá đã sáng tạo ra môn võ công Ảm Nhiên Tiêu Hồn Chưởng, một trong những môn võ độc đáo nhất của thế giới võ hiệp. Chưa từng có bất kỳ đối thủ nào khiến Dương Quá phải sử dụng hết các chiêu của pho chưởng pháp này. Khi quyết đấu với Song thủ hỗ bác của Chu Bá Thông chỉ sử dụng 4 chiêu (Chương Bài nan giải hạn của tác phẩm) , khi chiến thắng Kim Luân Pháp Vương (Chương Đại chiến Tương Dương của tác phẩm) chỉ cần 5 chiêu và khi chiết chiêu áp đảo Lạc Anh Thần Kiếm Chưởng của Hoàng Dược Sư là khoảng 10 chiêu (Chương Ân oán ba đời của tác phẩm).

Nội công: Dương Quá được Nhất Đăng đại sư - Đoàn Trí Hưng đánh giá là người có nội công sung mãn và cương mãnh bậc nhất, đương thời không một ai có thể sánh được (Chương Bài nan giải hạn của tác phẩm). Ngay đến bản thân ông dẫu tu luyện võ công Phật môn từ bé, lại được truyền thụ Tiên Thiên Công và Phạn văn trong Cửu Âm Chân Kinh, nội công bản thân sánh ngang với Giác Viễn và Quách Tĩnh cũng phải tự nhận thời khỏe mạnh nhất cũng còn kém xa. Ngoài ra, Dương Quá là người duy nhất có thể đối chưởng với Long Tượng Bàn Nhược Công của Kim Luân Pháp Vương trong khi Nhất Đăng đại sư và Châu Bá Thông chỉ có thể né hoặc tránh đòn.

Ngoại công: Dương Quá tu luyện ngoại công dưới sóng hải triều, được miêu tả là "hiện thời chàng nội ngoại kiêm tu, đã đạt cảnh giới tấu nhập thần tòa" (Chương Bài nan giải hạn của tác phẩm). Chàng là một trong các nhân vật nam chính có tu luyện ngoại công (ở đây chỉ cách rèn luyện thân thể chứ không phải chiêu thức) cùng với Tiêu Phong có thần lực và Quách Tĩnh trời sinh khỏe mạnh.

Trong khi giao chiến Dương Quá có thể phối hợp các môn võ công một cách hài hòa và ứng biến rất nhanh nên trong các trận chiến hầu như chàng không gặp thất bại nào. Nếu không muốn nói, tại thời điểm đó trong thiên hạ chàng là bất bại, người duy nhất có thể cầm hòa với chàng chính là Chu Bá Thông.

Quan hệ[]

  • Là con của Dương Khang và Mục Niệm Từ
  • Gọi Quách Tĩnh và Hoàng Dung là bá phụ và bá mẫu.
  • Gọi Tiểu Long Nữ là sư phụ, tuy nhiên không màng đến những lễ giáo phong kiến nên đã yêu và kết tình phu thê với nàng.
  • Là nhân vật chính đào hoa bậc nhất khi quen biết và được rất nhiều cô gái phải lòng: Quách Phù, Quách Tương, Lục Vô Song, Trình Anh, Công Tôn Lục Ngạc, Hoàng Nhan Bình.
  • Được Đông Tà và Chu Bá Thông coi như huynh đệ vong niên, bái Tây Độc làm nghĩa phụ.
  • Trong giai đoạn 16 năm đi tìm Tiểu Long Nữ, đã trở thành ân nhân và chủ nhân của rất nhiều người.
  • Có rất nhiều kẻ thù, nhưng nổi bật là Kim Luân Pháp Vương

Từ khóa » Dương Quá Wiki